BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (15) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

ĐIỀU XXVIII: Uy Quyền Của Giáo Hội

Có sự gây tranh cãi lớn về uy quyền của các giám mục, một số đã thực sự bối rối giữa uy quyền của giáo hội và chính quyền. Sự rối loạn này đã bùng nổ ra một sự tranh chiến khá lớn. Trong khi tất cả các giáo hoàng đề cao về uy quyền của Chìa khóa nước trời, để thi hành những lễ nghi mới và họ chất lên lương tâm với những kỷ luật và sự dứt phép thông công của giáo hội. Nhưng họ cũng cố gắng chinh phục các quốc gia trên thế giới này cho giáo hội bằng cách cất Đế chế ra khỏi hoàng đế. Những người có tri thức và tin kính đã tố cáo lỗi lầm này của giáo hội một thời gian khá lâu. Vì lẽ nhằm xoa dịu lương tâm của con người, các giáo sư của chúng tôi buộc phải đưa ra sự khác biệt giữa uy quyền của giáo quyền và chính quyền. Họ dạy rằng cả hai giáo quyền và chính quyền phải được tổ chức trong sự kính trọng, như là những ơn phước đặc biệt của Đức Chúa Trời ở trên đất, vì cớ họ có mạng lịnh của Đức Chúa Trời.

Lập luận của các giáo sư chúng tôi là: uy quyền về chìa khóa nước trời (Ma-thi-ơ 16:19), hay là uy quyền của các giám mục – theo Phúc âm – là uy quyền hay là mạng lịnh của Đức Chúa Trời, để rao giảng Phúc âm, để tha thứ và không tha thứ tội lỗi, và để thi hành các thánh lễ. Đấng Christ đã truyền cho các sứ đồ mạng lịnh của Ngài: “Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. … Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó.” (Giăng 20:21-23). Và trong Mác 16:15, Đấng Christ đã phán: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.”

Uy quyền này được thực hiện chỉ để dạy dỗ và rao giảng Phúc âm, thi hành các thánh lễ cho từng cá nhân hay cho nhiều người theo sự kêu gọi của họ. Phương cách này được ban cho không chỉ về thể xác, nhưng cho những việc đời đời nữa: sự xưng công nghĩa đời đời, Đức Thánh Linh, và sự sống đời đời. Những điều này không thể đến với chúng ta ngoại trừ bởi công tác của Lời Chúa và các thánh lễ, như Phao-lô đã nói: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc” (Rô-ma 1:16). Do đó, Hội thánh có uy quyền để ban cho những việc đời đời và thực hiện uy quyền này chỉ bởi công tác của Lời Chúa. Vì thế nó không có dính dáng gì đến chính quyền. Vì chính quyền sẽ xử lý những vấn đề khác với Phúc âm. Những luật dân sự không bảo vệ cho tâm trí, nhưng cho thân thể và những điều thuộc về thể xác để không bị tổn hại. Họ kiểm soát con người bằng vũ lực và những hình phạt về thể xác để đem lại sự bình an và công bằng cho xã hội (Rô-ma 13:1-7).

Vì thế uy quyền của giáo hội và chính quyền không được lẫn lộn. Uy quyền của giáo hội có sứ mệnh riêng của nó là để rao giảng Phúc âm và thi hành các thánh lễ (Ma-thi-ơ 28:19-20). Đừng từ bỏ nhiệm vụ này để đi làm chuyện khác. Đừng thay đổi các quốc gia trên thế giới này. Đừng hủy bỏ những luật lệ do chính quyền đặt ra. Đừng bỏ đi những quyền hành hợp pháp. Đừng can thiệp vào việc phán quyết và những khế ước của nhà nước. Đừng đặt điều kiện cho chính quyền về những luật lệ trong xã hội. Đấng Christ đã nói rằng: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy.” (Giăng 18:36). “ai đặt ta làm quan xử kiện hay là chia của cho các ngươi?” (Lu-ca 12:14). Phao-lô cũng nói rằng: “Nhưng chúng ta là công dân trên trời.” (Phi-líp 3:20). Và “những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy.” (II Cô-rinh-tô 10:4).

Đây là cách mà các giáo sư của chúng tôi đã phân biệt trách nhiệm giữa hai uy quyền này. Họ cho rằng cả hai đều được tôn trọng và được biết đến như là những ân tứ và ơn phước của Đức Chúa Trời.

Các giáo hoàng không có bất cứ một uy quyền nào hết trong chính quyền. Hay nói cách khác, đó không phải là sứ mệnh của Phúc âm. Uy quyền mà họ nhận được từ các vua và các hoàng đế là để thực hiện những vấn đề của xã hội. Đây là một công tác khác chứ không phải là công tác của Phúc âm.

Do đó, khi có một thắc mắc về quyền hạn của các giám mục, uy quyền của nhà nước phải tách biệt ra khỏi quyền hạn của giáo hội. Một lần nữa, uy quyền thuộc về các giám mục, là những gì họ làm theo Phúc âm, hay bởi thần quyền, theo như họ nói. Vì họ được ban cho công tác để rao truyền Phúc âm và thực thi các thánh lễ. Họ không có uy quyền nào khác hơn là uy quyền để tha tội, suy xét giáo lý, bác bỏ những giáo lý trái với Phúc âm, và loại trừ những kẻ xấu ra khỏi sự thông công của Hội thánh. Họ không thể loại bỏ con người bằng vũ lực, nhưng chỉ bằng Lời Chúa. Theo uy quyền Phúc âm này, vấn đề cần thiết là Hội thánh phải tuân phục họ, vì Lu-ca 10:16 đã nói: “Ai nghe các ngươi, ấy là nghe ta”. Nhưng khi họ dạy dỗ hay thiết lập điều gì trái với Phúc âm, Hội thánh sẽ bởi mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà không vâng theo họ.

“Hãy coi chừng tiên tri giả.” (Ma-thi-ơ 7:15)

“Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them!” (Ga-la-ti 1:8)

“Vì chúng tôi chẳng có thể nghịch cùng lẽ thật, nhưng chỉ có thể thuận theo lẽ thật. … không dùng thẳng phép, theo quyền Chúa ban cho tôi, để gây dựng chớ không phải để hủy diệt.” (II Cô-rinh-tô 13:8-10)

Luật kinh điển cũng nói đến điều này (II. Q. VII. Cap. Sacerdotes, and Cap. Oves) và Augustine đã viết: “Chúng ta không phải tuân phục những giáo hoàng của thiên Chúa giáo nếu như họ cố tình phạm lỗi, hay làm bất cứ điều gì trái với Kinh thánh kinh điển của Đức Chúa Trời. (Contra Petiliani Epistolam)

Nếu các giám mục có bất cứ uy quyền hay quyền hành nào khác, trong việc nghe và xử đoán một trường hợp nào đó, như là hôn nhân hay việc dâng phần mười, họ có uy quyền này chỉ bởi quyền con người. Nếu các giám mục không thi hành bổn phận của họ trong những lĩnh vực này, các hoàng thân sẽ đứng ra để xét xử công bằng cho thần dân của họ để duy trì hòa bình, ngay cả khi họ không muốn làm điều ấy.

Cũng có một cuộc tranh cãi về việc phải chăng các giám mục hay các mục sư có quyền đưa ra những nghi lễ trong Hội thánh, và lập ra những luật lệ để kiêng cữ thức ăn, những ngày lễ kỷ niệm, và phân chia phẩm trật… Họ nói rằng các giám mục có quyền này khi đưa ra bằng chứng của Đấng Christ trong Giăng 16:12-13: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.” Họ cũng đưa ra gương của các sứ đồ đã truyền dạy các Cơ Đốc nhân không được ăn huyết và thú vật chết ngạt (Công vụ 15:29). Họ nói rằng ngày Sa-bát đã đổi sang ngày Chúa nhật, họ hiểu như vậy là trái với Mười Điều răn. Trong thực tế, họ quá chú trọng đến việc thay đổi ngày Sa-bát hơn bất cứ điều nào khác mà họ có thể nghĩ đến. Họ nói rằng uy quyền của giáo hội rất lớn, ngay cả có thể bỏ đi một trong Mười Điều răn.

Nhưng trên thắc mắc này, về phần chúng tôi (như đã trình bày trước đây), chúng tôi dạy rằng các giám mục không có uy quyền để ra một sắc luật nào chống lại Phúc âm. Những luật pháp kinh điển dạy điều tương tự như vậy (Dist. IX). Thật trái ngược với Kinh thánh khi thiết lập hay đòi hỏi phải tuân giữ bất cứ truyền thống nào vì mục đích giải quyết tình trạng tội lỗi, hay xưng công nghĩa và nhận ân điển bởi công đức. Khi chúng ta cố gắng dùng công đức để được xưng công nghĩa bởi việc tuân giữ một số điều, chúng ta đã gây nên điều vô cùng tai hại cho sự vinh hiển bởi công lao cứu chuộc của Đấng Christ. Thật quá rõ ràng rằng bởi những niềm tin như vậy mà những truyền thống hầu như đã gia tăng vô hạn trong Hội thánh, trong khi đó, giáo lý về đức tin và sự xưng công nghĩa qua đức tin đã bị bỏ qua. Dần hồi, nhiều ngày thánh được lập ra, những việc kiêng ăn được chỉ định, những nghi thức và những chương trình tôn kính các thánh được thực hiện. Họ nghĩ rằng bởi những việc làm này họ xứng đáng để nhận được ân điển. Vì thế những kinh thống hối ngày càng gia tăng. Chúng ta vẫn còn thấy một số bằng chứng về điều này trong những sự chuộc tội.

Những người này đã lập nên những truyền thống đang hành động trái với điều răn của Chúa khi họ định tội về việc kiêng cữ thức ăn, giữ ngày tháng, và những điều tương tự. Họ chất lên Hội thánh với những ràng buộc về luật lệ, như thể cần phải thực hiện những nghi thức giống như trong thời Lê-vi ký (đoạn 1-7) để xưng công nghĩa bởi việc làm công đức. Họ nói rằng Đấng Christ đã ủy thác cho các sứ đồ và các giám mục để sắp đặt ra nhiều nghi thức. Họ đã viết về luật pháp của Môi-se theo như cách mà các giáo hoàng đã bị lừa dối về một số phẩm trật nào đó. Đây là điều mà họ chất gánh nặng lên Hội thánh, chẳng hạn như xem đó là trọng tội – ngay cả không có ai phạm lỗi – nếu lao động bằng chân tay trong những ngày thánh, hay bỏ đi một số nguyên tắc, hay những thức ăn nào đó làm vấy bẩn lương tâm, hay sự kiêng ăn là một việc làm hài lòng Chúa.

Ai đã ban cho các giám mục cái quyền để đặt ra những truyền thống này trên Hội thánh bởi việc giăng bẫy cho lương tâm? Trong Công vụ 15:10, Phi-e-rơ nghiêm cấm chúng ta đừng đặt một cái ách trên cổ của các môn đồ, và Phao-lô nói trong II Cô-rinh-tô 13:10 rằng uy quyền được ban cho ông là để gây dựng chứ không phải phá hủy. Tại sao đối phương chúng tôi lại gia tăng những tội lỗi với những truyền thống của họ?

Có những bằng chứng rõ ràng ngăn cấm việc tạo ra những truyền thống trong cách ám chỉ rằng họ xứng đáng với ân điển hay đương nhiên được cứu. Phao-lô nói trong Cô-lô-se 2:16: “Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát.” Và sau đó ông nói rằng:

Ví bằng anh em chết với Đấng Christ về sự sơ học của thế gian, thì làm sao lại để cho những thể lệ nầy ép buộc mình, như anh em còn sống trong thế gian: Chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ? Cả sự đó hễ dùng đến thì hư nát, theo qui tắc và đạo lý loài người, dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan. (Cô-lô-se 2:20-23)

Trong Tít 1:14 ông cũng công khai nghiêm cấm những truyền thống với những lời lẽ như vầy: “chớ nghe truyện huyễn của người Giu-đa, và điều răn của người ta trái với lẽ thật.”

Trong Ma-thi-ơ 15:14, Đấng Christ đã nói về những người đòi hỏi vâng giữ truyền thống: “Hãy để vậy: đó là những kẻ mù làm người dẫn đưa.” Trong câu 13, Ngài loại bỏ nhiều sự phục vụ: “Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi.”

Nếu các giám mục chất lên Hội thánh với biết bao nhiêu là truyền thống, và để giăng bẫy cho lương tâm, thì tại sao Kinh thánh đã công khai nghiêm cấm việc lắng nghe và làm theo những điều truyền thống? Tại sao những điều ấy được gọi là: “đạo lý của quỉ dữ.” (I Ti-mô-thê 4:1)? Có phải Đức Thánh Linh cảnh báo đây là những việc làm vô ích không?

Vì lẽ đó, những lễ nghi được cho là cần thiết, hay với quan điểm cho rằng chúng xứng đáng với ân điển, là điều ngược với Phúc âm. Cho nên chẳng hợp lý khi bất cứ giám mục nào thi hành và đòi hỏi quá nhiều nghi lễ. Giáo lý về sự tự do của Cơ Đốc nhân cần phải được tuân giữ trong Hội thánh. Nói cách khác, sự ràng buộc của giáo luật không cần thiết để xưng công nghĩa, như sứ đồ Phao-lô đã viết để gởi cho người Ga-la-ti rằng: “chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.” (5:1). Tín điều quan trọng này của Phúc âm cần phải được tuân giữ, ấy là chúng ta nhận được ân điển một cách nhưng không bởi đức tin trong Đấng Christ, mà không phải bởi sự tuân thủ hay những hành động của sự thờ phượng được đặt ra bởi con người. Chúng ta nghĩ gì về những nghi lễ trong ngày Chúa nhật và những điều tương tự trong nhà của Chúa? Chúng ta trả lời rằng thật hợp lý khi các giám mục hay các mục sư thi hành những điều thật trật tự trong Hội thánh, nhưng nó không dạy rằng chúng ta xứng đáng với ân điển hay giải quyết được tình trạng tội lỗi. Lương tâm không còn bị buộc để xem chúng như là những sự phục vụ cần thiết và nghĩ rằng sẽ là tội nếu như không thể thực hiện được chúng. Vì thế, trong I Cô-rinh-tô 11:5, Phao-lô đã kết luận rằng người đàn bà nên trùm đầu trong Hội thánh và trong I Cô-rinh-tô 14:30, những người thông giải trong Hội thánh cần phải được lắng nghe trong trật tự.

Thật tốt biết bao khi Hội thánh giữ những nghi lễ vì cớ tình yêu và trật tự, để tránh gây vấp phạm cho người khác, để tất cả mọi điều trong Hội thánh được thực hiện trong trật tự, mà không hề có sự lộn lạo (I Cô-rinh-tô 14:40; Phi-líp 2:14). Cần nên giữ những lễ nghi khiến cho lương tâm không bị gánh nặng vì nghĩ rằng đó là những điều cần thiết cho sự cứu rỗi, hay cho rằng sẽ là tội nếu như chúng được thay đổi mà không vấp phạm người khác. Chẳng hạn như không một ai nói rằng một người đàn bà sẽ phạm tội khi ở chốn công cộng mà không trùm đầu, cho dù không có sự vấp phạm nào.

Hội thánh đang giữ ngày Chúa nhật, lễ Phục sinh, Ngũ tuần, các ngày kỷ niệm và các lễ nghi tương tự. Thật là một sai lầm lớn cho bất cứ ai nghĩ rằng, bởi uy quyền của giáo hội mà chúng ta phải giữ ngày Chúa nhật như là điều cần thiết, thay vì giữ ngày Sa-bát. Chính Kinh thánh đã bỏ ngày Sa-bát (Cô-lô-se 2:16-17). Kinh thánh dạy rằng từ khi Phúc âm được trình bày, tất cả các nghi lễ của Môi-se có thể bị bỏ. Nhưng vì cần để chọn một ngày nào đó cho mọi người có thể đến với nhau, cho nên Hội thánh đã quyết định chọn ngày Chúa nhật (Khải huyền 1:10). Ngày này dường như được chọn cho tất cả mọi người với một lý do nữa, đó là con người có một gương về sự tự do của Cơ Đốc nhân, họ có thể biết rằng không cần thiết phải giữ hay không giữ ngày Sa-bát hay bất cứ ngày nào khác.

Có nhiều cuộc tranh cãi dữ dội về vấn đề thay đổi giáo luật, những nghi lễ về luật mới, và việc thay đổi ngày Sa-bát. Họ có mọi động cơ phát xuất từ niềm tin lệch lạc rằng những buổi thờ phượng trong Hội thánh phải có những nghi thức tương tự như trước đây trong thời Lê-vi ký (1-7), và cho rằng Đấng Christ đã truyền cho các sứ đồ và các giám mục để lập ra những nghi lễ mới cần thiết cho sự cứu rỗi. Những điều sai lệch này đã len lỏi vào trong Hội thánh trong khi sự xưng công nghĩa bởi đức tin không được dạy dỗ rõ ràng. Một số người đã tranh luận rằng dù có giữ ngày Chúa nhật hay không thì cũng hẳng sao. Họ đã đưa ra qui định hợp pháp để làm việc trong những ngày thánh. Những tranh luận này đã loại trừ những chiếc bẫy nào khác cho lương tâm? Ngay cả khi họ cố gắng để thay đổi những truyền thống, không ai có thể biết được là sự thay đổi ấy sẽ tồn tại bao lâu để chúng trở thành điều cần thiết và phải được tuân giữ. Trong khi đó sự xưng công chính bởi đức tin và sự tự do của Cơ Đốc nhân thì không được biết đến.
Trong Công vụ 15:20, các sứ đồ đã truyền dạy không được ăn huyết. Bây giờ ai là người cần phải vâng giữ điều này? Những người ăn huyết không phạm tội, ngay cả chính các sứ đồ cũng không muốn chất lên lương tâm những sự trói buộc về truyền thống. Họ cấm ăn huyết để khỏi gây cớ vấp phạm. Vì trong điều lệ này chúng ta luôn cần phải giữ trong tâm trí đâu là mục đích của Phúc âm.

Không có luật kinh điển nào được giữ một cách chính xác. Dần hồi nhiều điều luật trở nên không còn hiệu lực, ngay cả giữa vòng hầu hết những người tin kính ủng hộ truyền thống. Để đối phó với lương tâm một cách phù hợp, chúng ta phải nhận biết rằng luật kinh điển cần được giữ nhưng không nên xem chúng như là điều cần thiết. Không có điều gì làm cho lương tâm tổn hại cho dù những truyền thống có thể trở nên mất hiệu lực.

Các giám mục có thể dễ dàng giữ sự vâng phục hợp pháp của con người nếu như họ không cứ khăng khăng tuân giữ những truyền thống mà không thể giữ được với một lương tâm tốt.

Thay vào đó, họ buộc phải sống độc thân và không có chức vụ giảng dạy nào cả – trừ phi họ hứa sẽ không dạy theo giáo lý thuần túy Phúc âm. Hội thánh đã không xin các giám mục thay đổi truyền thống để cho phù hợp vì cớ uy tín của họ, cho dù thật là tốt để những người chăn bầy làm điều này. Họ chỉ xin các giám mục giải phóng những gánh nặng vô lý là những cái mới đặt và trái với luật lệ của Hội thánh phổ thông. Có lẽ lúc đầu những lý do này dường như có vẻ phù hợp cho một số người tuân thủ, nhưng chúng không được thích hợp cho những lần sau đó. Thật rõ ràng một số điều cũng được tán thành qua những ý tưởng sai lầm. Do đó, giá như mà các giáo hoàng có sự thương xót thì có thể thay đổi được chúng. Sự thay đổi không làm lay chuyển sự hiệp một của Hội thánh. Nhiều truyền thống con người đã thay đổi theo thời gian, như chính luật kinh điển đã thể hiện. Nhưng nếu đối phương không thể thay đổi những truyền thống đó, là những điều mà họ nghĩ rằng nếu thay đổi sẽ phạm tội, chúng tôi sẽ phải làm theo những luật lệ của các sứ đồ đã truyền dạy chúng ta: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta.” (Công vụ 5:29)

Trong I Phi-e-rơ 5:3, Phi-e-rơ cấm các giám mục không được cai quản và khống chế trên Hội thánh. Chúng tôi không có ý định để cất đi sự cai quản khỏi các giám mục. Chúng tôi chỉ xin một điều rằng hãy để cho Phúc âm được rao giảng một cách thuần khiết, và họ cũng có thể bỏ bớt một số sự tuân giữ mà họ cho là tội lỗi nếu phải thay đổi. Nếu họ không thể bỏ bất cứ điều nào, thì họ sẽ phải đưa ra sự khai trình trước Đức Chúa Trời về nguyên nhân gây ra sự ly khai là do sự ngoan cố của họ.

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *