NIỀM VUI CHỜ ĐỢI

Chúng ta đang ở giữa Mùa Vọng. Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta hòa lòng vào niềm vui, niềm vui không phải thế gian cho, mà là niềm vui đích thực do Chúa mang lại. Đoạn Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:2-11 khẳng định niềm vui đó, vì Đấng Thiên Sai đã đến làm cho người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, người chết sống lại và người nghèo được rao giảng Tin Mừng. Và đó cũng là tất cả những gì Êsai đã tuyên sấm từ 500 năm về trước.

Bằng giọng văn khải huyền, tiên tri Êsai loan báo cho mọi người biết, chính Thiên Chúa sẽ đến cứu dân Người. Khi ấy, mắt người mù mở ra, người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót như nai và người câm sẽ lên tiếng reo hò. Thiên hạ sẽ nhìn thấy vẻ huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa. Đồng thời tiên tri còn nhiệt tình khuyến khích chúng ta hãy can đảm lên, đừng sợ hãi, đừng nghi nan, vì Thiên Chúa sẽ đến cứu độ chúng ta.

Ngay những lời đầu tiên trong bài sách Êsai đã đầy những từ ngữ: mừng rỡ, hân hoan, trổ bông, nở hoa, reo hò… Diễn tả được phần nào niềm vui rất to lớn trong lòng ông. Nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày tác giả cũng chưa được nếm trải. Ông nói về niềm vui sau lưu đày khi dân Chúa được hồi hương. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Êsai muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày. Giáo Hội mượn lại lời ông để nói đến niềm vui lớn hơn khi Chúa đến. Tất cả khổ đau, buồn phiền, bệnh tật, sự chết lúc bấy giờ mới chấm dứt. Mọi sự sẽ xảy ra trong ngày ấy đều đã khởi sự từ ngày Chúa Giáng Sinh. Và những điều mắt thấy tai nghe mà Chúa Giê-xu bảo người ta về thuật lại cho ông Giăng: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại. Đã được Chúa làm ngay từ ngày Ngài xuất hiện. Đó là dấu chỉ thời Thiên Sai đã tới. Nhưng chưa phải là ngày Chúa đến lần sau hết, nên niềm vui hiện nay vẫn là niềm vui chờ đợi.

Chờ đợi Chúa quang lâm là động cơ cuối cùng của sự kiên nhẫn. Chính vì vậy, Gia-cơ đã khuyên nhủ các chi tộc Israel đang sống tản mác khắp nơi, anh em hãy bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

Tuy nhiên, có lẽ vì các môn đệ của ông Giăng chán nản, hoặc vì chính ông đang đợi Chúa tỏ mình là Đấng Messia, nên từ trong ngục, ông sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-xu: Ngài có phải là Đấng Messia mà dân đang chờ đợi không? Khi trả lời câu hỏi của các môn đệ ông Giăng, Chúa Giê-xu không khẳng định cách trực tiếp Người là Đấng Messia, nhưng kêu gọi hãy nhìn vào những công việc Người làm. Đối chiếu đoạn sách Isaia 35:8-10, thì những việc Chúa Giêsu làm minh chứng Người quả thật là Đấng Messia mà các tiên tri loan báo. Qua đó chúng ta còn được biết thêm, Nước Thiên Chúa mở đầu với lòng xót thương cứu độ hơn là với quyền năng hiển hách.

Phúc âm hôm nay cũng cho thấy mối tương quan giữa sứ vụ của Giăng Báp-tít với Chúa Giê-xu. Ông được chính Chúa Giê-xu nhìn nhận là người cao trọng nhất trong số loài người. Ông là người được Thiên Chúa sai đi để dọn đường cho Đấng Messia.

Phải đến 3 lần Chúa Giê-xu hỏi dân chúng: “Anh em đi xem gì?”. Chúa muốn nhấn mạnh đến sự cao trọng của Giăng, nhưng đồng thời cũng muốn lôi kéo mọi người chú ý đến việc nhìn nhận Người là ai. Chúa Giê-xu khẳng định Giăng cao trọng hơn các tiên tri, nhưng người nhỏ nhất Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Như vậy, Chúa muốn nhắc nhở dân chúng cũng như chúng ta ngày nay phải đi tìm và vào cho bằng được Nước Trời. Vì đó là một thực tại các tiên tri loan báo, mà Giăng giúp chuẩn bị lòng người đón nhận, chính Chúa Giê-xu là Đấng đến thiết lập và ban cho nhân loại Nước ấy.

Chắc chắn Giăng đã sung sướng khi nhận được câu trả lời của Chúa và biết rằng Chúa thấu hiểu tâm can của mình. Ông tin ở Chúa và đã phó thác hoàn toàn. Hoàn cảnh của ông giúp ta hiểu thân phận con người của mình sống ở trần gian trong thời kỳ trông đợi ngày Chúa đến. Chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ. Không phải vì tất cả đã sáng sủa. Nhưng ngay bây giờ, Chúa cũng đã đến. Giáo lý của Ngài bắt đầu phân xử lương tâm mọi người. Chúa phân xử ngay trong lòng ta. Còn bên ngoài, chưa phải là lúc Chúa đến trong uy quyền thật sự, lành dữ chưa hoàn toàn phân minh. Tuy nhiên, ai tin vào đường lối của Chúa sẽ được bình an và hân hoan trong tâm hồn. Thế nên, niềm vui mà Lời Chúa hứa chưa đến trọn vẹn, còn phải đợi chờ. Gia-cơ trong đoạn thư hôm nay khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi, giống như bác nông phu sau khi vất vả gieo cấy, rồi bình tĩnh chờ đợi mùa gặt. Lời Chúa hôm nay chỉ thêm cho ta một phương thức để tạo bầu khí thuận hoà. Đó là theo gương Giăng nhẫn nhục tin tưởng vào đường lối của Chúa và không vấp ngã vì Ngài.

Ngày nay Giáo Hội đang tiếp tục làm chứng cho Chúa, trong đó mỗi Cơ đốc nhân là những sứ giả mang Tin Mừng cho con người và xã hội của mình đang sống. Tất cả đều có trách nhiệm nói cho người khác, cho thời đại biết những gì mắt đã thấy, tai đã nghe qua giáo lý, qua giáo huấn của Giáo Hội và nhất là qua việc thực thi bác ái.

Phan Xaviê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *