BẢN TUYÊN NGÔN AUGSBURG (8) NHỮNG TÍN LÝ TRỌNG YẾU

ĐIỀU XIX: Căn Nguyên Của Tội Lỗi

Hội thánh chúng tôi dạy rằng cho dù Đức Chúa Trời đã tạo dựng và bảo tồn thiên nhiên, nhưng căn nguyên của tội lỗi được xác định ở trong ý chí của kẻ ác, đó là ma quỉ và những người không tin kính. Không có sự giúp đỡ của Chúa, ý chí này sẽ tự nó quay đi khỏi Ngài, như Đấng Christ dạy: “khi nó nói dối là nói theo tánh riêng mình” (Giăng 8:44).

ĐIỀU XX: Làm Việc Thiện

Các giáo sư của chúng tôi bị vu cáo là đã ngăn cấm làm việc thiện. Qua những văn phẩm của họ viết dựa trên Mười Điều răn và những văn phẩm tương tự khác đã chứng tỏ rằng họ dạy dỗ thành thạo cho tất cả mọi người về tài sản và bổn phận trong cuộc sống. Họ đã dạy thật tốt những điều gì làm hài lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Trước đây, các giảng sư đã giảng rất ít về những điều này. Họ chỉ cổ vũ những việc làm trẻ con và vô ích. Chẳng hạn như giữ những ngày lễ, những sự kiện đặc biệt, những kỳ kiêng ăn, những chuyến hành hương, các nghi thức tôn kính các thánh, sử dụng những bài kinh, các tu viện, và nhiều điều khác nữa. Từ khi đối phương chúng tôi bị phản bác, họ đã bỏ đi những việc ấy. Họ không còn rao giảng những việc làm vô ích mà họ vẫn thường làm. Trong quá khứ, có những lúc đức tin hầu như không còn được nhắc đến, nhưng giờ đây họ bắt đầu đề cập. Họ không dạy rằng chúng ta được xưng công nghĩa bởi việc làm. Nhưng họ kết hợp đức tin và việc làm lại với nhau, và nói rằng chúng ta được xưng nghĩa bởi đức tin và việc làm. Sự dạy dỗ này có vẻ cởi mở hơn. Nó có thể đưa ra sự an ủi hơn sự dạy dỗ trước nay của họ.

Giáo lý về đức tin phải là một giáo lý quan trọng nhất trong Hội thánh, nhưng nó vẫn không được biết đến trong khoảng thời gian khá lâu. Mọi người phải thừa nhận rằng có một khoảng lặng mà người ta không được nghe trong các bài giảng đề cập đến sự xưng công nghĩa bởi đức tin, mà chỉ được dạy nhiều về những việc làm trong Hội thánh. Đây là lý do tại sao các giáo sư của chúng tôi phải dạy cho Hội thánh về đức tin theo cách như thế này.

Trước tiên, họ phải dạy rằng những việc làm của chúng ta không thể làm hòa giải giữa chúng ta với Đức Chúa Trời được, những việc làm ấy không xứng đáng để được tha thứ tội lỗi hay để nhận ân điển và xưng công nghĩa. Chúng ta được hòa giải chỉ bởi đức tin khi chúng ta tin rằng chúng ta nhận được ân điển của Đức Chúa Trời vì cớ Đấng Christ. Chỉ có Ngài mới được công bố như là Đấng Trung bảo và là Sinh tế Chuộc tội (I Ti-mô-thê 2:5) để chúng ta có thể được hòa giải với Đức Chúa Cha qua Ngài. Vì thế, nếu ai cho rằng mình xứng đáng nhận được ân điển bởi việc làm, là người ấy đã coi thường ân điển của Đấng Christ. (Ga-la-ti 5:4). Người ấy đang tìm kiếm con đường để đến với Đức Chúa Trời bởi sức riêng của mình mà không cần Đấng Christ, cho dù chính Đấng Christ đã nói rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống” (Giăng 14:6).

Phao-lô lúc nào cũng đưa ra giáo lý về đức tin này: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 2:8)

Bất cứ ai mưu mẹo để nói rằng chúng tôi đã hư cấu nên một bản dịch mới của Phao-lô, thì toàn bộ vấn đề này được ủng hộ bởi lời chứng của các Giáo phụ. Augustine đã biện luận về ân điển và sự xưng công nghĩa trong nhiều tác phẩm của mình để đả kích lại những việc làm công đức. Ambrose đã nói tương tự như vậy trong cuốn Calling of the Gentles:  Sự cứu rỗi bởi huyết của Đấng Christ sẽ mất giá trị, và ân điển của Chúa sẽ không vượt trội hơn những việc làm của con người, nếu sự xưng công nghĩa đáng lý phải thực hiện bởi ân điển, thì lại ưu tiên cho những việc làm công đức. Vì thế sự xưng công nghĩa không còn là món quà được ban cho cách nhưng không từ người tặng, mà là phần thưởng xứng đáng của người làm công.

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *