TOÀ ÁN NHÂN QUYỀN ÂU CHÂU PHÁN QUYẾT: ITALIA KHÔNG VI PHẠM NHÂN QUYỀN KHI TREO THÁNH GIÁ TẠI LỚP HỌC

Ngày 18-3-2011, Toà án Nhân quyền cấp cao của Âu Châu ở thành phố Strasbourg, Pháp, đã phán quyết rằng Italia không hề vi phạm nhân quyền khi treo Thánh Giá tại các lớp học

Với phán quyết trên đây, Toà án Nhân quyền cấp cao đã bác bỏ phán quyết của Toà án Nhân quyền cấp dưới. Vụ này được đệ lên toà ở Strasbourg ngày 27-7-2006: bà Sonia Lautsi, một công dân Italia gốc Phần Lan, đã than phiền rằng sự hiện diện của Thánh Giá trong các lớp học nơi các con bà theo học là một sự xen mình không thể chấp nhận được chống lại quyền của các cha mẹ được có một nền giáo dục phù hợp với xác tín không tin của mình.

Bản án đầu tiên do các thẩm phán của Toà án Nhân quyền đồng thanh ban hành ngày 9-11-2009 xử cho bà Lautsi thắng kiện và phạt Italia về tội vi phạm các quy luật về tự do tư tưởng, tự do xác tín và tôn giáo.

Chính phủ Italia đã kháng án lên Đại Hội đồng của Toà án Nhân quyền, với lý do bản án năm 2009 vi phạm tự do tôn giáo của cá nhân và tập thể vốn được Nhà nước Italia nhìn nhận. Toà án cấp cao đã nhận đơn khiếu nại của Italia và đưa ra phán quyết chung thẩm nói trên.

Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, LM Lombardi, SJ, tuyên bố rằng Toà Thánh hài lòng đón nhận phán quyết của Toà án Nhân quyền Âu Châu:

Thực vậy, đây là một bản án có nhiều đòi hỏi và tạo nên lịch sử, như kết quả mà Đại Hội đồng của Toà án Nhân quyền đạt tới chứng tỏ, sau khi cứu xét sâu rộng vấn đề… Bản án mới của Đại Hội đồng Toà án nhân quyền được chào mừng vì góp phần hữu hiệu vào việc tái lập sự tín nhiệm nơi Toà án Nhân quyền Âu Châu từ phía phần lớn người dân Âu Châu, họ xác tín và ý thức về vai trò quyết định của các giá trị Kitô trong lịch sử của họ, và cả trong việc kiến tạo Âu Châu thống nhất và trong nền văn hoá luật pháp và tự do của họ”.

Đài Vatican đã ca ngợi lập trường của chính phủ Italia trong vấn đề này. Trong những tháng qua, Ngoại trưởng Italia, ông Franco Frattini, đã tổ chức một loạt các buổi họp để suy tư về các lý lẽ cần được sử dụng trong vụ kháng án chống lại phán quyết Lautsi năm 2009. Ông cũng viết thư cho 47 ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Âu Châu để giải thích lập trường của Italia và nhận được sự ủng hộ chính thức trước toà do 10 quốc gia, trong đó có Liên bang Nga.

Vì thế, đây là chiến thắng không phải của Italia mà thôi, nhưng còn của những nước nói trên cũng như của tất cả những ai thấy rằng thật là vô lý khi bắt buộc phải tháo gỡ Thánh Giá khỏi các lớp học.

(RG 18-3-2011)

G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: RV & TTCG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *