THA THỨ

Mỗi chúng ta đều ít nhiều có kinh nghiệm rằng chúng ta khó có thể tha thứ ngay cả trong những xúc phạm nhỏ mọn hằng ngày. Thế nhưng kinh nghiệm phải chăng cũng dạy chúng ta ít nhiều rằng: chúng ta đang được lớn lên và biến đổi khi chúng ta học biết tha thứ?

Một vòng lặp không ngừng: trận giặc này sẽ kéo theo trận giặc khác, mỗi cái bạo lực sẽ kéo theo nhiều hơn nữa những bạo lực khác. Mỗi người chúng ta dường như đều có ít nhất một người mình không thích, hoặc hơn nữa, một “kẻ thù”. Làm sao bây giờ? Giết họ chăng? Một người ngã gục thì cũng sẽ có một người khác đứng lên phất cờ thay chỗ cho họ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là những “kẻ thù thực sự” thường ít khi thấy được, và thậm chí có nhiều trường hợp, nó không tồn tại. Những “kẻ thù thực sự”, kẻ đe doạ tất cả chúng ta có nhiều bộ mặt: đó chính là sự chua cay, bạo lực, thù hận, trả thù, nghi kỵ… mà chúng ta mang trong người, sự sợ hãi và âu lo nằm sâu trong tiềm thức. Chúng ta không cần thấy được “kẻ thù” nơi ai đó như một bài hát dân ca của Phạm Duy diễn tả rất có ý nghĩa:

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma (thế thì)

Người người ơi thương xót người nhỏ bé

Người người ơi thương xót người ngây thơ

Thương xót người bị mua

Thương xót người bị lừa

Thương xót người thương xót ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài

Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta tên nó là vu khống

Kẻ thù ta tên nó là vô minh

Tên nó là lòng tham

Tên nó là tị hiềm

Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)

Đối với những “kẻ thù thấy được”, nhiều khi chúng ta thấy sự việc dường như không lối thoát vì chúng ta không muốn thấy lời đáp: tha thứ. Chỉ có “văn hoá tha thứ” mới sẽ có thể chấm dứt cái vòng lặp lẫn quẫn của sự bạo lực và sự thất vọng kia và chuyển sang vòng lặp mới của hy vọng và tha thứ.

Điều này đòi hỏi thời gian nhiều lắm. Phải miệt mài. Vì sự tha thứ là một sự chọn lựa rất cá nhân. Cần học hỏi, cầu nguyện, nhận ra chính mình. Trước khi muốn thay đổi thế giới, phải thay đổi chính mình như lời cầu nguyện của đạo sĩ BAYAZIT: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính mình con”. Và ngài thêm: “Nếu tôi đã cầu nguyện như thế ngay từ đầu, tôi đã không lãng phí đời tôi”.

 

Rồi chúng ta sẽ thấy những giao tiếp của chúng ta thay đổi, gia đình thay đổi và cộng đoàn thay đổi và xã hội thay đổi. Luther King đã nói: “Các anh hãy bỏ tù chúng tôi đi, và chúng tôi vẫn yêu thương các anh; ban đêm, các anh hãy đến tấn công chúng tôi đi, chúng tôi vẫn yêu thương các anh; hãy giết con cái chúng tôi đi, chúng tôi vẫn yêu thương các anh. Và khi chúng tôi được tự do, vinh quang chúng tôi sẽ gấp đôi – bởi vì đó cũng là sự chiến thắng của các anh. Các anh mệt mỏi vì giết chóc và các anh sẽ liên kết với chúng tôi”. Không gì nghi ngờ nữa, đó chính là sức mạnh của tha thứ.

Trong xã hội hôm nay, chúng ta cần sức mạnh đó. Giặc giã không còn trên đất nước, nhưng sự  ghen tị, hận thù còn nằm trong mỗi chúng ta. Nếu chúng ta gặp lại những người làm thiệt hại chúng ta, những người đã làm chúng ta phải đau khổ, những người lường gạt chúng ta, những người chỉ nhìn thấy những sơ hở của chúng ta, những người làm chúng ta xấc bấc…chúng ta sẽ ăn nói thế nào? Không có tình yêu thì không thể được. Khi mà chúng ta là những sứ giả mang đến chữa lành những vết thương đau, là khí cụ bình an, để xoá tan hận thù, chia rẽ, bẻ gãy xiềng xích ghen tuông trói buộc.

Người ta nói, ai chọn sự trả thù phải đào hai cái huyệt. Hoặc ngạn ngữ Trung Hoa có câu:

“Sự tha thứ là một cánh cửa mở ra hướng về sự bình an và hạnh phúc là một cánh cửa nhỏ, hẹp mà chúng ta không thể đi qua mà không cần cúi thấp xuống. Còn hơn nữa, đó là một cái cửa khó tìm. Nhưng có thể đến được, cho dù chúng ta phải tìm kiếm lâu ngày. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, cho dù đứng trước cánh cửa hạnh phúc đó, chỉ chính chúng ta mới mở được cánh cửa đó bằng chìa khoá: tha thứ.

Khi chúng ta bị tổn thương, điều hết sức tự nhiên là chúng ta muốn tìm hiểu nguyên do.

Nhưng cho dù nguyên do của vết thương đó là thật hay tưởng tượng, nó cũng dẫn chúng ta đến hận thù, âm ỉ trong lòng và từ từ chúng ta sẽ cảm thấy chua cay với những người chung quanh. Con người khi trở nên cay đắng rồi thì luôn luôn biện minh cho sự chua cay của mình: họ luôn thấy mình bị tổn thương quá nặng và thường khi điều đó làm cho họ quên rằng mình phải tha thứ. Bề ngoài họ có vẻ như bình tĩnh và cân nhắc nhưng cảm tính được che giấu bên trong sẵn sàng bùng nổ lúc nào không hay. Chính những người nầy là những người cần biết tha thứ vì sự chua cay đó làm mờ đi khả năng yêu thương.

Tha thứ không có nghĩa là quên hoặc nhắm mắt coi như không có. Nhưng tha thứ là một sự chọn lựa có ý thức: không thù ghét nữa. Sự chua cay còn hơn một tầm nhìn tiêu cực về cuộc sống. Nó có mãnh lực ghê gớm phá hoại và tự phá hoại. Nó làm con người co cụm lại trong những tư tưởng đen tối nhất và sản sinh những tư tưởng rất tiêu cực, không lành mạnh.

Sự bạo lực, lòng hận thù, sự chua cay vẫn lãng vãng trong cuộc sống chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta nghe đây đó những câu nói đại loại như sau: “Vâng, tôi tha cho cậu, nhưng cậu biết rằng tôi không bao giờ quên đâu nhé!”. Chúng ta có thể thuộc loại người đó. Bị một cú sốc quá lớn nào đó trong đời, tôi tha thứ vì Chúa nhưng không thể nào quên vì vết thương quá nặng.

Nhưng chúng ta đã đọc hàng nghìn lần “xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Những từ này xem ra rất quen thuộc đối với chúng ta, nhưng đôi khi chúng ta cũng nên tự hỏi chúng ta có thật sự thành thật khi chúng ta đọc những lời đó hay không và chúng ta thật sự có hiểu những lời đó có ý nghĩa như thế nào không? Chúng ta phải nhận thấy được chúng ta có nhu cầu được tha thứ thì chúng ta mới có khả năng tha thứ. Điều này thật không dễ dàng, vì nó đòi hỏi một sự khiêm nhường đích thực. Trong Phúc Âm, Chúa dạy chúng ta “phúc cho những ai hiền lành…” và không nên đối xử với anh em cứng rắn hơn ước muốn người ta đối xử với chúng ta. Hẳn chúng ta không quên câu chuyện Phúc Âm kể lại ông Vua tha cho người đầy tớ mắc nợ 10.000 quan tiền, nhưng anh ta lại đòi người bạn nợ anh ta một món tiền rất nhỏ và bắt bỏ tù khi người bạn không trả được.

Nói về sự tha thứ thì quá dễ dàng khi chúng ta sống trong hoàn cảnh “như thiên đàng”, có đầy đủ vật chất, nhà cao cửa rộng, ngày ngày ấm no. Nhưng có thật sự nói lên điều gì đó cho những người sống trong những căn nhà ổ chuột, không công ăn việc làm, ngày ăn không đủ no, những người mà thiên hạ gọi là “cặn bã của xã hội”? Chưa chắc chúng ta có thể tha thứ dễ dàng cho “kẻ ăn cùng bàn mà quay gót đạp” chúng ta!

Dường như không có điều răn nào của Chúa Giêsu khó nhất cho bằng điều răn hãy yêu thương kẻ thù của chúng ta. Thậm chí có người nghĩ rằng dứt khoát không thể được. Làm sao yêu thương được con người mà một cách công khai hay che giấu hoặc rình rình tìm cho được sự sai sót để mà tấn công, mưu hại chúng ta? Nhưng yêu thương cả những kẻ thù là chìa khoá giải quyết những vấn đề của thế giới chúng ta ngày hôm nay và nó biến đổi bằng sức mạnh cứu độ của nó.

Động lực mạnh nhất giúp chúng ta tha thứ cho người khác đó là ý thức rằng chính chúng ta đã được tha thứ. Sự tha thứ biểu lộ nhân cách của con người và chỉ có con người mới biết tha thứ. Có hơi khó hiểu vì nó đi ngược lại với cái logic. Nhưng nếu ai muốn bình an thì phải muốn sự tha thứ.

Chúng ta nhớ lại thái độ của Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Ai không phạm tội thì ném đá người này trước đi”.

Sư tha thứ là một sức mạnh mãnh liệt. Nó giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích của quá khứ và giúp chúng ta vượt qua tất cả những chướng ngại. Nó có thể chữa lành cả người tha thứ và người được tha thứ. Nếu được như thế, cả thế giới này sẽ được biến đổi. Nhưng thường khi chúng ta lại là những “rào cản” vì chúng ta không dám tha thứ. Chung quy lại, chúng ta mỗi người giữ “chìa khoá tha thứ”. Và mỗi ngày, chúng ta phải chọn lựa sử dụng nó hay không..

nhat nhat tan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *