CÁC NHÂN ĐỨC, MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG (1)

Nguyên tác Anh ngữ : « Virtues for Ordinary Christians » (« Các nhân đức cho các Kitô hữu đời thường »), của James F. Keenan, s.j; bản dịch Pháp ngữ « Les Vertus, un Art de Vivre » của Claire Ferras-Douxami, lời tựa của Philippe Bordeyne, khoa trưởng Phân khoa Thần học của Học viện Cơ Đốc Giáo Paris. Bản dịch Việt ngữ của Lm. Võ Xuân Tiến.

Lời tựa

Đôi khi được xem như là lỗi thời trong suy tư kitô giáo hiện đại, gần đây, các nhân đức đã khiến người ta nói đến chúng trong các tác phẩm dựa vào một nền luân lý hoàn toàn nhân bản. Trong ký ức Công giáo, dù thật khá lờ mờ nơi những người trẻ nhất, nhưng các nhân đức cũng giữ một chỗ thực sự. Quả thế, không ngày này thì ngày khác, có ai đã không nghe nói về các nhân đức ? Có thể đó đã là bộ ba các nhân đức được gọi là đối thần, vì chúng liên quan đến tương quan của chúng ta với Thiên Chúa : đức tin, đức cậy và đức mến. Chắc chắn nó cũng hệ tại danh sách dài các nhân đức luân lý, dấn thân tương quan của chúng ta với những người khác và với chính bản thân chúng ta, bắt đầu bằng các nhân đức bản lề (các bản đức) : công bằng, can đảm, tiết độ và khôn ngoan. Phải chăng Thiên Chúa không có phần của mình nữa ở phía này ? Dĩ nhiên, Ngài đồng hành với mỗi người trong những nỗ lực hướng đến sự thiện của họ. Nhưng các nhân đức luân lý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người trong thế giới hơn.

Cách chung, qua từ ngữ « nhân đức », người ta chỉ một phẩm chất được thủ đắc cách cá nhân và bền vững bằng việc thực hành liên lỉ điều thiện. Mặt khác, tòa nhà phức tạp của các nhân đức coi như mô tả, cách tỉ mỉ, sự trang bị luân lý mà con người cần đến để hành động tốt và để được hạnh phúc. Từ đó tổng số lớn các phẩm chất được các nhà luân lý bàn luận lâu đời, mà cần phải ước mong khi ta nhắm đến đời sống tốt : lịch sự, đơn giản, hiền từ, kiên nhẫn, lòng hào hiệp, sự đoan trang, tính rộng rãi, sự gan dạ, etc.

Người ta nhấn mạnh đến những giới hạn gắn liền với lối tiếp cận này về luân lý, trong triết học cũng như trong thần học : một quan niệm quá trừu tượng và quá sách vở về con người, xa với những biến cố lịch sử đang chất vấn những người đương thời với chúng ta ; một sự chênh lệch với những vấn đề xã hội, đang bó buộc chúng ta làm sáng tỏ những luật lệ nền tảng của việc sống chung ; sự tập trung vào việc học tập các phong tục xã hội, mà thiệt hại cho sự sáng tạo luân lý trong một thế giới đang biến chuyển. Vậy phải chăng nền luân lý các nhân đức đã trở nên lỗi thời đến nỗi cần phải từ bỏ nó ?

Một số người đã nghĩ thế hay vẫn còn đang nghĩ thế, bằng cách dựa vào ý tưởng rằng đời sống luân lý bắt đầu từ khi người ta được giải thoát khỏi những tập quán và những cách nhìn mà xã hội chuyển tải. Quả thế, sống luân lý, đó chẳng phải là tạo nên những luật lệ của cuộc sống của riêng mình, phán đoán chúng trong lý trí và trong lương tâm, và vì thế thoát được mọi thành kiến, mọi giám hộ sao?

Ngược lại, một số người cho rằng cần phải chú tâm xem xét lại các nhân đức. Lập luận đầu tiên của họ là rằng phán đoán đúng để là luân lý mà thôi thì chưa đủ : còn cần phải vận dụng những gì người ta đã xác định như là điều thiện. Thế mà, một số đam mê nổi lên và ngăn cản chúng ta cụ thể hóa những chọn lựa của chúng ta ; thậm chí chúng có thể làm cho lý trí mù quáng và ảnh hưởng đến sự phán đoán cách sâu xa. Nhắm đến sự điều chỉnh tốt hơn tính nhạy cảm, các nhân đức bởi thế sẽ là những thói quen tốt mà, dần dần được thủ đắc trong việc thực hành các luyện tập thích đáng, sẽ mang lại sự dễ dàng hơn trong đời sống luân lý. Lập luận thứ hai là triệt để hơn : nó hệ tại suy nghĩ đến sự kiện rằng chúng ta hình thành nên những quyết định của chúng ta từ những yếu tố mà chúng ta đã không hoàn toàn chọn lựa. Dĩ nhiên, có những nét tính khí đặc sắc của chúng ta, nhưng còn có những thói quen đức hạnh mà chúng ta thừa kế từ những cộng đoàn đã dạy cho chúng ta sống. Ai bước vào đời sống luân lý thì đã lãnh nhận còn hơn mình ngờ.

Bởi đó, những người chủ trương một nền luân lý các nhân đức mời gọi chúng ta tái khám phá « những bà đầm già » này như là một sự trợ giúp quý báu, trong chừng mực chúng ta tìm kiếm một nghệ thuật sống đích thực. Nghệ thuật sống này đã được truyền đạt cho chúng ta bằng những thái độ nền tảng, trong đó chúng ta đã được tạc đẽo mà không luôn ý thức đến. Nhưng nghệ thuật sống này vẫn còn cần được tỏ rõ, nơi những lối ứng xử mà lần này tùy thuộc trực tiếp chúng ta, và có thể gia tăng những khả năng luân lý của chúng ta còn hơn chúng ta tưởng nhiều. Nhiều tác phẩm triết học gần đây đã nhấn mạnh hơn đến những khía cạnh này, khi cho thấy một sự quan tâm trở lại đối với các tác giả thời Cổ đại Trung Quốc hay Hy Lạp, như Khổng Tử hay Aristote. Chẳng hạn, Aristote đã có một quan niệm rất thời sự về đức tính can đảm, mà ông thấy như là sự trung dung giữa tính nhút nhát và sự liều mạng.

Những gì còn thiếu đối với chúng ta hơn, đó là làm sáng tỏ vai trò của đức tin Kitô giáo trong việc tái khám phá cá nhân và tập thể này. Khi ta nỗ lực tiếp nhận Tin Mừng trong đời thường, thì phải chăng nó cũng chứa đựng một lô những tập luyện của nó cho đời sống luân lý ? Phải chăng nó đề nghị những nhân đức chung cho mọi người, hay nó đã phát triển những nhân đức của riêng mình ? Những thực hành được đức tin Kitô giáo khơi lên, hôm qua và hôm nay, phải chăng chúng có tương quan nào đó với những gì được diễn ra trong sức lôi cuốn nơi những người đương thời của chúng ta đối với các nhân đức ? Phải chăng lịch sử thần học luân lý giúp chúng ta xác định những phương tiện thuận lợi mà Kitô giáo có được để đáp lại những thách đố hành động trong thế giới hiện nay ?

Bộ sưu tập « Tout simplement » hân hạnh tiếp đón, lần đầu tiên, bản dịch một bản văn tiếng nước ngoài. Bản văn này rõ ràng nỗ lực trả lời cho những câu hỏi như thế. Tác giả của nó, linh mục dòng Tên, cha James F. Keenan, người Mỹ, là một chuyên viên về luân lý thần học các nhân đức. Tác phẩm Virtues for Ordinary Christians, mà các độc giả nói tiếng Pháp[1] sắp có thể khám phá ở đây, đặt những kết quả của một nghiên cứu khoa học vào tầm của một công chúng rất rộng lớn, trong một văn phong riêng và hình tượng, mà sự hài hước trở thành đường lối sư phạm.

Nhiều bản văn đóng khung và chú thích đã được thêm vào để giúp định vị tốt hơn một số tham chiếu. Có thêm vào một số đoạn, được in bằng nét chữ nhỏ và nghiêng, trích từ một bài viết về các bản đức, được xuất bản vào năm 1995[2]. Nó tạo điều kiện dễ dàng cho việc hiểu các luận đề chính yếu của James F. Keenan, một trong những thần học gia đã đóng góp nhiều nhất cho việc suy nghĩ lại các nhân đức, như chúng được đề nghị sống trong thời đại chúng ta đang sống. Đoan chắc rằng cái nhìn tích cực mà tác giả bàn về đời thường, với những thăng trầm của nó, nhưng nhất là những tiềm năng phi thường của nó, có gì đó đổi mới lối quan niệm của chúng ta về luân lý.

Philippe Bordeyne

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *