THẦN NGỮ TRONG KINH THÁNH

LCV – Thành ngữ là một nhóm chữ được dùng chung với nhau để tạo ra một nghĩa mới khác với nghĩa riêng của từng chữ trong nhóm. Một thành ngữ không thể được giải thích theo nghĩa đen nhưng phải được hiểu theo nghĩa bóng. Nghĩa bóng này, nhiều khi hoàn toàn trái ngược với nghĩa đen của những chữ được dùng để tạo nên thành ngữ. Thành ngữ được hình thành dựa trên văn hóa – tức là thói quen trong suy nghĩ, trong nếp sống của một nhóm người – hơn là dựa trên ngôn ngữ, cho nên ít khi thành ngữ có thể vượt qua biên giới của ngôn ngữ để đi vào một nền văn hóa khác.

Người Việt Nam chúng ta ai cũng quen biết lối nói “dễ ghét” hay “khó ưa” được dùng để diễn đạt tình cảm “quá thương” và “quá thích.” Người mẹ nựng con có thể nói: “Con của mẹ dễ ghét quá!” mà ai cũng hiểu bà muốn nói: “Con của mẹ dễ thương quá!” Một người con gái có thể nói với người yêu: “Anh khó ưa quá!” mà ai cũng hiểu cô ta muốn nói: “Em rất thích anh!” Đó là những thành ngữ trong tiếng Việt.

Trong sự phiên dịch, rất khó để mà dịch một thành ngữ. Khi được dịch sang một ngôn ngữ khác thành ngữ thường trở thành vô nghĩa nên buộc phải thay thế bằng một thành ngữ có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ khác hoặc được dịch diễn ý.

Thành ngữ trong Thánh Kinh

Thánh Kinh được viết từ nhiều ngàn năm trước cho nên ngôn ngữ được dùng để viết Thánh Kinh, so với thời đại của chúng ta, là những cổ ngữ, khó hiểu. Thánh Kinh cũng sử dụng rất nhiều thành ngữ thuộc nhiều nền văn hóa cổ mà sự thiếu hiểu biết về những nền văn hóa đó khiến chúng ta không hiểu được ý nghĩa đầy trọn của Thánh Kinh. Chúng ta biết được điều này là nhờ có những người được sinh ra, lớn lên trong cùng một ngôn ngữ và văn hóa của Thánh Kinh xác định. Điển hình là George M. Lama, tác giả của: Idioms in the Bible Explained and A Key to the Original Gospels. Trong tác phẩm này, ông đã nêu lên hàng trăm thành ngữ được sử dụng trong Thánh Kinh và vẫn còn được lưu truyền đến thời hiện đại trong ngôn ngữ hàng ngày của cộng đồng A-ra-mai nơi quê hương của ông [1].

Đối tượng truyền đạt của Thánh Kinh là toàn thể nhân loại nhưng những người đương thời Thánh Kinh được viết ra là thế hệ thứ nhất tiếp nhận sứ điệp của Thánh Kinh. Chính vì vậy mà ngôn ngữ, từ ngữ, thành ngữ, văn phong được dùng để viết Thánh Kinh phải thuộc về nền văn hóa của thời đại Thánh Kinh được viết ra. Dầu vậy, những thế hệ kế tiếp, cho dù có cách xa thế hệ ban đầu hàng ngàn năm, không còn sử dụng các ngôn ngữ đã từng được dùng để viết Thánh Kinh, nếu có lòng tìm hiểu Lời Chúa, vẫn có thể hiểu được Thánh Kinh một cách đầy trọn. Đức Thánh Linh đã bảo tồn Thánh Kinh và những hiểu biết về các nền văn hóa cổ một cách tuyệt vời qua sự gìn giữ các bản thảo cổ xưa, các bản dịch trung thực, và qua sự hiện đại hóa ngôn ngữ của Thánh Kinh qua các nhà phiên dịch đầy ơn của thời đại chúng ta.

Nhận diện thành ngữ

Đối với người sống trong cùng một nền văn hóa và sử dụng cùng một ngôn ngữ mà từ đó Thánh Kinh được viết ra thì họ dễ dàng nhận ra những thành ngữ được dùng trong Thánh Kinh. Đối với chúng ta, việc nhận biết các thành ngữ trong Thánh Kinh không phải dễ. Một trong những cách để nhận biết một thành ngữ trong Thánh Kinh là so sánh nghĩa đen của mệnh đề đó với những nguyên tắc và tiêu chuẩn khác đã được bày tỏ rõ ràng trong Thánh Kinh. Nếu nghĩa đen của mệnh đó trái nghịch với các nguyên tắc và tiêu chuẩn đã được biết trong Thánh Kinh thì mệnh đề đó có thể là một thành ngữ. Có trường hợp một câu được nói và hiểu đúng theo nghĩa đen và nghĩa đen này hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Thánh Kinh nhưng nó không phải là thành ngữ. Câu Đức Chúa Trời phán bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ thiêu là một câu như vậy. Bước kế tiếp là tìm xem còn có chỗ nào trong Thánh Kinh sử dụng mệnh đề mà chúng ta ngờ là thành ngữ hay không. Nếu có, chúng ta có thể yên tâm, kết luận mệnh đề đó là một thành ngữ. Để minh họa cho những điều được trình bày trên đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem câu Thánh Kinh sau đây có phải là một thành ngữ hay không:

“Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau!” (Rô-ma 9:13; Ma-la-chi 1:3).

Nghĩa đen của câu này là “Đức Chúa Trời yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.” Hiểu như vậy có vẻ hợp lý nhưng lại dẫn chúng ta đến một thắc mắc: “Tại sao Đức Chúa Trời lại yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau?” Câu trả lời đầu tiên của chúng ta có thể là: “Tại vì Ê-sau khinh quyền trưởng nam nên bị Đức Chúa Trời ghét!” (Sáng Thế Ký 25:29-34). Tuy nhiên, khi đọc kỷ trong Rô-ma 9:11-13 thì chúng ta nhận biết Ê-sau bị “ghét” không phải vì ông khinh dễ quyền trưởng nam:

“Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ hầu cho được giữ vững ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu gọi;thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Đứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ;như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.”

Thánh Kinh ghi rõ: Từ khi chưa được sinh ra, chưa làm điều chi lành hay giữ thì Ê-sau đã bị Đức Chúa Trời “ghét” rồi. Điều này khiến cho chúng ta càng khó hiểu hơn và hấp tấp kết luận rằng: Như vậy, Đức Chúa Trời thiên vị, không công bình. Tuy nhiên Thánh Kinh khẳng định Đức Chúa Trời là công bình. Chẳng những Đức Chúa Trời là công bình mà Ngài còn là Đấng “nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xóa điều gian ác…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:6, 7). Thánh Kinh cũng khẳng định: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16), là Đấng “muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4). Dĩ nhiên, Ê-sau có mặt trong “thế gian” mà Đức Chúa Trời đã yêu. Dĩ nhiên Ê-sau có mặt trong “mọi người” mà Đức Chúa Trời muốn cho được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Như vậy, chắc chắn Đức Chúa Trời không “ghét” Ê-sau, nhất là “ghét” ông từ trước khi ông được sinh ra, chưa làm điều gì lành hay dữ!

Suy nghĩ đến đây chúng ta có thể nhận thấy nghĩa đen của câu: “Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau” trái nghịch với các nguyên tắc và tiêu chuẩn về sự công bình, sự yêu thương của Đức Chúa Trời đã được thiết lập và khẳng định trong Thánh Kinh. Qua đó, chúng ta có thể xếp câu trên vào thể loại thành ngữ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải chứng minh đó là một thành ngữ bằng cách tìm kiếm sự sử dụng thành ngữ “yêu và ghét” ở nơi khác trong Thánh Kinh. Có thể nói, phân đoạn Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của nhóm chữ “yêu và ghét” là Sáng Thế Ký 29:30, 31. Tại đây, Thánh Kinh diễn tả mức độ khác nhau trong tình yêu mà Gia-cốp dành cho Ra-chên với Lê-a, hai vợ của ông. Gia-cốp “yêu Ra-chên hơn Lê-a,” nghĩa là ông có yêu Lê-a nhưng không bằng ông yêu Ra-chên. Tại đây, Thánh Kinh cũng dùng chữ “ghét” để diễn tả sự kiện Lê-a được “yêu kém hơn” Ra-chên: “Gia-cốp đi lại cùng Ra-chên, thương yêu nàng hơn Lê-a. Vậy, người ở giúp việc nhà La-ban thêm bảy năm nữa. Đức Giê-hô-va thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sanh sản; còn Ra-chên lại son sẻ.”

Gia-cốp có sáu người con với Lê-a và khi lập mưu thoát ra khỏi nhà La-ban, ông cùng lúc cho người gọi cả Lê-a và Ra-chên đến gặp ông ngoài đồng để bàn bạc (Sáng Thế Ký 31:4). Những chi tiết đó cho chúng ta thấy Gia-cốp không ghét Lê-a. Một chi tiết khác trong Sáng Thế Ký 30:15, 16 cho chúng ta thấy Gia-cốp không ghét Lê-a khi ông nhận lời xin của Lê-a. Trong quan hệ vợ chồng giữa Gia-cốp với Lê-a và Ra-chên, có lẽ Gia–cốp thường xuyên gần gũi với Ra-chên hơn là Lê-a là vì ông yêu Ra-chên hơn Lê-a chứ không phải ông yêu Ra-chên và ghét Lê-a.

Như vậy, “Ta yêu Gia cốp và ghét Ê-sau” có nghĩa là: “Ta yêu Gia-cốp hơn Ê-sau.” Nghĩa đen của chữ “ghét” trong tiếng Hê-bơ-rơ là “ghét” nhưng nghĩa thực dụng của chữ “ghét” trong mệnh đề “yêu và ghét” của tiếng Hê-bơ-rơ lại là: “yêu và yêu kém hơn” như chính Thánh Kinh đã bày tỏ trong Sáng Thế Ký 29:30, 31. Qua đó, chúng ta nhận biết “yêu và ghét” là một thành ngữ trong tiếng Hê-bơ-rơ. Đọc Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:15-17, chúng ta có thể nhận thấy ý nghĩa “yêu kém hơn” của chữ “ghét” trong thành ngữ “yêu và ghét.”

“Khi một người nam nào có hai vợ, vợ nầy được thương, vợ kia bị ghét, song cả hai đều có sanh con cho ngươi, và con trưởng nam thuộc về vợ bị ghét, khi ngươi chia sản nghiệp cho các con mình, thì chẳng được phép trao quyền trưởng nam cho con trai của vợ được thương thế cho con trai của vợ bị ghét, bởi nó vốn là trưởng nam. Nhưng ngươi phải nhận con trai của vợ bị ghét làm con đầu lòng, chia một phần bằng hai về mọi vật thuộc về mình; vì nó vốn là sự đầu tiên của sức mạnh ngươi; quyền trưởng nam thuộc về nó vậy.”

Xem thêm trong Châm Ngôn 13:24 chúng ta lại thấy chữ “ghét” trong câu này không thật sự mang nghĩa “ghét:”
“Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.”

Rõ ràng, người không dám đánh con là người quá yêu con, yêu một cách mù quáng, làm hại con chứ không phải là một người “ghét” con theo ý nghĩa thông thường của chữ “ghét.” Câu châm ngôn nêu trên có ý nói: Yêu con mà không quở trách sửa trị thì không khác nào là ghét con!

Khi nhận biết được ý nghĩa thực dụng của thành ngữ “yêu và ghét” thì chúng ta không còn khó hiểu khi đọc đến những câu như Lu-ca 14:26:

“Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ Ta.”
Bởi vì, chúng ta hiểu ngay rằng: chữ “ghét” mà Đức Chúa Jesus dùng, chỉ có nghĩa là “yêu kém hơn.” Câu phán của Chúa cần được hiểu như sau:
“Nếu có ai đến theo Ta mà không yêu Ta hơn cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ Ta.”

Chỉ trong ý nghĩa đó, lời dạy của Đức Chúa Jesus mới không trái nghịch lại với những mạng lệnh của chính Chúa: “Hãy tôn kính cha mẹ” và “Hãy yêu kẻ lân cận như chính mình.”
Trong một dịp khác, Đức Chúa Jesus phán những lời tương tự với các sứ đồ nhưng Ngài dùng nhóm chữ “yêu… hơn Ta” giúp chúng ta tin chắc chữ “ghét” trong Lu-ca 14:26 được Chúa dùng trong ý nghĩa của thành ngữ “yêu và ghét,” nghĩa là: “yêu kém hơn:”

Thành ngữ trong Thánh Kinh Trang 4

“Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn Ta thì cũng không đáng cho Ta.” (Ma-thi-ơ 10:37)

Trong thực tế, khi một người đã yêu Chúa hơn tất cả mọi sự thì tình yêu người ấy dành cho những người lân cận cũng được biến đổi. Người yêu Chúa hơn tất cả mọi sự sẽ yêu người khác bằng chính tình yêu Chúa yêu mình. Một tình yêu sẵn sàng hy sinh sự sống (và các tiện nghi trong đời sống) để người mình yêu có cơ hội tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Giăng 15:13), để người mình yêu đạt được giá trị cao nhất trong sự hiểu biết Lời Chúa và sống thánh sạch theo Lời Chúa.

Kết luận

Sự hiểu biết về các thành ngữ trong Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu đúng và sâu nhiệm Lời Chúa. Sự hiểu biết đúng và sâu nhiệm Lời Chúa giúp cho sự phiên dịch Thánh Kinh được trung thực với nguyên tác và giúp cho sự giải kinh không trở thành tùy tiện theo sự tưởng tượng riêng của mỗi người. Dĩ nhiên, sự hiểu biết các thành ngữ trong Thánh Kinh chỉ là một trong các công cụ trong sự học hỏi, phiên dịch, và giảng giải Lời Chúa.

Chú thích:
[1] A-ra-mai, trong Anh ngữ là “Aramaic.” Đây là một cổ ngữ phát sinh từ hơn 3,000 năm trước. Cổ ngữ này trở thành quốc ngữ của dân Israel trong thời đại sau sự lưu đày Babylon. A-ra-mai cũng chính là tiếng mẹ đẻ của Đức Chúa Jesus và các sứ đồ. Bốn sách Tin Lành có thể đều được viết bằng tiếng A-ra-mai. Ngôn ngữ này vẫn còn được nhiều cộng đồng sử dụng cho đến ngày hôm nay. Chính bản thân Lama là một người được nuôi dưỡng trong ngôn ngữ và văn hóa A-ra-mai trong một cộng đồng A-ra-mai mà theo lời của ông: những phong tục, tập quán từ thời Chúa Jesus vẫn còn được duy trì cho đến khi cộng đồng này bị Thế Chiến II xóa sổ!
Tham khảo:
– Robert H. Stein. A Basic Guide to Interpreting the Bible, Playing by the Rules. Baker Books, 2000.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *