ĐAU KHỔ VIỆT NAM

Lê Anh Huy

“Kẻ ác sẽ bị xô xuống âm phủ, và các nước quên Ðức Chúa Trời cũng vậy.”  (Thi Thiên 9:17)

Lịch sử bốn ngàn năm văn hiến của Việt Nam là lịch sử của xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Dân tộc Việt hết đổ máu để chống xâm lược phương Bắc, rồi phương Tây, rồi phương Ðông, rồi đổ máu vì chém giết lẫn nhau trong một cuộc nội chiến gần đây. Cha mẹ khóc con, con khóc cha mẹ, trong lằn đạn hai bên. Người lớn, trẻ em làm mồi cho cá. Phụ nữ bị hãm hiếp trong khi đi tìm tự do. Ðàn ông bị cầm tù cho đến chết trong các trại tập trung. Mắt đã khô nước, miệng đã tắt đi tiếng khóc. Ấy vậy, sau cuộc chiến tương tàn đã hơn một phần tư thế kỷ, di hại của nó vẫn còn. Dân tộc Việt đang đối diện với nạn diệt chủng vì vi khuẩn HIV, nạn nhân mãn, nạn đói. Trong lòng người Việt vẫn còn hận thù chất ngất. Quá khứ đau buồn vẫn như ngày hôm qua mà tương lai thì chưa ló dạng.

Người Việt ai ai cũng có chuyện buồn để kể về người thân gần xa, hay hàng xóm đã là nạn nhân của những nghiệt cảnh đó. Trong số bà con có người chết chém bằng mã tấu, chết không toàn thây trong trận cải cách ruộng đất. Người khác bị giam đói cho tới chết. Có nạn nhân trong một cuộc đấu tố bị chôn đứng ngập lên tới cổ, sắp bị máy cày qua đầu thì đuợc người khác cứu. Sau Tết Mậu Thân chính quyền Miền Nam khai quật những hầm chôn người tập thể; có người bị đập đàng sau ót bằng xẻng rồi bị xô xuống hố chôn do chính họ đào; có người thì bị chôn sống. Khi được khai quật, có thây vẫn còn toàn vẹn để cho thân nhân nhận về, có thây chỉ còn là một mớ thịt thúi bầy nhầy bỏ vô bao. Có khi, có hai bà người Huế bận áo dài trắng bàu nhàu ngồi khóc, vật vã, tranh dành một bao xác vì nghĩ đó là chồng mình. Tại sao một xứ Huế hiền hòa, mộ đạo, thờ cúng ông bà mà mặt trái của nó lại khủng khiếp đến thế? Tại sao một sông Hương êm đềm, một núi Ngự thanh bình lại tiềm ẩn bộ mặt của ác quĩ? Tội của kẻ trực tiếp sát nhân đã đành, nhưng nếu không có người dân Huế điềm chỉ, họ đâu có biết ai mà bắt giết? Trong khi ký ức đau buồn của ngày hôm qua vẫn chưa quên, hiện tại đau khổ phải đối diện. Mới gần đây, một cuốn video quay từ Việt Nam chiếu một em bé đã mất đi hai cánh tay, cưa tận vào trong nách, ngồi ăn bánh mì bằng chân. Em kẹp mẩu bánh mì một cách khéo léo dùng những ngón chân dơ bẩn của mình có lẽ đã lê đi trên những nẻo đường Saigon xin ăn.

Khi đứng trước những cảnh thảm thương này bạn tự hỏi tại sao dân tộc mình lại đau khổ như vậy? Có còn nơi nào đau khổ hơn không? Khi bạn có lòng ái quốc chân thật, sự đau đớn của bạn trở nên phẫn uất vì trong khi dân tộc Việt nói chung đau khổ như vậy lại có một thiểu số người Việt khác vui chơi ở hải ngoại, ăn uống thừa mứa, nhà cao cửa rộng, dùng tình thương đầu môi chót lưỡi làm của trang sức. Có những người Việt khác trong nước ăn trên ngồi trước, vui chơi trác táng thâu đêm, vất tiền qua cửa sổ không tiếc. Hình như họ không buồn để ý tới đồng loại đang quằn quại trong sự tuyệt vọng đó. Bạn kêu cầu Trời nhưng hình như Trời im lặng. Bạn tự hỏi tại sao một Ðấng mà người ta cho rằng Toàn Năng, Yêu Thương mà để cho những đau khổ đó hoành hành trên đám dân tội nghiệp đáng thương này. Khi không tìm ra câu trả lời, bạn đành phải tin vào kiếp số [1]. Có lẽ kiếp trước họ làm ác nên bây giờ họ phải chịu vậy. Ông Trời, hay Thiên Chúa, hay Thượng Ðế, hay Ðức Chúa.

Đau khổ Việt Nam

Trời có thể không có hay nếu có cũng bất lực không can thiệp vào chuyện đau khổ của con người. Sự phẫn uất và nghi ngờ của bạn có thể thông cảm được vì sẽ không có nhiều người giải thích cho bạn thật đầy đủ về vấn đề này. Nhưng xin bạn khoan kết án Thiên Chúa đã gây ra nghiệt cảnh này mà thử tìm hiểu Ngài đã làm gì để giải quyết chúng.

Thiên Chúa yêu dân tộc Việt

Khi sáng thế, Thiên Chúa không bao giờ có ý muốn là để cho nhân loại quằn quại trong sự đau khổ. Nhưng sau khi con người đã phạm tội: bất tuân, bỏ quên, từ khước, thù nghịch, chống đối Thiên Chúa, thời lạy giả thần, tin theo tà thuyết, v.v. thì thế giới này nằm trong vòng thao túng của Satan là kẻ chống lại Thiên Chúa từ buổi đầu tiên. Bản chất của Satan là chống nghịch, vu khống, và lừa dối. Nó là nguyên nhân của sự chết và đau khổ. Công việc của nó là gieo rắc sự chết, chia rẽ, chém giết, bịnh tật, cho nhân loại khiến nhân loại nghi ngờ Thiên Chúa, và đổ trách nhiệm cho Thiên Chúa. Nhưng trong chương trình cứu rỗi của Chúa là Chúa Jesus phải giáng sinh làm người để bằng lòng chịu đau khổ, chịu bất công, chịu đánh đập, giết hại để cứu loài người ra khỏi những sự đó. Chúa Jesus phán rằng: Vì Thượng Ðế yêu thương nhân loại đến nỗi Ngài đã phái Con Một (là chính Chúa Cứu thế Jesus) xuống thế hầu cho ai tin nhận Ngài sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Giăng 3:16). Sự sống đời đời là sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa mà nhân loại có thể nhận được ngay từ trong đời này. Sự sống đời đời chính là sự sống của Thiên Chúa. Nơi nào có sự hiện diện của sự sống đời đời nơi đó không còn có đau khổ nữa. Sự sống đời đời được Thiên Chúa ban cho những ai tin vào sự thương khó và phục sinh của Chúa Cứu Thế. Không có sự sống đời đời hay bị xuống hỏa ngục là chịu sự cách ly vĩnh viễn khỏi Thiên Chúa khi một người từ khước sự cứu rỗi (hay sự sống) của Ngài. Vì Thiên Chúa là sự sống, tiếp cận với Chúa như cành tiếp nối với thân cây thì có sự sống mà cách ly với Chúa là sự chết và chết đời đời. Cả chiều dài lịch sử loài người, chỉ có một người duy nhất đã sống như một người bình thường mà hủy phá được sự chết. Ðó là Chúa Jesus, là Thiên Chúa Ngôi Hai. Vì chỉ có một người duy nhất hủy phá được sự chết, con đường cứu rỗi do Ngài vạch ra phải là giải pháp duy nhất cho con người. Cho nên, trở nên một với Chúa thì sẽ kinh nghiệm được sự sống lại giống Chúa vậy.

Thiên Chúa ở cùng người

Tình yêu phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Thiên Chúa phải xuống trần để làm chứng cho sự hiện hữu của Ngài, giải bày tình yêu thương và chương trình cứu rỗi của Ngài, nếu không, con người sẽ không biết. Bạn có thể nghi ngờ tự hỏi tại sao một người lại có thể cứu được cả nhân loại. Bạn nghĩ đúng: Không ai có thể cứu cả một nhân loại đau khổ này ngoại trừ người đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể chọn không làm như vậy, nhưng vì tình yêu thương vô bờ bến Ngài phải xuống thế mang lấy thân thể loài người, để có thể chết và chịu chết hầu hủy phá quyền lực sự chết, rồi sống lại để nhân loại được sống trong Ngài. Chính vì thế, Chúa là Ðấng Yêu thương.

Chúa Jesus còn được gọi là Immanuel (nghĩa là Chúa-ngự-cùng-người). Tên gọi Immanuel của Chúa đã làm trọn lời tiên tri. Cả ngàn năm trước khi Chúa giáng sinh, tiên tri Isaiah đã báo trước là sẽ có một đấng tên là Immanuel đến để cứu rỗi nhân loại, trong đó có dân tộc Việt chúng ta. Khi khoát vào mình phận làm người (Thiên) Chúa Jesus không đòi hỏi một địa vị đặc biệt nào hết. Ngài được sinh ra trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Cái nôi đầu tiên của Hài nhi Jesus là một máng cỏ lạnh lẽo, hôi tanh, trong một chuồng súc vật. Cha mẹ trên đời của Ngài phải bồng con đi tỵ nạn bên Ai Cập vì Hài nhi đang bị bạo chúa Herod lùng giết. (Bởi Satan muốn giết chết Chúa Jesus để làm trật (hỏng) con đường cứu rỗi loài người, hầu loài người mãi mãi ở trong thân phận nô lệ tội lỗi và sự chết.) Ngài lớn lên trong bối cảnh đất nước bị La Mã cai trị, chịu phận nô lệ chính trị như bất kỳ một người Do thái nghèo hèn và cô thế khác, không ngoại lệ. Chúa Jesus sống rất cực khổ; chim có tổ, thú có hang, nhưng Ngài đã không có một chỗ để gối đầu.

Đau khổ Việt Nam

Trong ba năm rao truyền về nước Trời, Chúa Jesus đứng về phía người đau khổ. Chúa đã giao du với những người bị xã hội ruồng bỏ để giảng về Thiên Ðàng cho họ. Vì đó là mục đích của Ngài cho mọi người ở thế gian như lời Ngài dạy dỗ: “Hỡi những kẻ được cha ta ban phước hãy đến hưởng nước Thiên Ðàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi sáng thế.” (Ma-thi-ơ 25:34). Chúa đã chữa lành cho người cùi, khiến người què được đi, làm sáng mắt người mù, vực sống lại kẻ chết. Bạn có thể không tin vào những câu chuyện này nhưng có việc nào là quá khó đối với Thiên Chúa? Giáo huấn của Ngài là sự thờ phượng Thiên Chúa tuyệt đối và yêu thương nhân loại như chính bản thân mình, cầu nguyện chúc phước cho kẻ bắt bớ mình, v.v. Chúa đã phóng thích và tha thứ cho người đàn bà tử tội sắp bị hành hình. Ngoài ra, Ngài còn quan tâm tới những nhu cầu vật chất hằng ngày của con người. Ngài đã hóa bánh để nuôi sống hàng ngàn người. Ngài đã dạy tín đồ cầu nguyện: “Lạy Cha cho con bánh ăn hằng ngày…” Sứ điệp của Ngài là sứ điệp của sự giải phóng khỏi hậu quả và sự áp bức của tội lỗi. Chính tội lỗi cho phép Satan gây ra những đau khổ trong đời này.

Thiên Chúa bằng lòng chịu khổ nạn

Vì giáo huấn từ bi của Ngài ngược lại với thế gian và thói đời thuở ấy nên người ta bắt Chúa đem ra trước tòa án để phán xét Ngài có đáng tội chết không. Tại giữa phiên tòa, mới đầu phán quan tuyên bố là đã không tìm thấy lỗi nào trong Ngài và muốn tha. Nhưng sau đó, ông ta lại đầu hàng áp lực của đám đông, cho thi hành án chết để lấy lòng mọi người. Nếu bạn nghĩ là bạn bị đối xử bất công, thì bạn nhớ cho là Thiên Chúa cũng bị như vậy vì cớ tội lỗi của bạn và tôi. Sự bất công đó đã đóng đinh vào thập tự giá một Thiên Chúa vô tội, mà công việc duy nhất trên đất của Ngài là rao giảng sự cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Hình thức xử tử bằng đóng đinh rất dã man. Hai tay nạn nhân bị căng ra, hai chân bị chéo lại. Rồi người ta lấy đinh đóng xuyên qua hai tay và chân vào cây thập tự. Rồi cây thập tự được dựng lên cho người đứng coi bêu rếu. Cái chết này là chết chậm, vì khi nạn nhân đau đớn thoi thóp thở, họ có khuynh hướng rút hai cánh tay vào làm cây đinh ở tay xé thịt thêm. Còn trọng lượng thân người có khuynh hướng kéo người xuống làm cây đinh ở chân xé thêm thịt rất đau đớn. Máu cứ từ từ chảy ra cho đến khi nạn nhân tắt thở. Trong giờ phút hấp hối Chúa vẫn làm công việc cứu rỗi cho hai tử tội (vì tội cướp) khác cùng chịu đóng đinh với mình. Một tên cướp mắng nhiếc (Thiên) Chúa Jesus, thách thức rằng nếu Ngài là Thiên Chúa thật thì hãy tự cứu mình và cứu họ. Chúa chỉ im lặng chịu nhục. Người kia kêu cầu Chúa, chấp nhận Ngài là Chúa Cứu Thế, và được Ngài đem vào cõi vĩnh phúc với Ngài.

Có khi nào bạn kêu lên một cách đau khổ: “Trời ơi! Trời ở đâu?” Trong giây phút hấp hối Chúa Jesus cũng đã kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” Ðó chính là lúc mà tội lỗi của cả nhân loại trong đó có dân tộc Việt đổ lên một mình Ngài. Chính tội lỗi đó đã phân ly Chúa Jesus và Chúa Cha trên trời. Sự thương khó của Chúa Jesus cho ta biết rằng Thiên Chúa không chỉ ở trên Thiên Ðàng thản nhiên nhìn nhân loại đau khổ như thế nào, mà Ngài trở thành người trần để sống với con người, chịu đau khổ, bất công, cùng mang gánh đau khổ cho họ . Chúa Jesus đã hủy phá sự chết bằng cách tuân phục Chúa Cha mà chịu cực hình cho đến giây phút cuối cùng, không than oán, không tìm cách trốn tránh. Vì Ngài là Sự Sống, nên Ngài đã sống lại [2] hầu cho ai tin vào sự cứu rỗi của Ngài sẽ nhận được sự sống đời đời ngay trong hiện tại. Chúa là Ðấng Toàn năng là vì vậy.

Thái độ của dân tộc Việt

Thiên Chúa chịu chết để cho dân tộc Việt được sống và sống một sự sống dư dật. Sự sống dư dật không có nghĩa là giàu có vật chất, nhưng là sự phát triển cân đối và toàn diện về cả thể chất, tinh thần, và tâm linh. Ấy vậy mà cảnh ngộ của dân tộc Việt rất bất thường: quằn quại về thể xác, bi thương về tinh thần, hấp hối về tâm linh. Ðất nước và dân tộc Việt đang ở vào chổ đứng đau khổ của hai tên tử tội bị đóng đinh cùng Chúa.

Trong khi đó, Nam Hàn rất khác với Việt Nam. Dân tộc này đã từng có một nền văn hóa rất gần với văn hóa Tam giáo. Họ cũng đã từng hấp hối như dân tộc ta: bị giết vì tin đạo (Chúa), bị thực dân Nhật đô hộ ác nghiệt, bị chia cắt vì nạn cộng sản, bị đàn áp bởi chế độ độc tài quân phiệt ở miền Nam. Nhưng họ đã vượt qua được những đại nạn đó. Xã hội Nam Hàn hiện nay phát triển; kinh tế, khoa học, văn học nở rộ. Bốn mươi chín phần trăm (49%) dân số Nam Hàn là tín đồ của Chúa [3]. Họ đã nắm chắc lấy lời hứa Chúa: “Nước nào có Giê-hô-va làm Ðức Chúa Trời mình, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” (Thi Thiên 33:12). Họ là tên tử tội đã chọn Chúa. Còn Việt Nam, thái độ của chúng ta bây giờ đối với Thiên Chúa phải như thế nào?

Chú thích:
1- Không có kiếp số: (a) Vì nếu có kiếp, mà ký ức về việc làm lành và dữ trong tiền kiếp không có để cho bạn sửa đổi trong kiếp này thì có ích lợi gì? (b) Nếu thú vật biết tu hành để trở thành người thì tại sao lại có người ác độc hơn thú vật? (c) Tội ác của nhân loại càng gia tăng thì số người đủ tiêu chuẩn để đầu thai trở lại kiếp người càng giảm. Tại sao nhân loại đang đang đối diện với nạn nhân mãn? Con người chỉ có một “kiếp” duy nhất. Cuộc đời này là cơ hội duy nhất để con người đi tới quyết định nhận Thiên Chúa để được sống và sống đời đời như lời Kinh Thánh dạy: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét [chung thẩm].” (Hê-bơ-rơ 9: 27) 2- Ngôi mộ trống ở Do Thái là ấn chứng cho sự sống lại của Chúa Jesus. Nếu có dịp mời bạn sang đó để chiêm ngưỡng ngôi mộ trống duy nhất trong lịch sử loài người mà Ðấng Cứu Thế Jesus đã sống, chết, và sống lại vì yêu thương bạn và tôi. 3- Energy Information Administration, “South Korea,” http://www.eia.doe.gov/em

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *