CON NGƯỜI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI “NHÂN TAI”

Sau những thảm hoạ kinh hoàng của thiên tai như: mưa lũ, động đất, núi lửa…, những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở Ấn Độ và Trung Quốc mới đây cũng khiến adư luận không khỏi bàng hoàng.

Trong cùng một ngày 15/11, ở hai quốc gia khác nhau, hai vụ tai nạn xảy ra với 2 toà nhà có hàng trăm hộ gia đình sinh sống và đều cướp đi sinh mạng của hơn 50 người cùng hàng trăm người khác bị thương, bị mất nơi sinh sống và phải chịu nhiều thiệt hại không nhỏ khác về vật chất.

Toà nhà chung cư ở Trung Quốc trong biển lửa

Chiều 15/11, tại Thượng Hải (Trung Quốc), khu nhà 28 tầng, là nơi ở của 150 gia đình mà phần lớn là các giáo viên, trong đó nhiều người đã về hưu, bị cháy dữ dội. Ngọn lửa và khói bốc cao đến mức cách nhiều cây số người ta vẫn có thể nhìn thấy.

Hậu quả là 53 người thiệt mạng và nhiều người bị thương ở những mức độ khác nhau. Toàn bộ toà nhà, sau 3 giờ tích cực cứu chữa để giập tắt được ngọn lửa đã bị hỏng hoàn toàn.

Còn tại Ấn Độ, cũng vào buổi tối 15/11, một tòa nhà ở khu vực đông dân cư phía Đông thủ đô New Dehli bỗng nhiên đổ sập khiến ít nhất 66 người thiệt mạng, 83 người bị thương trong khi hơn 10 người được cho là còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Tòa nhà cao 5 tầng, có khá đông dân cư sinh sống. Tại đây còn có một xưởng sản xuất vải và một xưởng sản xuất bánh.

Nguyên nhân của những vụ tai nạn này còn đang được điều tra, nhưng điều có thể rút ra ngay được chính là tình trạng nhà ở không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, là những hoạt động không đủ quy tắc an toàn đã dẫn tới những thảm hoạ này.

Đối với toà nhà 28 tầng của Trung Quốc, trong cuộc họp báo ngay chiều tối 16/11 theo giờ địa phương, các cơ quan chức năng Thành phố Thượng Hải đã công bố nguyên nhân chính thức của đám cháy là do một số người hàn cắt vật liệu xây dựng trái phép trong quá trình sửa chữa ngôi nhà gây bắt lửa sang những tấm lót nhựa trên các giàn giáo bằng tre, gỗ và các vật liệu dễ cháy khác. Chung cư này được xây dựng trong thập niên 1990 và như vậy nó đã tồn tại được hơn 20 năm, đã bắt đầu xuống cấp.

Còn đối với vụ sập toà nhà ở Ấn Độ, Ngôi nhà đã tồn tại 15 năm nay và đang được xây thêm tầng thứ năm một cách trái phép. Nó là nơi sinh sống của hơn 60 gia đình, đa số là người lao động nghèo từ bang Tây Bengal.

Giới chức New Dehli cho rằng công trình xây dựng này có thể chưa được cấp phép. Kết cấu công trình có thể đã bị yếu đi nhiều vì những trận mưa lớn gây lụt xảy ra cách đây một tháng. Đường vào tòa nhà lại khá nhỏ khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn và làm con số thương vong càng nhiều.

Sập nhà ở Ấn Độ, hàng chục người mất mạng

Điều nghiêm trọng hơn là ở chỗ, với Thủ đô New Dehli của Ấn Độ thì đây không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều vụ tương tự đã từng xảy ra khá thường xuyên mà một trong những lý do vẫn là chủ thầu không đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng.

Vậy là, có thể thấy, từ một sự yếu kém về kỹ thuật, từ một sự tắc trách trong thực thi công việc, rồi cũng từ những điều kiện sống còn khó khăn khiến người ta lơ là với tiêu chuẩn an toàn nơi cư trú mà rất nhiều mạng người đã phải trả giá. Bài học này không bao giờ là cũ và càng không bao giờ nên chủ quan, coi nhẹ.

Trong thời đại ngày nay, những toà nhà cao tầng, những khu dân cư đông đúc đang ngày càng nhiều ở mọi quốc gia, nhất là những quốc gia, những thành phố đông dân.

Việt Nam chúng ta và các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác không là ngoại lệ. “Trông người lại ngẫm đến ta”, những toà nhà quá cũ, những hành vi cơi nới trái phép hoặc không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật vốn cũng xảy ra ở nhiều nơi… rất cần phải kịp thời ngăn chặn. Chỉ có như vậy mọi người mới thực sự được sống an toàn ở ngay chính nơi cư trú của mình./.

Điệp Anh

Theo VOVNEWS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *