LỄ CUNG HIẾN TÁC PHẨM NGHỊ ƯỚC THƯ

Vào lúc 09g30p ngày 12 tháng 12 năm 2012, tại Nhà Nguyện Văn Thánh Bắc đã diễn ra Lễ Cung Hiến – Phát Hành tác phẩm văn chương Cơ đốc vĩ đại Nghị Ước Thư – Những Tuyên Tín Của Phong Trào cải Chánh Lutheran 16AD, do Hội Thánh Lutheran Việt Nam [LCV] tổ chức.

 

Nhận lời mời của Hội Thánh Lutheran Việt Nam đến dự có Ban Chấp Hành Thông Công Tin Lành Việt Nam (F1) chủ tịch mục sư Phạm Đình Nhẫn, phó chủ tịch mục sư Hồ Tấn Khoa, thư ký mục sư Nguyễn Hữu Hiếu  và  Liên Hữu Tin Lành Việt Nam (F2) do mục sư Nguyễn Học Hiền chủ tịch Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam tham dự. Cùng có mục sư Phương Văn Tân, mục sư Võ Xuân Loan, mục sư bác sĩ Lê Kim Nghĩa Bảo Hạnh, mục sư Nguyễn Minh Thành, Thầy Lê Đình Tuấn… cùng các nhà nghiên cứu Tôn Giáo và đại diện của nhiều hệ phái Tin lành, Công Giáo v.v…tham dự và chứng kiến Lễ Cung Hiến Nghị Ước Thư. Đặc biệt có sự tham gia của mục sư J.P.Cima – giám đốc LCMS – WM tại Hà Nội.

Hội trưởng Nguyễn Văn Kiêm giới thiệu về Nghị Ước Thư

Lễ thờ phượng Thiên Chúa và Nghi thức cung hiến được Ban Chấp Hành Tổng Hội Lutheran Việt Nam cử hành theo đúng nguyên bản của Hội Thánh Lutheran – Missouri Synod [LCMS] một cách tôn nghiêm, đơn sơ mà hoành tráng. Các bài hát Nền Hội Thánh, Bức Thành Kiên Cố, Trong Trái Tim Chúa và Hãy Thắp Sáng Lên đã khiến cho mọi thành viên tham dự hiệp một với nhau trong Chúa Giê-xu Ki-tô “phá đổ bức tường ngăn cách” hệ phái và rào cản khác biệt tín lý.

 

Mọi người được quay về với cuộc cải chánh Giáo hội vào đầu thế kỷ 16 qua phần thuyết trình Lịch sử – Ý nghĩa và Nội dung NGHỊ ƯỚC THƯ.  Ủy Viên báo chí & truyền thông Thầy Nguyễn Tấn Tráng đã cô đọng trong 20 phút với những ngôn từ xúc tích, rõ ràng và đầy đủ ý nghĩa. Trung tâm của Lễ Cung Hiến do mục sư J.P.Cima đặt tay trên sách để thánh hóa và dâng lên Thiên Chúa. Sau cùng là lời cám ơn của Hội Trưởng Hội Thánh Lutheran Việt Nam Nguyễn Văn Kiêm. Ông đã gởi lời cảm ơn đến tất cả các mục sư, giáo sư cùng hết thảy con cái Chúa xa gần đã cầu thay và yểm trợ cho chương trình, vì thực tế hiện nay tại Việt Nam trong sinh hoạt tôn giáo có nhiều hơn là một tập thể mang tên Lutheran, vì vậy để phân biệt Hội Thánh Lutheran Việt Nam (LCV) với những tập thể tôn giáo khác mang cùng tên Lutheran tại Việt Nam thì Hội trưởng Nguyễn Văn Kiêm khẳng định rõ lập trường của Hội Thánh Lutheran Việt Nam trong hai phương diện Tổ chức và Tín lý – Thần học.

 

“+Về phương diện tổ chức: Hội Thánh Lutheran Việt Nam là hội thánh độc lập của người Việt Nam – cho người Việt nam và do người Việt Nam sáng lập & điều hành, nhằm mục đích Công Bố Phúc Âm tha thứ cho người Việt Nam ở khắp mọi nơi.

 

+ Về phương diện tín lý & thần học: Chúng tôi khẳng định, Hội Thánh Lutheran Việt Nam tuyên bố cùng đứng chung và liên hệ chặt chẽ với  Lutheran Church  Missouri  Synod.  Từ ngữ “Synod” trong Giáo hội Lutheran-Missouri Synod do nguyên ngữ Hi-lạp có nghĩa “cùng bước đi chung” . Đấy là một từ ngữ phong phú trong ý nghĩa Hội Thánh là thân thể, vì lẽ các hội chúng tình nguyện chọn và thống thuộc vào một trái tim. Vì LCMS là hội thánh được truyền thừa từ chính phong trào cải chánh thế kỷ 16, do tiến sĩ Martin Luther lãnh đạo. (xem toàn bài tại đây)

 

Tạ ơn Chúa ban, chương trình đã kết quả quy mọi vinh hiển về Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Sau chương trình các mục sư tham dự khi được hỏi: Hình thức và nội dung chương trình Cung hiến – Phát hành Nghị Ước Thư của Lutheran hôm nay Quý mục sư có suy nghĩ gì và NGHỊ ƯỚC THƯ có thật quý không?

 

Mục sư Phạm Đình Nhẫn đã chia sẻ: Tại đây rất nhiều anh em các hệ phái tổ chức. Hôm nay tôi được tham dự thờ phượng Chúa với LCV trong nghi lễ quan trọng đi vào lịch sử của Cơ đốc giáo tại Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui và khích lệ vì anh chị em đã được Chúa dùng trong mục đích của Ngài. Tôi hy vọng tất cả những người đang là giáo sư thần học, mục sư, truyền đạo cả những sinh viên nên sở hữu một quyển NGHỊ ƯỚC THƯ để làm tài liệu đối chiếu thật & giả trong cách rao truyền Phúc Âm của Chúa Giêsu cho hội thánh.

 

Mục sư Hoàng Kiến Bảo đến bắt tay chúc mừng với Phó Hội trưởng Nguyễn Viết Hùng và nói: chương trình đã rất kết quả. Hy vọng bất cứ người nào khi đọc NGHỊ ƯỚC THƯ sẽ nhận biết rõ mình đang dẫn dắt bầy chiên của Chúa theo ý Chúa hay theo ý giáo hội….(cười) nhưng bây giờ theo ý mình thì nhiều hơn…

 

Còn mục sư Nguyễn Minh Thành khẳng định: Tôi đã được đọc NGHỊ ƯỚC THƯ trong tuần qua. NGHỊ ƯỚC THƯ là tài liệu rất quý hiếm, vì trong đó chứa đựng tất cả những gì mà một người giáo sư, mục sư hiện nay cần phân biệt giữa hai loại thần học Thập Giá và thần học con người. NGHỊ ƯỚC THƯ sẽ giúp bạn quay về với Chân Lý Thánh Kinh. 

 

Chúng tôi đã đặt câu hỏi tới Hội Trưởng Nguyễn Văn Kiêm: Chương trình hôm nay đã đưa Hội Thánh Lutheran Việt Nam vào lịch sử của Cơ đốc giáo Việt Nam, các mục sư tham dự đều cho rằng: tác phẩm văn chương Cơ đốc vĩ đại Nghị Ước Thư là tài liệu không thể thiếu trong tay của họ. vậy xin mục sư cho biết Hội Thánh Lutheran tiếp theo sẽ có kế hoạch gì để phát triển Hội Thánh?

 

Mục sư Hội trưởng trả lời: Tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi góp phần vào công việc rao giảng Phúc âm cứu rỗi của Chúa tại Việt Nam. Kết quả hôm nay đều do lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng tôi không tự làm được điều gì nếu Thiên Chúa không cho phép. Còn về kế hoạch sắp đến chúng tôi tập trung vào việc Giáo dục, chúng tôi đã có tài liệu Nghị Ước Thư làm nền tảng vững vàng, nay ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển Hội Thánh Lutheran Việt Nam cần chịu Thanh Luyện và Thanh Lọc theo ý muốn tốt lành của Chúa. Cảm ơn anh chị em, rất mong anh chị em nhớ đến LCV để cầu thay và khích lệ chúng tôi.

 

Sau buổi lễ chúng tôi nhân được rất nhiều thông tin từ Quý đầy tớ Chúa trên đường đến tham dự chương trình mà họ không thể tìm ra Nhà Nguyện Văn Thánh Bắc, trong số đó có rất nhiều anh chị em bên Công Giáo. Những vị khách không đến được, đã có nhã ý với Ban Tổ Chức phát hành Nghị Ước Thư; Hội Thánh Lutheran nên thực hiện các chương trình hội thảo về Nội Dung của NGHỊ ƯỚC THƯ để phổ biến niềm tin chân chính vào Phúc Âm của Chúa tới khắp cùng Việt Nam.

Bìa Nghị Ước Thư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *