ĐÓN GIÁNG SINH TRÊN QUÊ HƯƠNG CỦA ÔNG GIÀ NOEL.

Trước đây một vài năm, thanh niên HTTL Thị Nghè – SG có phát thiệp mời truyền giảng Giáng Sinh có hình Ông Già Noel cưỡi tuần lộc, bên trong là nội dung so sánh sự khác biệt giữa ông Santa Claus và Chúa Jesus. Tấm thiệp này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Cứ hễ nói đến Giáng Sinh là phải có Ông Già Noel, có cây thông, có tuyết rơi, có quà tặng. Sing sống ở VN ai cũng mơ ước thấy tuyết được một lần trong đời. Ơn Chúa, tôi đã đến quê hương của Ông Già Noel đúng dịp Giáng Sinh 2010. Cả Bắc Âu chìm trong tuyết trắng. Chiếc máy bay hãng hàng không Scandinavia, hạ xuống phi trường Copenhagen của Đan Mạch, cách nhẹ nhàng. Từ trên cao đã thấy cả một màu trắng tuyệt đẹp bao phủ. Thủ tục nhập cảnh ở phi trường quốc tế này nhanh chóng và hiện đại. Ngày nay, chỉ cần có visa đi đến một trong 4 nứớc Bắc Âu: Đan Mạch – Thụy Điển – Phần Lan – Na-uy là quý vị có thể đi khắp các nước còn lại. Phi trường quốc tế Oslo của Na-uy đang bận rộn tiếp đón các VIP đi dự lễ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010. Người được trao giải năm nay là ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Hòa bình dưới thế cho người thiện tâm”. Câu Kinh Thánh Lu Ca 2:14 luôn được xướng lên trong các buổi lễ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình. Không phải ngẫu nhiên người ta chọn tuần lễ thứ 3 của tháng 12 hằng năm để trao giải thưởng này. Người Bắc Âu bước vào Giáng Sinh 4 tuần lễ trước khi đến ngày 24/12 hằng năm. Lúc này thì tuyết đã phủ trắng xóa trên các cành cây, mái nhà. Sự kiện trao giải Nobel Hòa Bình luôn xảy ra ngay trong mùa Giáng Sinh, như muốn nhắc rằng Chúa đến trần gian đem hòa bình cho nhân loại.

Năm nay tuyết rơi nhiều hơn mọi năm, trên truyền hình có chiếu hình ảnh những con tuần lộc, mà báo chí Việt nam thường gọi là “hươu nhiều sừng”, đang vào các thị trấn để trú đông. Chẳng có cây cỏ gì sống nổi trong giá lạnh luôn dưới 10 độ âm. Người dân miền Bắc Âu di chuyển bằng xe trượt tuyết, do các chú chó khỏe mạnh kéo đi. Mùa này thì các môn thi đấu về mùa đông sôi nổi như trượt tuyết, trượt băng. Muốn thử trượt tuyết thì bộ dụng cụ có giá rẻ nhất cũng là 500 USD. Những ai mới thử trượt lần đầu thì rất là lúng túng trong bộ trang phục, và bảo hiểm cồng kềnh. Té ngã lăn quay trong tuyết là chuyện đương nhiên…

Tuần lễ đầu tháng 12/2010 thì cả Châu Âu chìm trong bão tuyết. Nhiệt độ ở Thụy Sĩ xuống đến âm 30 độc C, thấp kỷ lục trong vòng 45 năm qua. Người Thụy Sĩ năm nay dành hết các giải về trượt tuyết dù cuộc thi tổ chức ở Thụy Điển. Dù ngoài trời giá lạnh, nhưng trong nhà, các khu mua sắm, trường học, nhà thờ, nơi công cộng… luôn được sưởi ấm bằng hệ thống sưởi tự động rất hiện đại. bây giờ mà muốn tìm căn nhà nào có lò sưởi thì chắc đi vào các Viện Bảo tàng may ra tìm thấy…

Các Đại Giáo Đường đã trang trí cho lễ Giáng Sinh từ cuối tháng 11. Trong bất cứ tòa lâu đài cổ kính nào vùng Biển bắc cũng có một Thánh Đường và thư viện. luôn được xây khép kín. Muốn vào các lâu đài này phải đi qua nhiều cửa ngõ lát đá và những chiếc cầu bằng gỗ chắc chắn, có những ngọn nến lung linh thêm huyền bí. Nếu ai chịu lạnh có thể lên tường thành sờ tay vào những khẩu súng đại bác cổ kính có tuổi thọ trên 500 năm. Vùng Bắc Âu chủ yếu là các Hội Thánh Lutheran phát triển và Hội Đồng Nhà Thờ có uy quyền còn hơn cả Hòang Gia.

Hội Thánh mà tôi tham gia sinh họat là Hội Thánh nữa Baptist và nữa Ngũ Tuần, rất gần chỗ chúng tôi nghiên cứu và học tập. Ông mục sư Quản Nhiệm cho hay, Hội Thánh có gần 400 tín hữu này, là “1/2 Baptst + ½ Ngũ Tuần”, nhưng xem cách dự Tiệc Thánh của họ thì y hệt Lutheran. Hội Thánh có chương trình Giáng Sinh thật là “hoành  tráng”, lịch của họ đầy những buổi trình diễn Thánh Nhạc Giáng Sinh ngay từ chủ nhật 28/11 cho đến hết 31/12. Nghĩa là họ có hơn một tháng Giáng Sinh hân hỉ. Mọi trang trí ở bên trong nhà thờ, còn bên ngoài thì tuyết rơi đầy, chỉ kéo một chùm đèn màu xanh hình tháp giống cây thông từ xa cũng thật ấn tượng.

Các cửa hiệu vào mùa bán hàng, các siêu thị tấp nập họ cũng trang trí bằng hai màu: Đỏ-Xanh và nhiều hình ảnh bắt mắt. Hoa Trạng Nguyên thì bán rất đắt. Thử dạo một vòng các siêu thị thì cái gì cũng đắt đỏ. Đời sống cao hơn, nên vật giá ở Bắc Âu cao hơn ở Mỹ từ hai đến ba lần. Một bữa ăn bình thường ít nhất là 10 USD, ăn đồ ăn Á Châu thì càng đắt. Một trái chuối cũng đã 2 USD rồi. Muốn ăn cơm thì mua gạo với giá là 3USD/1kg gạo. Lương bình quân ở đây là 4500USD/tháng thì cái gì cũng đắt là phải rồi.

Nơi chúng tôi nghiên cứu và học tập là một “hợp chủng quốc”, đủ thứ sắc dân, đa phần làm công tác truyền thông. Dân Châu Á “đầu đen” thường đi chung với nhau. Hồi Giáo cũng như Phật Giáo, Thiên Chúa cũng như Tin Lành, luôn gặp ai cũng chúc mừng Giáng Sinh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Mặc cho tuyết rơi, mặc cho việc đi lại khó khăn vẫn cứ hội hè liên miên. Hết đoàn này chiêu đãi, đến đoàn khác mời. Khi đi nhớ đem theo 1 món quà để trao đổi. Quần áo thì 5- 6 lớp y hệt là người máy Robot vậy. Nhưng bước vào nhà hàng, nhà thờ…luôn có nơi để treo quần áo và khăn chòang, găng tay, nón mũ… Có lẽ vui nhất là các phóng viên người Nga, họ được ăn Giáng Sinh đến 2 lần: một lần theo lịch chung và một lần theo lịch riêng của họ.

Tôi được chỉ định phải hát một bài hát Giáng Sinh bằng Tiếng Việt và có nguồn gốc từ Việt Nam. Tôi đăng ký bài : HANG BÊ LEM của Công Giáo Việt Nam. Không ngờ cái giai điệu bài hát này được người ta yêu quý đến vậy. Đêm 24/12, vào chính lễ ở Hội Thánh tôi đang thờ phượng, cũng yêu cầu tôi hát bài này. Thiệt tình mà nói, tôi chả có khiếu về hát hò, cái giọng luôn lạc tông sai nhịp của tôi, luôn làm khổ các ca trưởng ở Việt Nam. Biết thân biết phận tôi đâu có dám đi tập hát Noel bao giờ đâu. Bây giờ thì có 1 mình tôi là người Việt Nam thì phải… đành chấp nhận. Hát ở đâu sai thì cũng được chứ hát trong nhà thờ đêm 24 chính lễ thì thôi: “Lạy Chúa cứu con”.

Khi tôi viết các dòng chữ này thì ở quê nhà đang xôn xao vào mùa Giáng Sinh. Khu nhà thờ Đức Bà thì tấp nập, các Hội Thánh bận rộn với các chương trình truyền giảng. Tôi thèm nghe ca đòan Halelugia hát lần nữa. Tôi khát khao nghe các ban hát ở HTTL Đà Nẵng, hát với những giọng ca “vượt thời gian” như Chị Việt Thanh, Chị Thanh Xuân, Anh Minh Sơn… Tôi đi nhiều nơi, chưa có nơi nào hát bài Halelugia hay như các Ca Đoàn ở HTTL Đà Nẵng quê hương tôi.

Dù sao thì tuyết lạnh cũng rơi đều ngoài kia. Ông Già Noel đang bận rộn với những “chuyến hàng chở quà” khắp thế giới. Tôi, một người Việt Nam lặng lẽ trên xứ sở của Ông Già Noel. Lạy Chúa! cho nhân thế hưởng một mùa Giáng Sinh an lành, như ca khúc các Thiên Thần năm xưa: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao – Bình an dưới đất ân trạch cho loài người”.

Nam Quang, Mùa Giáng Sinh 2010
Viện nghiên cứu Truyền thông – Văn hóa – Tôn giáo Châu Âu

Nguồn loihangsong.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *