CHIA RẼ VÀ BÈ ĐẢNG TRONG HỘI THÁNH (3)

3- Sự chia rẽ trong Hội Thánh trong bối cảnh của chiến trận thuộc linh

Đức Chúa Jesus khi còn trên đất có biết trước Hội Thánh sẽ chia rẽ chăng?

Sự chia rẽ trong Hội Thánh là điều mà Đấng đã đổ máu mình để chuộc về không bao giờ muốn thấy, nhưng đã thấy trước, thể hiện trong lời cầu nguyện với Chúa Cha như sau:

“…để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến.” (Giăng 17:21)

Lời cầu nguyện của Ngài phản phất cả phước lẫn họa. Phước cho những Cơ-đốc nhân hiệp một với anh em mình, vì qua sự hiệp một đó, họ hiệp một với Cha lẫn Con, vì cả Cha và Con luôn luôn hiệp một với nhau. Họa là nếu có sự chia rẽ trong Cơ-đốc nhân thì thế gian không tin rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đến. Nếu Jesus thành Na-xa-rét không đến vì Cha đã sai, thì những gì Jesus đó tuyên bố như Giăng 3:16, là câu truyền đạo mãnh lực nhất, không có giá trị gì hết. “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Làm sao một người chưa tin Chúa, khi nghe Giăng 3:16, biết Ngài yêu thương mình? Lời Chúa cho chúng ta biết rằng người chưa kinh nghiệm Chúa nhận ra Đức Chúa Trời qua tình yêu của các anh em trong Chúa với nhau:

“Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.” (1 Giăng 4:12)

Vì vậy, điều dễ hiểu là nếu một Cơ-đốc nhân không yêu người anh em mình thì không biết đến Đức Chúa Trời, hay không thể yêu Ngài được (1 Giăng 4:8, 20). Thánh Kinh cho biết tình yêu là cột trụ quan trọng nhất trong ba cột trụ của đức tin Cơ-đốc: Đức tin, hy vọng và tình yêu (1 Cô-rinh-tô 13:13). Do vậy, nếu cột trụ này bị đánh ngã, thì mái nhà Cơ-đốc bị sụp đổ. Đó là điều Satan, là kẻ sát nhân, và cha của sự nói dối (Giăng 8:44) đã và đang làm cho Hội Thánh Chúa.

Một người đang tìm hiểu có một Đức Chúa Trời hay không phải đối diện với câu hỏi tại sao có sự ác trong thế gian. Khi đọc đến câu chuyện của Ca-in và A-bên, là hai người đều tin Chúa cả, anh ta tự hỏi tại sao anh em lại giết nhau. Khi đọc sách sử đến các cuộc Thập Tự Chinh (Crusades) do một giáo hội mang tên Đấng Christ tiến hành trong thời Trung Cổ, vì đó mà nhiều người Do-thái và Hồi Giáo bị tàn sát, anh ấy hỏi Cơ-đốc nhân đang truyền đạo cho anh là tại sao máu dính đầy tay “Cơ-đốc nhân” vậy. Rồi khi đọc đến cuộc Cải Chính của Martin Luther, anh ấy tự hỏi rằng tại sao hai bên cùng mang tên Chúa cả mà một bên lại bắt bớ bên kia. Đến khi anh ấy đọc đến cảnh người Do-thái (mà người ta bảo với anh là đó là “tuyển dân” của Đấng mà anh ta đang tìm hiểu) bị chính Hội thánh Ngài bài xích, bắt bớ [9], chắc anh ấy phải lắc đầu. Cuối cùng, khi anh ấy đọc đến cảnh các tín đồ Anabaptist bị trấn nước bởi chính “anh em cùng đức tin” thì anh ấy phải xuôi tay đầu hàng. Nếu có Đức Chúa Trời, tình yêu của Ngài ở đâu? Anh ấy hỏi. Trong các diễn đàn điện tử của người Việt hay ngoại quốc, lý luận về “’Cơ-đốc nhân’ giết nhau” là lý luận mạnh mẽ nhất của người vô thần để phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, Cơ-đốc nhân hiểu rõ rằng, cho đến khi hắn bị quăng vào hồ lữa (Khải Huyền 20:7-10), trá hình để lừa dối là chiến thuât của Satan. Tạo ra nhiều tổ chức mang tên Chúa, vừa làm “công việc của Chúa,” vừa làm công việc của đồ tể là một hình thức trá hình. Chúng ta không cần phải tốn công để bàn về sự trá hình này. Điều chúng ta muốn tập trung vào là tại sao vẫn có sự chia rẽ đáng tiếc giữa vòng những người đã thật sự bước từ sự chết qua sự sống−tức là những Cơ-đốc nhân đã tái sinh.

Khi đã được tái sinh trong Chúa, tâm linh của chúng ta đã sống lại, nhưng xác thịt vẫn còn như cũ. Thể xác đó chứa đựng những nếp suy nghĩ, ngôn từ, hành động, tức là những thói quen của đời sống cũ. Dù vậy, con người có cái tâm linh mới bị giam giữ trong cái xác thịt cũ đó vẫn được Phao-lô gọi là “thánh đồ” (1 Cô-rinh-tô 1:2). Tuy nhiên, ông kêu gọi chúng ta dâng thân thể đó lên làm của lễ sống và thánh để qua đó, Đức Chúa Trời thánh tẩy chúng ta. Về phía mình, chúng ta phải vác thập tự giá hàng ngày để bản chất cũ bị đóng đinh vào thập giá của Đấng Christ (Ga-la-ti 5:24). Nếu bản chất cũ chưa chết, thì nó biểu lộ ra các công việc sau: “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy” (Ga-la-ti 5:20,21). Chúng ta muốn tập trung vào chữ có gạch dưới vì nó liên quan trực tiếp đến sự chia rẽ trong Hội Thánh, mặc dù các tính chất khác vẫn có liên quan. Bè đảng là một biểu hiện của xác thịt cũng như loạn luân (lấy vợ của cha). Gây chia rẽ là tội phạm trước mặt Đức Chúa Trời (Tít 3:11, Giu-đe 19). Mặc dù mỗi phe vẫn có thể đúng trong một vài phương diện, như “phe Christ” “đúng” trong sự hiểu biết về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn “sai” trong tình yêu thương vì theo Phao-lô “sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương gây dựng” [Xin xem ghi chú 10] (1 Cô-rinh-tô 8:1).

Có phải Đấng Christ chỉ chết cho “phe Christ” mà không là các “phe” khác?

Có phải Đấng Christ chỉ chết cho các tín đồ nghiên về thuyết Calvin mà không là người Arminius?

Có phải Đấng Christ chỉ chết cho tín đồ xem ngày Thứ Bảy là quan trọng nhất trong tuần?

Còn Ngài không chết cho các tín đồ xem ngày Chủ Nhật là quan trọng nhất chăng?

Còn các tín đồ xem mọi ngày là quan trọng giống nhau thì sao?

Ngài không chết cho họ sao?

Có phải Đấng Christ chỉ chết cho tín đồ không uống giọt rượu nào?

Hay Ngài cũng chết cho các tín đồ biết uống rượu nữa?

Có phải Đấng Christ, Chúa chúng ta chỉ chết cho tín đồ nhục thực, hay còn cho người thảo thực nữa?

Có phải Chúa chỉ chết hoặc cho anh, hoặc cho tôi, là hai người có sự bất đồng trong các tín lý về ăn, uống và ngày nghỉ?

Tình yêu của Đức Chúa Trời có trong chúng ta chăng?

Vì tình yêu của Ngài đối với tội nhân, nên Đức Chúa Jesus Christ phải chịu khổ hình trên thập giá, để cho chúng ta, là những người “có ít tội” và những tín đồ “tội tày trời” như tín đồ Cô-rinh-tô, là những kẻ lấy vợ cha được đứng ngang nhau trước mặt Chúa. Vì Ngài đã chịu đóng đinh nên tội nhân như chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận bất kể tình trạng tội lỗi của chúng ta. Đó là ân điển; nó khác với luật pháp. Chúng ta được Chúa chấp nhận không phải vì chúng ta làm được nhiều điều trong Luật Môi-se mà vì đức tin của chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ. Tình yêu của Đức Chúa Trời đã đổ ra cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là người có tội, nhưng tình yêu đó có trọn vẹn trong chúng ta hay chăng bằng vào tình yêu của Cơ-đốc nhân cho nhau (1 Giăng 4:12). Nếu đã yêu nhau thì phải chấp nhận nhau như chính Đức Chúa Trời đã yêu, đã chết, và đã chấp nhận chúng ta vậy.

Tình yêu trong Đấng Christ không phải là tình yêu đầu môi chót lưỡi mà là bằng hành động và chân lý (1 Giăng 3:18). Có những tấm lòng đầy tính nhân bản, nhưng không nằm trong chân lý của Chúa [11]. Cũng có nhiều hành động “đầy yêu thương” nhưng vẫn không có chút tình yêu nào (1 Cô-rinh-tô 13:3). Kiến thức về chân lý của Đức Chúa Trời rất tốt, nhưng có thể dẫn tới sự kiêu ngạo và kiêu ngạo xé nát Hội Thánh (1 Cô-rinh-tô 8:1, 11). Chỉ có tình yêu thuần túy trong Chúa thúc đẩy Cơ-đốc nhân chấp nhận nhau để cùng nhau xây dựng Hội Thánh (1 Cô-rinh-tô 8:1). Hội Thánh không bao giờ là một tập hợp đồng nhất, trong đó mọi người giống nhau hoàn toàn. Vì Đức Chúa Trời chấp nhận sự khác nhau đó, nên Ngài trông mong Cơ-đốc nhân chấp nhận nhau trong những sự khác biệt đó. Chúng là gì?

Sứ Đồ Phao-lô nêu ra ba điều khác biệt Cơ-đốc nhân phải chấp nhận lẫn nhau. Đó là ăn, uống và ngày nghỉ (Rô-ma 14). Cụ thể là ăn thịt hay ăn rau (Rô-ma 14:2, 3), uống được rượu hay không uống (Rô-ma 14:21), ăn đồ cúng hay không (1 Cô-rinh-tô 8) (Xem ghi chú [12]), ăn vật dơ (như heo) hay vật sạch (như bò). Về ngày nghỉ, Cơ-đốc nhân xem Chủ Nhật, hay Thứ Bảy, hay bất cứ ngày nào trong tuần là quan trọng. Nói một cách khác, mỗi Cơ-đốc nhân có tự do tuân giữ một số điều răn hay toàn bộ Luật Môi-se, và hoàn toàn tự do tuân giữ theo phong cách riêng của mình, với điều kiện đừng áp đảo người khác phải theo mình. Về phía kia, những Cơ-đốc nhân không tuân giữ có tự do làm vậy, với điều kiện đừng phê phán, chỉ trích và cáo buộc các anh em tuân giữ.

Phao-lô nêu ra ba lý do khiến Cơ-đốc nhân phải dung dị nhau trên ba lãnh vực này:

· Đức Chúa Trời chấp nhận anh em mình bất kể các dị biệt đó (Rô-ma 14:3, 14, 18).
· Nước của Đức Chúa Trời không phụ thuộc vào những việc thường lệ như ăn, uống và nghỉ (Rô-ma 14:17).
· Sau cùng, chính Đức Chúa Trời sẽ phán xét mọi người sau này (Rô-ma 14:10), không phải là chúng ta (Rô-ma 14:4).

Về phần chúng ta, là những Cơ-đốc nhân có tự do trong việc ăn, uống hay nghỉ theo phong cách của mình, phải:

· Sinh hoạt với một lương tâm trong sáng và chắc chắn: “…tin chắc ở trí mình” (Rô-ma 14:5).
· Dù ăn hay không ăn, uống hay không uống, nghỉ hay không nghỉ, chúng ta dâng lời cảm tạ lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 14:6, 8).

· Đừng vì phong cách riêng của mình hủy phá anh em mình:

“…nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chơn trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã” (Rô-ma 14:13).

“Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhơn thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho” (Rô-ma 14:15).

Cơ-đốc nhân nào làm tổn thương anh em khác bằng việc ăn, uống hoặc nghỉ của mình có tội với người đó, và với Đức Chúa Trời: “Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 8:12).

4- Những trường hợp khác

4.1- Hiệp một và hiệp nhất tôn giáo

Như chúng ta đã bàn, nạn chia rẽ và bè nhóm trong Hội Thánh là biểu hiện của công việc của xác thịt; ăn, uống hay nghỉ chỉ là những cái cớ bề ngoài. Vì vậy, chia rẽ và bè nhóm là tội trước mặt Đức Chúa Trời. Dù vậy, Cơ-đốc nhân không đi tìm kiếm sự hiệp một bằng mọi giá. Xin chúng ta để ý tới hai chữ mà tác giả dùng: Hiệp một và hiệp nhất tôn giáo (ecumenism). Hiệp một là hiệp một trong Chúa, như Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh hiệp một với nhau. Hiệp nhất là sự tìm kiếm và gặp gỡ của nhiều tôn giáo (kể cả đạo ngoại), giáo phái, và triết lý loài người, để hiệp thành một tôn giáo chung, bất kể chân lý của Đức Chúa Trời. Hiệp nhất dẫn đến tôn giáo toàn cầu mà chúng tôi đã có bàn qua [13]. Đây là một hình thức của sự thờ hình tượng (idolatry) mà Cơ-đốc nhân phải tránh.

4.2- Chĩa rẽ và Phân rẽ:

Có trường hợp mà Hội Thánh cần phải phân rẽ với anh em phạm tội mà không ăn năn. Đó là các tội vô luân mà Phao-lô đã nói tới trong 1 Cô-rinh-tô 5:11: “gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp.” Tuy nhiên, có trường hợp khác là một bộ phận của Hội Thánh phạm tội tà dâm và thờ hình tượng mà không thấy Thánh Kinh khuyên phân rẽ. Đó là trường hợp của Hội Thánh Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ trong Khải Huyền chương 2 (14, 20). Thật là một gánh nặng cho phần còn lại của Hội Thánh Thi-a-ti-rơ phải chịu đựng nhóm người phạm tội kia, nhưng có lẽ vì vậy họ được Đức Chúa Jesus khen thưởng (24, 25). Bẻ đôi Hội Thánh để “bảo vệ chân lý của Đức Chúa Trời” là điều Thánh Kinh không bao giờ dạy.

4.3- Giáo sư giả và lạc thuyết:

Trong khi còn trên đất, chính Đức Chúa Jesus Christ đã cảnh báo các sứ đồ về tiên tri (hay giáo sư) giả (Ma-thi-ơ 7:15). Các sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cũng cảnh báo về nạn này (2 Cô-rinh-tô 11:13-15, 2 Phi-e-rơ 2:1). Tiên tri giả, giáo sư giả, sứ đồ giả gieo tin lành giả, tín lý sai lạc để lũng đoạn Hội Thánh. Điều này cho chúng ta thấy rằng tín lý là một cái đích rất quan yếu để Satan đánh vào. Thánh Kinh báo trước càng gần với ngày sau rốt, càng có nhiều lạc thuyết xuất hiện (1 Ti-mô-thê 4:1).

Ngoài các nan đề chia rẽ và vô luân, Hội Thánh Cô-rinh-tô còn phải đối diện với lạc thuyết: Một số Cơ-đốc nhân tin rằng không có sự phục sinh (1 Cô-rinh-tô 15:12). Chúng ta biết rằng niềm tin này là sai vì chính Đức Chúa Jesus Christ dạy về sự phục sinh (Ma-thi-ơ 22:23-32). Để giải quyết sai lầm này, Sứ Đồ Phao-lô dành cả chương 15 của thư Cô-rinh-tô thứ nhất để trình bày khải thị Đức Chúa Trời ban cho ông về sự phục sinh. Chúng ta để ý rằng Phao-lô không có một chút cáo buộc các tín đồ có niềm tin sai lạc này. Vào một dịp khác, trong thư gởi cho Ti-mô-thê, Phao-lô có đề cập tới hai nhân vật, là Hy-mê-nê và Phi-lết (1 Ti-mô-thê 1:20, 2 Ti-mô-thê 2:17). Hai người này là Cơ-đốc nhân, tin rằng, sự phục sinh đã xẩy ra. Chúng ta biết rằng tin như vậy là sai, theo lời giáo huấn của Đức Chúa Jesus: ”Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy” (Ma-thi-ơ 7:15). Chắc hẳn hai người này có gieo rắc niềm tin của mình cho các Cơ-đốc nhân khác, vì vậy, niềm tin của họ có phần bị lung lạc (2 Ti-mô-thê 2:17). Mặc dù có lời phán xét nghiêm trọng đối với họ, chúng ta không thấy Phao-lô “chụp mũ” họ là tà đạo.

Lời cuối

Ngày hôm nay, khi nhìn lại mâu thuẫn kiểu như của hai nhóm Calvin và Arminius, chúng ta nhận thấy luôn luôn có một đám đông đã có trước, vững vàng. Nhóm này tự xưng là “chính phái.” Từ trong nhóm này xuất hiện một tín lý mới, thách đố tín lý cũ, và vì thế bị tuyên bố là “tà thuyết.” Người khởi xướng ra “tà thuyết” bị trục xuất, săn đuổi, bắt bớ nhưng cũng kéo theo được một số Cơ-đốc nhân để lập thành một giáo phái mới. Điều khó nghĩ là mỗi nhóm tuyên bố tín lý của mình chỉ dựa vào Thánh Kinh không thôi. Có những Cơ-đốc nhân khác đứng ngoài vòng tranh chấp như tác giả bài này nhận thấy hai thuyết này cùng có điều tốt là không pha trộn tôn giáo loài người, cho nên những Cơ-đốc nhân lập ra các thuyết đó không mang tội thờ hình tượng. Tuy nhiên, theo nhận định chủ quan của tác giả bài này, mỗi thuyết vẫn có cái thiếu sót bên cạnh cái đúng. Như vậy, lời kết tội là “tà” của phe “chánh” chỉ dựa vào quyền thế của đám đông hơn, đã được thiết lập lâu đời hơn.

Nếu là Arminius thì tác giả bài này phải làm gì khi điều mình tin không trùng hợp với đám đông? Một mặt, tác giả thật sự không muốn mang tội chia rẽ Hội Thánh với Đức Chúa Trời. Mặt kia, tác giả muốn thành thật với chính mình và với anh em Cơ-đốc về điều mình tin. Cho nên, điều tốt nhất mà tác giả có thể làm được cho chính mình và anh em là trông cậy Chúa để đừng có tư tưởng cao quá lẽ (Rô-ma 12:16). Dựa trên nguyên tắc này, tác giả chỉ muốn chia xẻ quan điểm của mình−chứ không phải dạy dỗ ai−một cách hết sức thành thật, hết sức cẩn trọng và hoàn toàn trong sáng.

Ngoại trừ những vấn đề như ăn, uống, nghỉ ngơi, và vô luân đã được Thánh Kinh giải quyết rõ ràng, tác giả nhận thấy mình cần phải đợi đến ngày gặp Chúa mới hiểu được những vấn đề khác trong Hội Thánh. Một trong các vấn đề đó là tại sao Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng luôn luôn hiệp một với Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh, là Đấng đã cầu xin cho sự hiệp một của Hội Thánh, mà thân thể Ngài càng ngày càng nát, không phải vì các vết hằn của lính La-mã, mà là vì chính anh em của Ngài.

Chú thích

1- Lê Anh Huy và Huỳnh Christian Timothy, “Hội Thánh của Đức Chúa Trời,” http://thanhkinhthanhoc.net/content/hoi-thanh-cua-duc-chua-troi
2- Chuck Smith, Calvinism, Arminianism and the Word of God, The Word for today, pp. 6-7 (2007)
3- Cắt bì là đấu hiệu cho Giao Ước Áp-ra-ham (Abrahamic Covenant) mà Đức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 17:11). Biểu tượng này được Ngài truyền tiếp vào trong Giao Ước Môi-se (Mosaic Covenant) (Giô-suê 5:2).
4- Luật Môi-se được Đức Chúa Trời ban cho dân Do-thái trong các sách Xuất Ê-díp-tô ký, Phục Truyền Luật Lệ ký, Lê-vi ký, Giô-sua và Số.
5- Tà dâm (fornication): là tội tình dục phạm bởi một người còn độc thân với người khác hoặc còn độc thân hay đã có phối ngẫu.
6- Gian dâm (adultery): là tội tình dục phạm bởi một người đã lập gia đình với người khác hoặc còn độc thân hay đã có phối ngẫu.
7- Clement of Rome, First Epistle to the Corinthians, http://www.earlychristianwritings.com/text/1clement-roberts.html
8- Pastor David Legge, “Dealing with division, Part 1,” http://www.preachtheword.com/sermon/1cor03.shtml
9- Lê Anh Huy và Huỳnh Christian Timothy, “Tinh thần bài Do-thái,” http://thanhkinhthanhoc.net/ebook/TKTH_TinhThanBaiDoThai.pdf
10- Bản dịch Phan Khôi dùng “gương tốt” cho chữ tiếng Anh “edify” trong bảng King James. Edify có nghĩa là “build up” hay “gây dựng” trong tiếng Việt. 1 Cô-rinh-tô 8:1 có nghĩa là kiến thức dẫn đến kiêu căng, kiêu căng dẫn đến phá hoại, nhưng muốn gây dựng Hội Thánh phải có tình yêu.
11- Lê Anh Huy, “Thần học Tê-rê-sa,” http://thanhkinhthanhoc.net/content/hoc-te-re-sa 12- Ăn đồ cúng: đây là một vấn đề nữa trong Hội Thánh cần phải bàn trong một bài riêng biệt để giải quyết một điều gần như mâu thuẫn giữa nghị quyết Giê-ru-sa-lem về ăn đồ cúng, giáo lý về ăn đồ cúng của Phao-lô, và tội ăn đồ cúng của Hội Thánh Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ.
13- Lê Anh Huy và Huynh Christian Timothy, “Chung Thời Học (2) – Ba-bi-lôn lớn,” http://thanhkinhthanhoc.net/content/chung-thoi-hoc-2-ba-lon-lon

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *