NGƯỜI CẮM TRẠI Ở GIỮA CHÚNG TA

Người cắm trại ở giữa chúng ta (Giăng 1:14)

Grêgôriô áp dụng cái lều là thân xác của con người đã bị rệu rã yếu đuối, u buồn đau khổ dưới ách tội lỗi và cũng vậy đối với thế giới đang bị đào bới bởi lòng tham và rách nát trong hưởng thụ của một số người.

Giáng Sinh, Chúa mang đến sứ điệp gì trong căn lều tả tơi? Chính Người cũng sinh hạ trong nơi cơ hàn.

Chiếc trại con người

Chúa hạ sinh trong thân xác con người, dù không được sinh ra một chỗ đàng hoàng nhưng là một sự sống quý giá. Sự sống được tôn trọng bởi người cha, người mẹ thánh thiện, nâng niu bảo vệ cho sự sống khởi đầu của con trẻ. Giàu sang, xa hoa, nhưng không bảo vệ từng sự sống của những đứa con của họ, làm sao có thể nói đó là chiếc nôi cần thiết cho đứa trẻ ra đời? Tình yêu của cha mẹ là chiếc nôi êm ái nhất cho đứa con; bởi vì đơn giản, con trẻ cũng chỉ cần bấy nhiêu. Chúng không quan tâm đến nhà cao cửa rộng, bao bọc bằng mọi thứ sang trọng của vật chất, mà chính chúng lại trở thành nỗi bất an cho cha mẹ để khiến cha mẹ chúng loại bỏ chúng khi vừa thụ thai hay vài tuần tuổi hoặc vứt bỏ nó khi vừa sinh ra.

Chúa mang lấy thân phận đau khổ của con người, đón nhận sinh hạ trong nghèo khó để rồi đón lấy thập giá để ra khỏi cõi đời. Con người sẽ nhìn vào đó và suy nghĩ, tại sao Chúa không cứu con người bằng một lời phán, mọi sự đều được cứu rỗi? Chúa đến đón nhận thân phận của con người khổ đau, để tất cả những ai đang khổ đau vì lòng tham sống của kẻ khác, những ai đang chịu bất công dưới bao sự ác đè bẹp, cho tất cả những ai phải mang những hậu quả không do chính họ gây nên, để nói với con người tự coi mình có quyền trên kẻ khác rằng: Sự sống của con người luôn chịu đóng đinh vì lòng tham, sân, si của họ.

Chúa cắm lều giữa nhân loại để nói với con người về mỗi phẩm giá của con người. Con người cần được sinh ra, cần được tôn trọng, mọi sự sống đề cao quý, để cùng nhau sống, cùng chia sẻ một trách nhiệm bảo tồn trái đất, bảo tồn sự sống phát triển. Một chiếc lều thân phận đã bị rách nát, bởi những miền đất nghèo đói, do thiên tai, do bầu khí chính trị, do chiến tranh, do bị tước đoạt tài nguyên… Chúa mặc lấy thân phận con người để nói lên rằng phẩm giá con người cần được tôn trọng.

Chiếc trại thế giới

Bên cạnh những tòa nhà chọc trời vẫn không thiếu gì những chiếc lều rách nát làm nơi trú ngụ để sinh sống. Lời nguyền của tài nguyên bao giờ cũng đến với người nghèo trước tiên. Cặm cụi trên mảnh đất nhỏ bé bị ô nhiễm bởi chất thải của các nhà máy,  khu công nghiệp. Chất thải từ nơi mảnh đất xưa kia mang bao vị thơm ngon của trà và cà phê nay trở thành công trường khai thác. Chất thải đổ ra sông suối, xưa kia tưới mát cánh đồng nay nặng mùi chết chóc. Cứ ở đâu có thể hái ra tiền, con người ích kỷ, tham lam vơ vét không suy xét, rồi bỏ chạy để lại đống hoang tàn, phế thải cho những con người đang sống ở đấy chết dở sống dở. Nhà trọ, chỗ êm ấm, những toà nhà, biệt thự không là chỗ cho người nghèo, người nghèo chỉ có chiếc lều tả tơi trên mảnh đất đầy ô nhiễm, bên những dòng sông chết. Người nghèo cũng như khuôn mặt nghèo của trái đất đã bị lấy mất hết những gì quý giá, bị tận diệt từ những khu rừng cho đến những khoáng sản nằm dưới lòng đất.

Một thế giới thảm hại trong bão lũ, trong những thiên tai, động đất, đất chuồi, tan băng, tầng ÔZôn bị tàn phá, thiên nhiên bị cày xới… Chiếc lều là những gì còn lại thảm thương do một số người trục lợi quá sức trái đất này, bắt thiên nhiên phục vụ những ý tưởng ngông cuồng của họ, muốn nắm giữ tài nguyên để làm chủ thế giới. Thế giới không cần những vị vua cai quản tham tàn như thế, thế giới cần một vị vua đích thực, một “hoàng tử bình an”, “một ông vua thái bình”, một Đấng tràn đầy chân lý và tình yêu ngự trị cai quản. Từ đó thế giới đã đón nhận Con Thiên Chúa cắm lều ở giữa nhân loại.

Sứ điệp Giáng Sinh

Thiên chúa đã cắm lều vào trong trái đất hoang tàn này, để khởi sự sứ điệp của Êsaia đã loan báo: “Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Ês 43:19)

Sứ điệp của Giáng Sinh vẫn là một sứ điệp mừng vui cho con người nghèo khó, đang chịu nhiều áp bức. Sứ điệp bình an cho cả thế giới với những căn lều còn rộng lòng đón tiếp Người.Con đường giữa sa mạc là những quan lộ thẳng băng: “Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc, và đức công minh trong vườn cây ăn trái” (Ês 32:16).

Thiên Chúa thực hiện tái tạo công trình của Người từ những gì con người đã vất bỏ, những con người chịu áp bức bất công. Từ sa mạc của trần gian Thiên Chúa mở lối, đó là sứ điệp an ủi biết bao con người đau khổ của trần thế này tìm thấy hy vọng, cho thế giới đang tang thương này thắp sáng một niềm tin khôi phục, “sa mạc trở thành vườn cây ăn trái và vườn cây ăn trái trở thành những khu rừng” (Ês 32:15).

Chúa đến và đã đến xin Người thành sự những gì Người đã khởi đầu, để con người nghèo và thế giới bị tang thương này được mang lấy khuôn mặt tươi vui tràn đầy sức sống.

GSLM. Hoàng Kim Toan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *