THẬT VÀ GIẢ

Thật thà luôn đối kháng với giả dối. Nhưng nó thường sống chung với nhau như “lúa mì với cỏ lùng” là vậy. Không ai thích nó (giả dối) nhưng lại luôn cần nó như là một “bả bối” và con người ngày nay lại muốn xem nó như là một thành công xuất chúng giữa đời, thậm trí giữa Hội Thánh. Còn thật thà, ai cũng ao ước sống trong môi trường ăn thật, uống thật, nói thật, sống thật, làm thật, chơi thật, v.v…nhưng tiếc thay con người lại không thể làm được theo khát khao cháy bòng từ cội nguồn tâm thức của mình. Vâng, hình như con người đang bị “vong thân” chính giữa cuộc đời mình.

Lời từ miệng Chúa Giê-xu Kitô phán trong Phúc Âm rằng: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (Mathiơ 7: 21)

Nói, rất dễ, còn làm thì vô cùng khó. Con người rất muốn nói thật nhiều, và để đạt sự khoái cảm họ bắt đầu: nói cho đã tức, nói cho sướng miệng, nói cho chúng nó bẽ mặt, nói cho chúng nó thối lui, nói cho chúng nó từ chức, thậm trí nói theo cách thiêng liêng là, nói cho họ ăn năn, sám hối để được cứu, v.v…Chính vì thế mà chúa Giê-xu đã khẳng định “Chẳng phải hễ những kẻ nói”.

Làm, cũng rất dễ, chỉ cần có động lực thúc đẩy là con người lao vào làm việc hết mình.

Với người thế gian hay ngôn ngữ của Kinh Thánh là “kẻ gian ác, xấu xa v.v…” chúng làm vì động lực của Tiền, Tình, Danh. Chung quy là làm lợi cho chính họ và bè đảng của họ. Vì thế chúng không khước từ một thủ đoạn nào, cho dù là bỉ ổi nhất. Miễn là thủ đoạn ấy cho ra một sản phẩm mỹ mãn trong quan điểm cá nhân, hay phục vụ lợi nhuận cho một nhóm lợi ích.

Còn với người có niềm tin vào các tôn giáo như Phật Giáo, Cơ Đốc Giáo v.v….hay gọi là “người công bình” nói theo ngôn ngữ thần học, thì cũng làm vì động cơ như người “thế gian”, nhưng ngôn từ được ép theo nghĩa tốt đẹp và định hướng tương lai là được “vào thiên đàng”. Riêng với Chúa Giê-xu thì Ngài khẳng định rằng: “Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?”

Người viết bài này tư suy ngẫm “nhiều người” ấy là ai, việc làm của họ là gì? Và rất ngạc nhiên về điều Chúa khẳng định: “Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (bản dịch của NGKPV) vậy tại sao nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ lại bị Chúa đuổi “xéo đi cho khuất mắt Ta”?

“Nói tiên tri”: đây là công việc rất quan trọng, đòi hỏi nơi người nói tiên tri sự hiểu biết rõ ràng, không thiên vị, v.v.. và được linh ứng rõ ràng… mà kết quả chỉ có ở tương lai. Cũng có thể dùng ơn này để cáo trách cho kẻ có tội, nhận tội và ăn năn như Na-than v.v… Điều đặc biệt là khi có được ơn này thì người ta lập tức danh tiếng nổi lên như “sóng cồn”, thậm chí làm chấn động cả thế giới. Ít nhất cũng như chú bạch tuộc Paul ở Đức đã dự đoán kết quả các trận bóng tương đối tốt kia.

“Trừ quỷ”:
 Đây cũng là công việc còn lớn hơn cả nói tiên tri nữa. Vì nó động chạm tới thế lực thù địch của Thiên Chúa. Nó là Thiên sứ trưởng … vậy mà con người chỉ cần tin Chúa là có “quyền phép trừ quỷ”, như thế ai mà không ham muốn, đến cả các phù thủy còn dám bỏ tiền ra mua cái quyền này, huống hồ những “người công bình”, thậm chí nhiều người tự khẳng định mình đang là “Thánh Nhân”, là hàng “Giáo Phẩm”, là người độc nhất trong thời đại toàn cầu hóa được Thiên Chúa ban cho ơn trừ quỷ. Thế là tha hồ mà đặt tay chữa bệnh, trừ quỷ….trong một bầu không khí âm vang của thứ tiếng chỉ người nói với thần linh hiểu nhau, để giúp nhau đạt được khát vọng đó, rồi chia sẻ vinh quang cho nhau! Tên tuổi của những người này còn nổi như “sóng thần”, hơn cả mấy người nói tiên tri. Vì họ đã chiến thắng thiên sứ trưởng và hậu duệ của hắn.

“Làm phép lạ”:
 về ơn này thì người viết bài này không dám đề cập nữa, vì sức mạnh của cơn sóng này mạnh hơn trăm ngàn lần ơn tiên tri và trừ quỷ. Vì nó cao cấp hơn, cho nên càng nhiều người khát muốn nó hơn, hình như đã không ít người quay phim về việc “làm phép lạ” của mình để quảng bá Chúa Giê-xu đâu đó, và việc làm này không phải không có ích, nhưng khi phép lạ đi xa thì đức tin mọi người cũng đi cùng phép lạ.

Những công việc vĩ đại thế, những kết quả tuyệt vời thế, mà mọi công việc ấy đều làm theo những gì Chúa đã làm kia mà, Thậm chí Ngài còn sai sứ đồ Phao-lô nói rằng: Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. (Êphêsô 3:20). Nhưng nay sao Chúa lại phán rằng: “Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” bản dịch của (NGKPV)

Chưa hết ngạc nhiên, khi đọc tiếp trong phần cuối đoạn 25 thì Chúa Giê-xu lại phán rằng: Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra;…. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? (Mathiơ 25:35-37 xin đọc hết đoạn) Điều lạ lùng là  “người công bình”cũng thắc mắc, nếu phải nói theo ngôn ngữ đương đại là: Chúa là Thiên Chúa tạo dựng tất cả, thì có bao giờ Chúa đói, Chúa khát, v.v… đâu mà chúng con phải cho Chúa ăn! Rồi có thể sẽ biện hộ rằng: Chúng con cũng giống Chúa kia mà, lại còn là con, được bình đẳng như Ngài nữa cơ mà, “con có thấy Chúa đói đâu, khát đâu…mà quan tâm!?”

Sau khi đắn đo một hồi, bỗng  Chúa Thánh Linh mách bảo ít nhất một chỗ, Chúa Giê-xu phán về ngày cuối cùng như sau: Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. (Mat 25:21). Rồi tự an ủi rằng có lẽ mình là chiên đấy nhé vì Chúa sẽ làm một việc: để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả. “Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;  ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta.”

Nhưng dẫu sao thì Dê muôn đời vẫn là Dê, còn Chiên thì cũng vậy. Giả dối sẽ bị phơi bày ra trong ngày sau rốt. Thật thà cũng vậy. Chỉ lời Chúa phán sau đây mới là điều cần suy nghĩ: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.”

Chúa Giê-xu vẫn còn đó trong trái tim mọi người. Mắt Chúa không bao giờ chớp, để theo dõi từng bước chân, cử chỉ của mọi người, để rồi đến xin con người được giúp đỡ bằng tính yêu vô hạn của mình. Ngài vẫn để lại trên thế gian hình ảnh cây thập tự giá. Ngài thầm nhắc nhủ với nhân loại qua đầy tớ của mình rằng: “hãy nhìn xem Chúa Giê-xu Christ là cội rễ và cuối cùng của đức tin.” (Hê-bơ-rơ 13: 8)

Mọi điều Chúa đều làm được, duy có 2 điều Ngài không thể làm cho con người, ấy là: Thứ nhất, Tin và phó thác mọi sự cho Chúa. Thứ hai, đến nhận Ân điển của Chúa ban một cách nhưng không cho chính mình”

Vâng, cuối cùng chỉ có máu đào phun ra trên thập giá của Đấng Kitô mới thanh tẩy mọi giả dối trong cuộc đời của mỗi người. Và chỉ có lời của Thiên Chúa mới phá tan tất cả những bức tường vô hình, tội ác, gian dối, giả hình của loài người trong thế giới hôm qua và toàn cầu hóa ngày nay, vì Thiên Chúa phán rằng: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” (Xa 4:6 )

NamPhong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *