PAKISTAN CẤM KINH THÁNH

Maulana Abdul Rauf Farooqi, lãnh đạo đảng Jamiat Ulema-e-Islam, tuyên bố rằng các đoạn Kinh thánh xúc phạm các tiên tri của Hồi giáo. Đặc biệt ông nói đến chuyện Bữa Tiệc Ly, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tại vườn Giệtsimani, chuyện vua Đavít phạm tội ngoại tình với Bathsheba, chuyện dân Ítraen thờ bò vàngvà chuyện Giacóp kết hôn với Leah.

Farooqi nói: “Các đoạn Kinh thánh đó đã xúc phạm luật nguyền rủa của quốc gia Hồi giáo bằng cách mô tả các nhân vật trong Kinh thánh mà người Hồi giáo coi là những người bất toàn (flawed). Các đoạn Kinh thánh đó cho thấy các tiên tri phạm “nhiều tội luân lý, làm xói mòn tính thánh thiện của các thánh nhân”.

Arif Siraji, tư tế của giáo hội Trưởng lão (Presbyterian church) lớn nhất của Pakistan thôi thúc các Kitô hữu trên thế giới cầu nguyện cho các Kitô hữu của Pakistan. Ông nói: “Kinh thánh là chân lý toàn cầu và các Kitô hữu không cần lo lắng gì. Các mối đe dọa chống Kitô giáo như vậy xảy ra từ khi bắt đầu có đức tin. Là các tín hữu đích thực, chúng ta nên khuyến khích và cầu nguyện cho nhau để đối đầu với các trường hợp như vậy, và kiên vững trong đức tin. Chúng ta nên chống đối một cách bình yên, nhớ chắc rằng vũ khí của chúng ta là lời cầu nguyện”.

Tuy nhiên, Jonathan Racho, thuộc tổ chức Quan tâm Kitô giáo Quốc tế (International Christian Concern – nhóm bào chữa cho các Kitô hữu bị bách hại), nói: “Chúng ta quan ngại vì lời kêu gọi này đối với Kinh thánh tại Pakistan. Đòi hỏi này của người Hồi giáo là chứng cớ thêm về việc bách hại các Kitô hữu tại Pakistan. Chúng ta phả thôi thúc chính phủ các nước gây áp lực để Pakistan không cấm Kinh thánh”.

Kinh Koran kêu gọi người Hồi giáo tôn trọng “những con người của sách” (people of the book), ám chỉ các Kitô hữu và người Do Thái. Họ là “dhimmis” (nghĩa là những người không theo Hồi giáo), và như vậy có ít nhân quyền hơn tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, họ có nhiều quyền hơn những người theo đa thần giáo (polytheists), thuật ngữ dùng cho đạo Hindu và những người theo thuyết duy linh (animists).

Naveed Walter, chủ tịch tổ chức Tiêu điểm Nhân quyền Pakistan (Human Rights Focus Pakistan), nói rằng các giáo sĩ Hồi giáo “thường tấn công các cá nhân, các nhóm, các nhà thờ và các cộng đồng Kitô giáo bằng cách kết án sai về tội báng bổ, nhưng lần này họ sẽ cấm ngay cả Kinh thánh tại Pakistan”.

Farooqi nói rằng nếu tòa án tối cao không cấm Kinh thánh, các giáo sĩ Hồi giáo sẽ chính thức gởi thỉnh nguyện thư lên tòa án. Một đoàn luật sư đang làm việc về vấn đề này.

Luật báng bổ của Pakistan, triệt 295 và 298 trong Luật Hình sự Pakistan (Pakistan Penal Code) cho phép khung hình phạt từ phạt tiền đến tử hình. Luật này thường bị áp dụng sai nhắm vào các cộng đồng tôn giáo ít người – kể cả Kitô giáo, đạo Shi’as, đạo Ahmadiyyas và đạo Hindus, không phạt người kết án sai hoặc làm chứng gian về sự báng bổ. Luật này đã được áp dụng để kết án oan sai các thành viên trong các cộng đồng ít người để lấy điểm cá nhân!

Những người cực đoan tin rằng việc giết chết một người phỉ báng sẽ được phần thưởng trên trời, kể cả giết các Kitô hữu và những người thuộc các cộng đồng tôn giáo ít người khác bị kết tội báng bổ.

Khi Pakistan lập quốc năm 1947, người sáng lập là Mohammad Ali Jinnah đã muốn nước này có luật pháp và hệ thống bảo vệ các cộng đồng tôn giáo. Tổng thống thứ 6 của nước này là tướng Mohammad Zia-ul-Haq, lên nắm quyền nhờ đảo chính năm 1977, bị nguyền rủa vì đã Hồi giáo hóa đất nước này.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Blog.Beliefnet.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *