NGÀY PHÁN XÉT! NGÀY TẬN THẾ! (2)

Căn cứ vào đâu mà tính toán ra năm 2011?

Trong hai quyển sách “We are Almost There!” và  “To God be the Glory”, ông Camping chủ trương rằng ngày 21/05/2011 là ngày Chúa tái lâm, còn ngày 21/10/2011 là ngày tận thế.

– Từ đâu mà có những con số này? Ông Camping nói: “Vì tôi là kỹ sư nên tôi quan tâm đến các số liệu. Tôi tự hỏi vì sao Đức Chúa Trời lại đưa những con số này, con số kia vào Kinh Thánh.”

– Ông Camping xác định những thời điểm quan trọng theo lịch sử Kinh Thánh như sau:

* Năm 11013 TCN: Chúa sáng tạo thế giới và con người.
* Năm 4990 TCN: Trận đại hồng thủy thời Nô-ê. (6023 năm tính từ năm sáng tạo trời đất)
* Năm 1407 TCN: Dân I-sơ-ra-ên vào Đất hứa.
* Năn 1007 TCN: Đa-vít trị vì I-sơ-ra-ên.
* Năm 7 TCN: Chúa Giê-xu giáng sinh (11006 năm tính từ năm sáng tạo trời đất)
* Năm 33: Chúa Giê-xu chịu chết. Hội thánh được thành lập (11045 năm tình từ năm sáng tạo trời đất; 5023 năm tính từ năm trận đại hồng thủy thời Nô-ê)
* Năm 1988 SCN: Kết thúc thời kỳ Hội thánh, bắt đầu cơn đại nạn 23 năm. (13000 năm tính từ năm sáng tạo trời đất)
* Năm 1994: Cơn mưa cuối mùa, bắt đầu kế hoạch của Đức Chúa Trời để cứu một số dân đông đảo ở ngoài Hội thánh. (13.006 năm tính từ năm sáng tạo trời đất)
* Năm 2011: 21/5 ngày phán xét bắt đầu, người được chọn được cất lên. 21/10 ngày tận thế. Thế giới bị hủy diệt bởi lửa. (7000 năm tính từ năm nước lụt; 13023 năm tính từ năm sáng tạo trời đất.)

(Chú ý: đây là những năm theo cách tính mà ông Camping cho rằng căn cứ vào Kinh Thánh.)

– Theo ông Camping thì năm 2011 cách ngày xảy ra trận đại hồng thủy thời ông Nô-ê 7000 năm. Tóm tắt như sau: trận đại hồng thủy thời ông Nô-ê xảy ra vào năm 4990 TC và cách năm 2011 SC tròn 7000 năm. 7000 năm đó có liên quan gì đến Kinh Thánh?

– Sáng Thế Ký 7:1-4 cho biết Đức Chúa Trời truyền cho ông Nô-ê và cả gia đình vào tàu 7 ngày trước khi trận đại hồng thủy diễn ra. Họ cho rằng 7 ngày là thời gian dành cho ông Nô-ê cảnh báo người thời đó hãy vào tàu để được an toàn. Kinh Thánh cho biết ngày 17 tháng 2 năm 600 đời Nô-ê, Đức Chúa Trời đóng cửa tàu lại và trận đại hồng thủy diễn ra. (Sáng Thế Ký 7:10-12)

– Khoảng 5000 năm sau, Đức Chúa Trờøi dùng ông Phi-e-rơ nhắc lại sự kiện thế giới bị hủy diệt bằng trận đại hồng thủy đồng thời nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thế giới này bằng lửa: Thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác. (2Phi-e-rơ 3:6-7)

– Theo ông Camping thì giữa lần thứ nhất, tức là trận đại hồng thủy với lần thứ hai, tức là ngày phán xét và hủy phá có câu Kinh Thánh rất quan trọng cần chú ý: Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. (2Phi-e-rơ 3:8)

– Kết hợp 2Phi-e-rơ 3:8 với Sáng Thế Ký 7:4 và 7:10-11:

Vì còn bảy ngày nữa, ta sẽ làm mưa xuống mặt đất, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm; ta sẽ tuyệt diệt khỏi đất hết các loài của ta đã dựng nên. (Sáng Thế Ký 7:4)

Sau bảy ngày, nước lụt xảy có trên mặt đất. Nhằm năm 600 của đời Nô-ê, tháng 2, ngày 17, chánh ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập trên trời mở xuống… (Sáng Thế Ký 7:10-11)

– Ông Camping có những lập luận sau đây:

1. Vận dụng câu “trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày” trong 2Phi-e-rơ 3:8 và vào 7 ngày trong Sáng Thế Ký 7:4: “còn bảy ngày nữa”, ông Camping đề xuất 7 ngày = 7000 năm. Đây là thời gian dành cho con người có cơ hội thoát khỏi sự đoán phạt bằng cách bước vào ân sủng của Chúa. Sau 7000 năm Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian này bằng lửa.

2. Xác định ngày tháng năm xảy ra trận đại hồng thủy: ngày 17/2 năm 4990 TC.

Từ năm 4990 TC (năm trận đại hồng thủy) đến năm 2011 SC là 7000 năm:

4990 + 2011 – 1 = 7000

(Vì sao lại trừ 1 năm?  Vì tính vào giữa Cựu Ước (trước Chúa) và Tân Ước (sau Chúa) không có năm 0).

Như vậy ông Camping căn cứ vào 2Phi-e-rơ 3:8 để xác định 7000 năm sau khi phá hủy thế giới bằng nước lụt Chúa sẽ phá hủy thế giới bằng lửa.

Theo cách tính toán và vận dụng Kinh Thánh của ông Camping, năm 2011 là năm Chúa sẽ phán xét và hủy phá kẻ ác.

Bạn nghĩ sao về điều này? Giải nghĩa Kinh Thánh theo cách ông Camping có đúng không? Rồi áp dụng cách tính toán của ông Camping và Kinh Thánh như vậy có hợp lý không?

Liệu ông Camping có chính xác không khi cho rằng trận đại hồng thủy xảy ra năm 4990TCN? Con số do ông Camping tính ra liệu có thật sự chính xác không? Trong khi có những học giả khác cho rằng trận đại hồng thủy thời ông Nô-ê xảy ra cách đây chưa đến 5000 năm, khoảng 4336 năm chớ không phải 7000 năm. Nói cách khác năm mà ông Camping xác định chắc chắn là sai, và năm những học giả đề cập họ cũng không khẳng định là chính xác theo kiểu ông Camping.

Lấy thời gian 7 ngày trước khi xảy ra trận đại hồng thủy rồi dùng làm mốc để cộng vào 7000 năm để tính ra năm Chúa tái lâm là vận dụng Kinh Thánh theo ý riêng và chẳng có cơ sở.

Dùng 2Phi-e-rơ 3:6-8 để lý giải cho những số liệu có đúng đắn không? Xem ra có vẻ bí hiểm, nhưng giải mật mã kiểu đó hóa ra chẳng có gì bí hiểm cả.

Câu Kinh Thánh mà ông Camping dùng để đưa vào thời gian 7 ngày = 7000 năm là: Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. (2Phi-e-rơ 3:8)

Ông Camping quên rằng trong Kinh Thánh còn có một câu Kinh Thánh khác, sao ông không dùng để giải mật mã ngày Chúa đến?

Vì một ngàn năm trước mắt Chúa
Khác nào ngày hôm qua đã qua rồi,
Giống như một canh của đêm.

(Thi Thiên 90:4)

Nếu dùng câu Kinh Thánh này thì 1000 năm = 1 ngày = 1 canh của đêm. Ông Camping phải tính sao đây? Không lẽ ông cho rằng câu Kinh Thánh trong Thi Thiên thuộc dạng thơ ca nên con số không có giá trị về toán học?

Thật ra khi nói rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày có ý nói Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian. Đối với Chúa quá khứ, hiện tại và tương lai như đang ở trước mặt Ngài.

Thắc mắc tiếp theo là căn cứ vào đâu mà ông Camping có con số 21/5 (ngày phán xét) và  21/10 (ngày tận thế)?

Ông Camping phát hiện ra ngày 21/5/2011 bằng cách căn cứ vào ý nghĩa của những con số. Theo ông, từng lời, từng chữ, từng số trong Kinh Thánh đều có ý nghĩa thuộc linh và những con số thích hợp sẽ xuất hiện trong những hoàn cảnh thích hợp. Ông cho rằng:

·         Số 5 tượng trưng cho sự chuộc tội.

·         Số 10 tượng trưng cho sự trọn vẹn.

·         Số 17 tượng trưng cho thiên đàng.

Làm sao từ ba con số 5, 10, 17 mà có được ngày 21/5/2011? Ông Camping giải thích như sau: “Chúa Cứu Thế chịu chết trên thập tự ngày 1 tháng 4 năm 33 sau Công nguyên. Tính đến 1/4/2011 là 1978 năm.”

Sau đó ông nhân 1978 năm với 365.2422 để tính số ngày theo năm mặt trời (solar year) (cũng gọi là năm chí tuyến (tropical year)) (2) (khoảng 365 ngày và ¼ ngày/năm) chứ không theo lịch 365 ngày/năm.

Rồi ông ghi lại từ 1/4 đến 21/5 là 51 ngày. Cộng 51 vào kết quả số ngày nhân được ở trên sẽ ra 722500 ngày.

Ông Camping nhận thấy: (5 x 10 x 17) x (5 x 10 x 17) = 722500

Chuyển qua điều ba con số tượng trưng sẽ là:

(Sự chuộc tội x Sự trọn vẹn x Thiên đàng) bình phương

Ông nói: “(5 nhân 10 nhân 17) bình phương cho biết thời gian từ khi Đấng Cứu Thế đền tội cho loài người đến khi loài người hoàn toàn được cứu. Nói thật với quý vị, tôi suýt té ngửa khi phát hiện ra điều này.”

Như vậy theo quan điểm và cách tính toán của ông Camping thì ngày phán xét 21/5/2011 cách 1/4/33 là ngày Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá 722500 ngày. Con số 722500 được phân tích và qua đó thì biết thời gian và thời điểm con người hoàn toàn được cứu là vào ngày 21/5/2011.

Chúng ta tự hỏi ngày Chúa Giê-xu chịu chết thật ra là ngày nào? Nếu tính theo Thánh Lịch (Holy Calendar) thì Chúa Giê-xu chết vào ngày lễ Vượt Qua, trong năm 2011 thì là ngày 18/04/2011 chớ không phải ngày 01/04/2011 theo cách tính của ông Camping.

Dù không cần thiết nhưng chúng ta cũng cần đặt vấn đề Kinh Thánh có sử dụng lịch theo cách tính của ông Camping hay không? (Xuất Ai Cập Ký 12:1; Lê-vi-ký 23:4-44) Cách tính theo năm mặt trời mà ông Camping cho rằng rất chính xác và phù hợp với Kinh Thánh xem ra lại là cách tính hết sức sai lầm.

Tuy nhiên, tất cả những điều nêu trên không quan trọng bằng điều này. Đó là Chúa không bao giờ bảo chúng ta căn cứ vào những con số trong Kinh Thánh để tính toán ngày Chúa đến.

(Còn tiếp)

Xuân Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *