TOP 10 CÂU HỎI ‘KHÔNG THỂ TRẢ LỜI’ (14)

7. Thế nào là tình yêu? (3)

 -Yêu thương người có tội, người có lỗi.

Chúng ta không yêu tội lỗi, nhưng yêu thương con người.

Chúng ta không đồng ý với người phạm tội, nhưng cũng không coi khinh họ.

Chúng ta yêu thương con người không có nghĩa là làm lơ hoặc nhắm mắt đối với lỗi lầm của họ.

Chúa Giê-xu yêu thương chúng ta, nhưng Ngài không chấp nhận tội lỗi của chúng ta. Ngài đã vì chúng ta thực hiện một việc hữu hiệu nhất là chết trên thập tự giá để giải quyết vấn đề tội lỗi cho chúng ta.

– Yêu thương không có nghĩa là chiều chuộng.

Yêu thương người khác như yêu thương mình. Tôi không muốn điều tệ hại xảy ra cho tôi, vì tôi bị huyết áp cao nên tôi không chiều chuộng tính háu ăn của tôi. Yêu thương mà chiều chuộng sẽ phương hại cho người mình yêu thương.

Yêu thương như Chúa yêu thương. Chúa yêu thương nhưng không nuông chiều. Không phải xin cái gì cũng cho. Thí dụ người xin tiền, không chịu làm lụng gì cả, chỉ lo xin tiền mà ta cứ cho tức là yêu thương không đúng.

– Yêu thương không có nghĩa là không sửa phạt.

Khi tôi yêu tôi, tôi kỷ luật chính bản thân mình chớ không chìu theo những đòi hỏi của bản thân.

Yêu thương mà không dám la rầy, không dám động tới thì không phải là yêu thương. Còn khi động tới, sửa phạt thì bị xem là báo thù. Như vậy nghĩa là sao?

– Thật ra chúng ta cần phân biệt giữa sửa phạt và báo thù.

Khi chúng ta yêu thương ai và sửa phạt người đó là chúng ta muốn cho người đó tốt hơn; ngược lại khi chúng ta báo thù ai thì chúng ta làm cho người đó rơi vào tình trạng tồi tệ hơn.

Khi chúng ta sửa phạt một người bằng lòng yêu thương thì chúng ta không làm tổn thương người đó; ngươc lại khi chúng ta báo thù ai chúng ta làm cho người đó bị tổn thất và tổn thương càng nhiều càng tốt.

Như vậy yêu thương chẳng phải là một cảm xúc, chẳng phải là một hành động đơn lẻ, chẳng phải thỉnh thoảng yêu thương một lần. Yêu thương là quan tâm đến nhu cầu của người khác một cách sáng suốt, là ước muốn đem lại điều tốt nhất cho người đó và hành động để đáp ứng nhu cầu của người đó.

Khi Chúa dạy hãy yêu thương, nghĩa là hãy quan tâm đến nhu cầu của người khác một cách sáng suốt, hãy có ước muốn đem lại điều tốt nhất cho người khác và hãy hành động để đáp ứng nhu cầu của người khác.

Theo ý nghĩa từ ngữ, yêu thương có nghĩa là hy sinh để đem lại lợi ích cho người khác. Đây là tình yêu agape, tình yêu Thiên Thượng. Hãy yêu thương bằng tình yêu Thiên Thượng. Chúa Giê-xu đến trần gian này với tình yêu Thiên Thượng. Ngài chịu chết trên thập tự giá thay thế cho chúng ta vì cớ tình yêu agape.

Theo ý nghĩa mệnh lệnh: Hãy yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương mình. Yêu thương ở đây là quan tâm đến sự an vui của người khác, quan tâm đến nhu cầu của người khác một cách sáng suốt và có ước muốn đem lại ích lợi cho người đó. Yêu thương ở đây bao gồm cả lý trí, tình cảm và hành vi.

Trong tình yêu Thiên Thượng, khi ta yêu thương ai, chúng ta ước muốn điều tốt lành cho người đó, mưu tìm ích lợi cho người đó mà chẳng nghĩ gì đến lợi lộc bản thân, nhưng sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của người đó.

Trong tình yêu Thiên Thượng, khi chúng ta yêu thương ai, làm điều tốt lành cho ai, chúng ta không nhằm mục đích ràng buộc người đó với chúng ta đến nỗi lệ thuộc vào chúng ta. Chúng ta không chi phối người đó, cũng không ra điều kiện với người đó. Yêu thương bằng tình yêu Thiên Thượng không đòi hỏi điều kiện mà là vô điều kiện.

Như vậy yêu thương là một cách sống. Chúng ta yêu thương bằng tình yêu Thiên Thượng, nghĩa là chúng ta yêu thương như Chúa đã yêu thương, chúng ta yêu người như yêu bản thân mình.

Oaktreevu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *