WIKILEAKS TIẾP TỤC GÂY CHẤN ĐỘNG VỚI HÀNG NGÀN TÀI LIỆU MẬT

Ngày 28/11, trang mạng Wikileaks công khai nội dung của hơn 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ, được gửi từ các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới về Washington. Trong đó bao gồm nhiều thông tin nhạy cảm về chủ nghĩa khủng bố và vấn đề phổ biến hạt nhân.

Một số tờ báo quốc tế lớn như tờ “Thời báo New York” của Mỹ, tờ “Tấm gương” của Đức và tờ “Người bảo vệ” của Anh nằm trong số các báo in được tiếp cận các tài liệu mật, trước khi chúng được phát tán trên trang web của Wikileaks.

Tờ “Thời báo New York” cho biết, những thông tin được tiết lộ trong các văn thư nội bộ vừa nêu, có vụ từ năm 2007 khi Mỹ tìm cách bí mật tháo dỡ chất urani (uranium) tinh chế từ một lò phản ứng nghiên cứu của Pakistan do lo sợ chất này có thể được chuyển đi nơi khác để sử dụng trong một “thiết bị hạt nhân bất hợp pháp”. Báo này tường trình rằng cho tới nay nỗ lực đó đã thất bại.

Một thông tin nhạy cảm khác đó là tình báo Mỹ tin rằng Iran đã sở hữu 19 quả tên lửa BM-25 tiên tiến có khả năng tấn công các mục tiêu ở châu Âu và hiện đang dốc sức phát triển một thế hệ tên lửa mới.

Tờ “Người bảo vệ” của Anh công bố các văn thư ngoại giao khác cho thấy giới chức Mỹ đã được lệnh bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc theo một chỉ thị được ký với tên Hillary Clinton năm 2009.

Một trong những thông tin gây chú ý nhất là Quốc vương Saudi Arabia Abdullah bin Abd al-Aziz, các nhà lãnh đạo Israel và nhiều đồng minh khác của Mỹ từng hối thúc Mỹ tấn công quân sự nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Ngoài ra, giới chức Mỹ – Hàn cũng đã thảo luận về triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên một khi Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế và chính trị.

Ngay sau khi những thông tin ngoại giao nhạy cảm bị tung ra, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã cực lực lên án, cho rằng hành động này không những gây phương hại đến các nỗ lực bênh vực nhân quyền mà còn đe dọa sinh mạng cũng như sự nghiệp của những người có tên trong các tài liệu.

Trong một tuyên bố, Thư ký Nhà Trắng Robert Gibbs nhấn mạnh, việc các tờ báo đăng trên trang nhất những thông tin này có thể gây ảnh hưởng sâu sắc không chỉ tới lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn tác động “tới đồng minh và bạn bè của Mỹ trên toàn thế giới”.

Nhiều nước trên thế giới cũng đã lên tiếng phản ánh hành động của Wikileak. Từ Ottawa, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon đã coi việc Wikileak dồn dập tiết lộ các thông tin ngoại giao nhạy cảm là “đáng chỉ trích”, vô trách nhiệm và “có thể đe dọa an ninh quốc gia”. Hiện Chính phủ Canada đang dốc sức đối phó với nguy cơ Wikileak tiết lộ một loạt các công văn của Mỹ về Canada vào ngày 1/12 tới.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên án vụ việc này và cho rằng thủ phạm là “những tên trộm trên mạng Internet”. Tại một cuộc họp nội các ở Roma (Italy), Ngoại trưởng Italy Franco Frattini, cũng khẳng định tài liệu của Wikileak sẽ gây ra “những hậu quả tiêu cực” và là dấu hiệu của một âm mưu nhằm huỷ hoại hình ảnh của nước này.

Còn Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna hôm 28/11 đã tuyên bố: “Chính phủ Ấn Độ không thực sự lo ngại, nhưng chúng tôi chắc chắn quan tâm để tìm hiểu Wikileak sắp tung ra tài liệu gì vì họ nói sẽ đưa lên mạng 4.000 trang tài liệu”.

Đây là lần thứ ba Wikileak tiết lộ tài liệu mật liên quan tới Mỹ. Trước đó, trang mạng này đã công bố gần 500.000 hồ sơ của Mỹ về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq gây chấn động dư luận thế giới.

Các vụ tiết lộ thông tin mật của Wikileak được cho là vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, báo động tác hại tiềm tàng đối với ngành ngoại giao nước này. Vụ việc trên được coi là nghiêm trọng đến mức các nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới đã được yêu cầu bỏ kỳ nghỉ cuối tuần nhân dịp Lễ Tạ ơn, một ngày lễ hết sức quan trọng của người Mỹ, để trực và sẵn sàng xoa dịu sự giận dữ có thể bùng lên khi những nhận xét “thiếu ngoại giao” về một nhân vật hay một nước nào đó bị phơi bày./.

Trần Nga (tổng hợp)

Theo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *