XÃ HỘI BIẾN ĐỔI, THẦN HỌC CHUYỂN MÌNH – II. KHỦNG HOẢNG HIỆN ÐẠI

II. Khủng Hoảng Hiện Ðại

Phê bình Hiện Ðại: Thần học và tương lai của Thời Mới

Những rạn nứt của Thời Mới, sự đào thải và luẩn quẩn của nền văn minh khoa học kỹ thuật là những mục tiêu của giới phê bình. Nhưng những phê bình đó khó vạch cho chúng ta biết nội dung của thời Hậu Hiện Ðại sẽ ra sao. Lý do là vì hình như ngay cả thời Hiện Ðại này cũng còn là một phong trào tìm kiếm, tự nó chưa biết rõ sẽ đi về đâu, mục đích đang nỗ lực đạt tới là gì. trong trạng huống này, Hậu Hiện Ðại thoạt tiên được coi như là một nhịp ngắt để lấy hơi trong tấu khúc của lịch sử. Cho tới nay chúng ta biết được giai đoạn này bắt đầu bằng ba quan điểm sau: (1) Nhận thức rằng trước kia loài người cố gắng giải phóng mình khỏi nô lệ thuộc thiên nhiên, nay đã lật ngược thành thống trị thiên nhiên: thiên nhiên hầu như được hoàn toàn giao phó cho con người sử dụng. (2) Chắc chắn rằng kỹ thuật nhằm khuất phục thế giới đã đưa con người tha hóa thực tại. Vì sự biến tính, dùng số đo để trừu tượng hóa, biến thế giới vất chất thành những hình tượng, ký hiệu, mật mã hay “nhu thể điện toán” (computer software), đã đưa con người lìa khỏi thế giới hữu hình trước mắt. (3) Tin tưởng rằng thời Hiện Ðại sẽ sớm mai một, con người rồi đây phải đương đầu với những tai ương do sức hạch tâm gây ra, hay bù đầu bảo vệ môi sinh (ekologie) chống lại mệnh lệnh cải tiến mỗi ngày: “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn” mà khó ai ngăn chận được đà tiến vũ bão của chúng.

Người ta có thể hỏi: Tại sao những thẩm định trên lại phải nhờ tới thần học hoạch định chương trình, làm như xã hội Hiện Ðại không thể tự giải quyết được những cơn khủng hoảng trên? Ðể trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần lưu ý là thực hiện chương trình do lý trí tự do phác họa, tối thiểu phải do con người và lịch sử mà ra. Kế đến là những câu hỏi cần quan tâm: phải chăng giải quyết trạng huống lý trí tự chia rẽ nhau làm Thời Mới cáo chung bằng một sự phân tán khác? Khi chân lý hướng dẫn tư tưởng đánh mất sự liên kết phổ quát, thì phải chăng tư tưởng tự do, mục tiêu mọi kiến thức khoa học, cũng mất tính hợp lý của nó? Thần học tin tưởng rằng quan điểm thiết yếu của những câu hỏi nầy nằm ngay trong trung tâm Phúc Âm giải thoát và làm viên mãn con người cũng như cứu cánh của lịch sử là Thiên Chúa. Ðiều khó là làm sao cho con người nghiệm thấy Thời Mới cáo chung trên cần Phúc Âm này để điều chỉnh những vấn đề khách quan.

1. Ði tìm một khuôn mẫu mới cho nền thần học

Phải chăng khoa thần học trên đường tiến tới Hậu Hiện Ðại cần một khuôn mẫu thần học mới để góp phần vào việc minh định trạng huống và hơn thế nữa tìm ra căn bệnh “Thời Ðại”. Ðó là câu hỏi mở màn cuộc hội thảo quốc tế ở Tubingen năm 1983. Mặc dù các tham dự viên thuộc nhiều trường phái thần học và nhiều quan điểm bất đồng, nhưng theo tài liệu thảo luận để lại, họ cũng có một khuynh hướng chung là thấy cần có một khuôn mẫu căn bản mới cho thần học để nhận thức và giải quyết cơn khủng hoảng cùng những đối nghịch của thời Hiện Ðại, cũng như dự phóng một nền luân lý hậu chủ nghĩa vật chất, hậu chủ nghĩa lý tính theo hướng đại đồng và liên hợp văn hóa. Cũng theo chiều hướng đầy hứa hẹn đó, Hans Kung, vị chủ xướng cuộc hội thảo nói trên, đã phát biểu một loạt bài chủ trương “Thần học Bộc phát” (Theologie im Aufbruch) nhằm phản tỉnh Hậu Hiện Ðại. Như Jaspers và R. Guardini đã bắt mạch cơn khủng hoảng thời đại chúng ta bắt đầu từ Thế Chiến thứ nhất, Hans Kung cho rằng cơn khủng hoảng này đã kéo theo cơn khủng hoảng của tôn giáo. Phải giải quyết cơn khủng hoảng này mới đưa tinh thần thời đại chúng ta tới một cái nhìn bao quát mới. Sau khi Thời Mới minh chứng không phải là tôn giáo nhưng là hủy diệt tôn giáo đã trở thành một ảo ảnh vĩ đại, nên việc bắt đầu cải tổ ý thức tôn giáo có một cơ may hiếm có để đem lại “lý tính khác biệt” mà trong quá khứ bị ruồng bỏ tiếp nối vào chương trình giải quyết vấn đề trên thế giới cho hợp lý. Tuy nhiên nền thần học phải tránh dùng khẩu hiệu mới là “hủy diệt Hiện Ðại” để trả thù Thời Mới đã thời trang hóa khẩu hiệu “hủy diệt Thượng Ðế”, vì nếu làm như thế chúng ta sẽ rất dễ dàng đánh mất công trình mà thời Ánh sáng đã khổ công gầy dựng. Hơn thế nữa, thời Ðại Mới phải được “thăng tiến” (Aufheben) theo nghĩa ba bước tiến hành của hegel: (1) Bảo tồn khả năng phê bình của thời Ánh Sáng để đối phó với tha hóa xã hội và mê hoặc lý trí. (2) Loại bỏ chủ nghĩa giản lược (Reduktionismus) của thời Hiện Ðại đối với những hiện thực tôn giáo và tu đức sâu thẳm. Như thế là giải phóng khỏi sự mê hoặc của lý tính, khoa học và tiến bộ cũng như những lực lượng tự phá hoại nhân bản trong quá trình lịch sử như những lực lượng tự phá hoại nhân bản trong quá trình lịch sử như những chủ nghĩa quốc gia quá khích, thực dân, đế quốc. (3) Thăng hóa (trans-endiren), tức vượt qua thời Hiện Ðại, hướng thượng tới một mô thức “Hậu Hiện Ðại” mà trong đó những chiều kích bị áp bức, bị bóp méo, kể cả chiều kích tôn giáo nữa, đều được nhằm đạt tới một hậu quả giải phóng và sung mãn.,P> Ðể đạt tới hậu quả trên, đồng thời tôn giáo, cụ thể là Kitô giáo, có thể vừa kiến tạo vừa phê bình trong khi hướng về thời Hậu Hiện Ðại, thì ngay trong tôn giáo cũng cần phải “thay đổi mô thức” (Paradigmenwechsel). Ðiều đó có nghĩa là tôn giáo bắt buộc phải có chiều kích mới về lịch sử, đại đồng tính và chính trị. Theo nhiều nhà phê bình, thì Cơ Đốc Giáo vẫn làm cho người ta liên tưởng tới tha hóa của lý tính, trong hoàn cảnh bị bóc lột vẫn còn bị nghi hoặc là “thuốc phiện”, vẫn còn bị cho là một cơ cấu cấm cách cảm giác con người. Nói tóm lại: Kitô giáo hình như còn là dư lực (Relikt) đối kháng sự giải tỏa của thời Ánh Sáng, vì Kitô giáo chỉ hưởng ứng tự do mà không thôi thúc phát động phong trào giải phóng. Sợ trái với truyền thống, Cơ Đốc Nhân thường chỉ lừng khừng bước theo lịch sử xã hội và tư tưởng của thời mới mà thôi. Bởi đó, cần phải gột bỏ thái độ cố thủ này. Như thế, sự khai phóng, thay đổi tự trong trung tâm hệ thống suy tư của Kitô giáo, cũng là khởi điểm xây dựng nền thần học mới. Hans Kung phác họa một nền thần học có tính cách phê bình và cộng đồng tính cả trong nội dung lẫn ngoài hình thức theo những đặc điểm sau đây: thay vì bảo vệ quyền bính và những điều bí ẩn một cách khoa học, cần đứng trên quan điểm bất đồng hóa luận (Nonkonformismus) và hợp chân lý để lý hội niềm tin và qua việc tự phê bình hay phê phán xã hội cũng như giáo hội bày tỏ việc chịu trách nhiệm đối với niềm tin này (để tri hành hợp nhất), nhờ đó hướng tới bình diện đại đồng thay vì thu hẹp trong phạm vi tính ngưỡng quốc gia (đó cũng là công giáo tính của Phúc âm).

2. Tìm lại những chiều kích quan trọng và việc lý hội của Ðức Tin

Ðể góp phần vào việc xây dựng một nền thần học trong tương lai cần phải nỗ lực thông hiểu lịch sử của văn hóa cũng như Kitô giáo. Ðó là công lao đáng ghi nhận của E. Bisher khi ông thâu góp tài liệu phong phú để minh định địa vị của Ðức Tin Cơ Đốc Giáo. Theo ông, sự phát triển này không phải chỉ là con đường dẫn tới chung cuộc Thời Mới của tư tưởng Âu Châu, nhưng đồng thời cũng báo hiệu một khúc quanh mới trong tiến trình tục hóa. E. Biser cho rằng Thời Mới không nhất thiết phải là sự biến mất của tôn giáo, cũng như chỉ mù quáng theo tiếng kêu mới của nền kinh tế tân tiến, hay ít quan tâm tới sự vong thân của nền kinh tế tân tiến, hay ít quan tâm tới sự vong thân của lý trí. Thực ra tôn giáo vẫn còn tồn tại, và hơn thế nữa còn thấm vào chiều sâu của con người hiện hữu. Chính vì thế còn phải phát hiện hay phải minh định niềm tin của Cơ Đốc Giáo đối với con người. Ðể góp phần thực hiện công việc này, thần học đòi buộc phải tự điều chỉnh hầu tái chiếm những lãnh vực đã mất hay đã bị dòng lịch sử đẩy sang một bên. Sự điều chỉnh này gồm ba loại:

1. Thâu hồi hướng độ xã hội tính của Cơ Đốc Giáo và phản đối việc đồng hóa Cơ Đốc Giáo quan tâm xã hội với những mô hình hợp thức hóa của xã hội tân thời (núp dưới danh nghĩa “civil religion”)

2. Thâu hồi hướng độ mỹ-tượng tính (Bildha-schone), chống lại những tuyên truyền thông điện tử làm cuộc sống con người biến dần thành vô tri giác, chống lại một nền văn hóa quá đặt nặng tri thức bám vào những con số và trắc lượng tính.

3. Canh tân thần học khai tâm (mystagogische) để lướt thắng lối giải thích niềm tin chỉ chú trọng tới luân lý hóa mà quên mất tính huyền nhiệm và thực tiễn của niềm tin.

3. Quan niệm một nền thần học hậu duy lý

Tương tự như E. Biser, J. B. Metz đã dầy công khảo sát bệnh tình của thời đại cũng như minh thuyết về thần học. Ông cho rằng qua những cơn khủng hoảng báo hiệu chung kết của Thời Mới và từ đó chúng ta nhận ra cần phải có một mô thức (paradigma) thần học mới. Thực vậy, trước hết phải kể tới sự kiện là vũ trụ quan thuộc hình nhi thượng hay tôn giáo siêu hình cũng như tất cả những hệ thống duy lý đã sụp đổ trong quá trình hình thành phong trào Ánh Sáng. Sự suy sụp này cáo chung một đoạn đường mà thần học tỏ ra vô tri (unschuld) đối với tri thức, lịch sử và chính trị, vì trước những lời chất vấn của những người phê bình ý thức hệ, thần học không thể rút về pháo đài bất khả công kích là siêu hình học được nữa. Cuộc gây chiến thứ hai dẫn tới chung cuộc Thời Mới là kết thúc một giai đoạn lịch sử lấy Âu Châu làm trung tâm (eurocentrische) và hình thành một thế giới với bộ mặt văn hóa đa dạng và xã hội đầy đối lập. Chính vì thế, xã hội ly tán, suy sụp trên toàn thế giới đã trở thành mối quan tâm của giáo hội và của thần học. Nói cách khác, trong hoàn cảnh mới này cần phải có một niềm tin thành hình trong mỗi mạch sống xã hội và lịch sử; đó là bản vị hóa (Inculturation) theo tiêu chuẩn “ưu tuyển tha nhân” và “ưu tuyển bần nhân”, chống lại những cơ cấu phản lại tinh thần Tin Mừng. Theo J.B. Metz chỉ có nền thần học hậu duy lý mới giải quyết được những thách đố thời đại này. Nền thần học này cần sẵn sàng chấp nhận những cơn khủng hoảng và dùng phương thế phi truyền thống để cứu vớt truyền thống niềm tin Kitô giáo. Metz miêu thuật quá trình thần học này như là một sự chuyển tiếp từ lập trường siêu nghiệm và duy lý tới sự chú giải (Hermeneutik) chính trị tính của lịch sự. Lịch sử này hình thành nhờ truyền đạt và thực tiễn. J.B.Metz đã diễn đạt nền tảng nâng đỡ chương trình trên như sau: “Quan niệm về Thiên Chúa mà thần học Kitô giáo đòi buộc, là một quan niệm thực tiển tự tại: quan niệm này luôn đả thương, biến đổi những vụ lợi tiền chế chỉ thôi thúc tâm tư tự vẽ ra hình ảnh Thiên Chúa. Bởi đó những đoạn Thánh Kinh lịch sử nói về việc hối cải, sự giải phóng, đột khởi (Aufbruch), phản kháng và nỗi đau khổ không thể hiểu theo quan niệm thuần lý về Thiên Chúa mà sau này thêu dệt thêm vào. Trái lại, quan niệm Thiên Chúa mà thần học Kitô giáo truyền lại phải được coi là “chữ tốc ký” (stenogramm) mà mọi quan niệm thần học phải quy hướng, phát hiện và giải thích”. Thần học hậu duy lý hình thành câu hỏi về Thiên Chúa sau biến cố xẩy ra ở trại tập trung Auschwitz là một “thần lý học chính trị” (politische Theodizee). Thần học này đặt niềm hy vọng trong công lý phổ quát. Kitô giáo tin rằng trước mặt Thiên Chúa sự đau khổ mà con người đã trải qua không biến tan vào vực thẳm tiến hóa vô danh, nhưng là những bảo chứng khẳng định chủ thể khả tồn (sujektsein-konnen) bất diệt của con người trong cuộc tranh đấu khốc liệt không ngừng. Nơi nào cuộc sống xã hội con người hoàn toàn bị đà tiến hóa vô danh (subjeklos) huyễn hoặc lôi kéo, nơi đó không quan tâm tới Công lý cũng theo đó mà biến mất, kéo theo những kẻ hy sinh và những người chiến bại trong lịch sử.

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *