KINH THÁNH TIẾNG VIỆT HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?

KINH THÁNH TIẾNG VIỆT HÌNH THÀNH THẾ NÀO?

Cho đến nay, dù thích hay không thích, Kinh Thánh Kitô giáo vẫn là cuốn sách được nhiều người đọc nhất. Kinh Thánh chứa đựng tất cả những điều giúp cho con người của bất cứ thời đại nào tim cho mình một con đường ứng xử nhân bản thích hợp với đồng loại và Thiên Chúa. Kinh Thánh là công cụ truyền giáo không thể thiếu để giới thiệu nội dung giáo lý chân chính và sâu thẳm cho người muốn tin theo đạo và sống đạo.

Trước đây, Kinh Thánh chưa được phổ biến nhiều vì hai lý do chính:

Lời Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại không phải bất cứ ai cũng có thể giải thích Kinh Thánh chân chính với tấm lòng tôn kính và đủ tư cách. Do đó, theo quan niệm đương thời không nên phổ biến Kinh Thánh cho bất cứ ai và bất cứ ai cũng không nên tùy tiện diễn dịch Kinh Thánh.

Trong Giáo Hội Công Giáo cho đến nay, cộng đoàn tín hữu phải hiểu Kinh Thánh theo ý nghĩa được Giáo Hội chính thức diễn dịch hiểu biết. Đó là tôn kính Lời Chúa và sentire cum Ecclesia để bảo toàn đức tin tông truyền và chân truyền của Công Giáo.

Điều kiện kỹ thuật ấn hành không dễ dàng với tất cả mọi người, mọi thời đại. Khi kỹ thuật ấn hành tiến bộ ở Âu châu thì Kinh Thánh cũng dần dần được phổ biến đến nhiều người thuộc các cộng đồng tôn giáo và dân tộc hơn.

Nhưng điều này dẫn đến việc hiểu biết Kinh Thánh trở nên dị biệt và phức tạp hơn theo cảm nhận cá nhân hay tập thể nhân loại của những người đọc và tìm hiểu Kinh Thánh thuộc khuynh hướng tín ngưỡng khác nhau.

Khi mới đến Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XVII, muốn truyền giáo được hiệu quả theo tinh thần nhập thể, các linh mục tu sĩ dòng Tên thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, … đã dành nhiều thì giờ tìm hiểu văn minh văn hóa Việt Nam. Vì chữ Nôm khó học và mất nhiều thời gian, nhất là đối với người phương Tây, nên các nhà truyền giáo đã có sáng kiến xây dựng một phương pháp mới dùng mẫu tự La Tinh để ghi âm tiếng Việt Nam, về sau gọi thành chữ Quốc Ngữ phổ cập trong thời kỳ Việt Nam mở cửa tiếp xúc với Văn hóa phương Tây.

Chữ Quốc Ngữ Trong Từng Thời Đại Đã Qua

Thời Đại Chữ Vuông Khoa Đẩu

Việt Nam đã trải qua mấy thời kỳ có nhiều hình thức chữ quốc ngữ được hình thành khác nhau trong lịch sử lập quốc.Chữ quốc ngữ tiên khởi của chúng ta không có những tài liệu để lại cho đến ngày nay. Nhưng chắc chắn chữ đó có thể chung cho tiếng nói ban đầu của các bộ lạc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử, chia Trung Hoa làm Hoa Bắc với Hoa Nam. Hoa Nam gần gũi các dân tộc Đông Nam Á phân tán rải rắc trên đất liền châu Á hay ở nhiều hải đảo trên Nam Thái Bình Dương hơn.

Lần đầu có lẽ là chữ Hán thời Triệu Đà (207-111 Trước Công Nguyên). Có thể thứ chữ Hán này chung cho cả bộ phận chữ vuông có lẽ được dùng để viết những bộ cổ sử Việt Nam thời Việt Nam chịu kiếp đô hộ từ đời Hán Đường đến khi Việt Nam giành được quyền độc lập vào thời Ngô Quyền (905-939 Sau CN) ở khoảng đầu thế kỷ thứ mười Công Nguyên.

Ở nhiều thế kỷ sau, (968-1407) (1427-1771) [có nhiều nhà nghiên cứu nói từ thời Hàn Thuyên và nhiều tác giả khác đã sang tác chữ nôm và xúc tiến cả một nền văn học chữ nôm trong đời Trần], người Việt mới hình thành thứ chữ nôm, cơ bản là khối chữ vuông giống như chữ Hán. Thứ chữ này khác với chữ nho cũng xuất phát từ chữ Hán nhưng đã được giới trí thức chử Hán thêm hay bớt những bộ chữ và đọc khác đi so với cách phát âm nguyên thủy và chứa đựng một nội dung khác tùy theo triều đại cai trị từ Trung Hoa, như Hán nho, Đường Nho, Tống nho và Minh nho và Tân nho

Cả hai thứ chữ nho và chữ nôm đều những khối chữ vuông, có những nét độc đáo thể hiện tinh thần độc lập tự chủ về văn hóa và chính trị xã hội của giống Việt phía Nam làm thành nước Việt Nam ngày nay. Hệ thống chữ Hán, chữ Nho cũng như chữ Nôm thường chuyển tải văn hóa của nòi Việt dù trong chính lúc nó vẫn được sử dụng làm công cụ của giai cấp thống trị, nhất là nòi Việt bị Bắc Phương đô hộ trong đó có lần lượt có văn hóa nguyên thủy bản địa, văn hóa tam giáo cho đến khi có chữ quốc ngữ mới, xuất phát từ chữ quốc ngữ dựa trên nền tảng mẫu tự Latinh của phương Tây

Chữ quốc ngữ mới trong các giai đoạn hình thành (1591-1945), (1945-1975) không phải không gặp những khó khăn do những người có tinh thần bảo thủ và dị ứng với phương Tây, đặc biệt thời Văn Thân chủ trương “bình Tây sát Tả” . Họ cho rằng chữ quốc ngữ mới là công cụ của chủ nghĩa thực dân và làm gián đoạn quá trình thành lập văn hóa Việt Nam với nền tảng truyền thống dựa trên khối chữ vuông (1975-2007).

Thời Đại Chữ Quốc Ngữ Mới La Tinh Hóa

Ở giai đoạn phôi thai, nhiều nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã cộng tác với nhiều người Việt Nam và ngoại quốc khác, soạn thảo ra những tài liệu quí giá như cuốn Từ Vựng Việt Nam – Bồ-đào-nha do Linh Mục Gaspard de Amaral soạn thảo bằng chữ Quốc Ngữ. Linh Mục Antoine de Barbosa biên soạn tiếp cuốn Từ Vựng Bồ-đào-nha – Việt Nam. Dựa vào đó, về sau Linh Mục Alexandre de Rhodes (Alịchsơn Đắc Lộ) hệ thống lại và soạn ra bộ Từ Ðiển Việt Nam – Bồ-đào-nha – La Tinh.

Sách nầy được phát hành tại Rôma vào năm 1651. Linh Mục Alexandre de Rhodes cũng xuất bản một số sách vở khác bằng chữ Quốc Ngữ và ông được xem là cha đẻ của chữ Quốc Ngữ như chúng ta biết. Nhưng không ai phủ nhận công lao khai phá ban đầu của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha tiên khởi và sự cộng tác của nhiều người thuốc các quốc tịch khác nhau, kể cả người Việt Nam.

Tuy nhiên cũng không vì thế mà đề cao Linh Mục thừa sai Alịchsơn Đắc Lộ (người thuộc lãnh địa Avignon) phần nào dính dấp tới người Pháp, dù sau này người Pháp đã đi đến chế độ thuộc địa ở tại Việt Nam. Sau đó, chữ Quốc Ngữ đã thay thế chữ Nôm trở thành chữ viết chính thức của người Việt, vì sự tiện dụng và dễ hấp thụ của nó, hơn là chỉ do chế độ thực dân Pháp độc đoán quyết định cưỡng chế áp dụng, phục vụ cho quyền lợi của Phương Tây về chính trị, văn hóa xã hội.

Chữ Viết Việt Nam Chuyển Tải Kinh Thánh

Mặc dầu chữ Quốc Ngữ La Tinh Hóa được phát minh từ thế kỷ 17 với mục đích đầu tiên là phổ biến Tin Mừng, nhưng phải mất gần 250 năm sau, đến năm 1872, Giáo Hội Công Giáo mới phát hành những phần Kinh Thánh rời rạc đầu tiên bằng tiếng Việt.

Suốt gần 100 năm kế tiếp, các bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ của Giáo Hội Công Giáo chỉ mới phổ biến dè dặt phục vụ cho hàng giáo phẩm, chứ chưa phổ biến rộng rãi đến cộng đồng tín hữu, vì nhiều lý do.

Trong các nguyên nhân đó, phải kể đến trình độ nhận thức và học vấn của toàn thể cộng đồng dân Chúa, nhất là các tín đồ trong việc giải thích và hiểu biết ý nghĩa của Kinh Thánh hiệp thông với cách hiểu của toàn thể giáo hội. Lúc đầu, người ta sợ việc truyền bá Kinh Thánh có thể dễ bị hiểu sai lạc, do đó nên tiến hành phổ biến Kinh Thánh dần dần theo tầm mức nhận thức và trưởng thành về đạo lý và thực hành đời sống đạo.

Thực sự, mãi đến sau Cộng Ðồng Vatican II (1963-1965), cùng với tiến trinh trưởng thành của nhận thức hiểu và sống đạo, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mới thực hiện những nỗ lực đáng kể để phiên dịch và phổ biến Kinh Thánh bằng Việt Ngữ.

Trong Giáo Hội Tin Lành, trước khi Tin Lành được truyền bá vào Việt Nam, một số sách Tin Mừng đã được dịch ra tiếng Việt với mục đích chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Chỉ năm năm sau khi Tin Lành truyền đến Việt Nam (1911), vào năm 1916 các nhà lãnh đạo Tin Lành mới bắt đầu cho phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt. Công trình này kéo dài gần 10 năm và đến năm 1926, các tín hữu Tin Lành Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình.

Căn cứ vào những tài liệu từ Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Tin Lành, và tài liệu của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (The Bristish and Foreign BiBle Societies), tiền thân của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (United Bible Societies – UBS), quá trình phiên dịch và xuất bản Kinh Thánh Việt Ngữ có thể tóm thuật như sau.

Những Nỗ Lực Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Vào năm 1872, Giáo Hội Công Giáo xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về nghi thức phụng vụ, trong đó có phiên dịch một số sách Phúc Âm trong Kinh Thánh. Cuốn sách trên được phát hành tại Bangkok, Xiêm La vào năm 1872.

Năm 1913-1914, Giáo Hội Công Giáo đã xuất bản Thánh Kinh Cựu Ước. Bản dịch nầy được in song ngữ với bản La-tinh Vulgata. Ðến năm 1916, Giáo Hội Công Giáo phát hành Tân Ước và cũng in song ngữ, một bên là chữ Việt, một bên là chữ La Tinh theo bản Vulgata.

Bản dịch nầy do Linh Mục Albert Schlicklin thực hiện, dịch từ bản Kinh Thánh La Tinh Vulgata, là bản Kinh Thánh được Vatican chính thức công nhận.

Linh Mục Albert Schlicklin thường được các học giả cũng như Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam gọi là Cố Chính Linh. Bản dịch Kinh Thánh trên được các giáo sỉ thuộc Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) tại Hong Kong phát hành.

Năm 1925, Giáo Hội Công Giáo xuất bản cuốn Các Sách Phúc Âm, do Linh Mục Marcos Gispert – Forcadell thực hiện.

Năm 1932, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) cho phát hành Phúc Âm Mác và Phúc Âm Giăng bằng chữ Nôm. Hai Phúc Âm nầy được in tại Thượng Hải, Trung Hoa.

Năm 1961, một bản dịch Thánh Kinh Tân Ước toàn bộ khác được các tu sĩ Dòng Ða Minh xuất bản tại Sài Gòn.

Năm 1962, Thánh Tâm Biệt Thư tại Ðà Lạt đã xuất bản Ngũ Kinh Môi Se, Thi Thiên và Thánh Kinh Tân Ước do Linh Mục Gérard Gagnon thực hiện.

Năm 1963, Thánh Tâm Biệt Thư tại Ðà Lạt lại tiếp tục xuất bản những phần còn lại của Thánh Kinh Cựu Ước gồm những sách từ Giô Suê cho đến sách Gióp và các sách tiên tri từ Ê-sai cho đến Malachi. Những sách nầy cũng do Linh Mục Gérard Gagnon thực hiện.

Năm 1969, nhà xuất bản Ðức Mẹ tại Sài Gòn phát hành Thánh Kinh Tân Ước do Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn phiên dịch.

Năm 1970, Linh Mục Trần Hữu Thanh đã sửa chửa lại bản dịch của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn cho phổ cập lại với giọng văn hiện đại và xuất bản cuốn Thánh Kinh Tân Ước nầy để xử dụng trong Nha Tuyên Úy Công Giáo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1971, nhà xuất bản Ra Khơi tại Sài Gòn đã phát hành Kinh Thánh toàn bộ do Linh Mục Trần Ðức Huân thực hiện, với sự giúp đỡ của một Ủy Ban Phiên Dịch. Ủy ban nầy đặt dưới sự hướng dẩn và kiểm soát của Giám Mục Trương Cao Ðại trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Năm 1976, toàn bộ Kinh Thánh do Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn DCCT thực hiện đã được phổ biến tại Sài Gòn. Phần Tân Ước trong bản dịch này được phiên dịch từ nguyên văn Hy Lạp. Tuy nhiên, do tình hình chính trị tại Việt Nam không thuận lợi cho việc xuất bản Kinh Thánh ngay sau 30/4/1975 do một nhóm người có tư tưởng cấp tiến do Nguyễn Nghị, cựu linh mục DCCT đứng đầu, cho xuất bản. Người viết bài này là một trong những người đọc mua được cuốn này với giá 45 đồng tiền mới.

Mãi đến năm 1980, các Linh Mục Dòng Chúa Cùu Thế tại La Verne, California đã cho xuất bản toàn bộ bản dịch Kinh Thánh của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn tại California.

Cũng vào đầu thập niên 1980, Giáo Hội Công Giáo phát hành bản dịch Kinh Thánh Tân Ước do Hồng Y Trịnh Văn Căn thực hiện, tại Hà Nội, in trên giấy báo khổ lớn, sau được in lại trên giấy Bible. Bản dịch này được Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam tái bản lần thứ nhất vào năm 1985 tại Orange County, CA. Bản dịch này được soạn dịch với lời lẽ bình dân giản dị, đáp ứng cho nhu cầu mục vụ đương thời ở miền Bắc và thiện chí hơn là chuyên môn.

Tiếp theo có lẽ là công trình của LM An Sơn Vị [tên Việt Nam của LM Anselme Vị thuộc dòng OSB (Ordo Sancti Benedicti)] dòng Đức Mẹ Người Nghèo. Bản dịch này hoàn thành năm 1984 nhưng được ấn hành xong năm khoảng năm 1994 tại Sảigòn

Bản “Tin Mừng của Thiên Chúa Cha” của Cha An-sơn Vị, năm 1977. Bản dịch Kinh Thánh của linh mục Vị là một công trình cá nhân. Linh mục Vị không được đào tạo chuyên môn về Kinh thánh, nhưng có một vài trực giác hay, có thiện chí và chịu khó nghiên cứu.

Rất tiếc, khi vận dụng các trực giác ấy quá mức thì câu tiếng Việt nhiều khi trở thành ngộ nghĩnhc đối với nhiều người. Phần dẫn nhập và chú thích của bản này thì lấy từ bản TOB [Nouveau Testament – Traduction oecuménique de la Bible] và Bible de Jerusalem[1]. Tổng hợp lại: đây là một công trình thiện chí hơn là khoa học.

Bản Tân Ước của Linh mục Trần Văn Kiệm được xuất bản tại Hoa kỳ năm 1994. Bản dịch này phần lớn dựa theo một bản tiếng Trung hoa. Dĩ nhiên bản tiếng Trung hoa được dịch từ nguyên bản, và dịch giả đã tham khảo những bản dịch của các ngôn ngữ khác như bản New Jerusalem Bible và bản New American Bible[2] của Anh ngữ.

Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thành hình từ năm 1971. Một số linh mục và tu sĩ, nhằm mục tiêu ban đầu là phiên dịch cuốn sách nguyện được canh tân theo sắc lệnh của Công Ðồng Vaticanô II.

Các thành viên của Nhóm dần dần gồm có:

Trần Phúc Nhân, Trần Ngọc Thao, Nguyễn Công Ðoan, Nguyễn Thị Sang, Thiện Cẩm, Hoàng Ðắc Ánh, Trịnh Văn Thậm, Nguyễn Cao Luật, Nguyễn Cao Siêu, Trần Hòa Hưng, Phạm Xuân Hưng, Hoàng Kim (đã chết), Ðỗ Xuân Quế, Nguyễn Hữu Phú, Xuân Ly Băng, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Ngọc Rao, Nguyễn Tất Trung, Nguyễn Ðạt Tam, Hoàng Ngọc Lễ, L ê Thị Thanh Nga, Nguyễn Tiến Dũng và cuối cùng là Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh[3] hiện làm đại diện chung cho Nhóm

Còn riêng phụ trương 3 về những chủ đề lớn trong Kinh Thánh thì là bản dịch của Nguyễn Ngọc Rao, Nguyễn Cao Siêu, Nguyễn Thịnh Phước, Ðinh Huỳnh Hoa, Nguyễn Cao Luật, Nguyễn Ðạt Tam, Hoàng Ngọc Lễ, Nguyễn Phước.

Ngoài ra còn có các anh chị thư ký và sắp chữ. Một số trong số trên, vì lý do này hay lý do khác, không còn sinh hoạt với Nhóm nữa. Vào đầu năm 1994, ngoài một cảm tình viên và hai người đang thực tập, Nhóm gồm 14 thành viên chính thức. Trong số này có 1 giáo dân, 1 Nữ tu ( Dòng Ðức Bà; các thành viên còn lại đều là nam Tu sĩ, đa số là Linh Mục , 4 thuộc dòng Ða Minh, 2 Dòng Chúa Cứu Thế, 2 Dòng Tên, 1 Dòng Thánh Thể, 1 Dòng Phanxicô, 1 tu hội Xuân Bích và 1 tu hội Jesus Caritas.

Vì phải đảm nhiệm một số công việc trong các cộng đoàn tu của mình nên anh chị em làm việc chung với nhau từ 2 đến 5 ngày mỗi tuần. Về phương diện chuyên môn, hiện tại Nhóm có 9 chuyên viên Kinh Thánh, trong số này 4 người được đào tạo tại chỗ; những người còn lại làm việc trong các lãnh vực khác như phụng vụ, thánh nhạc, huấn giáo hoặc văn chương. Tất cả đều có ít nhiều kinh nghiệm mục vụ. Tại học viện liên dòng vừa mới thành lập, 4 người trong Nhóm được mời dạy Kinh Thánh, 1 người dạy Phụng Vụ, và 1 người dạy Thần Học Bí Tích.

Trong suốt thời gian từ 1977 đến 1991, song song với việc hoàn chỉnh bản dịch CGKPV, chỉ riêng các Thánh Vịnh đã sửa đi sửa lại tới bốn lần, anh chị em đã tra tay vào việc phiên dịch Tân Ước. Ðến cuối năm 1986 đã có bản quay rô-nê-ô đầu tiên. Từ năm 1987, theo gợi ý của Ðức TGM Nguyễn Văn Bình, anh chị em đã tra tay vào công việc dẫn nhập và chú thích bản Tân Ước.

Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm ở giai đoạn đầu nên công việc này đã kéo dài trong nhiều năm. Mãi đến tháng 6 năm 1993 bản văn mới đã sẵn sàng. Theo lời thỉnh cầu của Nhóm, toà Tổng Giám Mục đã đứng ra xin phép, và trung tuần tháng 11 cùng năm đã nhận được giấy phép xuất bản 30 000 cuốn, và cuốn sách phát hành vào ngày 13 tháng 8 năm 1994. Tính ra thì mất thời gian 17 năm để hoàn thành cuốn Tân Ước.

Tuy không cố tình lựa chọn, nhưng Nhóm đã bắt đầu phiên dịch có lẽ phần khó nhất của Sách Thánh, đó là các Thánh Vịnh. Ngay từ đầu, anh chị em đã sớm nhận ra rằng một cá nhân sẽ không sao kham nổi một công việc vừa khó khăn, vừa phức tạp như thế.

Bản văn được phiên dịch luôn do một anh chị em chuyên viên Kinh Thánh chuẩn bị trước. Bản thảo làm xong được đưa ra trao đổi trong Nhóm. Cuộc thảo luận dựa trên bản gốc, nhưng đồng thời anh chị em cũng đối chiếu với các bản dịch hiện có như Hy Lạp, La Tinh, Pháp, Anh, Ðức, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa và dĩ nhiên Việt Nam. Chỉ riêng các bản dịch bàng Pháp văn, Nhóm đã tham khảo tới 10 bản dịch khác nhau.

Trong khi cuốn Tân Ước lên khuôn thì bản dịch Cựu Ước cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên còn phải mất một thời gian nữa để hoàn chỉnh bản dịch, đồng thời soạn thảo các dẫn nhận và chú thích. Tập đầu tiên của Cựu Ước là các sách Ngôn Sứ. Và sách này hoàn thành và cho in vào năm 1995. Và ước mong của anh chị em trong nhóm với đà này thì toàn bộ Kinh Thánh với dẫn nhập và chú thích sẽ hoàn tất trước cuối thế kỷ. Nhưng đến năm 1998 thì coi như hoàn tất.

Bản dịch của nhóm “Các Giờ Kinh Phụng vụ”, năm 1994. Đây là một công trình tập thể, được đào tạo chuyên môn tương đối phấn nào đầu tiên trong lãnh vực phiên dịch Kinh Thánh tại Việt nam. Ban làm việc gồm: một số chuyên viên Kinh thánh tốt nghiệp Thánh kinh Học viện (Rôma) và Ecole Biblique (Giêrusalem) hoặc tại Việt nam, một số chuyên viên về phụng vụ (học tại Pháp), và một số tốt nghiệp các trường thần học (Rôma).

Phần chú thích được soạn để đáp ứng nhu cầu của các độc giả Việt nam, chưa có sách chú giải để tham khảo. Trong các bản dịch tiếng Việt, đây là bản dịch tương đối có thể chính xác nhất hiện nay. Ưu điểm khác có thể thấy là đây là một nỗ lực tập thể qui tụ nhiều người thuộc các lãnh vực khác nhau có liên hệ đến Kinh Thánh. Tiếc một điều là nỗ lực này cho đến nay có phần nào chưa ổn thỏa với tổ chức chính thống trong Giáo Hội về mọi phương diện. Hy vọng phần Cựu Ước sẽ được xuất bản trong một ngày gần đây.

Trụ sở hiện nay của Nhóm là ở số 60A, đường Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn 1, do Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh làm đại diện trông coi và điều hành.

Công Cuộc Phiên Dịch Trong Giáo Hội Tin Lành Việt Nam

Về phía Giáo Hội Tin Lành, vào năm 1890, M. Bonnet[4], Giáo Sư của trường Ngôn Ngữ Ðông Phương tại Paris (L’École đes Langues Orientales de Paris), đã phiên dịch Phúc Âm Luca sang tiếng Việt. Khi dịch Phúc Âm Luca, Giáo sư Bonnet đã dùng bản Kinh Thánh Pháp văn của Ostervald để dịch.

Sau khi dịch xong, Phúc Âm Luca đã được Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British & Foreign Bible Society – BFBS, Paris) xuất bản tại Paris. Năm 1898, Phúc Âm Luca tái bản lần đầu tiên.

Năm 1899, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) cho xuất bản Phúc Âm Mác tại Singapore.

Năm 1900, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) xuất bản Phúc Âm Giăng và đến năm 1903 lại xuất bản sách Công Vụ Các Sứ Ðồ tại Paris.

Hai bản dịch nầy do Walter James, nhân viên của Thánh Kinh Hội Anh Quốc, thực hiện.

Năm 1913, Giáo Sĩ P.M. Hosler thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CM&A) đã dịch lại Phúc Âm Mác. Bản dịch nầy được xuất bản năm 1913 tại Ngô Châu (Wuchow), thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa.

Năm 1917, Thánh Kinh Hội đã xuất bản Phúc Âm Mác [5] tại Hà Nội. Có lẽ đây là phần Kinh Thánh đầu tiên của Giáo Hội Tin lành in tại Việt Nam.

Năm 1918, Thánh Kinh Hội xuất bản Phúc Âm Giăng và Sách Công Vụ tại Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 1919, lại tiếp tục xuất bản Phúc Âm Mathiơ. Ðến năm 1922, xuất bản sách Sáng thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Luca; tái bản Phúc Âm Mathiơ; đồng thời xuất bản lại ba sách Phúc Âm Mác, Phúc Âm Giăng và Công Vụ đã được sửa chữa.

Năm 1923, Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản Kinh Thánh Tân Ước tại Hà Nội. Toàn bộ Kinh Thánh được thực hiện xong vào năm 1925 và xuất bản vào năm 1926 tại Thượng Hải, Trung Hoa.

Bản dịch này do một nhóm học giả gồm có các nhà phiên dịch: nhà văn Phan Khôi, ông bà Giáo Sĩ William C. Cadman, Giáo Sĩ John D. Olsen thực hiện với sự giúp đỡ của một số thành viên khác trong đó có: cụ Trần Văn Dõng, sinh viên trường Cao Ðẳng Ðông Dương, cụ Tú Phúc và vài học giả khác. Tuy nhiên người phiên dịch chính vẫn là ông Phan Khôi[6].

Trong suốt ba phần tư thế kỷ hai mươi và hiện nay, bản Kinh Thánh nầy được tục bản nhiều lần tại Anh Quốc, Hong Kong, Hoa Kỳ, Ðức, Ðại Hàn và Việt Nam. Ðây là bản Kinh Thánh Việt Ngữ của Giới Tin Lành được ấn hành và xử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Mặc dù chúng ta không có số liệu thống kê chính thức nhưng ước tính mỗi lần tái bản Kinh Thánh từ 5.000 – 10.000 cuốn; trong suốt ba phần tư thế kỷ qua, số Kinh Thánh phát hành đã được vài trăm ngàn cuốn. Có lẽ đây là cuốn sách Việt Ngữ Tin Lành được phát hành nhiều nhất từ trước đến nay .

Năm 1951, Thánh Kinh Hội Anh Quốc (BFBS) tại Hong Kong đã cho xuất bản sách Giăng và sách Công Vụ. Bản dịch mới nầy do cụ Mục Sư Ông Văn Huyên, Giáo Sỉ John D. Olsen, Mục sư Nguyễn Văn Vạn và Mục Sư Phan Ðình Liệu thực hiện.

Năm 1952, Thánh Kinh Tân Ước Nhuận Chánh được dịch xong. Ban Chấp Hành Trung Ương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chấp nhận và cho phép ấn hành.

Năm 1954 Thánh Kinh Hội Anh Quốc cho phát hành bản dịch Tân Ước Nhuận Chánh nêu trên tại Sài Gòn. Sau đó, bản dịch nầy được tái bản và tục bản nhiều lần vào những năm 1957, 1960, 1968. Bản dịch Tân Ước nầy được các học giả gọi là Bản Dịch Việt Văn 1952.

Năm 1969, Thánh Kinh Hội Việt Nam cho ấn hành các sách Công Vụ, Phi-lê-môn, Gia-cơ, I & II Phi-e-rơ tại Sài Gòn. Ðây là một phần trong một đề án phiên dịch mới gọi là Bản Dịch Phổ Thông của Thánh Kinh Hội Việt Nam.

Năm 1970, Thi Sĩ Nguyễn Xuân Hồng đã dịch Phúc Âm Mác, được in với nhan đề Vào Ðời. Bản dịch mới nầy được phòng sách Tin Lành Sài Gòn xuất bản. Công tác phiên dịch và xuất bản đã được thực hiện dưới sự hổ trợ của Living Bible International (LBI).

Năm 1973 Thánh Kinh Hội Việt Nam lại cho xuất bản tiếp các sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, cùng với sách Công Vụ đã được hiệu đính.

Theo tài liệu của Thánh Kinh Hội Quốc Tế Liên Hiệp (UBS), những sách vừa phát hành nêu trên cùng những sách đã được Thánh Kinh Hội Việt Nam phát hành vào năm 1969 là những sách đã được dịch xong của một bản dịch mới gọi là Bản Phổ Thông (Common Language Version) do các dịch giả gồm: Mục Sư Lê Hoàng Phu[7], Mục Sư Lê Vĩnh Thạch, Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng, ông Nguyễn Văn Nha cùng một số các vị khác thực hiện. Tuy nhiên, bản này chỉ in rời rạc mà không hoàn tất.

Khi thực hiện việc nghiên cứu về Hội Thánh Tin lành Việt Nam trong thời gian 1966-1967, người viết còn biết có những phần Kinh Thánh dược Hội Bible Pocket Union phát hành cho nhiều giới nhất là trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa II, cụ thể tại Tổng Y Viện Cộng Hòa tại Gò Vấp, Việt Nam

Năm 1975, World Home Bible League tại South Holland, Illinois phát hành một bản dịch sách Phúc Âm Mác mới.

Năm 1982, Hội Living Bible International tại Hong Kong đã phát hành Thánh Kinh Tân Ước do Mục Sư Tiến Sĩ Lê Hoàng Phu thực hiện. Bản dịch mới này thường được đọc giả biết đến dưới tên Thánh Kinh Tân Ước Diễn Ý.

Vào năm 1987, Vietnamese Bible Inc. được thành lập tại Midland, Texas, với mục đích thực hiện một bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ trung thực, hiện đại, truyền đạt được chân lý của Chúa.

Lúc đầu, Vietnamese Bible Inc. do các Mục Sư Baptist Việt Nam khởi xướng, nhưng sau đó dự án đã mở rộng và mời các Mục Sư thuộc các giáo phái Tin Lành khác nhau cùng cộng tác.

Thành phần của Ủy Ban Phiên Dịch gồm có các Mục Sư Lê Hoàng Phu, Võ Ngọc Thiên Ân, Trần Ðào, Nguyễn Hữu Cương, Mai Hữu Phước, Nguyễn Minh Thắng, Nguyễn Xuân Hà và bà Phạm Xuân.

Năm 1991, Vietnamese Bible Inc. tại Midland, TX. đã phát hành thử nghiệm một bản dịch bốn sách Phúc Âm. Bản thảo Tân Ước cũng đã thực hiện xong, hiện nay đang được hiệu đính. Toàn bộ Tân Ước dự tính sẽ in trong tháng 2/1996.

Hiện nay, đề án dịch toàn bộ Kinh Thánh của Vietnamese Bible Inc. vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Năm 1994, toàn bộ Thánh Kinh do Mục Sư Lê Hoàng Phu và ba dịch giả phiên dịch đã được Thánh Kinh Hội Quốc Tế (International Bible Soceity – IBS) và Văn Phẩm Nguồn Sống phát hành vào tháng 6/1994 tại Anaheim, California.

Năm 1995, toàn bộ Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành đã được tái bản tại Ðà nẵng (Việt Nam). Bộ Kinh Thánh tái bản lần này là bản Kinh Thánh 1926. Việc tái bản này do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam thực hiện với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS). Ðây là bản Kinh Thánh đầu tiên của Giáo Hội Tin Lành Việt Nam được phép in và phát hành dưới chế độ cộng sản Việt Nam.

Năm 1996, Phúc Âm Giăng do Mục Sư Ðặng Ngọc Báu dịch từ nguyên văn Hy Lạp đã xuất bản tại San Diego, CA. Bản dịch mới này được dùng làm tài liệu chứng đạo cho thân hữu.

Hiện nay, ngoài dự án phiên dịch Kinh Thánh sang Việt Ngữ của Vietnamese Bible Inc., một vài Mục Sư Việt Nam cũng đang thực hiện một đề án khác để phiên dịch một bản Kinh Thánh mới theo nguyên tắc bản dịch New International Version (NIV) trong Anh Ngữ.

Kế Hoạch Nỗ Lực Phối Hợp Công Giáo Tin Lành Việt Nam

Năm 1994, Tòa Tổng Giám Mục tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã xuất bản 30.000 Thánh Kinh Tân Ước. Công trình này được thực hiện bởi Linh Mục Hoàng Ðắc Ánh và Linh Mục Trần Phúc Nhân. Việc xuất bản Kinh Thánh do cơ quan Thánh Kinh Hội Quốc Tế (IBS) bảo trợ.

Vào năm 1973, Thánh Kinh Hội Quốc Tế đã tổ chức một khóa huấn luyện cho các nhân viên phiên dịch Kinh Thánh tại Ðà Lạt. Ðại diện của Công Giáo và các giáo phái Tin Lành đã đến tham dự.

Các đại biểu đã bàn thảo về một đề án phiên dịch Kinh Thánh dựa theo khuôn mẫu bản dịch Jerusalem là bản dịch mà cả hai giáo hội Công Giáo và Tin Lành cùng phối hợp thực hiện.

Năm 1974, Mục Sư Nguyễn Thỉ và Mục Sư Trần Ðào đại diện cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam bàn thảo với quí Linh Mục Hoàng Ðắc Ánh và Linh Mục Trần Phúc Nhân về những đường lối và nguyên tắc thực hiện.

Rất tiếc, biến cố 30/4/1975 xảy ra, các Mục Sư Nguyễn Thỉ và Trần Ðào ra đi, hai Linh Mục Công Giáo ở lại tiếp tục dự án phiên dịch Kinh Thánh. Năm 1985 Thánh Kinh Tân Ước được dịch xong và đã được Tòa Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành vào năm 1994 với sự hổ trợ của Thánh Kinh Hội Liên Hiệp (UBS)

Triển Vọng Tương Lai

Theo một thống kê mới đây, trong số gần 6.000 ngôn ngữ hiện đang được xử dụng trên thế giới, tiếng Việt là một trong 20 ngôn ngữ được dùng phổ thông nhất.

Tính đến nay, dân số Việt Nam là 86 triệu 701.556 người (website HĐGMVN 2007). Ngoài ra còn có khoảng hơn ba triệu người Việt tại hải ngoại. Như vậy, đã có khoảng gần 90 triệu người xử dụng tiếng Việt. Trong tương lai, số người xử dụng Việt Ngữ tiếp tục tăng nhanh, do đó nhu cầu cần có một bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ chuẩn xác, trong sáng, lưu loát là một vấn đề quan trọng mà toàn thể Giáo Hội Việt Nam cần phải lưu tâm.

Đối với Giáo Hội Công Giáo, dù chúng tôi không đủ tư cách chuyên môn dể thẩm định, nhưng cách địch thuật Kinh Thánh Công giáo đã không đi ra ngoài các xu hướng dịch thuật chung là dịch sát từng từ, dịch sát để lột tả ý nghĩa căn bản chính xác, dịch thoáng để hiểu nghĩa theo phụng vụ.

Có thể cuốn Kinh Thánh được Linh mục Nguyễn Thế Thuấn d ịch thuật tiêu biểu cho lối dịch sát từng nghĩa chữ, trong khi cuốn Kinh Thánh của Linh mục Trần Đức Huân, của Hồng Y Tổng Giám Mục Trịnh Văn Căn, của Linh Mục An Sơn Vị có xu hướng đi theo ý nghĩa phụng vụ hơn là khoa học.

Bản dịch có thể biểu thị một nỗ lực tập thể và phối hợp các khuynh hướng dịch thuật sát nghĩa chữ theo khoa học và phụng vụ nói trên là bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ

Hiện nay, trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam[8], Kinh Thánh trên thế giới thường được dịch theo ba xu hướng chính.

Xu hướng thứ nhất là dịch từng chữ một (word-for-word). Nguyên tắc căn bản của phương pháp này là dịch giả phải tìm từ ngữ – đồng nghĩa với từ ngữ trong nguyên bản. Cấu trúc mệnh đề và văn mạch và cách nói cũng phải theo sát nguyên bản.

Nhược điểm của phương pháp này là dịch giả phải dịch sát nghĩa của từ ngữ trong nguyên bản, nên cách hành văn trong bản dịch thường không đơn giản dễ hiểu.

Ưu điểm của nó là diễn đạt gần trọn ý nghĩa của nguyên bản. Trong các bản dịch sang Anh Ngữ, tiêu biểu cho phương pháp này là bản dịch King James (KJV), bản dịch Việt Ngữ theo phương pháp này là bản dịch 1952.

Xu hướng thứ hai: các dịch giả dùng những từ ngữ và thành ngữ phổ thông để diễn đạt lưu loát và dễ hiểu ý chính của nguyên tác.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là độc giả khi đọc bản dịch, họ có thể dễ dàng lãnh hội được nội dung bản văn.

Tuy nhiên, khuyết điểm của nó là bản dịch nhiều khi không lột tả được hết ý nghĩa khác trong nguyên bản. Trong các bản dịch Anh Ngữ, bản dịch The Living Bible (LBV).tiêu biểu cho khuynh hướng này.

Xu hướng thứ ba chú trọng thể hiện ưu điểm của hai phương pháp trên. Theo đó, các học giả vừa tìm cách dịch uyển chuyển nhưng cố gắng sao cho từ ngữ trong bản dịch phải vừa bình dân, vừa chính xác, trung thực với nguyên bản, đồng thời cách hành văn phải lưu loát, thích thời, dễ đọc, dễ hiểu. Bản dịch Kinh Thánh New International Version (NIV) tiêu biểu cho khuynh hướng này. Về tiếng Việt, hiện nay chưa có bản dịch Kinh Thánh nào thực hiện đưọc phương pháp này.

Mặc dầu có ba xu hướng dịch thuật chính nêu trên, nhưng trên thực tế khi tiến hành dịch thuật Kinh Thánh, tùy theo từng ngữ cảnh khác nhau, các dịch giả có khi uyển chuyển dùng hai hoặc thậm chí cả ba phương pháp cùng một lúc.

Thử Đi Đến Một Nỗ Lực Tổng Hợp

1. Nhìn về triển vọng tương lai, muốn góp phần mở mang việc truyền bá Tin Mừng, Cộng Ðoàn Dân Chúa Việt Nam nên thực hiện những dự án sau:

Xây dựng một Ủy Ban Dịch Thuật Kinh Thánh thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam qui tụ các chuyên gia Kinh Thánh thuộc nhiểu dòng tu hay giáo phận do sự điều hành chỉ đạo tích cực, yểm trợ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hợp nhất với H ĐGMVN. Thành phần chủ đạo có thể là những nam nữ tu sĩ linh mục đã từng tình nguyện hoạt động trong các tổ chức hay trong Nhóm Các Giờ Kinh Phung Vụ

Tham khảo rộng rãi và uyên bác các ngữ cảnh ngôn ngữ nguyên thủy các phần khác nhau của Kinh Thánh Cựu hay Tân Ước được nhiều tác giả viết ra bằng những ngôn ngữ khác nhau.

Ủy Ban Dịch Thuật Kinh Thánh này nên tìm kiếm sự cộng tác tích cực và chân thành với chuyên gia Kinh Thánh của các giáo phái Tin Lành Việt Nam và Quốc Tế trong tinh thần Đại Kết Kitô giáo.

Tham chiếu, so sánh các bản dịch khác nhau trước của Công Giáo hay Tin Lành.

Thực hiện một bản dịch mới hoàn chỉnh thống nhất tương tự bản dịch NIV và New Bible of Jerusalem trong Anh Ngữ.

Tích cực thể hiện tinh thần Đại Kết Kitô giáo trong việc dịch thuật cộng tác với các giáo hội Tin Lành

Phối hợp với Thánh Kinh Hội Quốc Tế đưa toàn bộ những bản dịch Việt Ngữ đã có, cùng với một số bản Anh Ngữ phổ thông, các bản cổ văn bằng Hebrew và Greek, Thánh Kinh Tự Ðiển, Giáo Luật Kinh Điển và các văn kiện việc Dẫn Giải Kinh Thánh của phong trào Đại Kết vào Compact Disk (CD).

2. Công trình này sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực và lâu dài trong việc phổ biến và nghiên cứu lời Chúa trong tương lai. Hiện nay số sinh viên đã tốt nghiệp Computer Engineer hoặc Computer Science trong Giáo Hội Việt Nam, cả Công Giáo lẫn Tin Lành, tại Hoa Kỳ lên đến hàng trăm người.

Nếu Giáo Hội có dự án cụ thể và kêu gọi những anh chị em này đóng góp khả năng thì công trình này có thể thực hiện được.

Cần có một website riêng biệt chuyên phổ biến Thánh Kinh tiếng Việt trên Internet cho người Việt khắp thế giới.

Mở những khóa huấn luyện Kinh Thánh Căn Bản và Sơ Cấp cho các tín hữu. Phát triển những khóa học Kinh Thánh t ương tự như một số giáo phái Tin Lành Ngắn hạn, Mùa Hè hay sơ cấp, trung và cao cấp cho các thế hệ, đoàn thể, giáo xứ tại nhiều giáo phận địa phương khác nhau.

Nâng cao chất lượng đào tạo người các chức việc phục vụ cộng đoàn giáo xứ trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ qua khóa hay lớp học theo các chương trình trung cấp, đại học và cao học.

Ðào tạo những học giả Kinh Thánh, những nhà Thần Học ở hàng ngũ tín hữu thông thường cho Giáo Hội Việt Nam. Cầu nguyện và yểm trợ cho chương trình để Giáo Hội Việt Nam sớm có những tín hữu tốt nghiệp văn bằng Ph.D. hay Tiến Sĩ hay có văn bằng chuyên môn tương đương về Thần Học và Kinh Thánh.

Soạn thảo và phiên dịch thêm những văn kiện giải nghĩa Kinh Thánh sang tiếng Việt.

Tham khảo những nghiên cứu Kinh Thánh của các nhà chuyên môn nghiên cứu đi trước.

Thiết lập những dự án cụ thể, khả thi, cần thiết nhằm tận dụng những phương tiện sách báo, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, kịch nghệ, … để phổ biến lời Chúa cho dân tộc Việt Nam, như CD Thánh Kinh Vietnamese Bible của Vietcatholic

Hổ trợ cho các dự án phiên dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hiện nay trong Giáo Hội Việt Nam, cả Công Giáo và Tin Lành, nơi các bộ tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Trường Sơn miền Trung, miền Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam

Ngày nay hằng triệu người Việt không biết lời Chúa. Nối tiếp các thế hệ phục vụ công việc truyền giáo tiền phong, ước mong mỗi chúng ta hãy đóng góp hết sức mình để lời Chúa sớm được rao truyền rộng khắp cho mọi đối tượng trên quê hương Việt Nam, cũng như tại các cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới.

Một Số Tài Liệu Tham Khảo

– Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện. NXB TpHCM, Công Ty In Đà Nẵng, in trên giấy Bible mỏng, Bìa giả da cứng, xong tháng 5/2002, giá 50.000$VN, 1710 trang, khổ 14.5x21cm.

– Phước Nguyên: Báo Linh Lực (1/1996)

http://thanhkinhthanhoc.net/_tailieu/truongthanhoc.html

– Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước

Theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

– Dòng Chúa Cứu Thế Thời Cha Cao Đình Trị (1993-2001)

http://www.cuuthe.com/dong/tk16cdtri.html

– Kinh Thánh Tiếng Việt. Vietnamese Bible

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vietbibl.htm

– Các bản dịch Kinh Thánh. Trích sách “Responses to 101 Questions” của R.E. Brown câu 1-2.

-http://www.donghanh.org/cgi—bin/suyniem/vprint?font=unicode&file=/home/donghanh/public_html/suyniem/bible/version.html

– An Sơn Vị Chú Giải Tân Ước Theo TOB. Bản dịch của Linh Mục này.

– http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/tob/tob.htm

– Hoạt động tông đồ bằng ngòi bút và các công tác chuyên môn

– http://www.cuuthe.com/dong/mv08ngoibut.html

– http://www.catruong.com/phungvu/pv_nhom_CGKPV.htm

– http://www.catruong.com/phungvu/pv_nhom_CGKPV.htm

– Ngọc Loan Phục Vụ Lời Chúa –Phỏng Vấn Linh Mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thường trực ban điều hành nhóm CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ.

– Đỗ Hữu Nghiêm: Phương Pháp Truyền Giáo Của Đạo Tin Lành Tại Việt Nam. Sài Gòn, 1968, 319t, 27x32cm

– Vietcatholic: CD Thánh Kinh Vietnamese Bible. P.O. Box 6253, Santa Ana, CA 92706. Tel: 714-596-9143 hay 909-447-4110. Email: sudiep@vietcatholic.net. Copyright by VietCatholic 2003

(Nguồn dũng lạc)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *