CHIA RẼ VÀ BÈ ĐẢNG TRONG HỘI THÁNH (1)

Lê Anh Huy

Lời nói đầu

Người Việt Nam có câu “nhà nào cũng có một hủ mắm” để nói về một sự thật là cộng đồng nào cũng có vấn đề nội bộ. Cách xử lý vấn đề nội bộ là “đóng cửa nhà dạy nhau” hoặc “đừng vạch áo cho người xem lưng,” có nghĩa là hạn chế nó trong phạm vi nội bộ để giải quyết, đừng để chúng lọt ra người ngoài biết. Người nhạy cảm cảm thấy xấu hổ nếu người ngoài biết chuyện xấu của họ. Người nhiều lý trí hơn ít cảm thấy xấu hổ hơn nhưng vẫn muốn hạn chế trong nội bộ, vì đối với họ, người ngoài không thể nào hiểu được vấn đề nội bộ của người khác, chỉ có thể bàn ra tán vào.

Một trong các vấn đề nội bộ của một cộng đồng nói chung là chia rẽ. Đây cũng là một vấn đề của Cơ-đốc nhân. Chia rẽ là một đề tài rất hiếm thấy, hay nói đúng hơn, gần như không thấy bàn đến trong văn chương Cơ-đốc Việt Nam. Văn chương Cơ-đốc tiếng Anh cũng hiếm mặc dù cũng có. Sự hiếm hoi đó có thể do các tác giả Cơ-đốc không muốn bàn vấn đề nhạy cảm này trước công chúng. Cũng có thể đây là vấn nạn không ai có lối giải quyết rốt ráo; bàn luận chỉ vô ích mà thôi.

Sau khi xuất bản bài Hội Thánh của Đức Chúa Trời [1] vài năm trước, tác giả muốn viết về đề tài Hội Thánh Địa Phương, nhưng lương tâm còn vướng mắc vì nhận thấy có sự bè phái trong Cơ-đốc nhân. Tác giả thắc mắc không biết xuất bản bài mới về Hội Thánh Địa Phương có đẹp lòng Đức Chúa Trời hay chăng. Nhưng gần đây, có nhiều biến cố xảy ra liên tiếp trong đời sống tác giả, có liên quan đến Hội Thánh địa phương người Hoa Kỳ, nơi tác giả thờ phượng Chúa, và một số anh em trong Chúa người Việt khác, làm tác giả không thể bỏ lờ đề tài này. Nhiều lần tác giả dùng lý trí để ép nó ra khỏi đầu khi nghe tiếng thúc dục trong lòng để viết. Nhưng cường độ của vấn đề mà tác giả phải chịu càng ngày càng gia tăng, càng trở nên riêng tư, làm tác giả tin rằng Đức Chúa Trời muốn tác giả viết về đề tài này.

Đây là một đề tài khó và nhạy cảm. Vì vậy tác giả yêu cầu đọc giả, trong khi đọc, đối chiếu với Thánh Kinh để truy xét những gì tác giải viết, theo đúng tinh thần của người Bê-rê “…sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Chúng tôi xin cung cấp địa chỉ của một trang mạng (http://www.biblegateway.com/) có nhiều ấn bản Thánh Kinh theo nhiều ngôn ngữ (kể cả Việt ngữ) để đọc giả tiện truy cứu.

1- Dẫn nhập

Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho một các nhân được thiết lập trên sự tuyên nhận Đức Chúa Jesus, là Đấng Christ, là Con của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 16:16) của cá nhân đó. Khi một người tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ, anh hay chị ta bước từ địa vị kẻ thù của Đức Chúa Trời, qua địa vị con cái Ngài (Rô-ma 5:10, Giăng 1:12), bước từ chổ tối tăm qua chổ sáng láng (Ê-phê-sô 5:8), bước từ sự chết qua sự sống (Rô-ma 5:17, 21). Vì người đó đã chết thuộc linh, nay được sống thuộc linh, nên người ta gọi đó là Sự Cứu Rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Tập thể của các cá nhân tuyên nhận Đức Chúa Jesus như vậy được gọi là Hội Thánh [1].

Một cá nhân chính thức gia nhập Hội thánh khi tiếp nhận phép báp-tem, tức là tiêu biểu cho sự trầm mình trong sự chết, và sự trổi dậy trong sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Đây là một biến cố then chốt trong đời sống Cơ-đốc nhân, nhưng thật là nghịch lý vì nó cũng là một cái cớ để nhiều người tự nhận là Cơ-đốc nhân chém giết nhau. Vào năm 1517, Martin Luther, là một giáo sư thần học và là một tu sỹ Công Giáo bị Giáo Hoàng Leo X dứt phép thông công vì ông chỉ trích tín lý về bùa xá tội và các tội lỗi khác của giáo hội Công Giáo trong luận văn 95 điểm của ông. Từ đây, phong trào Cải Chánh ra đời, khởi động cho sự khai sinh của các giáo hội Cải Chính. Phân rẽ khỏi giáo hội Công Giáo, Luther có công trong việc trả thẩm quyền của Thánh Kinh lại vị trí cao nhất. Tuy vậy, ông vẫn còn giữ nhiều tín lý quan trọng của giáo hội Công Giáo trong đó có tín lý về báp-tem trẻ con.

Từ trong phong trào Cải Chánh xuất hiện một nhóm Cơ-đốc khác gọi là Anabaptist. Nhóm này tuy phát xuất từ phong trào Cải Chính, nhưng không tin vào phép báp-tem trẻ con. Vì thế, họ đòi hỏi những người đã chịu báp-tem khi còn con nít phải chịu báp-tem lại. Niềm tin của người Anabaptist đã trở nên một cái gai trong mắt của giáo hội Cải Chính và của cả giáo hội Công Giáo. Người Anabaptist bị cả hai giáo hội này bắt, giết, đốt sống hoặc trấn nước.

Sự hiểu biết về phép báp-tem quan trọng nhưng không cơ bản bằng sự hiểu biết về Sự Cứu Rỗi. Oái ăm thay điều càng quan trọng và cơ bản bao nhiêu càng chia rẽ Cơ-đốc nhân bấy nhiêu. Bàn về tín lý về Sự Cứu Rỗi, Chuck Smith viết như sau:

“Perhaps no issue is as important or as potentially divisive as the doctrine of salvation…” [2]

(Có lẽ không có vấn đề nào quan trọng cho bằng hay có khả năng gây chia rẽ như là tín lý về sự cứu rỗi…)

Thật vậy, theo ông, từ khi có phong trào Cải Chính, các Hội Thánh và các nhà lãnh đạo Cơ-đốc đã bất đồng về những vấn đề như sự sa đọa của loài người, trách nhiệm của con người, sự tuyển chọn, tiền định, an ninh đời đời, và bản chất và phạm trù của sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Kết quả của sự bất đồng này là hai hệ thống thần học như nước với lữa: Calvinism và Arminianism. Thần học Calvinism (hay gọi nôm na là thần học “Tiền Định”) lấy theo tên của John Calvin (1509-1564). Còn thần học Arminianism (gọi nôm na là thần học “Ý Lực Tự Do”) lấy theo tên của Arminius, tức là tên Latin của Jacob Hermann (1560-1609). Vào năm 1618, những người theo Calvin công bố thần học Ý Lực Tự Do là tà thuyết; nhiều người theo thần học Ý Lực Tự Do bị bắt tù và bị cấm. Đây là một thí dụ thuộc sử về nạn chia rẽ trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, sẽ có độc giả cải rằng các thí dụ trên nói về sự chia rẽ của các giáo phái chứ không phải là chia rẽ giữa vòng Cơ-đốc nhân. Tác giả đồng ý là Hội Thánh khác với giáo phái vì Hội Thánh do Chúa Jesus thiết lập; còn giáo phái là do loài người. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng trong một “Hội Thánh” địa phương hiện nay (chúng tôi giới hạn lời bàn trong phạm vi các “Hội Thánh” nhận Thánh Kinh là thẩm quyền duy nhất), trừ một thiểu số Hội Thánh địa phương thật sự phi giáo phái, có sự thờ phượng Chúa thật sự. Nói một cách khác, một “Hội Thánh” địa phương mang hai đặc tính: của một Hội Thánh và của một chi hội của một giáo phái. Mang đặc tính của một giáo hội, “Hội Thánh” địa phương đó mang tên của giáo hội, tuân phục hệ thống hàng dọc của giáo hội, v.v. Mang đặc tính của một Hội Thánh, một “Hội Thánh” địa phương giảng và dạy lời Chúa. Nếu giảng lời Chúa cho người chưa tin Chúa, thì mọi người đều giảng gần giống nhau. Còn nếu dạy lời Chúa cho tín đồ, thì sự dạy dỗ phải đặt trên một hệ thống giáo lý. Đây là vấn đề: tín lý phụ thuộc vào sự diễn dịch Thánh Kinh, và mỗi người có một sự diễn dịch Thánh Kinh khác nhau. Từ sự khác biệt này, xuất hiện các trường phái thần học như Calvinism và Arminianism. Từ hệ thống thần học khác nhau, xuất hiện các giáo phái khác nhau. Vì cái gì xảy ra trước phải là nguyên nhân, tác giả tin rằng sự khác biệt trong sự hiểu biết Thánh Kinh (hay gọi ngắn là thần học) gây nên sự chia rẽ của các Cơ-đốc nhân, mà hậu quả là có giáo phái mới tách nhánh từ một giáo phái cũ. Ngoài sự chia rẽ về thần học, có nhiều nguyên nhân khác cho sự hình thành các giáo phái, như: không đồng ý về thẩm quyền của một lãnh tụ, không đồng ý về đồng tính luyến ái là tội, không đồng ý về ngày Sa-bát, v.v.

Tuy vậy, để thuyết phục đọc giả là có sự chia rẽ thuần túy trong vòng Cơ-đốc nhân, tác giả xin loại trừ đi yếu tố giáo phái để thu gọn lời bàn vào trong một Hội Thánh địa phương không mang đặc tính giáo phái nào. Hội Thánh đó là Hội Thánh Cô-rinh-tô. Hội Thánh này được các sứ đồ xây dựng trước khi bất kỳ giáo phái nào xuất hiện.

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *