CHIA RẼ VÀ BÈ ĐẢNG TRONG HỘI THÁNH (2)

2- Bè nhóm trong Hội Thánh Cô-rinh-tô

Trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có bốn phe, gọi là “phe Phi-e-rơ,” “phe Phao-lô,” “phe A-bô-lô” và “phe Christ.” Trước hết, sự chia rẽ có thể gây ra do sự khác biệt trong đức tin do ảnh hưởng của quá khứ của một nhóm trước khi tin nhận Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt trong đức tin vẫn chưa là động cơ đủ mạnh mà phải có thêm một nguyên nhân khác. Chúng tôi đặt giả thuyết rằng có nguyên nhân thứ hai xuất phát từ lòng biết ơn của các Cơ-đốc nhân được các sứ đồ hướng dẫn về với Chúa. Từ lòng biết ơn dẫn đến sự ngưỡng mộ và sau cùng, lòng trung thành với người hướng dẫn mình, xem họ như những “sứ quân” có mình phục vụ dưới trướng. Do đó, nếu nghiên cứu tính chất và mục vụ của từng nhân vật “đầu phe,” chúng ta có thể hiểu phần nào tại sao có bốn nhóm mang các tên như vậy. Cuối cùng, có một nguyên nhân căn bản nhất chúng tôi sẽ bàn tới trong phần sau.

2.1- Phi-e-rơ và “phe Phi-e-rơ”: Phi-e-rơ là một sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ.

· Nhiều nơi trong Thánh Kinh cho chúng ta biết được ông là một sứ đồ, cùng với các Sứ Đồ Giăng và Gia-cơ, là ba người thân cận nhất với Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 17:1, Mác 5:37, 14:33; Lu-ca 8:51).

· Theo Sứ Đồ Phao-lô, Sứ đồ Phi-e-rơ được Đức Chúa Jesus tín nhiệm để rao giảng cho người Do-thái, trong khi ông rao giảng cho người ngoại (Ga-la-ti 2:7, 8).

· Theo Phao-lô, ba sứ đồ Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ là ba cột trụ của Hội Thánh đầu tiên (Ga-la-ti 2:9).

· Sứ Đồ Phi-e-rơ đại diện cho Hội Đồng Giê-ru-sa-lem đọc quyết nghị của Hội Đồng dành cho các tín đồ người ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:6-11)

· Sứ đồ Phi-e-rơ sử xự một cách giả hình đối với tín đồ người ngoại trước các tín đồ gốc Do-thái (Ga-la-ti 2:11-13).

Công Vụ Các Sứ Đồ chép rằng có một số Cơ-đốc nhân gốc Pha-ri-si muốn ép tín đồ người ngoại phải chịu cắt bì [3] để đuợc cứu rỗi (15:1, 5). Đứng trước vấn đề này, ban lãnh đạo Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem nhóm lại, với Sứ Đồ Phi-e-rơ tuyên bố như sau:

“Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch. Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:9, 10)

Và Gia-cơ tiếp lời như sau:

“……Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời; song khá viết thơ dặn họ kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và huyết.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:19-20)

Từ hai lời tuyên bố này chúng ta rút ra hai điều. Một, trong Hội Thánh, tín đồ có gốc Do-thái và tín đồ có gốc ngoại (Gentiles) bình đẳng. Hai, vì sự bình đằng đó mà Luật Môi-se [4], là luật Đức Chúa Trời ban cho dân Do-thái, không áp dụng cho tín đồ gốc ngoại, ngoại trừ bốn điều: thần tượng, tà dâm, ăn thịt thú vật chết ngột và huyết. Còn những điều răn khác trong Luật Môi-se như về ẩm thực, ngày nghỉ (trong đó có ngày Sa-bát), phép cắt bì, thuế má và dâng hiến, nghi lễ tôn giáo, vệ sinh, luật chiến tranh, v.v. không áp dụng cho người ngoại. Nói như vậy không có nghĩa là toàn bộ Luật Môi-se không hiệu lực trong Tân Ước vì có những điều răn, như về sự thờ hình tượng được truyền tiếp qua luật của ân điển, hay luật của đức tin (Rô-ma 3:27) mà có người gọi là Luật Đấng Christ. Có nhiều điều răn trong luật Môi-se không được nhắc lại trong luật Đấng Christ, nhưng theo lẽ hiển nhiên, Cơ-đốc nhân không vi phạm, như điều răn về tình dục với thú vật (Lê-vi ký 18:23). Không phải tội này không nghiêm trọng, nhưng nó thuộc về loại tội tà dâm (fornication) [5] hoặc gian dâm (adultery) [6], được bàn đến rất nghiêm trọng nhiều nơi trong Tân Ước. Trong bộ Luật Đấng Christ cũng có nhiều điều răn khác mà luật Môi-se không có. Tỉ dụ như điều răn về truyền giáo (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Cũng có nhiều điều răn trong luật Môi-se chẳng những được giữ lại trong luật Đấng Christ mà còn được gia tăng về cường độ, như về tội ngoại tình (Ma-thi-ơ 5:28). Luật Môi-se là luật của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, được khắc vào “đá.” Luật của Đấng Christ là luật của Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh, được khắc vào “tim.” Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh là hai thực thể khác nhau. Hai bộ luật này là hai bộ luật khác nhau, có phần chung và phần riêng.

Những điều xẩy ra trong Hội Nghị Giê-ru-sa-lem cho chúng ta biết Sứ Đồ Phi-e-rơ không lập ra “phe Phi-e-rơ.” Rất có thể “phe Phi-e-rơ” gồm những Cơ-đốc nhân gốc Pha-ri-si (hay Do-thái nói chung) đến với Đức Chúa Jesus qua mục vụ của Phi-e-rơ. Vì quá khứ là Pha-ri-si, có thể họ còn bị ảnh hưởng của luật pháp Môi-se và chưa thấy được sự mầu nhiệm của ân điển. Phe này dùng gốc gác của mình, ép các tín đồ gốc ngoại tuân giữ luật Môi-se. Dù không lập ra “phe Phi-e-rơ,” Sứ Đồ Phi-e-rơ có trách nhiệm về sự giả hình trước tín đồ gốc ngoại trước áp lực của tín đồ gốc Do-thái (Ga-la-ti 2:11-13).

2.2- Phao-lô và “phe Phao-lô”:

· Sứ đồ Phao-lô là người Pha-ri-si, từ chi phái Bên-gia-min (Rô-ma 11:1). Ông tự tuyên bố là người toàn vẹn theo tiêu chuẩn của luật Môi-se (Phi-líp 3:6).

· Ông được Chúa và các sứ đồ khác ủy nhiệm để rao giảng cho người ngoại (Ga-la-ti 2:7, 8).

· Mặc dù là người Pha-ri-si, am hiểu luật pháp Môi-se, ông hướng Cơ-đốc nhân về ân điển (Ga-la-ti 1:6, 2:21, 5:4; Ê-phê-sô 2:5, 8…). Ông giảng nhiều về quả của Thánh Linh đối kháng với công việc của xác thịt (Ga-la-ti 5:16-22).

· Ông là người binh vực Cơ-đốc nhân gốc ngoại trước sự giả hình của Phi-e-rơ (Ga-la-ti 2:11-13).

Cuộc đời của Phao-lô là một phép lạ, không hẳn vì phép lạ xảy đến với ông trên đường đi Đa-mách (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-9), nhưng vì sự cải đổi từ một người tên Sao-lơ thành một người tên Phao-lô. Sao-lơ là một người Pha-ri-si, quán triệt và toàn vẹn trong luật Môi-se, đã nhân danh Đức Chúa Trời để giết Hội Thánh. Còn Phao-lô là một tác giả của Thánh Kinh, viết và dạy về ân điển của Đức Chúa Trời. Trong tất cả các tác giả của Thánh Kinh Tân Ước, ông là người viết nhiều nhất và rõ nhất về ân điển, sự khác biệt giữa luật pháp và ân điển, bản chất của xác thịt và quả của Thánh Linh. Quá khứ Pha-ri-si giết người của ông, sự gặp gỡ đột ngột với Chúa và sự dạy dỗ về luật của tình thương có thể tạo ra ấn tượng rằng ông đã rời bỏ luật pháp mà chọn đường ân điển.

Chắc hẳn có nhiều người ngoại trở lại với Đức Chúa Trời qua mục vụ của Phao-lô. Tuy nhiên, ông muốn từ khước một đám đông trung thành với mình, bằng cách tập trung vào việc giảng Tin Lành thay vì báp-tem:

“Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì ngoài Cơ-rít-bu và Gai-út, tôi chưa từng làm phép báp-tem cho ai trong anh em, hầu cho chẳng ai nói rằng anh em đã nhơn danh tôi mà chịu phép báp-tem. Tôi cũng đã làm phép báp-tem cho người nhà Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp-tem cho ai nữa.” (1 Cô-rinh-tô 1:14-16) và dâng hoa quả của mục vụ mình cho Đức Chúa Trời:

“Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên.” (1 Cô-rinh-tô 2:5-7)

Những tín đồ gốc ngoại nhờ sự hướng dẫn của Phao-lô trở lại với Chúa là những người không có kiến thức về luật pháp Môi-se. Vì vậy, họ không thấy được sự thánh khiết của Đức Chúa Trời thể hiện trong bộ luật này. Họ là những Cơ-đốc nhân có thể còn ở dưới sự kềm tỏa của xác thịt, chưa hiểu rằng đã là Cơ-đốc nhân thì không thể sống như người không tin Chúa (1 Phi-e-rơ 1:16). Hội Thánh Cô-rinh-tô có những người phạm những tội mà ít người ngoại phạm, như lấy vợ của cha mình (1 Cô-rinh-tô 5:1). Đã vậy, họ còn kiêu hãnh với tội lỗi của họ (1 Cô-rinh-tô 5:2). Đối với những anh em phạm các tội vô luân, Sứ Đồ Phao-lô khuyên tuyệt giao. Như vậy, chúng ta thấy rằng dù điểm chính trong sự dạy dỗ của Phao-lô là ân điển, ông không chủ trương vô pháp trong Hội Thánh.

Nói tóm lại, Phao-lô không lập ra “phe Phao-lô.” Đây có thể là nhóm người bị mất thăng bằng trong sự hiểu biết về đức tin, lợi dụng sự dạy dỗ về ân điển của Phao-lô để khỏa lấp cho lối sống phóng túng của mình. Phe này đối đầu với “phe Phi-e-rơ,” là phe bị mất thăng bằng thuộc linh, nghiên về luật lệ cứng ngắc.

2.3- A-bô-lô và “phe A-bô-lô”:

· A-bô-lô là một người Do-thái, quê quán tại thành A-lét-xan-tri, Ai-cập (Xin xem Hình 2). Thành phố này là tiêu biểu cho một thời vàng son của kiến thức của loài người. Tại đây đã từng có một thư viện lớn nhất thế giới. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi Công Vụ Các Sứ Đồ mô tả A-bô-lô là một trí thức giỏi ăn nói (18:24).

· Ông cũng giỏi Thánh Kinh vì đã được hướng dẫn trong lời Chúa, giảng dạy lời Chúa một cách nồng cháy và chính xác (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:25).

· Tuy vậy, ông vẫn chịu cho Bê-rít-sin và A-qui-la, là hai Cơ-đốc nhân bình thường, kiện toàn trong lời Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:26). Điều này cho chúng ta biết rằng A-bô-lô là người khiêm nhường, chịu học hỏi.

Mặc dù trong thời A-bô-lô, Hy-lạp hết còn là một đế quốc, văn minh Hy-lạp vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong đế quốc La-mã. (Bằng chứng là Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng ngôn ngữ này.) Văn minh Hy-lạp và La-tin, gọi chung là văn minh La-Hy, là nền tảng cho văn minh Tây Phương ngày nay. Người Hy-lạp (“Gờ-réc”) là một dân tộc thích triết lý, đi tìm sự khôn ngoan (1 Cô-rinh-tô 1:22). Vì thế, rất có thể A-bô-lô đã đem nhiều người Hy-lạp về với Chúa bởi tài hùng biện của ông. Từ đây, chúng ta có thể đoán rằng “phe A-bô-lô” gồm có những Cơ-đốc nhân gốc Hy-lạp, là những nhà trí thức khoa bảng, có khuynh hướng dùng trí để tìm kiếm chân lý. Kiến thức, ngay cả kiến thức trong Chúa, nếu đứng một mình rất nguy hiểm vì nó có thể làm một người kiêu ngạo (1 Cô-rinh-tô 8:1).

Ở đây chúng ta cần hiểu rõ rằng vấn nạn không nằm ở con người trí thức A-bô-lô vì Đức Chúa Trời dùng tài hùng biện của ông trong việc truyền bá Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:25). Vấn nạn ở chổ là những Cơ-đốc nhân được ông giúp đỡ đến với Chúa không được khiêm nhường như ông. Đức tin của những anh em này chưa được sự giúp đỡ của những người như Bê-rít-sin và A-qui-la để được sâu nhiệm hơn. Kiêu ngạo dẫn đến chia rẽ và bè nhóm là điều tất nhiên. Những người như vậy thời nào cũng có.

Tinh thần A-bô-lô thể hiện trong nhiều Hội Thánh người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tại đây, có hai lớp người xếp theo tình trạng kinh tế: 1- Một lớp qua Mỹ khi còn trẻ và 2- Một lớp qua khi đã lớn tuổi. Loại một, vì qua Mỹ khi còn nhỏ, có nhiều thời gian và năng lực để đi học lại, trở thành các chuyên gia (professionals) và có việc làm tốt. Loại hai, vì qua Mỹ khi đã lớn tuổi không còn năng lực để leo cái thang xã hội. Vì vậy, tình trạng kinh tế của họ thua kém loại một. Từ đây sự phân tầng xẩy ra: Cơ-đốc nhân “professional” chơi với nhau, còn những người khác bị loại ra ngoài. Có nhiều Cơ-đốc nhân “professional” còn muốn lập Hội Thánh riêng cho giới của mình nữa. Đây đúng là “phe A-bô-lô” mặc dù không lấy tên A-bô-lô.

Tinh thần “A-bô-lô” cũng thể hiện qua sự tranh cãi của hai nhóm khoa học gia Cơ-đốc nhân. Một nhóm tin rằng Yôm (hay “Ngày”) (Sáng Thế Ký 1:5-31) có nghĩa là một niên đại. Sự thông dịch này dẫn đến thần học gọi là “ngày dài” trong đó tuổi của vũ trụ (khoảng 15 tỉ năm) và trái đất (khoảng 5 tỉ năm) trùng hợp với kiến thức của vũ trụ học. Nhóm “ngày ngắn” tin rằng Yom bằng 24 tiếng; do đó tuổi của vũ trụ khoảng sáu ngàn năm, nghịch với tuổi do khoa học tuyên bố. Ngoài ra, có sự tranh cãi giữa các thần học gia theo thuyết Tiền Định và Ý Lực Tự Do về Sự Cứu Rỗi mà chúng tôi có đề cập đến trong phần trước. Các nhóm trí thức này đại diện bởi những Cơ-đốc nhân yêu mến Chúa; tuy nhiên nhiều khi ngôn ngữ của họ không còn tình anh em.

2.4- “Phe Christ”:

Rất có thể phe này gồm có các Cơ-đốc nhân tự cho mình “quá thánh” tới mức không muốn có sự thông công với bất cứ Cơ-đốc nhân nào trong các phe khác. Ngoài mịệng họ nói rằng “chúng tôi thuộc về Đấng Christ,” nhưng thật sự bên trong “Đấng Christ thuộc về chúng tôi.” Đây là nhóm hay có các nhóm từ sau đây trên môi: “Chúa bảo với tôi” hay “Chúa phán với tôi” hay “Chúa ban cho tôi khải tượng này, khải tượng kia,” v.v…Đối với Cơ-đốc nhân trong các nhóm khác, “phe Christ” là phe kẻ cả nhất, và vì thế, làm người khác khó chịu nhất, vì mỗi khi “Đấng Christ” đã truyền cho họ làm những điều họ làm, thì thật sự không có gì để bàn tiếp! Sau khi Phao-lô đã tử đạo, sự chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô vẫn còn trầm trọng, nếu không nói là trầm trọng hơn. Clement, một trong các Cơ-đốc nhân mà người ta hay gọi là “giáo phụ,” trong thư gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô có nhắc lại nạn phe phái mà Sứ Đồ Phao-lô đã trách cứ trong thư 1 Cô-rinh-tô 40 năm trước. Clement nhắc tới ba phe: Phao-lô, Phi-e-rơ và A-bô-lô, nhưng không thấy ông đả động tới “phe Christ” [7]. Nhiều người tin rằng vì các Cơ-đốc nhân trong phe này nhận thấy không có ai xứng để thông công với mình, nên đã tuyệt giao và bỏ Hội Thánh này mà đi [8]. Chúng ta nhớ lại rằng Hội Thánh Cô-rinh-tô có nhiều tín đồ sống rất xác thịt. Vì vậy, họ chịu trách nhiệm một phần nào cho sự tách ra của “phe Christ.”

(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *