THOẢ THUẬN CÔNG GIÁO – TIN LÀNH VỀ PHÉP BÁP-TÊM (PHÉP RỬA TỘI) SẼ LÀ “MỐC LỊCH SỬ” TRONG HÀNH TRÌNH ĐẠI KẾT

Một giới chức HĐGM Hoa Kỳ nói: Một hiệp ước mới giữa các nhà lãnh đạo Công giáo Hoa Kỳ và các Giáo hội Cải cách sẽ có thể là một “mốc lịch sử” trong hành trình đại kết và sẽ giúp sự tương tác với các Kitô hữu Tin Lành ở cấp độ giáo xứ.

Văn kiện có tựa đề “Thoả thuận chung về sự công nhận Phép Báp-têm của nhau” là kết quả của 6 năm nghiên cứu và thảo luận giữa Uỷ ban các Vấn đề Đại kết và Liên tôn thuộc HĐGM Hoa Kỳ và đại diện từ Giáo hội Trưởng lão Hoa Kỳ, GH Cải cách Hoa Kỳ, GH Cải cách Kitô giáo và GH Thống nhất Chúa Kitô.

Các GM Hoa kỳ sẽ bỏ phiếu về hiệp ước này và về tuyên bố kèm theo tại Đại hội mùa Thu từ 15–18/11.

Cha Leo Walsh, Phụ tá Giám đốc tại Ban Thư ký các Vấn đề Đại kết và Liên tôn thuộc HĐGM Hoa Kỳ, giải thích rằng hiệp ước này sẽ thúc đẩy ý thức về Phép Báp-têm như là căn bản cho “sự hiệp thông đích thực nhưng chưa hoàn hảo giữa những người theo Chúa Kitô”. Nó cũng sẽ ngăn cấm việc sử dụng những công thức phụng vụ “mang tính sáng kiến”. Chìa khoá cho thoả thuận này là điều khoản nói rằng các Phép Báp-têm chỉ có hiệu lực khi được thực hiện với “nước đang chảy”, với ý ngay lành của Giáo Hội và “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Linh”. Việc công nhận Phép Báp-têm của nhau như là “cổng vào sự sống đời đời” sẽ thúc đẩy sự hợp nhất Kitô giáo theo lời cầu nguyện “xin cho chúng nên một” của Chúa Giêsu.

Cha Walsh lưu ý rằng những thoả thuận tương tự đang hình thành giữa các HĐGM Công giáo và các đối tác đại kết của họ ở Úc, Brasil, Hà Lan, Đức, Ba Lan và Slovakia. Đối với đời sống giáo xứ Công giáo, thoả thuận này sẽ có lợi trong những trường hợp một người đã được Rửa Tội trong các truyền thống Cải cách mà muốn hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo hoặc muốn kết hôn với một người Công giáo.

Ngoài ra, dù ít xảy ra hơn, thoả thuận này sẽ hỗ trợ những trường hợp mà một Kitô hữu Cải cách làm đơn xin huỷ bỏ. Trong những trường hợp này, Giáo luật đòi buộc thẩm tra xem đương sự có được Phép Báp-têm một cách có hiệu lực theo một cách mà Giáo hội Công giáo công nhận là có hiệu lực chăng. Nếu thoả thuận này được thông qua, tính hiệu lực của những Phép Báp-têm này có thể coi là được.

Cha Walsh nói rằng sau khi thoả thuận này có hiệu lực thi hành, hai bên đối tác Công giáo và Tin Lành sẽ dùng chung các lời lẽ trong các giấy chứng nhận rửa tội mà họ thực hiện.

Được yêu cầu giải thích sự hiểu biết về Phép Báp-têm của các Giáo hội khác nhau, Cha nói rằng có nhiều điểm tương đồng hơn là dị biệt. Các truyền thống cả Công giáo lẫn Tin Lành đều tin rằng Phép Báp-têm làm cho một người trở thành một phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giáo Hội, và thiết lập một sự gắn bó hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu. Phép Báp-têm là “cổng bí tích” đi vào đời sống Kitô hữu và chỉ được nhận duy nhất một lần. Cả hai truyền thống đều khẳng định rằng Phép Báp-têm là một bí tích của Giáo Hội được làm theo lời của Chúa Kitô. Những dị biệt giữa các Giáo Hội thoạt đầu có “tính chất Giáo Hội học”. Điều này muốn nói rằng chúng liên can tới bản chất Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội được biểu thị ra sao với tính chất địa phương.

Các thành viên cuộc đối thoại này coi trọng quan ngại của Vatican rằng một Phép Rửa bằng rảy nước trên nhiều người cùng một lúc có nguy cơ không có hiệu lực.

Cha Walsh cho biết: “Một cuộc thảo luận và xét duyệt  thấu đáo các nghi thức Rửa Tội của các đối tác Tin Lành đã khẳng định rằng hình thức và vật chất được sử dụng trong nghi thức của họ đủ để được Giáo hội Công giáo công nhận là có hiệu lực”.

Theo HĐGM Hoa Kỳ, năm 2002, HĐ Giáo hoàng về Hợp nhất Kitô hữu đã thúc giục các ngài xem xét sự hiểu biết lẫn nhau về Phép Báp-têm của các Kitô hữu. Những quan ngại gồm những thực hành Rửa Tội bằng rảy nước hoặc nhân danh “Đấng Tạo Hoá, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hoá”.

HĐGM Hoa Kỳ cho biết đây hiệp ước “chưa từng thấy” đối với Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ.

Theo TTCG & CNA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *