TA BIẾT CHỜ AI? VÀ ĐỢI AI?

Mùa Vọng 2010

Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, có một tác phẩm mang tựa đề “Hòn Vọng Phu”.

Ngày xưa, ở thị trấn Kinh Bắc có một người đàn bà goá chồng từ sớm, ngày ngày đi mò cua, bắt ốc để nuôi hai con, một trai, một gái. Trong khi mẹ chúng ra đồng, Tô Văn, đứa con trai độ 10 tuổi, và Tô Thị, con gái khoảng 8 tuổi, ở nhà tha hồ đùa nghịch với nhau, không ai kiềm chế nổi.

Đang khi chơi trò ném đá, Tô Văn không biết thế nào mà ném hòn đá trúng ngay đầu em gái. Tô Thị ngã lăn ra bất tỉnh, máu chảy ra lênh láng, Tô Văn thấy thế sợ quá bỏ trốn biệt tăm.

May cho Tô Thị, lúc bấy giờ có một bà hàng xóm vô tình nhìn thấy, Tô Thị được cứu sống. Khi người mẹ ở ngoài đồng về Tô Thị đã ngồi lên được, riêng Tô Văn, một ngày rồi hai ngày trôi qua không thấy trở về, tìm khắp nơi cũng không thấy. Người mẹ vì thế mà sinh bệnh rồi qua đời, bỏ lại Tô Thị bơ vơ, mồ côi. Tô Thị được một gia đình hàng xóm nhận làm con nuôi. Sau đó ít lâu gia đình người hàng xóm chuyển nhà lên xứ Lạng sinh sống, Tô Thị cũng đi theo.

Tô Thị ngày càng lớn và càng xinh đẹp nết na, nên được nhiều người thương mến. Một ngày kia Tô Thị xin cha mẹ nuôi, cho mình ra làm ăn riêng, thấy con đã lớn nên cha mẹ đồng ý. Học được nghề làm nem từ cha mẹ, Tô Thị mở cửa hàng bán nem tại Đồng Đăng phố Kỳ Lừa. Nàng làm nem rất khéo, cộng thêm cái duyên dáng, ăn nói ngọt ngào, lễ phép, nên người ra kẻ vào tấp nập, trong số những đấng nam nhi ghé thưởng thức nem, nhiều trong số đó thầm thương trộm nhớ, ngỏ ý tư tình, nhưng Tô Thị không để ý tới một ai.

 

Một hôm, có một chàng trai, tuổi ngoài 20, khôi ngô tuấn tú, đem thuốc bắc từ vùng Cao Bằng về Lạng Sơn bán. Chàng trai nghe nói nơi phố Kỳ Lừa có cửa hàng nem rất ngon, lại có chỗ trọ. Sau một đôi lần ghé, tình cảm giữa chàng trai bán thuốc và cô gái bán nem trở nên thân thiết, thân rồi yêu, đôi trai tài gái sắc quyết định thành hôn nên nghĩa vợ chồng. Họ cưới nhau được ít lâu Tô Thị sinh được một người con gái, gia đình sống thật đầm ấm và hạnh phúc.

Ngày kia, khi trở về nhà thấy vợ đang gội đầu, người chồng ẵm con ngồi nơi cửa nhìn vợ gội đầu và hàn huyên tâm sự. Bỗng người chồng thấy trên đầu vợ có một vết sẹo, liền hỏi vợ: “Em bị sao mà trên đầu em có vết sẹo to thế? Giờ anh mới biết! Em kể cho anh nghe đi, do đâu mà có vết sẹo đó?”. Thấy chồng hỏi một cách vui vẻ và như điều quan tâm, Tô Thị kể tỉ mỉ cho chồng nghe.

Sau khi nghe hết câu chuyện, người chồng bỗng thấy lòng đau đớn như trăm ngàn mũi dao đâm vào, và thầm nhủ: “Sao mình không là người khác mà là Tô Văn, mình đã lấy nhầm em gái mình rồi…!”. Chàng hồi tưởng lại, sau giây phút lỡ tay ném đá trúng đầu em, tưởng em gái đã chết, chàng sợ quá bỏ trốn, lưu lạc nơi phương trời xa, được một người nhận làm con nuôi ở Trùng Khánh hành nghề thuốc bắc, và kể từ đó chàng chỉ biết con đường từ Cao Bằng tới Lạng Sơn, với công việc bán thuốc bắc, chàng đinh ninh gia đình giờ không còn ai nữa.

Tô Văn càng nghĩ, càng hối hận và buồn, Tô Thị thì mải gội đầu nên không để ý, cứ hồn nhiên vô tư nói cười vui vẻ. Thấy Tô Thị như thế, Tô Văn lặng im và chôn giấu trong lòng không nói ra. Tô Văn nghĩ, em gái mình còn trẻ và hồn nhiên quá, không nỡ cho em biết sự loạn luân ngoài ý của hai anh em! Tô Văn tìm cách ra đi và tự trấn an mình. Thôi! Mình lại đi biệt tăm chuyến nữa, em gái mình còn trẻ trung và duyên dáng, rồi cũng sẽ lấy được một tấm chồng khác!

Giữa lúc tâm trạng như rối bời, ngoài đường nghe râm ran chuyện bắt lính thú. Tô Văn liền đi đăng ký lính nhưng không cho Tô Thị hay. Đến ngày lên đường, Tô Văn nói cho Tô Thị biết và dặn dò: “Anh đi lính chuyến này 3 năm, có khi 6 năm, cũng có khi lâu lắm mới về, em ở nhà ráng nuôi con, còn phần em, em hãy tự liệu nhé…!”. Tô thị nghe xong trời đất như tối xầm, gia đình đang đầm ấm yên vui, bỗng dưng chồng ra đi một cách đột ngột, nàng chỉ biết khóc và khóc…!

Kể từ ngày Tô Văn ra đi, Tô Thị buồn chẳng thiết làm ăn, ngày ngày cứ bế con lên chùa Tam Thanh, cầu cho chồng được bình yên. Xuân đến, rồi xuân lại đi và cứ thế năm này qua năm khác, ngày đợi, đêm mong chồng trở về, nhưng càng chờ càng biệt tăm. Có mấy người cho là chồng nàng đã chết, muốn hỏi nàng làm vợ, nhưng nàng đều từ chối, trong số đó, có một tay cường hào có tiếng trong vùng, muốn nàng làm vợ lẽ. Hắn ta là một người rất tàn ác, thương con và hy vọng chồng sẽ trở về, nàng không dám từ chối ngay sợ mang hoạ vào thân và ảnh hưởng đến con, tìm cách khất lần.

Kỳ hạn khất rồi cũng hết, nàng ôm con lên chùa Tam Thanh cầu khấn. hôm ấy trời nổi cơn giông, nhớ chồng, nàng ôm con lên mỏm đá đứng nhìn về hướng chồng đi, trời kéo mây đen, mưa như trút nước. Nàng bồng con đứng trơ trơ mắt nhìn đăm đăm về hướng chồng đi. Sáng hôm sau, trời yên mưa tạnh, mặt trời toả sang, người dân nhìn lên đỉnh núi thì thấy nàng Tô Thị bồng con đã hoá thành đá. Ngày nay hòn đó đó vẫn còn nơi tỉnh Lạng Sơn, mỗi khi nhìn thấy, khách tham quan đều dấy lên cho một nỗi vấn vương và câu truyện truyền kỳ éo le của một thời. Vẫn còn đó lời thơ:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Cố nhạc sĩ Lê Thương cảm kích mối tình xưa, đã viết lên nhạc phẩm bất hủ “Hòn Vọng Phu 1,2,3”. Xin trích đoạn vài câu: “Nhìn chân trời, xanh biếc bao la, người mong chờ vẫn nhớ nơi xa. Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về…” (Hòn vọng phu 1); “Người vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ, người chồng đi đã bao năm chưa thấy về. Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ…” (Hòn vọng phu 2); “Nơi phía Nam giữa núi mờ. Ai bế con mãi đứng chờ. Như nước non xưa đến giờ ?… ” (Hòn vọng phu 3).

Mùa Vọng, mùa chờ đợi! Người Do Thái xưa đã sống mùa vọng, mùa chờ đợi một thời gian rất dài. Họ chờ ai và đợi ai? Xin thưa, họ chờ và đợi, một ngày nào đó Thiên Chúa ban tặng cho dân tộc họ một Đấng cứu tinh, sẽ đứng lên lãnh đạo dân tộc, giúp họ đánh bại thế lực ngoại bang, đang đô hộ đất nước và dân tộc, đem lại cho họ tự do, bình an và hạnh phúc như lời các Ngôn sứ tiên báo. Vì thế, ngày và đêm họ tha thiết van xin: “Trời cao hãy đổ xương xuống và mây ơi hãy mưa Đấng cứu tinh!”

Người phụ nữ tên Tô Thị trong tác phẩm “Hòn Vọng Phu”, chờ và đợi chồng, người Do Thái xưa chờ và đợi Vị Cứu Tinh cho dân tộc và đất nước. Còn ta, hiện nay và trong Mùa Vọng này, ta chờ ai và đợi ai? Có phải chăng giữa một xã hội luôn bất ổn, một xã hội hỗn tạp, đầy rẫy bạo lực, tàn ác, bất công; thiếu tôn trọng mạng sống và phẩm giá con người; một xã hội thiếu vắng công lý, sự thật và tình thương…, như những người Do Thái, ta chờ và đợi một Thiên Chúa luôn đem lại cho nhân loại sự bình an, đáp ứng cho nhân loại những khát khao của cuộc sống hiện tại, tương lai…

Không như người phụ nữ trong tác phẩm “Hòn Vọng Phu”, chờ và đợi tin chồng. Nhưng, điều chờ và đợi đó không đem lại kết quả, trải qua năm tháng chờ, đợi trong tuyệt vọng, người phụ nữ đã hoá thành tượng đá! Còn người Do Thái thì ngược lại hoàn toàn, sự chờ và đợi đã được toại nguyện. Lời tiên báo của các Ngôn sứ và lời hứa của Thiên Chúa đã được ứng nghiệm. Vào một đêm giá lạnh, nơi hang bò lừa thành Belem, khi Sứ thần Chúa báo tin cho các mục đồng rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Christ Con Đức Chúa Trời” (Lc 2,11). Và muôn vàn Thiên Sứ đã cất tiếng vang trời: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Thiên Chúa đã đến và ở giữa trần gian cách đây hơn 2.000 năm, qua cuộc đời của Chúa Giê-xu Christ và Ngài còn ở lại mãi cho tới tận thế như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Có điều là ta có thực sự nhận ra Ngài đã đến và đang ở giữa ta không? Khi trong từng ngày sống Chúa Giê-xu Christ vẫn ở bên ta qua những người anh em hèn mọn, Ngài ở trong Màu Nhiệm Hiệp Thông (tiệc thánh), trong lời của Ngài nơi Tin Mừng. Có khi nào ta tự hỏi lòng mình, tôi có giống như những người Do Thái năm xưa không? Như lời của một bài hát: “Ngài có đó, nhưng con tưởng Ngài đang trong mơ, Ngài yêu con, thế mà con đâu có ngờ”. Sứ đố Giăng đã nói về những người Do Thái, khi Chúa Giê-xu Christ ở giữa họ: “Người đã căng lều ở giữa dân người, nhưng dân Người không đón nhận Người” (Ga 1,11).

Chính những ước mong, những chờ đợi của người Do Thái chỉ dừng lại ở cái bên ngoài, dừng lại theo cách nghĩ của thế gian. Vì thế, mà họ không chấp nhận một Đấng Cứu Tinh của dân tộc họ, lại là một con người tầm thường, không binh quyền, không tài sản, không danh giá và họ đã khước từ, tệ hại nhất là họ đã giết chết Ngài một cách dã man, dẫu có những lúc họ tung hô, họ vạn tuế, họ cầu cạnh khi Chúa Giê-xu Christ thi ân giáng phúc và thực hiện những phép lạ cả thể giữa họ…

Tất cả những khát vọng, những ước mơ của nhân loại, được gói gọn trong hai từ “Bình An”. Lời của muôn vàn Thiên sứ vẫn vang vọng giữa cuộc sống của nhân loại hôm nay: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14 BDNGKPV). Sự bình an ở nơi Thiên Chúa và đến từ nơi Thiên Chúa. Nhưng sự bình an của Thiên Chúa không theo cách tính, cách nghĩ của thế gian nói chung và của chính bản thân ta nói riêng như lời của Chúa Giê-xu Christ phán: “Thầy ban cho anh em sự bình an không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Bình an của Thiên Chúa là tình yêu, là sức mạnh, là hạnh phúc Nước Trời. Còn bình an của thế gian là sự thoả hiệp trong tội, sự giàu sang chóng qua, sự đắm chìm trong nền văn minh sự chết…

Bước vào Mùa Vọng và sống Mùa Vọng, ta chờ, đợi, mong ước Thiên Chúa ở giữa ta, với ta và trong ta. Giữa những lắng lo, bận rộn của mưu kế sinh nhai, của công việc và bổn phận; giữa những thử thách và gian truân của kiếp người; giữa những lời mời gọi ngọt ngào của quyền lực thế gian. Với thân phận yếu đuối và mỏng giòn, ta khó có thể vượt qua, tựa như những chiếc bình sành dễ vỡ tan khi bị va đập, nếu không có Chúa Giê-xu Christ ở cùng. Từ nơi Ngài, ta có được sự bình an đích thực, ngay giây phút hiện tại và cả khi ta giã từ cuộc sống tạm bợ chóng qua này. Chúa Giê-xu Christ là Đấng tín trung, Ngài đã hứa: “Kẻ đến với Ta, Ta không loại ra ngoài” (Ga 6,37).

Vì thế, trong tâm tình Mùa Vọng, ta hãy cố gắng đến với Ngài mỗi khi có thể, nơi Màu Nhiệm Hiệp Thông, nơi Lời của Ngài trong Tin Mừng, nơi anh em chung quanh ta qua việc hợp nhất, bác ái, yêu thương và tha thứ. Có như thế thì sự chờ, đợi của ta sẽ không trở nên tuyệt vọng, trở thành những “Hòn Vọng Phu” như người phụ nữ hoá đá khi chờ và đợi người chồng với mong ước “Châu về hiệp phố”; nhưng ta sẽ trở thành những máng cỏ đơn sơ nghên đón Vua Bình An ngự đến thoả lòng ta chờ và đợi.

Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa đã ban cho con những ngày mùa vọng, xin giúp con sống tâm tình mùa vọng như lòng Chúa mong ước, nhờ đó mà ân sủng và bình an của Chúa sẽ luôn ở trong con giúp con vượt qua nhưng nghi nan, nhưng thách đố của cuộc sống này, xin cho con luôn sống trong sự tỉnh thức và chuẩn bị tâm hồn nghênh đón Chúa đến viếng thăm con bây giờ và trong giờ sau hết của cuộc đời con. Amen.

Sài Gòn, ngày 24/11/2010
AT.Lương Văn Liêm
(Kinh thánh trích từ BDNGKPV
)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *