ÂN ĐIỂN KHỐNG CHẾ LUẬT PHÁP

Cựu ước Đavít đã thốt lên trong cơn tuyệt vọng: “Đức Chúa Trời tôi ơi, xin cứu tôi, vì những nước đã thấu đến linh hồn tôi. Tôi lún sâu trong bùn không đụng cẳng. Tôi bị chìm trong nước sâu, dòng nước ngập tôi” (Thi thiên 89:1). Tân Ước Phao lô sau khi suy ngẫm về bản chất xác thịt, ông đã kêu cứu : “Khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?”. (Rôma 7:24)
Đã là người trần mắt thịt, nhất là chân còn đang chạm đất thì Không ai có thể cứu ai, “vì mọi người đều đã phạm tội”. Người Do thái cũng như người Hylạp, người La – mã cũng như người Việt Nam, người Mỹ cũng như Hàn Quốc và bất cứ dân tộc nào trên Thế giới, hết thảy đều là những tội nhân cũng trong cảnh tuyệt vọng như Đavít và Phaolô (Rôma 3:9-10,19,23).
Sứ đồ thánh Phaolô đã khẳng định: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” (Rôma 6:23)
1. 10 GIỚI RĂN – ĐẠI DIỆN LUẬT PHÁP
– Sự ngô nhận tai hại của nhiều người tin và đang dạy rằng: Chúa ban 10 giới răn là để Tuyển Dân ngày trước và Tuyển Dân hôm nay làm theo để được phước và may mắn. Khi một người phạm vào điều răn thì họ cho rằng người đó chưa xứng đáng với Ân Điển của Chúa. Vậy là họ mang nhau ra sàng xẩy căn cứ trên 10 giới răn. Thậm tệ hơn người ta chọn riêng cho nhóm mình một vài điều trong 10 giới răn, rồi mang áp dụng vào sống đạo, giữ đạo hòng mong Chúa thương xót và ban phước cho họ giầu sang, phú quý, danh thơm tiếng tốt hơn người. 10 giới răn Chúa ban không phải là điều kiện để Chúa chấm điểm và ban phước như nhiều người đang tin và tưởng theo.
– Ý nghĩa chính thực của 10 giới răn là chỉ cho Tuyển Dân biết rằng: loài người không thể làm được bất cứ điều gì mà luật pháp đòi hỏi nơi bản chất xác thịt của con người phàm tục. Vả nếu không trả hết mọi điều nơi luật pháp đòi hỏi thì con người phải chết cho giá trị của tội lỗi mà họ đã thừa hưởng từ Ađam 1 và liên tục phạm phải mỗi ngày. hay sứ đồ Thánh Phaolô đã chỉ rõ trong Rôma 5:12: “Cho nên như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.
– Như vậy 10 Giới răn là đại diện của Luật pháp để xét xử và định tội – kết liễu sự sống của bất cứ kẻ nào vi phạm Luật đã định “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết….Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét.” không miễn trừ cho bất cứ ai! Như vậy Luật pháp giúp cho người ta biết rõ bản chất xác thịt tội lỗi của con người, và con người không thể làm trọn luật pháp để được tha thứ, không được tha thứ thì kết quả là phải chết. Vì thế muốn được tha thứ tội lỗi con người phải cần tới của lễ.
2. TỘI LỖI – CỦA LỄ KHỐNG CHẾ TỘI LỖI
“Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! (Roma 7:14-25a)
– Để khống chế tội lỗi của Tuyển dân khi họ không làm đúng như 10 điều răn đòi hỏi thì Chúa đã thiết lập hành vi tế tự chuộc tội và chỉ định thầy tế lễ làm trung gian và các của lễ tương xứng cho từng loại tội.
– “Không có máu đổ ra thì không có ơn tha thứ” (Dt 9,22).Ðây là tiếng nói của chân lý không bao giờ thay đổi. Trong các lễ tế chuộc tội của dân Chúa ngày xưa, không có lễ nào là không đổ máu. Không có trường hợp nào, phương cách nào tội được tha mà không có sự đền tội. Đặc biệt trong sự trừng phạt Ai Cập, Chúa đã định: “khi thấy huyết ở trước nhà nào, ta sẽ bỏ qua nhà ấy”.
– Tại Tân Ước cũng vậy, tuy nhiên sự khác biệt để khống chế tội lỗi là chính là “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Qua cái chết của Chúa Giê-xu, công tác cứu chuộc được hoàn tất và hiệu nghiệm, vì “Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta đã bị giết rồi” (I Cô-rinh-tô 5:7 b) Rôma 5:8: “Khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. Chúa vì chúng ta chịu chết, nên chúng ta nhờ Ngài được tha thứ (Êphêsô1:7; 4:32; Côl1:14; Công 10:43).
3. ÂN ĐIỂN KHỐNG CHẾ TRIỆT ĐỂ LUẬT PHÁP
“Nhưng nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau, và Huyết Đức Chúa Giêxu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta …Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”. (IGiăng 1:7-9:)
– Như vậy có nghĩa là, tôi không có một hy vọng nào, nếu không có Chúa Giêsu Ki-tô hy sinh. Vì không có máu nào khác đủ giá trị để chuộc tội cho tôi. Chỉ có máu của Chúa Giêsu mới có hiệu năng tha thứ.
-” Như thế phải chăng tôi tin Chúa thì máu cứu chuộc của Chúa áp dụng cả cho tôi. Vâng, tất cả mọi người cần đến Chúa như nhau cả. Chúng ta có đạo đức, thánh thiện, rộng lượng dễ mến đến đâu cũng không được miễn trừ một phần nào, vì tội ác sẽ không chịu thua trước một thứ máu nào khác với máu của Chúa Giêsu, là Ðấng Thiên Chúa đã sai đến như một của lễ chuộc tội.
Phước hạnh biết bao vì chỉ có một cách tha tội. Tôi không cần cách nào nữa. Những người chỉ có đạo hình thức không thể nào hiểu được chúng ta vui sướng đến đâu khi tội được tha vì danh Chúa Giêsu. Những việc phúc đức, lời cầu nguyện và những nghi lễ đem đến cho họ đôi phút an ủi, nhưng họ vẫn thiếu một phần quan trọng của sự cứu rỗi: Vì không có đổ máu, không bao giờ được tha thứ.”
Sứ đồ Phaolô là sứ đồ thánh, nhưng mỗi khi nghĩ đến cơn thịnh lộ của Thiên Chúa sẽ hình phạt bản chất xác thịt, nơi xuất phát tội lỗi mỗi ngày của ông, cái gọi là Căn Dục Tính của Nguyên Tội vẫn đang tồn tại trong ông, thì ông đã vô cùng sợ hãi thốt lên: “Khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?”. (Rôma 7:24) Rồi nhớ đến công đức của Chúa Giêsu Ki-tô ông đã reo mừng: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!” Tiếp sau đó sứ đố thánh khẳng định lập trường thật minh định rằng: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ”
Bất cứ ai đã được Chúa đến tìm – để cứu bằng huyết của Chúa Giêsu Christ, rồi Ngài ban cho quyền làm con của Thiên Chúa, làm công dân nước Trời đều được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để biết rõ rằng mình đang ở TRONG CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ. Mà hết thảy những người được Chúa Giêsu Ki-tô xưng công bình trước Thiên Chúa thì không còn chịu sự đoán phạt trong cơn thịnh lộ của Ngài. Tại đây (trong Chúa Giêsu Ki-tô) Luật Pháp không còn khống chế xác thịt yếu đuối của những người ở trong Chúa Giêsu Ki-tô!
Để sống đạo thành công, mỗi Cơ đốc nhân cần được Chúa THA THỨ TỘI mỗi ngày. Qua CỦA LỄ là chính Chúa Giêsu Ki-tô chúng ta được đóng đinh mỗi ngày cùng Đấng Ki-tô như sứ đồ Phaolô đã kinh nghiệm:
– Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ…(IPhi 4:12-13b)
– Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jêsus trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng tỏ ra trong thân thể chúng tôi.(II Cô-rinh-tô 4:10)
– Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm? Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày. (ICô-rinh-tô 15:30-31)
Nguyện xin Thần Linh Chúa soi dẫn chúng con, để con biết rõ Ân điển của Chúa thật bao la!
*******************************************
Câu hỏi suy ngẫm:
1. Bạn có biết rằng chính bạn đang ở trong Chúa Giêsu Ki-tô không?
2. Làm thế nào bạn khẳng định là bạn đang được Chúa Giêsu Kitô xưng bạn công bình trước mặt Cha là Thiên Chúa toàn năng?
3. Mỗi ngày bạn có còn phạm tội không? Bạn có cần được tha thứ tội lỗi mỗi ngày không? Của lễ nào nào giúp bạn đến với sự tha thứ của Cha?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *