Ý NGHĨA ÐÍCH THỰC ÐẠI LỄ GIÁNG SINH

Linh Mục TRẦN QUÝ THIỆN

Có một đại lễ mà mọi người trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp, màu sắc chính trị, đều quan tâm đặc biệt: Ðó là Ðại Lễ Kỷ Niệm Thiên Chúa Giáng Sinh.

Hàng năm cứ vào những ngày cuối năm dương lịch, mọi người trên thế giới đều hướng về Ðại Lễ Giáng Sinh, được coi như một sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử nhân loại. Và biến cố lịch sử này đã được mọi người mặc nhiên công nhận như một cái mốc thời gian, để tính ngày giờ năm tháng cho tất cả các biến cố lớn nhỏ xảy ra trên thế giới cũng như trong cuộc sống riêng tư mỗi người.

Ðại Lễ Kỷ Niệm Thiên Chúa Giáng Sinh đã trở về với chúng ta qua tiết trời giá lạnh của Mùa Ðông. Ðây đó người người đang nô nức mua sắm đủ thứ: Những cánh thiệp đắt tiền, những món quà tặng ý nghĩa, những bản thánh ca du dương để trao tặng nhau. Ðây đó nhà nhà đang trang hoàng nhà cửa để đón mừng Ðại Lễ Giáng Sinh với những cây Noel rực rỡ đèn màu, những hang đá xinh xinh gợi cảm, rồi những cuộc họp mặt, dạ hội, liên hoan, khiêu vũ với gia đình, với bạn bè. Sau cùng là thánh lễ nửa đêm Mừng Kỷ Niệm Thiên Chúa Giáng Trần.

Tất cả như đã đi vào thời trang phải có trong Mùa Ðại Lễ Giáng Sinh Truyền Thống. Nhưng chúng ta không khỏi buồn khi thấy trong thế giới hôm nay, người ta đã quên đi Ý Nghĩa Ðích Thực của ngày đại lễ cao quý này. Rất nhiều nhà buôn, công ty xí nghiệp đã thương mại hóa đại lễ này như một thời cơ hiếm có trong năm để buôn bán làm giàu. Rất nhiều người đã tục hóa, đã lợi dụng đại lễ này như một ngày đặc biệt để vui chơi trác táng thỏa thích thâu đêm suốt sáng. Và vô tình Ý Nghĩa Ðích Thực của Ngày Ðại Lễ Thánh Thiện đã bị phàm tục hóa. Từ đó, tự thâm tâm mỗi người chúng ta sẽ tự hỏi: Ðâu là Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Ðích Thực của Ðại lễ Giáng Sinh? Những Sứ Ðiệp nào mà Thiên Chúa muốn nhắn gửi nhân loại qua đại lễ truyền thống này?!

ÐẠI LỄ GIÁNG SINH: HÔN LỄ GIỮA TRỜI VÀ ÐẤT

Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Ðại Lễ Giáng Sinh là mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người. Và Ngài cũng đã sống qua những vui buồn, hân hoan, khổ đau trong thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Do đó người ta có thể nói: Ðại Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh là Hôn Lễ Giữa Trời Và Ðất. Ðó là sự Gặp Gỡ Giữa Trời Cao và Ðất Thấp. Ðây cũng là Hôn Lễ giữa Thiên Chúa và Nhân Loại. Ðây chính là Hôn Lễ mà nhân loại đã chờ đợi từ khi xuất hiện trên mặt đất này. Hôn Lễ này được thể hiện qua việc Con Thiên Chúa xuống trần mặc lấy thân xác như chúng ta.

Lịch sử Cứu độ Nhân loại của Thiên Chúa là lịch sử của một cuộc Gặp Gỡ, một cuộc Hội Ngộ giữa Thiên Chúa và Nhân Loại. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Và vì loài người tội lỗi, Thiên Chúa đã cho Ðức Kytô giáng trần để cứu chuộc loài người. Vì thế Ðại Lễ Giáng Sinh là ngày nhân loại đón mừng Thiên Chúa đến với loài người và để sống giữa loài người. Giáng Sinh là ngày Mừng Kỷ Niệm Một Vị Thiên Chúa mang lấy thân xác xương thịt loài người để sống với loài người. Ngài đến để xiết chặt nhân loại với nhau, ràng buộc nhân loại với Thượng Ðế, để rồi sau cùng Ngài chết cho loài người.

Người ta có thể nói: Cuộc đời mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình đi tìm Chân Lý, để thực hiện Khát Vọng Hội Ngộ với Vô Biên, với Vĩnh Cửu. Và Văn Hóa là gì, nếu không phải là một cố gắng không ngừng của con người đi tìm Chân Thiện Mỹ. Sau đó Tôn Giáo là gì, nếu không phải là một cuộc tìm kiếm Chân Lý, để đưa con người đến Hạnh Phúc, tới Ý Nghĩa Cuối Cùng của cuộc đời.

Tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều là những cuộc Hành Trình Lớn hướng dẫn con người tới Chân Lý Vĩnh Cửu. Ấn Ðộ giáo đã thấy bóng dáng Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa bàng bạc trong mọi thụ tạo của vũ trụ. Sự hiện diện ấy gọi là “Ðại Hồn”. Lão Tử đã cố diễn tả Chân Lý Vĩnh Cửu mà ông trực thị qua ánh sáng mạc khải tự nhiên bằng những quan niệm gọi là “Ðạo”. Ðạo là Nguyên Lý của Trời Ðất. Ðức Phật Thích Ca không thấy hình bóng Thiên Chúa, nhưng trong giây phút xuất thần linh thiêng, ngài đã “ngộ” nghĩa là đã “gặp” được Ánh Sáng cho thấy con đường đưa tới Niết Bàn.

Còn Ðức Khổng Tử cũng trực giác được sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người và vạn vật qua lời ngài xác quyết: “Thiên Ðịa Vạn Vật Nhất Thể ” Sự hiện diện này được thể hiện qua quy tắc muôn thuở được đặt vào trong bản tính mọi thụ tạo. Ðức Khổng Tử gọi là “Thiên Lý”. Thiên Lý như vậy chính là Ðường (Ðạo), con người phải theo trong cách xử thế và hành động của mình. Và họ phải cố gắng sống sao cho phải Ðạo Làm Người, đó gọi là Ðạo.

Ý NGHĨA ÐÍCH THỰC HAY SỨ ÐIỆP ÐẠI LỄ GIÁNG SINH

Muốn tìm hiểu Nguồn Gốc Ðại Lễ Giáng sinh, người ta cần phải đọc sách Tân Ước trong Bộ Kinh Thánh để thấy Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại trong khung cảnh lịch sử, địa dư, xã hội thật bình thường.

Có những nhân vật chính quyền thời đó là Hoàng đế Cêsarê Augustinô và Tổng trấn Quirinô. Có những con người bình dân, đơn sơ chất phác mang tên Giuse và Maria, con cháu Thánh Vương David, một ông vua nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Do Thái. Cuộc sống họ thật đơn sơ, khó nghèo, bình thường như trăm ngàn người dân khác trên miền đất Palestina thời đó.

Do sắc lệnh kiểm tra dân số, họ đã phải trở về quê cha đất tổ của Thánh Vương David là Belem, một thị trấn bé nhỏ ít ai biết đến tại phía Nam nước Giuđêa, cách Thủ Ðô Giêrusalem 5 dậm, để đăng ký sổ bộ kiểm tra dân số. Nơi đây có nhiều hang động, thường là nơi trú ngụ của các chú mục đồng và đoàn vật. Khi tới nơi, bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng là Hài Nhi Giêsu. Bà lấy tã bọc con, đặt trong máng cỏ bò lừa, vì họ quá nghèo không tìm được một chỗ trong quán trọ. Các sứ thần hiện ra với những chú mục đồng đang thức đêm ngoài trời canh giữ đoàn vật, mời họ tiến đến thờ lạy…

Dưới nét bút minh họa trong bài tường thuật trên đây của sử gia Luca, người ta thấy Sự Kiện Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu thật bình thường, ngoại trừ sự xuất hiện của các đoàn Sứ Thần vang lời ca hát. Một thiếu phụ cùng với gia đình trở về quê cha đất tổ khai sổ dân số, tới nơi sinh con đầu lòng, nhưng vì quá nghèo phải tá túc nơi hang bò lừa. Sự kiện đó có gì lạ đối với người đời? Thảm cảnh đó thời nào mà chẳng có? Nơi nào mà không thể xảy ra? Nhưng tại sao biến cố tầm thường đó xảy ra cách đây 20 thế kỷ, lại được ghi vào lịch sử nhân loại như một biến cố thật trọng đại và không ngừng được nhắc tới? Và hàng năm trên toàn thế giới, từ Âu sang Á, từ Ðông qua Tây, cả nhân loại đều hân hoan mừng kỷ niệm?!

Nguyên nhân nào đã khiến lịch sử nhân loại phải ghi lại biến cố lịch sử đó? Tại sao nhân loại lại đặt cho sự kiện bình thường ấy một địa vị cao quý nhất và một ý nghĩa thật trọng đại? Dĩ nhiên vì Hài Nhi Giêsu Giáng Sinh trong đêm ấy tại Belem không giống các trẻ em khác. Vì Ðêm Giáng Sinh ấy đã mở ra Một Kỷ Nguyên Mới Cho Loài Người: Kỷ Nguyên Của Tình Thương. Và từ đêm ấy, cả nhân loại qua các thời đại đã chọn đêm ấy làm Mốc Lịch Sử Của Tình Thương để tính ngày giớ năm tháng (Công Nguyên). Và năm nay là đêm Kỷ Niệm lần thứ 1998.

Phải chăng chính Bài Học Tình Thương là cốt lõi của Ðại Lễ Giáng sinh? Và phải chăng Sứ Ðiệp Giáng sinh là Sứ Ðiệp Tình Thương? Ðây chính là Sứ Ðiệp Quan Trọng Nhất mà Thiên Chúa muôn nhắn gửi nhân loại. Ðó cũng là bài học mà mỗi người chúng ta cần suy nghĩ, tìm hiểu và thực hiện trong cuộc sống chính mình. Sứ Ðiệp Tình Thương này cần được mọi người thực hiện và không thể thiếu trong bất cứ Ðại lễ Giáng sinh nào.

Nếu con người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa thì nguồn gốc và cứu cánh của con người là Thiên Chúa. Lý do nào đã thúc đẩy Con Thiên Chúa là Hài Nhi Giêsu giáng trần trong thân phận con người để đưa con người tội lỗi trở về với Thiên Chúa?? Xét cho cùng , con người chúng ta không thể nhân danh bất cứ cái gì đòi buộc Con Thiên Chúa xuống trần cứu độ chúng ta!! Phải, chỉ có Tình Thương mới lý giải được. Tất cả chỉ vì Thiên Chúa Yêu Thương Chúng ta. Tất cả chỉ vì Thiên Chúa muốn con người được cứu độ, nghĩa là trở về sống trong Tình Thương của Ngài. Qua sự kiện Giáng Sinh, Thiên Chúa đến với loài người, sống giữa loài người, yêu thương loài người và cuối cùng chết cho loài người. Ðó chính là Sứ Ðiệp Ðại Lễ Giáng Sinh.

Vì thế mỗi lần Ðại Lễ Giáng Sinh về, chúng ta cần suy nghĩ để hiểu phần nào Tình Thương Bao La Sâu Thẳm của Thiên Chúa đã đối xử với mọi người. Từ đó chúng ta cố gắng đáp lại bằng cách mô phỏng Tình Thương ấy qua việc yêu thương người khác. Do đó khi chúng ta yêu thương ai, chính là chúng ta cố gắng mô phỏng Tình Thương của Thiên Chúa nơi người đó. Và chính lúc chúng ta thương yêu người khác là lúc người đó và chúng ta được hân hạnh tham dự vào chính Tình Thương của Thiên Chúa. Chỉ có thứ Tình Yêu Sâu Thẳm ấy mới vĩnh cửu, trường tồn, bất biến qua không gian và thời gian. Chính vì Ý Nghĩa Ðích Thực Cao Quý này mà trải qua hai ngàn năm nay, Ðại Lễ Giáng Sinh đã trở thành Ðại Lễ của Tình Thương, của Tha Thứ, của Ðoàn Tụ, của Hòa Bình.

Ðại Lễ Giáng Sinh là Ngày Trọng Ðại Kỷ Niệm Thiên Chúa đến với mọi người, chung sống với mọi người, để yêu thương và chết cho mọi người. Qua gương mẫu đó, mỗi người chúng ta cố gắng đáp lại Tình Thương của Thiên Chúa bằng cách quên mình để Yêu Thương và Phục Vụ người khác. Ðây chính là Cốt Lõi, là Trọng Tâm và cũng là Ý Nghĩa Ðích Thực của Ðại Lễ Giáng Sinh. Tất cả những thứ khác chỉ là phù phiếm, xa hoa, nếu không có chiều sâu của tâm hồn là một Trái Tim Rộng Mở để Yêu Thương và Phục Vụ Mọi Người Vì Thiên Chúa.

Hãy nhìn vào máng cỏ đơn sơ khó nghèo để nhận thức Bài Học Tình Thương mà Thiên Chúa đã nhắn gửi loài người đêm nay. Hãy thinh lặng trong giây phút để tự hỏi mình: Ta đã làm gì để đem Tình Thương Cho Mọi Người Chung Quanh? Phải chăng đó chính là Sứ Ðiệp Giáng Sinh mà Thiên Chúa mong mỗi người chúng ta suy nghĩ và thực hành. Và chỉ có thế, Ðại Lễ Giáng Sinh mà chúng ta mừng kỷ niệm hàng năm mới không trở thành một đại lễ của phù phiếm, xa hoa vì bị tục hóa và trở thành vô duyên với mỗi người chúng ta./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *