XÃ HỘI BIẾN ĐỔI, THẦN HỌC CHUYỂN MÌNH – III. THỜI ÐẠI CHỚP NHOÁNG:

III. Thời Ðại Chớp Nhoáng:

Thần học và ý thức thời gian của Hậu Hiện Ðại

Tiễn đưa thời Hiện Ðại là một cuộc tiễn đưa lâu dài. Nếu chúng ta tiễn chân ai tức là chúng ta chưa rời người đó, vì chúng ta còn đang đi với họ. Những quan điểm của các nhà thần học được phát họa ở trên đều chứng minh rằng họ mới cất bước đi vào thời Hậu Hiện Ðại. Mặc dù nhiều nhà phê bình cho rằng trạng thái manh nha này còn lâu mới đạt tới được cao trào, nhưng có lẽ chính những lời phê bình hà khắc như thế đã công nhận quá trình đang tiến về Hậu Hiện Ðại, đồng thời cũng không quên thời Hiện Ðại còn đang tồn tại. Thực vậy, thực sự sống trong giao thời là nhận thức mối liên quan giữa hai thời đại này (Hiện Ðại và Hậu Hiện Ðại). Thời gian vẫn lững trôi. Hay nói đúng hơn: văn hóa nuôi dưỡng ý thức về thời gian và những hình thức xã hội thay đổi nương theo thời gian tính và hình thành hiện tại, quá khứ và tương lai, vẫn tiếp diễn. Khi vấn đề hóa tương quan này, thần học có thể góp phần để tự soi chiếu mình ý thức về hành trình tục hóa hiện tại cũng như về tôn giáo. Bởi thế, tương giao hóa giữa lý trí và niềm tin trong tương lai là vừa khám phá ra dấu chỉ thời gian của đời sống xã hội. Cuối cùng, mô hình thần học Hậu Hiện Ðại phải phản tỉnh phạm trù thời gian, vì dù là hiện đại hay hậu hiện đại chúng đều ẩn tàng ý nghĩa thời gian. Thần học hiểu thời gian như “thời cơ ơn thánh” (Kairos), nghĩa là lịch sử do Thiên Chúa khởi dụng, do Ngài hướng dẫn tới viên mãn bằng cách cho con người góp phần đưa nó tới thành toàn, khác hẳn với quan niệm về thời gian theo lượng số, dù trực chỉ trương khai như thuyết tiến hóa hay tuần hoàn phát triển, hoặc cảm thấy thời gian bị cá nhân hóa trong cuộc sống lịch sử như biện chứng pháp. Thời gian theo quan niệm thần học là những biến cố của tại hữu (Dasein) mang tính chất độc nhất vô nhị, tự do và chung định (endgultig) trước mặt Thiên Chúa. Bắt mạch thời gian theo quan niệm siêu nhiên này, sẽ thấy nó xuyên qua những hoàn cảnh xã hội đặc thù khác nhau, hiển hiện trong mô thức thời gian (zeit modi) như trong quá khứ, hiện tại và tương lai dẫn tới một thần học coi trọng việc phân tích xã hội. Thần học cần thực thi cả việc bắt mạch thời gian lẫn công cuộc phân tích xã hội để nhận ra những chiều hướng thay đổi tiên báo thời Hậu Hiên Ðại.

1. Tương lai bất định

Ðặc tính nói rõ xã hội hiện đại là “tăng gia” sản xuất, cặn bã, chế biến, lợi tức…). Người ta mong muốn không phải chỉ là tiến triển nhưng là gia tốc hóa. Thời đại chúng ta sống thường lấy “phá kỷ lục” làm tiêu chuẩn để cố gắng. Tuy nhiên, càng tích cực nhắm tới vượt mức thì đàng khác tiêu cực cũng càng xa lầy nhanh hơn. Trong khi đó phần đông chỉ nhận ra mức tiêu cực vì họ đòi hỏi hướng tích cực quá nhiều. Rõ ràng nhất là cơn khủng hoảng môi sinh nói lên hậu quả kinh khủng của việc bóc lột và phá hoại hoàn cảnh thiên nhiên. Theo gia tốc không thắng, quá khứ biến nhanh để nhường lại cho hiện tại quyết định và hành động. Như vậy cơ hội diễn dịch, nhờ cái đã biết để suy ra cái chưa biết, ngày càng giảm thiểu. Một khi cơ hội học hỏi để cải thiện càng ít đi thì ngược lại nỗi lo sợ khi chạm trán với tương lai càng đè nặng trên chính trường hiện thời: làm sao lấy hiện tại qua vùn vụt phóng chiếu vào tương lai được? Nói cách khác, lượng số khoa học và kỹ thuật thành đạt biến đổi xã hội càng nhanh bao nhiêu thì sự tiên đoán về mực sống càng khó khăn bấy nhiêu. Sự phát triển này ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng tới cá nhân trong giai đoạn chọn nghề hay hướng nghiệp: thời này tốt nghiệp các trường đào tạo luôn có cảm tưởng là chưa đạt tới mức đòi buộc để dễ kiếm công việc. Thêm vào đó, chương trình đòi hỏi học tập để ứng dụng trong tương lai, nhưng nhiều khi vừa học xong, tốt nghiệp viên đã cảm thấy cái học của mình bị đào thải rồi. Các chức nghiệp không phải là thiếu học nhưng thiếu tu nghiệp thường xuyên nên họ phải chấp nhận việc làm trong phạm vi xa lạ với trình độ họ được huấn luyện. trong tiến trình gia tăng kiến thức nói chung, kiến thức về kỹ thuật và kinh tế trổi vượt hơn cả, chúng cũng là những phạm vi biến đổi nền văn minh nhiều nhất, dầu vậy sự gia tăng kiến thức trên nguyên tắc không thể lường trước được, tất nhiên chúng cũng chỉ càng đẩy mạnh đà tiến bất định ấy thôi. “Khoa học hóa nền văn minh của chúng ta, nếu không tăng gia bảo đảm phương hướng thì nhìn vào tương lai chỉ càng giảm thiểu sự bảo đảm đó mà thôi”. Nói cách khác, sự tiến triển về khoa học, kỹ thuật và sản xuất ảnh hưởng tới cường độ đổi mới và tốc độ điều hành trong mọi lãnh vực trong cuộc sống xã hội. Con người hiện đại thay vì học biết và mở mang kiến thức để cảm thấy được bảo đảm hơn, ngược lại càng cảm thấy thế giới xa lạ và bất khả thấu triệt. “Ngày nay những điều đã quen thuộc biến mất quá nhanh, trong khi thế giới tương lai ẩn hiện với những bộ mặt xa lạ. Sống trong thế giới khác lạ này, con người cảm thấy đang xa lìa thế giới”. Con người hiện đại biết nhiều hơn, nhưng không khôn hơn. nhìn theo khía cạnh này, một cuộc thay ngôi đổi vị đang diễn ra: thay vì hoài nghi tôn giáo làm con người sống xa lạ với thế giới, như khoa học thường nghĩ, bây giờ chính khoa học đã bị phê bình là tha hóa con người. Trong lúc này, Kitô giáo được dịp may nhắc nhớ những điều còn lại, những điều luôn tái diễn, những điều mà con người không thể đạt tới được. Niềm tin công bố những điều này chiếu qua những hình ảnh về sáng tạo và thế mạt, về lời hứa và sự thực thi lời hứa, về tội lỗi và sự tha thứ. Như thế niềm tin chống lại khuynh hướng đồ vật hóa (Verdinglichung) và phi lịch sử hóa thực thể. Những đoạn Thánh Kinh bị cho là mang tính cách huyền thoại như sáng thế, con người sa ngã và bị đuổi khỏi địa đàng lại đang lột rõ bộ mặt hiện thực của con người. Thánh Kinh kể lại con người nhận lãnh đời sống chứ không tạo ra nó. Thánh Kinh cũng nói rõ con người muốn tạo cho mình ý nghĩa cuộc sống, thì ý nghĩa đó cũng sẽ mau qua như con người vậy. Thánh Kinh cũng khuyến cáo con người trước ảo ảnh là muốn loại bỏ tội ác ra khỏi thế giới và phòng ngừa ảo vọng là muốn viên mãn hóa nhân bản trong lịch sử nội tại. Trong một thời đại nhận thức về con người trở thành hời hợt, vì ta chỉ nhìn thấy đồ vật và con người… hiện đại loáng thoáng biến vào quá khứ như hành khách trên xe lửa ngồi quay lưng về phía trước: tức chỉ nhận ra chân tướng khi đã qua, thì những truyền thống trên giáp mặt với hiện tại qua bao những bóng hình sơ khởi mà hiện tại càng muốn chối bỏ bao nhiêu thì càng khó ly thoát bấy nhiêu. Niềm tin Kitô giáo nhắc nhở con người biết rằng những gì con người không thể thoát ly được, thì nó cũng đồng tiến với con người.

2. Nhu cầu quá khứ

Trong thời thần tốc, con người thời đại bước vào một thế giới bất phân minh giữa quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bởi đó những nhận định hướng quen thuộc và khả thể tiên đoán biến dần trong hầu hết mọi lãnh vực cuộc sống. Nhưng qua kinh nghiệm trên, con người mới phát giác nhu cầu tìm lại một thực tại quen thuộc, vì nếu không có nó, con người không thể đương đầu được với những thay đổi dồn dập thường xuyên. Hoạt cảnh thỏa mãn nhu cầu này gây cho chúng ta một ấn tượng sâu sắc: di truyền văn hóa được bảo tồn kỹ lưỡng trong bảo tàng viện, trong văn khố, để rồi thỉnh thoảng trong những dịp quốc lễ lại được trưng bày long trọng. Ở Ðức trong những thành phố nào không có những kiến trúc lịch sử để sửa sang tu bổ thì họ lại tim cách xây dựng lại những dấu tích lịch sử đã bị xóa mất. Cả trong giới tư nhân cũng có khuynh hướng hoài cổ tương tự: người ta trang hoàng lại những đồ cổ xa xưa, treo lại những di ảnh của của ông bà tổ tiên. Thời đại càng tân tiến bao nhiêu càng khó tránh được sự cổ hóa. Tuy nhiên cổ hóa cũng có cái hay của nó, vì trong ý nghĩa lịch sử hầu như không có gì thay đổi ngoài những gì đang tân thời sẽ trở thành cổ xưa. Vận tốc làm cho những gì đã cũ thành cũ hơn, dầu vậy tốc độ cổ hóa sẽ giảm bớt nhiều khi chúng tách khỏi bước tiến dồn dập của thời đại. Chỉ khi chúng trở thành “cổ điển”, chúng sẽ được bảo tồn trong ngôi vị vô thời gian tính. Chung cuộc của thời hiện đại là khả thể cổ hóa dứt khoát. Sự mâu thuẫn của thời hiện đại là chính những cái mới dễ trở thành nhàm chán.

Những hình thức nguyên ủy cảm nhận vũ trụ toàn diện trong đó phải kể tới các truyền thống tôn giáo không thể bị coi là phi tân thời hay bị đào thải. Chúng trở thành những đồn trú cần thiết chống lại hình thái thế giới được giải thích theo cách mổ xẻ phân tích của khoa học kỹ thuật. Niềm tin Kitô giáo luôn tự cảnh tỉnh để ý thức rằng con người không thể tồn tại, bao lâu những thao thức về nguồn gốc và ý nghĩa toàn thể chưa được giải đáp trong Phúc Âm về những vấn nạn thắc mắc cuộc đời từ đâu sẽ tới và sẽ đi về đâu, có thể giúp con người đương đầu với cuộc sống trong một thế giới trở thành quá phức tạp, quá rắc rối và mờ mịt, đồng thời hướng dẫn con người tìm theo dấu vết của Siêu Việt mà trong cuộc sống nội thế thường quá thiếu hụt. Trong ý nghĩa này, niềm tin Kitô giáo cống hiến những gì con người thời đại thiếu sót, cả những khi họ tưởng rằng họ có tất cả.

3. Lạm phát hiện tại

Mực thước duy lý hóa kỹ thuật của thời Hiện Ðại là giảm thiểu thời gian trong mọi hoạt động như sản xuất, trao hàng tồn kho. Trong mọi lãnh vực cuộc sống xã hội, khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ được thu ngắn để đạt tới mức “hiệu quả tức khắc” (Instant Effeckt); quảng cáo hàng không thể thiếu được lời nhắn nhủ: “phục vụ nhanh chóng”. Người hành nghề trong giờ nghỉ trưa tìm một “quán ăn nhanh” để rút ngắn khoảnh khắc giữa gọi-và-trao đồ ăn, cũng như việc ăn uống. Nếu ban chiều đi làmvề phải nấu nướng, họ đã có những món-ăn-làm-sẵn, chỉ cần “đổ vào, quấy lên” là xong bữa ăn. “Hiệu quả tức khắc” này làm cho người tiêu thụ dễ mua sắm nhiều hơn (nay mua, mai trả), nhưng chính vì vậy kinh tế tín dụng càng tiến nhanh, thì khách hàng càng dễ trở thành những con nợ chung thân. Phương tiện thúc đẩy “văn hóa chớp nhoáng” này là điện tử truyền thông. Ðiện tử truyền đạt chớp nhoáng tới độ giữa biến cố và báo cáo, giữa phát-và-thu, dù ở chỗ nào trên thế giới, hầu như trở thành đồng thời tính. Trong những đại hội thể thao hay hội nghị thượng đỉnh chính trị người xem TV có thể tham dự trực tiếp được. Tốc độ thu ngắn quá trình, giảm thiểu thời gian; mục đích là để con người có nhiều thời giờ hơn, có dịp học hỏi nhiều hơn bất cứ bộ môn nào, mà không bị thời-không (gian) ngăn cản.

Nhưng mục đích chiếm hữu thời gian này lại đưa tới một hậu quả nghịch lý: thời gian tiết kiệm được lại không được tự do dùng, vì con người bị thúc bách dùng thời gian tiết kiệm đó để tiếp tục tiết kiệm thời gian thêm nữa. Kết quả nền văn minh hiện nay là: con người tân tiến nhận được tất cả trong chớp nhoáng, nhưng lại không có thời giờ, hay không biết thời giờ tiêu hao về đâu! Họ sản xuất thật nhiều, nhưng không bao giờ đủ. Tất cả trở thành hiện tại, họ không còn chờ đợi gì nữa. Nhưng tính trạng này cũng là động lực bí mật thúc đẩy con người càng chớp nhoáng hóa cuộc sống. Con người muốn vượt thời gian tự nhiên, chôn vùi quá khứ, nhưng hành động như thế lại làm cho con người băn khoăn trước ý nghĩa hành động của mình. Cướp giật thời gian đã trở thành một “bí quyết” để giải quyết ý nghĩa cuộc đời. Dầu vậy, đó chỉ là một công việc vô vọng, vì ý nghĩa mà con người dù cố gắng tới đâu đi nữa, tự gán ghép cho cuộc sống mình, sẽ qua đi nhanh như con người, như những thời gian họ nhọc công tiết kiệm được. Bởi đó không lạ gì khi ngày nay người ta nghe những giọng điệu bệnh tật lan tràn khắp nơi: tận thế rồi! Niềm tin Kitô giáo nói tới ngày cánh chung, thời viên mãn có một ý nghĩa khác hẳn: không phải kết thúc tại hữu (Zu-ende-Sein des aseins), nhưng tồn hữu dưới hình dạng không thể già nua, không đào thải được nữa.

(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *