TIẾNG KHÓC ĐẰNG SAU CƠN GIẬN

LCV – Các chuyên gia cho rằng cơn giận thường bùng nổ trong gia đình – giữa vợ chồng với nhau và với con cái – nhiều hơn so với các mối quan hệ khác. Cơn giận cũng thường xuất hiện ở các mối quan hệ yêu đương hoặc nơi công sở với cộng sự và cấp trên. Điều này cho thấy người ta dễ bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, do những hành động giận dữ của người mà họ sống, làm việc chung hoặc có tình cảm sâu sắc với nhau, hơn là do người lạ. Sự giận dữ của cá nhân có thể là mầm móng dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình, bạo lực học đường và gây mất trật tự xã hội. Giận dữ còn là nguồn gốc của những căn bệnh về tâm  lý như đau đầu, cao huyết áp, tim mạch,… Dù muốn hay không, thì giận dữ vẫn là một phần trong trải nghiệm cuộc sống, nó tồn tại tự nhiên với mỗi cá nhân. Trong xã hội đầy biến động và có quá nhiều nguyên nhân gây căng thẳng, thì việc người ta nổi giận với nhau là điều không hiếm. Giận dữ, cáu gắt thường là một biểu hiện trạng thái cảm xúc tự nhiên, mà bất cứ ai trong chúng ta không ít thì nhiều đã từng mắc phải. Tuy nhiên, những cơn giận dữ vượt khỏi tầm kiểm soát thường gây ra những hậu quả tiêu cực, đáng tiếc và khó lường.

********

Giận dữ thường là phản ứng tự nhiên với sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần. Xét dưới một góc nhìn nào đó, nó là một cố gắng để thoát khỏi sự tổn thương. Giận dữ không bao giờ xảy ra cách độc lập, mà nó thường gắn liền với những cảm giác đau đớn như bị chối từ, bị xúc phạm, đe doạ, phớt lờ, mất mát… Người ta nổi nóng khi có điều gì bất ưng xảy ra cho mình, trái với ý kiến, đụng chạm đến quyền lợi của mình. Nóng giận đôi khi cũng là  phản ứng để trấn áp người khác. Nhưng không phải lúc nào cảm thấy tức giận cũng là sai và cơn giận không phải là một cảm xúc hời hợt cần loại bỏ. Điều cần thiết là hiểu được vấn đề ẩn giấu phía sau cơn giận, cũng như học bày tỏ sự giận dữ bằng những cách có ý thức và xây dựng.

Một cơn giận dữ có thể bắt nguồn từ 1 trong 5 nguồn gốc sau, một cách riêng rẽ hoặc có sự kết hợp:

1.     Tin mình đúng và người khác sai.
2.    Tin rằng mình là nạn nhân và đang bị tấn công
3.    Cảm giác mất mát hoặc đau khổ
4.    Cảm thấy thấp kém hơn người khác
5.    Giận dữ là phản ứng duy nhất mà chúng ta biết

Sự thiếu nội lực và tình trạng không xác định được ranh giới giữa bản thân mình và người khác, thường tạo nên xung đột và biểu hiện cơn giận dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể thấy những cảm xúc gây đau đớn, những tổn thương đã được giữ lại trong lòng, và lối suy nghĩ tiêu cực là những chất góp phần nuôi dưỡng cơn giận bên trong những hành xử giận dữ, mà người ta thường biểu lộ. Những cơn giận dữ được thai nghén này chắc chắn sẽ có lúc được sinh ra.

Thông thường có 3 cách để biểu lộ sự giận dữ, hai trong số đó mang tính tiêu cực:
o    Hành xử hướng ngoại như la hét, đấm đá, quăng ném đồ đạt. Thay vì giải quyết vấn đề thì cách biểu hiện này thường làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn.
o    Hành xử hướng nội bằng cách đè nén cảm giác giận dữ. Điều này có thể dẫn đến bệnh máu cao, trầm cảm, tự sát, ma tuý hoặc nghiện rượu.
o    Hành xử có kiểm soát. Mục đích của quản lý cơn giận không phải là phớt lờ hay chặn đứng cảm giác giận dữ, mà là làm chủ cảm xúc của mình, giúp người nóng giận biểu hiện cơn giận một cách tích cực và hiệu quả.
Có những cơn giận dữ nổ ra bất ngờ do bị tổn thương tức thì hoặc thất vọng, nhưng cũng có những cơn giận là phản ứng bắt đầu từ nỗi đau khổ và sự từ chối trong các mối quan hệ quan trọng mà đương sự đã phải chịu trong nhiều năm. Đôi khi cơn giận còn là phản ảnh của những vết thương lòng sâu xa đang mong muốn được chữa lành. Tiến trình của cơn giận bao gồm:
o    Cảm giác đau lòng và thất vọng vì những mong đợi không xuất hiện
o    Cảm giác sợ hãi rằng mọi thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi
o    Thể hiện sự giận dữ bằng hành động

Chúng ta thường dễ bị đánh lừa và phản ứng lại với cái bề ngoài mạnh mẽ, quyết tâm xem chừng bất di bất dịch của người giận dữ, mà không biết đến nỗi sợ hãi, sự mất mát và nhất là cảm giác đau khổ mà đương sự đang gánh chịu cách đơn độc và tuyệt vọng. Xét về một khía cạnh của bản chất cơn giận, thì đằng sau sự giận dữ và những biểu hiện của nó là tiếng khóc thương thân, là tiếng kêu la để được tôn trọng, để được chú ý, lắng nghe, đáp trả hay quan tâm. Tuy nhiên, người tức giận thường bày tỏ quá gay gắt nên chẳng làm cho mình được sự thuận lợi gì, và người nghe những lời ấy cũng chẳng thấy gì là tốt đẹp.

Bị trói buộc bởi cảm giác bất an, nhục nhã, nghi ngờ, cái tôi dễ bị tổn thương, người nóng giận thường cố bảo vệ lý lẽ của mình và mất khả năng có thể để hàn gắn lại mối quan hệ. Thường thì sự đổ vỡ xảy ra là do các bên liên quan không thấy được phần lỗi hay trách nhiệm của mình, đồng thời nó cũng phản ánh sự thiếu trân trọng và thiếu ước muốn gìn giữ tương giao.
Khi đủ bình tĩnh để nhận thức các yếu tố tạo nên sự giận dữ của mình, người nóng giận sẽ ý thức sâu xa về sự thất bại trong việc chế ngự cảm xúc của bản thân. Đây có thể coi là bước tiến bộ trong việc quản lý sự giận dữ.

Bao giờ người ta còn cố tìm cách kiểm soát những biểu hiện bên ngoài của cơn giận, mà không chú trọng vào những cảm xúc bên trong làm họ thiếu tự chế, không tìm ra những nhân tố sâu xa gây ra cơn giận, thì có thể đoán được là trạng thái giận dữ tai hại ấy sẽ quay trở lại. Những trải nghiệm đau thương và sự cạn kiệt xuất hiện sau cơn giận dữ, có thể khiến người ta nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để thay đổi, cũng như việc đã xin lỗi và hứa cải thiện, nhưng họ vẫn có khả năng tiếp tục bị sa lầy vào kiểu giận dữ như trước. Cái vòng lẩn quẩn này cứ tái diễn và giam cầm cuộc đời họ trong sự đau khổ, không phải do bản thân đương sự không có thiện chí, mà do họ không biết cách nào để phản ứng lại khi cuộc sống của mình còn ngổn ngang những gút thắc chưa được tháo cởi.

Do đó, nếu chỉ quan tâm chỉnh đốn đến cách biểu lộ cơn giận, mà không đào sâu vào vấn đề gây ra đau khổ, không lắng nghe được tiếng khóc đằng sau cơn giận, thì có cố gắng lắm, cũng chỉ đem lại sự thay đổi hời hợt bên ngoài.
Hạt Cát

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *