ĐỂ CHÚA ĐẾN TRONG TÂM HỒN

Mời đôc Phúc Âm của Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 3:1-12

Ngày 30-4-1863, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã chỉ định đây là ngày toàn quốc phải ăn chay, hãm mình và cầu nguyện. Trong dịp này, Tổng thống Abraham Lincoln đã phát biểu như sau: “Chúng ta đã lãnh nhận biết bao ơn phúc của trời cao. Qua nhiều năm, chúng ta được sống trong bình an và thịnh vượng. Đất nước chúng ta đã phát triển về dân số, thế lực và kinh tế, nhưng chúng ta đã quên Thiên Chúa. Chúng ta đã say sưa trong sự thành công của mình. Chúng ta không còn thấy sự cần thiết của ơn thánh Chúa, và trở nên kiêu hãnh đến nỗi không còn cảm thấy nhu cầu cần phải cầu nguyện với Đấng đã tác thành nên mình. Vì vậy, chúng ta cần phải hạ mình xuống trước Đấng mà chúng ta đã xúc phạm, phải xưng thú tội chung của quốc gia, và cầu xin ơn thương xót và tha thứ của Thiên Chúa”.

Bài phát biểu của vị cựu Tổng thống Mỹ vẫn còn mang tính thời sự cho hoàn cảnh sống hôm nay. Ngày hôm nay, con người đang hãnh diện về mình, đang đề cao mình. Ngược lại, con người đang hạ thấp Thiên Chúa, xa cách Thiên Chúa, thậm chí lãng quên và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống trần thế này. Trước những thách đố của niềm tin trong bối cảnh xã hội hôm nay, trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật II Mùa Vọng, Giăng Báp-tít mạnh dạn kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy ăn năn, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Chúng ta đã nghe từ ăn năn này rất nhiều lần. Vậy ăn năn là gì? Sám hối đích thực cần phải có những thái độ như thế nào? Xin chia sẽ 3 thái độ mà chúng ta cần phải có như sau:

1. Ăn năn là nhìn lại

– Theo tiếng Hy Lạp, sám hối là “Metanoia”. Nguyên ngữ của từ “Metanoia” có nghĩa là “quay đầu trở lại”. Vậy ăn năn nghĩa là “quay đầu trở lại”, là nhìn lại cuộc sống của mình.

– Trong đời sống thường ngày: khi chúng ta học tập, làm việc, kinh doanh buôn bán, chúng ta cũng thường làm công việc nhìn lại, tổng kết. Nhìn lại để kiểm tra. Nhìn lại để tính toán sổ sách. Nhìn lại để xem coi mình làm học hành như thế nào, làm ăn lời hay lỗ. Từ đó mình mới rút kinh nghiệm cho tương lai.

– Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải nhìn lại, cần dành thời gian để kiểm tra, rà soát lại cuộc sống của mình. Cụ thể, chúng ta nhìn lại những mối tương quan đối với Thiên Chúa, với anh em, với vũ trụ vạn vật và với chính bản thân. Nhìn lại để nhận ra: những ưu điểm và khuyết điểm, những điều tích cực và tiêu cực, những việc tốt và việc xấu, những việc việc thiện và tội lỗi nơi chính bản thân con người.

2. Ăn năn là nhìn nhận

– Trước khi thờ phượng Chúa, Giáo Hội buộc chúng ta phải tự xưng tội qua I Giăng 1:8-9 và thú tội: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những đièu thiếu sót. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng”. Giáo Hội kêu gọi mỗi người hãy biết khiêm tốn nhìn nhận những khuyết điểm của mình. Nào là những khuyết điểm, những lỗi lầm trong tư tưởng, trong lời nói và đặc biệt là trong việc làm. Ăn năn là thú tội của mình ra trước mặt Thiên Chúa. Ăn năn là công khai nhận trách nhiệm thuộc về bản thân mình.

– Nhưng bản tính con người thường bị cám dỗ tránh né, không dám nhìn nhận những khuyết điểm. Chúng ta thường đỗ lỗi cho người khác, đỗ thừa cho hoàn cảnh. Lỗi tại ai chứ không phải lỗi của tôi. Con người hay viện cớ lý do này, lý do nọ, hoàn cảnh quá khó khăn, éo le… Thái độ này làm cản trở đời sống thiêng liêng phát triển. Dần dần con người không thấy mình có lỗi, không thấy mình có tội, mất ý thức về tội, luôn sống tự cao, tự đại và tự mãn.

3. Ăn năn là nhìn về tương lai

– Chúng ta cần phải xác tín và tin tưởng: Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng giàu lòng thương xót. Cho nên khi chúng ta biết nhìn lại, biết nhìn nhận, biết chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa thì Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ khoá chặt con người trong một quá khứ xấu xa, tội lỗi nhưng Ngài luôn cho các tội nhân cơ hội và mở cho họ một cánh cửa để hướng về tương lai tốt đẹp hơn.

– Ăn năn không chỉ dừng lại ở những tâm tình buồn thảm, than van, khóc lóc, nhưng hãy mặc lấy tâm tình tạ ơn, vui mừng, và hy vọng. Hy vọng những ngày tới tôi sẽ trở nên tốt lành, thánh thiện hơn. Như Giăng Báp-tít đã mời gọi những người Pharisi và nhóm Xê-lốt: “Các anh hãy sinh hoa trái để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3,8 BDNGKPV).

– Nhờ Tình Yêu của Thiên Chúa, chúng ta trở thành một con người mới. Đời sống của chúng ta sẽ được thay đổi. Vậy ăn năn còn có nghĩa là hoán cải, là thay đổi. Thay đổi suy nghĩ, quan niệm, cách ứng xử, và cuộc sống. Ăn năn đích thực là phải canh tân và đổi mới. Ăn năn chân thành thì sẽ sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống của mình.

Vậy ăn năn có chiều hướng rất rộng. Với quá khứ, chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Với hiện tại, chúng ta nhìn nhận những giới hạn, khuyết điểm, tội lỗi. Với tương lai, chúng ta cần phải canh tân và đổi mới.

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa chờ đợi Chúa đến, là thời gian trông chờ Chúa đến viếng thăm. Nhưng để Chúa đến viếng thăm, chúng ta cần phải dọn đường, cần phải chuẩn bị tâm hồn, cần phải ăn năn. “Hành động cao cả nhất của con người là ăn năn. Còn lỗi lầm nặng nề nhất là nghĩ rằng mình không có tội lỗi gì”. Xin cho mỗi người chúng ta có được ơn ăn năn thật sự trong Mùa Vọng này.

Lạy Chúa, Chúa đang đứng trước cửa nhà con, đang gõ cửa, đang chờ con mời vào, nhưng con lại thờ ơ, chẳng quan tâm đến Chúa.

Lạy Chúa, Chúa muốn đến với cuộc sống của con nhưng cuộc sống của con không còn một chỗ trống để dành cho Chúa ngự. Cuộc sống của con đang được lấp đầy bởi danh dự, địa vị, lợi lộc vật chất và những thú vui trần thế.

Lạy Chúa, Chúa muốn đến viếng thăm tâm hồn con nhưng con không chịu dọn đường, không dọn tâm hồn, không ăn năn để đón Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết khao khát Chúa, biết yêu mến Chúa và hăng say tích cực ĂN NĂN để dọn đường cho Chúa viếng thăm. Amen.

C.PL.Trương Hoàng Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *