CƠ ĐỐC NHÂN LÀ “NHỮNG BIA NHẮM DỄ DÀNG” ĐỐI VỚI BỌN KHỦNG BỐ

Tự do tôn giáo là cách biểu lộ sâu xa nhất của nhân vị con người

Bạo lực chống lại người Cơ Đốc giáo ngày càng gia tăng, họ là những “bia nhắm dễ dàng” cho những kẻ khủng bố, những người này biết rằng sẽ không hề có báo thù hay trả đũa. Đó là điều nhận xét của GM Silvano Maria Tomasi, quan sát viên thường trực của Toà Thánh bên cạnh Văn phòng Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, trên Đài Phát thanh Vatican.

Khi gợi lại cuộc ám sát Bộ trưởng Pakistan Bhatti, GM Tomasi đã nói đến “tình hình bi thảm mà nhiều Cơ đốc nhân phải trải qua”.

GM Silvano Maria Tomasi khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt phức tạp trong việc bảo vệ nhân quyền của những người Cơ đốc nhân, nhất là tại một số nước châu Á và châu Phi”. Người lấy làm tiếc là “sự kỳ thị người Kitô hữu không những chỉ giản lược vào việc thiếu tôn trọng niềm tin tôn giáo của họ, mà còn dẫn đến việc ám sát và bạo lực”.

Nếu không dễ gì “xác định được những nguyên nhân chính xác”, thì ít nhất, người cũng nói lên sự gia tăng của các nhóm “ngày càng có thế lực”, những nhóm xây dựng căn cước tính của mình “trong việc phá hoại người khác” và “đi đến việc sử dụng tôn giáo” vào những mục đích chính trị và quyền lực.

“Như thế, ta cần phân tích, từng trường hợp một, một hiện tượng đã quá lan rộng”, GM Tomasi đã cắt nghĩa như thế, khi người nêu lên “một mẫu số chung liên kết các hành động bạo lực nhằm chống lại những người Cơ đốc nhân”: sự kiện họ bị xem “như những bia nhắm, những mục tiêu dễ dàng, bởi vì sẽ không hề có báo thù, không hề có trả đũa” và cũng không có “những sức mạnh chính trị đứng ra bảo vệ họ”.

Người khẳng định: “Điều này dễ làm cho những hành động bạo lực được thực hiện”. Nhưng may thay, “người ta đã bắt đầu nói đến việc bảo vệ những nhóm thiểu số tôn giáo trên toàn thế giới một cách cụ thể hơn”.

Qua cuộc phỏng vấn này, GM Tomasi mong ước có được một “thông tin chính xác hơn về những cuộc bách hại nhằm chống lại những nhóm thiểu số tôn giáo” và “một sự thể hiện những nguyên tắc tổng quát có quy mô lớn trong những điều luật cụ thể của mỗi quốc gia, để hệ thống tư pháp phải trừng phạt, không nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác nhằm chống lại người tín hữu”.

Vị chức sắc trong Giáo Hội này cũng nhắc lại rằng “tư do đức tin, tự do tôn giáo” là cách biểu lộ thâm sâu nhất của nhân vị con người”, bởi vì nó gợi lên “mối tương giao với siêu việt tính” và nó tác động đến những động cơ sâu xa trong việc chọn lựa cơ bản của một con người.

Như thế, “nếu sự tôn trọng tự do tôn giáo hiện hữu”, thì sự tôn trọng những quyền lợi khác của con người” cũng hiện hữu. “Nhưng nếu quyền này bị huỷ bỏ hay phủ nhận, thì những khát vọng dân chủ cũng bị phủ nhận”.

G.B. Lưu Văn Lộc

Theo Zénit.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *