BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (9) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

Những người không từng trải thuộc linh thường không quan tâm đến sự dạy dỗ này. Tuy nhiên, những ai kính sợ Đức Chúa Trời và những lương tâm ưu phiền sẽ được nó đem đến sự an ủi lớn nhất. Lương tâm không thể được yên nghỉ qua bất cứ việc làm nào, mà chỉ bởi đức tin mà thôi. Vì cớ Đấng Christ con người mới có thể nhận được ân điển của Đức Chúa Trời. Phao-lô đã dạy rằng: “Vậy chúng ta được xưng công nghĩa bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 5:1). Toàn bộ giáo lý này phải có liên hệ  với sự xung đột của lương tâm sợ hãi. Ngoài sự xung đột ấy thì không thể hiểu được. Do đó, những người không từng trải và không tin kính sẽ không suy xét được vấn đề này bởi vì họ đang mơ mộng rằng sự xưng công nghĩa của Cơ Đốc nhân không là gì cả, mà chỉ là sự xưng công nghĩa theo cách con người và triết lý sống.

Cho đến bây giờ những lương tâm luôn bị quay rầy vì giáo lý cậy vào việc làm. Họ không thể nào nhận được sự yên ủi từ Phúc âm. Một số người được thúc giục bởi lương tâm để vào sống nơi sa mạc hay trong các tu viện, hy vọng sẽ xứng đáng nhận được ân điển bởi cuộc sống khổ tu của họ. Một số khác thì đến với những việc làm của mình để mong xứng đáng với ân điển và để khuây khỏa những tội lỗi mà họ đã phạm. Đó là lý do tại sao chúng ta quá cần để dạy dỗ và làm tươi mới những giáo lý về đức tin trong Đấng Christ. Đến nỗi những lương tâm bối rối sẽ không chỉ được an ủi, nhưng cũng biết rằng ân điển, sự tha thứ tội lỗi và sự xưng nghĩa sẽ nhận được bởi đức tin nơi Đấng Christ.

Con người cũng được cảnh báo rằng từ đức tin không có nghĩa đơn giản là biết một sự kiện lịch sử, giống như ma quỉ và những người không tin cũng nghĩ như vậy (Gia-cơ 2:19). Dĩ nhiên đức tin có nghĩa không chỉ đơn thuần là tin sự kiện lịch sử, nhưng cũng tin tác động của lịch sử nữa. Nói cách khác, chúng ta tin sự tha thứ tội lỗi có nghĩa chúng ta nhận được ân điển, sự xưng nghĩa, và sự tha thứ tội lỗi qua Đấng Christ.

Người nào biết rằng họ có một người Cha khoan dung đối với họ qua Đấng Christ thì thật sự biết Đức Chúa Trời (Giăng 14:7). Người ấy cũng biết rằng Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc mình (I Phi-e-rơ 5:7), và luôn kêu cầu cùng Chúa (Rô-ma 10:13). Nhưng người không tin có Đức Chúa Trời, thì được xem như kẻ ngu dại. Vì ma quỉ và người không tin không thể nào tin tín lý về sự tha tội. Vì lẽ đó họ ghét Đức Chúa Trời và xem Ngài như kẻ thù (Rô-ma 8:7) và không kêu cầu Ngài (Rô-ma 3:11-12), cũng không mong đợi sự tốt lành nào đến từ Ngài.

Augustine cũng cảnh báo các độc giả của mình về chữ đức tin và dạy rằng từ này được sử dụng trong Kinh Thánh, không phải cho tri thức của những người không tin kính, nhưng để an ủi và động viên những tâm thần sợ hãi.

Hơn nữa, chúng ta được dạy rằng cần phải làm việc thiện. Điều này không có nghĩa là chúng ta xứng đáng được nhận ân điển bởi những việc thiện của mình, nhưng bởi ý muốn của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:10). Chúng ta nhận được sự tha thứ tội lỗi là chỉ bởi đức tin chứ không bởi một điều nào khác. Qua đức tin chúng ta nhận lãnh Đức Thánh Linh, những tấm lòng được đổi mới, được ban cho lối sống mới, rồi sau đó sinh ra những việc thiện lành. Ambrose nói rằng: “Đức tin là nguyên nhân của thiện chí và làm điều đúng.” Không có Đức Thánh Linh, con người đầy dẫy những dục vọng xấu. Trong cái nhìn của Chúa, họ quá yếu đuối để làm điều thiện (Giăng 15:5). Bên cạnh đó họ ở trong quyền lực của ma quỉ, là kẻ đã đẩy con người vào vũng lầy tội lỗi với những tư tưởng bất kính và tội ác. Chúng ta thấy những điều này trong những nhà triết học, là những người đã cố gắng để sống một đời sống trung thực nhưng không thành công, họ bị ô uế bởi vô số tội lỗi. Như vậy con người sẽ yếu đuối, không có đức tin, không có Đức Thánh Linh, khi để sức riêng điều khiển chính mình.

Do đó, thật dễ để nhận biết rằng giáo lý này không bị lên án về việc cấm làm điều thiện. Thay vì vậy, nó được tán thành bởi vì nó bày tỏ cách mà chúng ta có thể làm điều thiện. Không có đức tin, con người tự nhiên không thể nào thực hiện được điều răn thứ nhất và thứ hai (I Cô-rinh-tô 2:14). Không có đức tin, con người tự nhiên không thể kêu cầu cùng Đức Chúa Trời, không mong đợi bất cứ điều gì đến từ Chúa, hay cũng không thể nào vác được thập tự giá (Ma-thi-ơ 16:24). Thay vì vậy con người tự nhiên tìm kiếm và trông cậy vào sự giúp đỡ của con người. Vì thế khi không có đức tin và không nhờ cậy nơi Chúa, tất cả những dục vọng của con người sẽ cai trị tấm lòng (Sáng thế ký 6:5). Đấng Christ nói rằng: “Vì ngoài ta các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5). Đó là lý do Hội thánh hát rằng: “Thiếu sự thương xót của thiên thượng, con người không là gì cả.”

ĐIỀU XXI: Thờ Phượng Các Thánh

Hội thánh dạy rằng lịch sử các thánh được đặt trước chúng ta để chúng ta noi theo gương đức tin và việc thiện lành của họ, tùy theo sự kêu gọi của chúng ta. Ví dụ có một vị vua kia đã theo gương của vua Đa-vít (II Sa-mu-ên) trong trận chiến đã đánh đuổi quân đội Thổ ra khỏi đất nước của mình, vì cả hai là những vị vua. Nhưng Kinh Thánh không dạy chúng ta kêu cầu các thánh hay nhờ họ phù hộ. Kinh Thánh cũng để cho chúng ta một cái gương về Đấng Christ như là Đấng Trung bảo, Sinh tế Chuộc tội, thầy Tế lễ Thượng phẩm, và là Đấng Cầu thay (I Ti-mô-thê 2:5-6). Ngài phải được kêu cầu. Ngài hứa sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta (Giăng 14:13). Ngài xứng đáng để được thờ phượng hơn tất cả mọi sự thờ phượng khác, Ngài phải được kêu cầu mỗi khi chúng ta gặp hoạn nạn. “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha.” (I Giăng 2:1).

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *