CHÚA TRỜI BIẾN ĐỔI

Để nói về Đấng Tối Cao, con người dùng các từ ngữ như: ông Thiên, ông Trời, ông trời có mắt, Đấng Tạo Hoá, Đấng Sáng tạo, Thượng Đế, Chúa tể muôn loài, Chúa tể vũ trụ.
Trong các tôn giáo, người ta gọi đấng cao nhất là: Braman, Phật thích ca, Mahomed, Đức Huỳnh Giáo Chủ, Đấng Ala, hay Thiên Chúa…
Những danh xưng được người Cơ Đốc Giáo nói thì khác hơn là: Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Linh, Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta gọi Thiên Chúa là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa. Hoặc: Thiên Chúa hằng hữu, Thiên Chúa vĩnh cửu, Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa trường tồn vạn kỷ, Thiên Chúa hoàn hảo, Thiên Chúa bất biến, Thiên Chúa vô cùng, Thiên Chúa vô hình, Thiên Chúa quyền uy…
Con người đã sử dụng rất nhiều những từ ngữ chỉ về Thượng đế, về Chúa của mình. Và con người ngày nay chẳng mấy ai tìm hiểu, bàn luận về những từ ngữ hay đặc tính nói trên. Con người chấp nhận những từ ngữ này. Cũng nội dung ấy, chúng ta cùng diễn tả Thiên Chúa của mình bằng một từ khác: Đó là Thiên Chúa biến đổi.
 Thiên Chúa biến đổi
Biến đổi từ Thiên Chúa vô hình thành Thiên Chúa hữu hình.
Biến đổi từ Thiên Chúa trừu tượng thành Thiên Chúa cụ thể.
Biến đổi từ Thiên Chúa khó hiểu thành Thiên Chúa dễ hiểu.
Biến đổi từ Thiên Chúa khó nhìn thành Thiên Chúa dễ nhìn.
Biến đổi từ Thiên Chúa khó gặp thành Thiên Chúa dễ tiếp cận.
Biến đổi từ Thiên Chúa ở trời cao thành Thiên Chúa ngự nơi đất thấp.
Biến đổi từ Thiên Chúa nghiêm khắc thành Thiên Chúa hiền từ.
Biến đổi từ Thiên Chúa khó cảm nhận thành Thiên Chúa dễ cảm nhận.
Biến đổi từ Thiên Chúa khó gần thành Thiên Chúa dễ nói chuyện.
Biến đổi từ Thiên Chúa không thể rờ chạm được thành Thiên Chúa có thể nhai nuốt được.
Nếu trước kia ai nhìn thấy Đức Chúa sẽ phải chết, hoặc phải khiếp kinh như Maisen ở núi Sinai thì Ngài đã biến đổi thành Thiên Chúa làm cho con người thích thú, say mê, muốn lưu lại, như cuộc biến hình trên núi Tabor: “Thầy ơi, chúng con ở đây thì tốt lắm. Nếu muốn, con sẽ làm cho thầy một lều, một cho Maisen, một cho Êlia, và phải thêm, thêm một lều cho con nữa chứ” (Mt 17,4).
Nếu trước kia phải nhờ đến miệng các ngôn sứ, thì nay Lời được phát ra từ miệng Chúa Con.
Nếu trước kia các hành động phải nhờ đến ngôn sứ, thì nay, hành động cứu độ thế nhân được chính con Thiên Chúa thực hiện.
Biến đổi từ Thiên Chúa là Chúa thành Thiên Chúa làm người.
Biến đổi từ Thiên Chúa là Chúa thành Thiên Chúa là Cha.
Biến đổi từ Thiên Chúa là Chúa thành Thiên Chúa là bạn hữu.
Biến đổi từ Thiên Chúa cứng cỏi thành Thiên Chúa biết cảm thương.
Biến đổi từ Thiên Chúa là Chúa trở thành người phục vụ.
Biến đổi từ Thiên Chúa là Chủ trở thành người đầy tớ.
Biến đổi từ Thiên Chúa đáng được phục vụ thành người đi phục vụ con người.
Biến đổi từ Thiên Chúa chờ đợi con người trở về thành Thiên Chúa đi tìm kiếm con người.
Ngài biến đổi thành một Thiên Chúa say mê con người đến cuồng nhiệt.
Ngài biến đổi chính mình thành người đồng hành với nhân loại. Tất cả chỉ vì lòng thương xót. Vì bản chất của Thiên Chúa là Lòng Xót Thương. Lòng ta thương xót dân này, từ ngàn đời chẳng có đổi thay. Tuy dân ta nhiều lần bội phản, thì ta đưa họ trở về.
Nhìn vào thập giá con thấy tội trần gian. Nhìn vào thập giá con thấy tội của con. Chối từ hồng ân tuôn tràn từ Thiên Chúa, sống trong đam mê chống lại tình yêu, đan tâm phản nghịch, đóng đinh Chúa từ nhân (lời một bài hát). Hãy nhìn lên thập giá, ta sẽ thấy được tình yêu, thấy được hồng ân của Đấng đã chấp nhận biến đổi từ Thiên Chúa nơi trời cao nay biểu lộ tình yêu nơi đất thấp.
Thiên Chúa, Ngài đã biến đổi. Biến đổi đến nỗi làm cho con người nhìn không rõ, hiểu không đúng, nói không thật, hành xử không tế nhị với Ngài. Con người đối xử với Ngài như người thường, tệ hơn là khinh dể, coi thường, phỉ nhổ và tẩy trừ: Tẩy trừ Lời Ngài. Tẩy trừ sự thật và chân lý của Ngài. Tẩy từ tình yêu của Ngài. Dù Ngài có chết để minh chứng tình yêu ấy.
Vâng, tất cả sự biến đổi của Thiên Chúa, với Ngài, chỉ một mục đích là: cứu con người thoát khỏi sự tấn công của ma quỷ, để con người trở thành bạn hữu; thành con được quyền thừa hưởng gia sản ngàn đời của Cha; thành chúa trong Chúa. Ngài biến đổi như vậy là để con người nhận ra tình yêu nơi nhân loại là chóng qua, thế giới là ngắn hạn. Còn tình yêu phát xuất từ Ngài mới là chân lý tuyệt đối.
Cuộc hành trình biến đổi của Thiên Chúa là một cuộc hành trình của ơn cứu độ đã dần thay đổi thế giới, canh tân địa cầu, biến đổi con người.
 Thiên Chúa biến đổi Giáo hội
Các môn đồ cũng đã biến đổi từ sợ hãi thành can đảm; từ bất an thành bình an; từ sợ chết thành dám chết; từ trốn tránh thành công khai; từ bỏ cuộc thành nhập cuộc; từ không dám nói thành nói mạnh bạo, nói thật to về Thầy; từ sợ đau khổ thành vui lòng đón nhận khổ đau để được giống Thầy mình.
Nhờ vào Chúa Thánh Linh mà Chúa Giêsu ban cho thế gian, Giáo hội hiểu được Lời Ngài nói và việc Ngài làm. Giáo hội Chúa đã được hình thành, được phát triển và biến đổi: Biển đổi về cơ chế. Biến đổi về dân số. Biến đổi về cách thức giới thiệu Thiên Chúa. Biến đổi theo hướng dẫn của Thánh Linh để hội nhập vào thế giới, giới thiệu Thiên Chúa tình yêu và cứu độ.
 Thực tế biến đổi
Quả thực, từ thời Chúa Giêsu đến nay, thế giới đã biến đổi rất nhiều.
Về mặt tích cực, thế giới đã biến đổi rất nhiều về mọi phương diện, từ tinh tế, chính trị, y tế, đến giáo dục, văn hoá, thể thao, nghệ thuật, nông nghiệp, công nghiệp… Sự biến đổi này giúp phát huy mọi khả năng để phục vụ con người ngày càng tốt hơn.
Về mặt tiêu cực, thế giới đã biến đổi, nhưng lại thiếu nền tảng về luân lý đạo đức, nên lại gay hại con người. Đó là tạo ra một thế giới bất công về tài nguyên thiên nhiên, về giàu nghèo, về trí tuệ… Tôn giáo cũng thế. Con người cũng tự tạo ra những con đường tôn giáo theo ý riêng mình hay theo một nhóm độc lập, ngược chiều với biến đổi của Thiên Chúa.
Chỉ xét riêng về điều răn thứ V thôi: “Chớ giết người”. Ta sẽ dễ kết án và nguyền rủa Đức Quốc Xã, Hitle giết nhiều triệu người; hay những quốc gia, hoặc ai đó giết hại đồng bào mình hay nhân loại nói chung.

 

Còn thực tế hôm nay ra sao
Chỉ riêng ở Việt Nam thôi, mỗi năm có 1,1 -1,4 triệu bào thai bị phá đi trong khi dân số chưa được 100 triệu. Đó là con số ghi nhận được. Còn chuyện phá thai lén lút, dấu tên thì ai mà kiểm soát đuợc. Vậy ta có nguyền rủa không hay lên án không?
Rồi đến chuyện ngăn ngừa sự sống, con người ngang nhiên ngăn chặn sự sống mà lý do hầu hết là trốn tránh trách nhiệm. Điều này phải chăng trong mỗi Giáo hội không có!
Ta cũng biến đổi đó thôi, nhưng biến đổi ngược chiều với Thiên Chúa.
Thường, con người nói mình không có tội: tôi chẳng giết hại ai cả. Chuyện phá thai, ngăn ngừa sự sống là là không sao, vì đó chưa phải là người.
Không phải cứ chém giết mới là giết người. Tất cả những gì làm hại, làm ảnh hưởng đến sự sống con người cách gián tiếp hay trực tiếp, thì đều là điều răn thứ V.
Ví dụ: Đau không uống thuốc, bệnh không chịu chữa viện lý do là để hãm mình ép xác. Hoặc làm cho môi trường xấu đi bằng chất thải từ người, nhất là từ chăn nuôi ra sông ra ao hàng xóm chẳng hạn.
Thiên Chúa đã chấp nhận huỷ bỏ tất cả vương quyền cao sang, chấp nhận bằng thân phận làm người vì nhân loại. Ngài đã thanh tẩy để dòng đời vốn không thanh sạch để được sạch, còn con người lại làm hại đến môi trường sống, môi trường tinh thần và tôn giáo, làm ảnh hưởng đến mình, đến công đoàn.
Thiên Chúa chấp nhận hiến dâng mạng sống mình để phục hồi sự sống cho thế giới, để canh tân địa cầu và ban lại sự sống đời đời cho ta. Còn ta thì sẵn sàng chối bỏ Con Chúa và đồng loại để phục vụ cho bản thân mình.
Ta cũng biến đổi đó thôi, nhưng là biến đổi ngược chiều với Thiên Chúa.
THANH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *