BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (14) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

ĐIỀU XXVII: Sự Tuyên Thệ Tu Hành

Để dễ hiểu những gì chúng tôi dạy về sự tuyên thệ tu hành, hãy suy xét đến thực trạng của các tu viện và biết bao nhiêu điều được thực hiện mỗi ngày trái với luật kinh điển. Trong thời kỳ của Augustine, họ được kết nạp tự do. Sau đó, khi sự kỷ luật bị suy đồi, những lời tuyên thệ được thêm vào với mục đích phục hồi kỷ luật, như trong một nhà tù có qui định chặt chẽ. Lần hồi, nhiều luật lệ được thêm vào bên cạnh những lời tuyên thệ. Những luật lệ trói buộc này được chất trên nhiều người trước tuổi hợp pháp, ngược lại với luật kinh điển.

Nhiều người đã bước vào đời sống tu hành mà không biết được điều này. Họ không thể đánh giá được sức mình, mặc dù họ đã đến tuổi trưởng thành. Họ bị rơi vào bẫy và bị bắt buộc phải tuân giữ, cho dù một số người có thể được tự do bởi sự dự phòng của luật kinh điển. Điều này rơi vào trường hợp của các nữ tu viện nhiều hơn là nam tu viện, cho dù họ được xem là cần phải thể hiện giới tính phái yếu của mình (I Phi-e-rơ 3:7). Sự khắt khe này không làm hài lòng những người tin kính ở thời kỳ trước đó, là những người đã nhìn thấy rằng những thanh niên thiếu nữ bị ném vào các tu viện để sống. Họ thấy được những kết quả bất hạnh từ hủ tục này, cách mà nó tạo ra những vụ bê bối, và những chiếc bẫy được giăng ra cho lương tâm! Họ buồn vì cớ luật kinh điển là một vấn đề vô cùng quan trọng nhưng lại bị đặt ra ngoài lề và còn bị xem thường nữa. Thêm vào tất cả những điều tồi tệ này, quan điểm về những lời tuyên thệ đã được đặt thêm nó tạo sự bất mãn cho ngay cả những tu sĩ chu đáo. Họ dạy rằng những lời tuyên thệ tu hành được đánh đồng với phép Báp-têm, đời sống tu hành xứng đáng hưởng được  sự tha thứ tội lỗi và được xưng công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng họ còn thêm rằng đời sống tu hành không những xứng đáng để được xưng công nghĩa trước Chúa, mà còn được đánh giá cao hơn thế nữa, từ lúc nó được cho là đời sống tu hành không chỉ giữ luật pháp cơ bản của Đức Chúa Trời, mà còn được xem là “mẩu mực của Phúc âm” nữa.

Vì thế, họ khiến cho người ta tin rằng chế độ tu hành còn tốt hơn phép Báp-têm, và cho rằng nếp sống tu hành thì xứng đáng hơn những lãnh đạo, những mục sư và những người khác, là những người phục vụ theo tiếng gọi từ nơi mạng lịnh của Đức Chúa Trời, mà không theo bất cứ những sự phục vụ nào do con người đề ra. Không ai có thể phủ nhận những điều này. Tất cả những điều này được tìm thấy trong những cuốn sách riêng của họ nói về chế độ tu viện.
Những người này đã đến với tu viện như thế nào? Trước kia họ ở  trong các trường thần học, là nơi sản sinh ra các mục sư, các linh mục, vì ích lợi của Hội thánh. Nhưng bây giờ thì lại khác, không cần phải xem lại những gì người khác biết. Trước đây họ đến vì cớ để học tập, còn bây giờ họ cho rằng chế độ tu viện là một lối sống  xứng đáng với ân điển và xưng công nghĩa. Ngay cả họ còn cho đó là một nếp sống hoàn hảo! Họ đặt chế độ tu hành lên trên tất cả những lối sống được ban hành bởi Chúa. Chúng tôi đề cập đến tất cả những điều này không hề có sự phóng đại và ganh ghét, nhưng để giáo lý về đời sống tu hành của các giáo sư chúng tôi có thể được hiểu tốt hơn.

Thứ nhất, vấn đề các tu sĩ đã kết hôn, các giáo sư dạy điều này là hợp pháp đối với bất cứ ai không thích hợp với đời sống độc thân để bước vào hôn nhân. Những lời tuyên hứa của tu sĩ không thể hủy phá những gì Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Mạng lịnh của Đức Chúa Trời là: “cho được tránh khỏi sự dâm dục, thì mỗi người đàn ông phải có vợ.” (I Cô-rinh-tô 7:2). Đức Chúa Trời không chỉ truyền mạng lịnh này, nhưng Ngài còn thiết lập hôn nhân cho những người không phải là những người được ban cho trường hợp ngoại lệ đối với qui luật tự nhiên bởi công việc đặc biệt của Ngài. Đây là những gì đã được dạy trong Sáng thế ký 2:18, “Loài người ở một mình thì không tốt.” Do đó, những người vâng theo mạng lịnh này của Chúa thì không phạm tội.

Sự chống đối nào có thể dấy lên để chống lại điều này? Hãy cứ để cho người ta tán tụng cái bổn phận về sự tuyên thệ tu hành như những gì họ muốn, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ có thể phá hủy được mạng lịnh của Đức Chúa Trời bởi lời tuyên thệ tu hành. Luật kinh điển dạy rằng các trưởng tu viện có thể đưa ra những biệt lệ cho lời tuyên hứa tu hành; nhưng càng làm giảm hiệu lực những lời tuyên hứa tu hành là trái ngược với mạng lịnh của Đức Chúa Trời!

Trong thực tế, bổn phận đối với lời tuyên thệ tu hành không thể thay đổi cho dù với bất cứ lý do nào, các giáo hoàng La-mã cũng chẳng bao giờ đưa ra những biệt lệ nào về sự tuyên thệ. Vì sẽ không đúng cho người nào đưa ra biệt lệ với những điều thật sự đến từ Đức Chúa Trời. Các giáo hoàng La-mã khéo léo đánh giá rằng việc làm nhân từ là phải tuân giữ những bổn phận tu hành này. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều lần họ đã có những sự điều chỉnh đặc biệt và những biệt lệ đối với những sự tuyên thệ tu hành. Trường hợp của vua Aragon là người được gọi từ chốn tu hành, được biết đến và cũng là gương điển hình cho chúng ta.

Thứ hai, tại sao đối phương cường điệu bổn phận hay ảnh hưởng của một lời tuyên thệ, trong khi lúc đó họ lại không nói bất cứ điều gì về bản chất của nó? Một lời tuyên thệ là một điều gì đó có thể thực hiện được; nó là một quyết định được thực hiện một cách tự nguyện sau khi đã cẩn trọng cân nhắc. Trong thực tế, ai cũng biết cách làm thế nào để luôn giữ mình trinh bạch suốt đời, và chỉ có một số ít người có thể giữ được lời tuyên hứa này một cách tự nguyện và cân nhắc! Các thanh niên thiếu nữ trước khi họ có thể tự quyết định cho chính mình về điều này, họ gặp biết bao áp lực, và đôi khi bị ép buộc để giữ lời thề trinh bạch. Do đó, thật không công bằng khi cứ khăng khăng giữ sự cam kết quá khắt nghiệt này. Ai cũng biết một khi đã thề hứa mà không tự nguyện và cân nhắc cẩn trọng với lời thề là chống lại bản chất đích thực của một lời thề.

Hầu hết những luật kinh điển đã đảo ngược những lời thề trước tuổi mười lăm. Trước tuổi đó thường thì người ta không thể có được sự suy xét khôn ngoan để đưa ra một quyết định kết ước trọn đời giống như thế này. Trong những năm về sau có thêm một luật kinh điển nữa để hạn chế bớt điều này, đã cho rằng lời thề sống trinh bạch không nên thực hiện trước tuổi mười tám. Vì thế chúng ta nên theo điều nào trong hai luật kinh điển này? Hầu hết những người rời khỏi tu viện đều có sự bào chữa hợp lệ, vì họ đã tuyên thệ trước tuổi mười lăm hay mười tám.

Cuối cùng, cho dù có thể lên án một người phá bỏ lời thề, nhưng chúng ta không được phép hủy bỏ hôn nhân của một người. Augustine cho rằng hôn nhân không được phép hủy bỏ (XXVII. Quaest. I, Cap. Nuptiarum). Ý kiến của Augustine không được tiếp nhận nhẹ nhàng, ngay cả một số người ước ao để thực hiện điều ấy ngày hôm nay.

Cho dù mạng lịnh của Đức Chúa Trời về hôn nhân đã giải phóng nhiều người ra khỏi lời thề của họ, các giáo sư của chúng tôi đã đưa ra luận cứ khác để chứng tỏ chúng không có hiệu lực. Mọi sự thờ phượng Đức Chúa Trời, do con người sắp đặt và chọn lựa để được xưng công nghĩa và nhận ân điển bởi công đức, mà không có mạng lịnh của Đức Chúa Trời, thì thật là hư không vô ích. Vì Đấng Christ đã nói trong Ma-thi-ơ 15:9: “Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” Nhiều chỗ Phao-lô đã dạy rằng sự xưng công nghĩa không phải là điều có thể tìm kiếm và chọn lựa mà có được, và những hành động thờ phượng cũng không phải là do con người tự nghĩ ra.

Sự xưng công nghĩa đến bởi đức tin cho những ai tin rằng họ nhận được ân điển của Đức Chúa Trời vì cớ Đấng Christ.

Mọi người thấy rất rõ ràng là các tu sĩ đã dạy rằng sự phục vụ được lập nên bởi con người để giải quyết tình trạng tội lỗi, được xưng công nghĩa và nhận ân điển bởi công đức. Điều này có gì khác hơn là gièm pha sự vinh hiển của Đấng Christ và che giấu cũng như từ chối việc xưng công nghĩa bởi đức tin? Do đó, những lời tuyên thệ tu hành được tuân giữ khắp nơi, là những sự phục vụ Đức Chúa Trời thật vô ích, và cuối cùng là không có giá trị. Vì một lời thề nguyền nguy hại trái ngược với mạng lịnh của Chúa thì không có giá trị; vì (như Kinh điển đã nói) không có lời thề nào buộc con người phải làm điều xấu.

Phao-lô nói: “Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.” (Ga-la-ti 5:4). Do đó, bất cứ ai muốn được xưng công nghĩa bởi sự thề nguyền của mình thì đã khiến cho Đấng Christ trở nên vô ích và đánh mất ân điển. Bất cứ ai cố nối kết sự xưng công nghĩa với sự tuyên thệ tu hành, căn cứ việc xưng công nghĩa của người ấy vào những việc làm của mình, thì không thuộc về sự vinh hiển của Đấng Christ.

Không thể phủ nhận là các tu sĩ đã dạy rằng họ được xưng công nghĩa và xứng đáng để được tha thứ tội lỗi qua những sự thề nguyền và tuân thủ luật lệ của họ. Quả thật, họ càng bịa ra những điều vô lý hơn khi nói rằng họ có thể chia sẻ cho những người khác thông qua việc làm của họ. Và trên tất cả những điều này, các tu sĩ đã thuyết phục mọi người rằng những sự phục vụ do họ bịa ra là một tình trạng của một Cơ Đốc nhân trọn vẹn. Điều này có gì khác hơn việc xưng công nghĩa bởi việc làm? Nó không giảm đi sự công kích trong Hội thánh khi đặt trước người ta một sự phục vụ do con ngươi đặt ra chứ không phải bởi mạng lịnh của Chúa, và rồi dạy họ về sự xưng công nghĩa bởi sự phục vụ. Vì vậy, việc dạy dỗ về sự xưng công nghĩa bởi đức tin phải được đặt ở vị trí cao nhất trong Hội thánh, nay lại bị che khuất bởi những hình thức thờ phượng mà họ cho là thiêng liêng này, nhằm bày tỏ sự thanh bần, khiêm nhường, và trinh bạch trước mặt người ta.

Những khái niệm về Đức Chúa Trời và sự thờ phượng thật đã bị che khuất khi người ta nghe rằng chỉ có những tu sĩ mới có một tình trạng hoàn hảo. Sự trọn vẹn của một Cơ Đốc nhân đích thực là kính sợ Đức Chúa Trời bằng cả tấm lòng, có đức tin lớn, và tin rằng vì cớ Đấng Christ chúng ta được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:18-19). Nó có nghĩa là chúng ta sẽ cầu xin và mong đợi mọi sự từ nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời với lòng tin chắc chắn rằng chúng ta sống tùy theo sự kêu gọi của chúng ta trong cuộc sống, siêng năng làm việc thiện, phục vụ trong sự kêu gọi. Đây là sự trọn vẹn thật và là sự phục vụ Đức Chúa Trời một cách đích thực. Nó không cần phải sống trong cảnh độc thân, khắc khổ, áo quần rách rưới. Người ta nêu lên tất cả những ý kiến thật nguy hại dựa trên những sự ca ngợi giả dối của lối sống khổ tu. Họ nghe sự độc thân được ca ngợi nhưng không hề lường trước cái giá phải trả và cảm thấy đời sống hôn nhân luôn là tội lỗi. Họ nghe rằng chỉ có những người đi ăn xin mới là hoàn hảo, và như thế họ giữ tài sản của mình và làm ăn với lương tâm tội lỗi. Họ nghe rằng việc làm cao hơn, đó là khuyên bảo Phúc âm, và đừng tìm kiếm sự trả thù. Vì thế có một số người trong cuộc sống riêng tư không ngại trả thù, vì họ nghe rằng sự khuyên bảo không phải là một mạng lịnh. Những người khác thì đến với kết luận rằng một Cơ Đốc nhân không có quyền nắm giữ một chức vụ trong chính quyền hay là một lãnh đạo.

Có những người đã giấu mình nơi chốn tu hành vì cớ họ muốn từ bỏ hôn nhân và tách rời khỏi xã hội. Họ cho rằng mình đã lánh khỏi thế gian và đang tìm kiếm một lối sống làm hài lòng Chúa hơn. Nhưng họ không nhận ra rằng Đức Chúa Trời phải được phục vụ theo những mạng lịnh mà Ngài đã truyền, chứ không phải theo những gì con ngươi đặt ra. Chỉ có một đời sống làm theo mạng lịnh Đức Chúa Trời thì mới tốt đẹp và trọn vẹn. Đây là những điều cần nên dạy cho mọi người.

Thời kỳ trước đây, Gerson đã quở trách những lỗi lầm của các tu sĩ về sự trọn vẹn. Ông nói trong thời của ông việc cho rằng sống khổ tu là tình trạng trọn vẹn là điều vô cùng mới mẻ. Quá nhiều ý kiến sai lầm được hình thành từ sự tuyên thệ tu hành – họ cho rằng nó có thể xưng công nghĩa, nó khiến Cơ Đốc nhân trở nên trọn vẹn, nó làm cho con người có khả năng để vâng giữ những sự dạy dỗ và các giới luật, nó được đề cao hơn cả mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Tất cả những điều này là sự giả trá và vô ích. Họ đã làm cho những lời thề tu hành trở nên vô nghĩa và mất giá trị.

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *