NGƯỜI KITÔ HỮU NHẬP THẾ NHÌN TRONG ÁNH SÁNG CỦA MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Dẫn nhập

“Câu chuyện Thiên Chúa làm người, nếu chỉ nghe qua không được giải thích tường tận, thì người ta có thể có cảm tưởng đó chẳng qua cũng là một chuyện tương tự như chuyện tiên giáng trần, thần hoá thân, không hơn không kém, chỉ khác ở những màu sắc khung cảnh Do Thái mà thôi”[1]. Nhưng trong thực tế, câu chuyện Thiên Chúa làm người hay Con Thiên Chúa nhập thể làm người đã được nhiều triết gia và nhiều thần học gia mang ra mổ sẻ và phân tích tưởng chừng bị tan nát như Isaia đã diễn tả: “Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa…” (Êsai 52,14).

Từ một câu chuyện Con Thiên Chúa làm người, có người nhìn nhận Đức Giêsu chỉ là một người như bao người, có khác chăng là một nhân vật siêu phàm được Thiên Chúa nhận làm con; có người cho rằng Đức Giêsu thấp kém hơn Chúa Cha. Đối lại, niềm tin của Kitô giáo cho rằng, Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật.

Tuy nhiên, trong phạm vi của đề tài, chúng ta không có tham vọng tìm hiểu người khác nói gì về Đức Kitô. Nhưng chúng ta cùng nhau nhìn lại, trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, những người tín hữu Kitô phải làm gì để thể hiện cho mọi người biết Đức Kitô (Giăng 13,35), đồng thời phải sống thế nào để mọi người thấy những việc tốt đẹp của chúng ta làm mà để tôn vinh Cha của chúng ta là Đấng ngự trên trời ( Mt 5,16). Tức là, người Kitô hữu phải sống thế nào để Đức Kitô sinh vào giữa lòng đời.

1. Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể

Đọc lại Tin Mừng viết về gia phả của Đức Giêsu, chúng ta thấy, mỗi tác giả có một cách trình bày riêng biệt, nhưng tựu trung, các ngài đều muốn trình bày cho độc giả của mình biết về nguồn gốc của Đức Giêsu, đồng thời nói lên rằng, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể có một lịch sử rõ ràng. Ví dụ như: khi trình bày cho độc giả Do Thái, Ma-thi-ơ cho thấy, Đức Giêsu Kitô có nguồn gốc từ Abraham (Mt 1,1-17), bởi lẽ người Do Thái vẫn hãnh diện họ là con Abraham (Mt 3,9; 8,11; Lc 3,8; 2 Cr 11,22); nhưng khi trình bày cho độc giả rộng lớn hơn, Luca lại cho thấy, Đức Giêsu có nguồn gốc từ Ađam và Ađam là con Thiên Chúa ( Lc 3,23-38). Tuy nhiên, có lẽ vì thần học của Tin Mừng Gioan quá cao nên ít có người để ý đến, nhưng tác giả đã trình bày cho độc giả một gia phả của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa Cha (Giăng 1,1-18).

Như thế, Thiên Chúa là Đấng siêu việt, nhưng “vì loài người chúng ta”, Người đã muốn thể hiện hữu hình trong con người Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Điều này đã được Thánh Phaolô viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử… Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,1-3).

Quả thực, chúng ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, Đức Giêsu Kitô chính là một thực thể của thế giới, một con người của lịch sử, có nguồn gốc, có cha có mẹ như bao người khác. Người không ở đâu xa lạ mà đang ở giữa chúng ta qua những người đang sống xung quanh ta. Đức Giêsu gần gũi con người chúng ta như một người cha, người mẹ, người anh chị, người em và đặc biệt như một người bạn chí thân, và có thể nói như một người tình của ta vậy. Người ở gần chúng ta đến độ “có kẻ cho Người là Giăng Báp-tít, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16,14). Hơn thế nữa, nhiều người biết đến và thắc mắc về Người: “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cơ, Giô-sép, Giuđa và Simon sao?” (Mc 6,3).

Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta bằng cách mặc lấy xác phàm như Thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7), hay như Thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Giăng 1,14). Có lẽ, cũng từ đó mà LM Athanaxiô diễn tả: “Ngôi Lời đã nhận lấy một thân xác có thể chế, để thân xác đó, một khi hoà hợp với Ngôi Lời là Đấng làm chủ mọi loài mọi vật, thì vừa có thể chết thay cho mọi người, vừa không thể hư hoại, vì có Ngôi Lời hằng cư ngụ. Cuối cùng nhờ ơn phục sinh, mọi người được giải thoát khỏi cảnh hư hoại”.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không phụ thuộc vào tình yêu chúng ta dành cho Người. Người yêu chúng ta vô điều kiện, bất kể đến việc đáp trả của chúng ta. Người yêu chúng ta bằng một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu trao ban nhưng không, một tình yêu không bị ràng buộc bởi bất cứ sợi dây hữu hình hay vô hình nào. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả thật chí lý: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

2. Kitô hữu là hiện thân của Đức Kitô: là sự hiện diện cụ thể của Đức Kitô

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người, nhất là những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Thật vậy, noi gương Thầy Chí Thánh, người Kitô hữu cảm thấy liên đới thật sự sâu xa với con người của thời đại.

Đọc lại Tin Mừng theo Giăng, chương 15, Đức Giêsu khao khát được đi vào cuộc sống thân thiết với chúng ta. Người không gọi chúng ta là tôi tớ nhưng gọi là bạn hữu. Tiêu chuẩn trở nên bạn của nhau là chia sẻ cõi lòng với nhau: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Giăng 15,15). Đức Giêsu mở lòng mình ra không phải cho các môn đệ vào thời của Người mà thôi, nhưng còn cho chúng ta là những kẻ dám tin vào Người và đang dõi bước theo Người nữa, Người tỏ bày không những tư tưởng và lời nói, nhưng còn về chính con người của Người qua việc nhập thể, sống, chịu đau khổ, chết và sống lại… Để rồi “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Đức Giêsu không chỉ đến để thiết lập một mối tương quan giữa “Người với tôi”, nhưng Người muốn thiết lập tương quan với mọi người. Câu chuyện Con Thiên Chúa làm người là một thực tại liên quan đến tha nhân là những người mang đến cho chúng ta tình yêu vì Thiên Chúa, và vì Người, mà chúng ta cũng mang tình yêu đến cho họ. Cho nên, Thiên Chúa làm người để gặp gỡ tôi, đồng thời cũng là một chiếc cầu nối kết “tôi với tha nhân”. Thiên Chúa làm người sống với mọi người, đó là bài học để chúng ta noi theo, đồng thời đó cũng là trung tâm điểm để từ đó chúng ta ra đi và đến với mọi người thuộc mọi tầng lớp của mọi xã hội, bất kể người đó là ai, từ kẻ giầu có đến người bần cùng, người khoẻ mạnh cũng như kẻ đau ốm, người tri thức cũng như người không có học, người công chính cũng như kẻ bất lương. “Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”.

Thực tế thì không dễ như vậy, vì theo lẽ thường, người ta phải sống “môn đăng hộ đối” hay “nhất cận lân nhì cận thân”… Trong Lc 10,29-37, tác giả tường thuật cho chúng ta về cách đối nhân xử thế của con người, mà qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta tạm chia làm hai mẫu người. Mẫu thứ nhất là tư tế và Lêvi, những người được mệnh danh là thông thái và đạo đức, nhưng đã làm ngơ trước người anh em gặp nạn. Mẫu người thứ hai là người Samari bị coi là dân lai căng lạc đạo, nhưng lại biết thương xót người anh em khi họ gặp nạn, cho nên ông được phong tặng danh hiệu là người Samari nhân hậu. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cậy dựa truyền thống, bám vào luật để rồi phải thốt lên: “Nhưng ai là anh em tôi?” Nếu chúng ta suy xét cẩn thận, chúng ta ta sẽ nhận được câu trả lời thích đáng: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Nhưng “làm như vậy” là làm cái gì? Xin thưa, hãy làm như người Samari bị coi là người ngoại đạo đã làm.

Khi làm như người Samari nhân hậu, người Kitô hữu đang chứng minh cho mọi người biết, Đức Ki-tô là hiện thân về lòng thương xót của Chúa Cha cho con người, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Giăng 13,35). Việc nhập thể có liên quan đến cá nhân tôi và cá nhân từng người một, vì nó mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến với con người theo cách thức mới mẻ. Lòng thương xót của Chúa Cha đã trở thành xác phàm nơi Đức Giêsu và giờ đây nó phải trở nên xác phàm trong chúng ta. Sứ mạng căn bản người Kitô hữu là công bố bản tính và loan truyền lòng thương xót mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người một cách nhưng không. Nếu chúng ta tiếp nhận nó với đôi tay rộng mở, nó sẽ làm ta được sung mãn theo một mức độ khiến ta cũng tỏ ra lòng thương xót đó, vì : “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,4).

“Qua việc nhập thể, Đức Kitô đã đi vào lịch sử và tạo nên một mối liên đới mới với mọi người, cũng như Người đã liên kết với thế giới đã được tạo thành”. Cũng thế, người Kitô hữu giáo dân “sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. … như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình ; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác”.

3. Người Kitô hữu nhập thế: làm cho Đức Kitô sinh vào giữa lòng đời

Thiên Chúa mà ta phải yêu mến lại là Đấng ẩn dấu và vô hình, nhưng Người muốn được yêu mến cách hữu hình theo cung cách mà Người Con của Người là Đức Kitô, Đấng yêu thương mọi người đã thực hiện. Vì thế, lòng yêu mến của ta đối với Người phải được thể hiện trong cuộc sống thường nhật, bằng cách là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Giăng 13,34; 15,12).

Đòi hỏi của lòng yêu thương tha nhân làm cho lòng yêu mến Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống thường nhật của ta. Thiên Chúa mời gọi ta từng bước, trong mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân, trong từng nỗ lực để hướng tới công bằng và tình thương hơn giữa con người với nhau, để rồi đi đến với Người và gặp gỡ Người.

Tình yêu nhân loại chỉ trở nên sống động và trao ban vô điều kiện khi nó khoác vào mình chính tình yêu của Thiên Chúa, để rồi từ đó, chúng ta ra đi chia sẻ với mọi người, mang tình yêu đó trao ban cũng như lãnh nhận từ những cõi lòng yêu mến nhau. Nơi các mối quan hệ chứa đựng tình yêu vô điều kiện, chúng ta thấy sự bảo đảm biết được tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì tình yêu nhân loại thực sự là tình yêu Thiên Chúa nhập thể.

Khi người Kitô hữu sống yêu thương nghĩa là họ đã trở nên dấu chỉ của sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, hay nói cách khác, họ làm cho Đức Kitô sinh vào giữa lòng đời… Cũng vậy, khi con người đối xử tốt với nhau, chính là lúc con người làm cho Lời Chúa được nên ứng nghiệm: “Ta sẽ đi đi lại lại giữa các ngươi” (Lv 26,12). Cũng cùng ý nghĩa như vừa nói, nhưng thánh Phaolô diễn tả rõ ràng hơn: “Chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: “Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ” (2 Cr 6,16). Chúng ta được tạo dựng cho tình yêu, không thể có sự thành toàn bên ngoài tình yêu. Sứ mạng yêu mến là sứ mạng chung cho mọi người. Cho dẫu phải đối diện với sự xâm chiếm của kỹ thuật, của thời đại vi tính,… cuộc đời vẫn sôi sục vì con người vẫn yêu nhau. Khi Đức Giêsu nói: “Hãy yêu thương nhau”, Người muốn chúng ta biết quan tâm và lo lắng cho nhau, kính trọng và trở nên thân thiết với nhau. Người muốn nói với chúng ta rằng, sự thành toàn chỉ có thể xảy đến qua việc trao ban và lãnh nhận lòng yêu mến vô điều kiện, chỉ có yêu mến mới làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Cũng thế, dấu ấn lòng mến của Thiên Chúa chỉ đi vào lòng con người một cách cụ thể khi Ngôi Lời Nhập Thể đến sống giữa thế giới như bao người, cùng ăn cùng uống với họ. Và khi cần thiết, vì tình yêu, dấu ấn ấy đã đạt đến tột đỉnh trong cuộc thương khó và phục sinh. Tình yêu của Đức Kitô hướng về những nhu cầu cụ thể của con người: cho người đói ăn, trấn an sự sợ sệt của họ giữa cơn bão táp biển cả. Thình yêu của Đức Kitô còn gắn chặt vào thế giới vật chất: Người trộn bùn đất với nước miếng để bôi lên mắt người mù và chữa anh ta khỏi, Người lau rửa những đôi chân bẩn thỉu của các Môn đồ, và Người đã chết với thân xác bê bết máu trên thập giá. Người Kitô hữu đích thực là người muốn thực sự trở thành bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và thể hiện bằng cách sống dấu chỉ tình yêu của Đức Giêsu: đụng chạm đến và ôm ấp lấy những kẻ xấu xí cũng như người xinh đẹp, nắm lấy đôi bàn tay dơ bẩn của họ, bởi vì trong yêu mến, bùn nhơ, máu me, mồ hôi và nước mắt không làm cho ta ngại ngùng. Cốt lõi đời sống của người Kitô hữu và qua đó trở nên dấu chỉ sống động của Thiên Chúa cho anh em mình là yêu mến luôn luôn (Giăng 13,35). Thiên Chúa muốn chúng ta sống thân thiết với tha nhân như chính Người đã sống với chúng ta (Giăng 13,34). Ta chu toàn ý định của Thiên Chúa nơi đời ta nếu ta sống chan hoà với nhau và làm chứng một cách thuyết phục về thực tại của tình yêu Thiên Chúa nơi thế gian. Vào ngày phán xét, chúng ta sẽ không bị tra vấn về những thành đạt trong cuộc sống, nhưng về cách thức mà chúng ta thể hiện lòng yêu mến ( Mt 25,35-37). Chúng ta không thể đưa ra bằng cấp này, giấy khen nọ… điều duy nhất ta có thể mang theo là tình yêu thương. Nếu chúng ta không yêu mến, chúng ta sẽ đi vào cõi vĩnh hằng với đôi bàn tay trắng. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Người, chúng ta gắn bó với Đức Kitô và dám mạnh dạn tuyên bố như một thách thức của Thánh Phaolô rằng: “Ai có tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8,35).

Tại trường học Giêsu, chúng ta học yêu mến. Tại trường học đời, chúng ta học được nhiều kinh nghiệm, nhưng thường là những kinh nghiệm đau đớn, điều gì cần thiết để yêu mến chân tình theo trường phái Con Thiên Chúa. Người Kitô hữu đúng nghĩa không được chạy trốn thế gian, nhưng phải đi vào và sống trong thế gian, vì chính Đức Kitô đã không chạy trốn thế gian nhưng Người đã đến và sống trong thế gian, hơn nữa Người còn cầu xin cùng Chúa Cha cho các môn đệ của Người: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Giăng 17,15). Vì đã cảm nghiệm được tình yêu của Thầy Chí Thánh, nên sứ đồ Giăng đã viết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Giăng  3,1). Tình yêu là động lực thúc đẩy chúng ta ra đi như một con người được Chúa sử dụng để tiếp xúc với người khác.

Kết luận

Cuộc sống dạy chúng ta rằng, bây giờ là lúc yêu mến, hoãn lại phút sau, giờ sau, ngày mai có thể là quá trễ. Cuộc sống nhiều người lệ thuộc vào việc ta yêu mến họ. Họ cần chúng ta làm cho họ điều Đức Giêsu làm cho La-xa-rơ, cũng như điều mà người Samari làm cho người khách bộ hành gặp nạn (Lc 10,29-37). Như trên đã nói, Thiên Chúa mà ta phải yêu mến là Đấng ẩn giấu và vô hình, nhưng Thiên Chúa muốn thể hiện lòng yêu mến cách hữu hình theo cung cách người Con của Người là Đức Kitô, Đấng yêu thương mọi người. Đến lượt chúng ta, những Kitô hữu cũng phải ra đi để thể hiện cung cách sống của Đức Giêsu trong mối tương quan của đời sống thường ngày, là yêu thương mọi người như chính Chúa đã yêu thương ta.

Nói tóm lại, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể mà chúng ta tin rằng, Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, đã làm người để sống với con người và sống một cách thân thiết. Chúng ta, những người Kitô hữu, đã lãnh nhận sứ mạng của Người là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Chúng ta phải sống thế nào để cho mọi người nhận ra Đức Kitô thực sự đang hiện diện bên họ và trong họ. Thành thật mà nói, đây là một thách đố cho mỗi người mang danh Kitô hữu của mọi thời. Như thế, đề tài này vẫn luôn mở rộng để đón gặp những suy tư mới của mọi người.

THANH PHONG.PO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *