BÁP-TÊM CON TRẺ

Tác giả : Mục sư Nguyễn Hữu Ninh

“Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Ðức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Ðức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời. Lời nầy là chắc chắn, ta muốn con nói quyết sự đó, hầu cho những kẻ đã tin Ðức Chúa Trời lo chăm chỉ làm việc lành: đó là điều tốt lành và có ích cho mọi người.” (Tít 3-8)

“Khi ấy, người ta đem các con trẻ đến, đặng Ngài đặt tay trên mình và cầu nguyện cho chúng nó; môn đồ quở trách những người đem đến. Song Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.”

“Ngài bèn đặt tay trên chúng nó, rồi từ đó mà đi.” (Mác 10:13-16)

“Người ta đem những con trẻ đến cùng Ngài, đặng Ngài rờ chúng nó; nhưng môn đồ trách những kẻ đem đến. Đức Chúa Jêsus thấy vậy, bèn giận mà phán cùng môn đồ rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Ðức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai chẳng nhận lấy nước Ðức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ.  Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho.”

Trong lịch sử Cơ đốc giáo, những Giáo hội Roman Catholic, Orthodox, Lutheran, Episcopalian, Presbyterian, Methodist đều  hành lễ báp-têm cho con trẻ nhưng các hội thánh thuộc Giáo hội Reformed Báp tít, C&M.A thì không.

Từ thời kỳ hội thánh đầu tiên, các giáo phụ đã hành lễ báp-têm  cho con trẻ như Giáo phụ Origen (185 SC) đã dạy rằng báp-têm cho con trẻ là một truyền thống từ các vị sứ đồ.  Giáo phụ Augustin (354 SC) đã viết nhiều sách để bài bác các nhóm dị giáo không hành lễ báp-têm cho con trẻ.

Những người chủ trương không hành lễ báp-têm cho con trẻ thì nói rằng hãy chỉ ra cho tôi thấy nơi nào trong Tân Kinh có viết về báp-têm cho con trẻ thì chúng tôi sẽ làm …  Đặt vấn đề như thế cũng tương tự như chúng ta nêu lên vấn đề hãy chỉ cho chúng tôi thấy nơi nào trong Thánh Kinh có viết đến giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi (Triune God) để hội thánh tin vào giáo lý huyền nhiềm này.

Trong Tân Kinh đã ghi chép nhóm chữ  từ “các sứ đồ làm báp-têm cho cả gia-đình”   (the household) có nghĩa là toàn gia quyến gồm có cha mẹ, con cái từ lớn cho đến em sơ sinh vừa chào đời.

I Côr. 1: 16: “Tôi cũng đã làm báp têm cho người nhà (the household) Sê-pha-na; ngoài nhà đó, tôi chẳng biết mình đã làm phép báp tem cho ai nữa.”

Cũng thế, Phao-lô đã báp-têm cho cả gia quyến bà Ly-đi:

Công vụ. 16:15 “Khi người đã chịu báp-têm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào”

Công vụ 16:33: “Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu báp-têm.”

Sứ đồ Phi-e-rơ trong Công vụ 10:48: “Người lại truyền làm báp- têm cho họ nhơn danh Ðức Chúa Jêsus Christ. Họ bèn nài người ở lại với mình một vài ngày.”

The household (entire families) nói đến toàn gia quyến gồm người lớn và trẻ em.  Chúng ta thấy có bốn gia quyến trong hội thánh đầu tiên đã được các sứ đồ hành lễ báp-têm, trong số những tân tín hữu này có cả các em trẻ.

Theo tập quán cổ truyền của người Do-thái, sau khi một sản phụ sinh con trai, đến ngày thứ tám cha mẹ mang con sơ sinh đến đền thờ để thầy tế lễ hành lễ cắt bì cho con trai.  Khi hội thánh  Đấng Christ được thành lập bởi Chúa Thánh Linh, các sứ đồ đã thay thế lễ cắt bì với lễ báp-têm cho các con trẻ , khi cha mẹ tin Chúa và tiếp nhận thánh lễ  báp-têm.

Ga-la-ti 3:28: “Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Ðấng Christ, đều mặc lấy Ðấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Ðức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.”

Báp-têm thay thế lễ cắt bì

Điểm nối kết này thật quan trọng, trong Tân Kinh, thánh lễ báp-têm đã thay thế lễ cắt bì trong Cựu kinh.  Làm thế nào để chúng ta biết được?

Cô-lô-se 2: 11-12: “Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là cắt bì của Ðấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta.  Anh em đã bởi báp-tem được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền năng Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại.”

Câu 11, Phao-lô nói đến lễ cắt bì bởi đôi tay.  C. 12, Phao-lô dạy về ý nghĩa của thánh lễ báp-têm.  Cô-lô-se 2: 13-14:

“Anh em đã bởi báp-têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ðức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Ðấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta. “

Phao-lô đã dạy cho các tín hữu tại Cô-lô-se và phản bác những sự dạy dỗ sai lầm của các giáo sư giả len lõi vào hội thánh rỉ tai tín hữu rằng họ phải vâng giữ các luật lệ cổ của Do-thái giáo. Phao-lô dạy cho các tân tín hữu tại Cô-lô-se biết rằng giờ đây chúng ta không cần phải giữ lễ cắt bì nữa, nhưng có thánh lễ báp-têm do Đấng Christ dạy, chúng ta được cắt bì trong đời tâm linh.

Có điểm giống nhau giữa lễ cắt bì và thánh lễ báp-têm, cả hai có hình thức bên ngoài, cả hai đều có lời hứa của ân phúc Thiên Chúa ban cho:

Mác 16:15-16: “Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt.”

Lễ cắt bì có lời hứa:    Sáng. 17: 8-12  “Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Ðức Chúa Trời của họ. Ðoạn, Ðức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta.  ỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi. Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.”

Như vậy trong thời các sứ đồ, chúng ta biết được lý do tại sao khi một gia trưởng tin nhận Chúa và tiếp nhận thánh lễ báp-têm thì họ cũng muốn toàn thể người nhà gồm con trẻ vâng giữ  mệnh lệnh Chúa và họ được nối kết trong giao ước Thiên Chúa đã thiết lập bởi hồng ân của Cứu Chúa Jêsus Christ qua thánh lễ báp-têm.

Con Trẻ Thuộc Về “Mọi Dân Tộc”

Chúa phán: Ma-thi-ơ 18:18-20 “Ðức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm  báp têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”

“Muôn dân”  (all nations).  Thật rõ ràng, nếu chúng ta báp-têm cho mọi dân tộc (quốc gia) thì không phải chỉ cho người trưởng thành mà thôi, vì trong một dân tộc có cả người lớn lẫn con trẻ. Như vậy, mệnh lệnh Chúa phán truyền đã không có ngoại trừ các trẻ em.

Khi chánh phủ ra lệnh tổng kiểm tra, như thời hoàng đế La-mã Augustus,

Lu-ca 2: 1-2:  “Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. Việc lập sổ dân nầy là trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri.  Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ.”

Người lớn phải khai tên kể cả trẻ em và con sơ sinh, mục đích để chánh quyền biết được tổng số người trong gia đình.

Tại Hoa kỳ, cứ mỗi bốn năm thì chánh quyền có một lần làm thống kê, mỗi gia đình phải khai tên số người trong gia đình mình.  Mệnh lệnh Chúa phán truyền trước khi về trời đã được các sứ đồ vâng giữ, hành lễ báp-têm cho mọi người trong gia quyến kể cả các con trẻ.

Lý Do Tại Sao Chúa Phán Truyền Phải Làm Báp Têm Cho Mọi Dân Tộc?

Rô-ma 3:23:“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời.”

Vì mọi người là tội nhân, “mọi người” đây gồm có người lớn và trẻ sơ sinh.  Thánh Kinh cho biết  nguyên tội  là tội lỗi phổ thông cho tất cả mọi người và  con trẻ không phải là ngoại lệ.

Rô-ma 5: 12 “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội. Vì bởi Adam thứ nhất mà tội lỗi vào thế gian, và sự chết là kết quả của tội lỗi, sự chết này trải qua trên mọi người vì “mọi người đều phạm tội”  Giăng 3:6:  “Hễ chi sinh bởi xác thịt là xác thịt”

Sáng. 8:21: “Ðức Giê-hô-va hưởng lấy mùi thơm và nghĩ thầm rằng: Ta chẳng vì loài người mà rủa sả đất nữa, vì tâm tánh loài người vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ.”

Ê-phê-sô 2:1  “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình.”

Thi-Thiên 51: 5: “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.”

Đấy là lý do con người tội lỗi cần ơn cứu chuộc của Giê-xu Christ.

Thánh Lễ Báp-têm Tẩy Rửa Tội

Con người tội lỗi ở dưới sự thịnh nộ của Thiên Chúa từ lúc mới sinh ra, vì thế con người cần được sinh lại trong nhà của Chúa để được vào Nước Chúa.  Giăng 3:5

Thánh lễ báp-têm là “tẩy rửa về sự lại sanh và sữ đổi mới của Thánh Linh.” Tít 3:5

Ê-phê-sô 5:26: “để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Ðạo làm cho Hội tinh sạch” Đấng Christ thánh hóa và tẩy rửa hội thánh của Ngài  bởi Lời Chúa, bởi thánh lễ báp-têm. Khi nước được nối kết với Lời Hứa của Đấng Christ, xuyên qua Phúc âm, đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi kẻ tin nhận Ngài”

“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; 17 vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin”(Rô-ma 1: 16)

Chúa Thánh linh cảm thúc người nghe phúc âm, họ ăn năn tin nhận Chúa và tiếp nhận thánh lễ báp-têm bởi đức tin.  Nói một cách khác, xuyên qua Phúc âm, thánh lễ báp-têm, quyền năng Chúa Thánh linh hành động sự tái tạo để chúng ta được sinh lại trong Chúa Cứu-thế.

Ga-la-ti 3: 26-27: “Vì chưng anh em bởi tin Ðức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Ðức Chúa Trời. Vả, anh em thảy đều chịu Báp – têm trong Ðấng Christ, đều mặc lấy Ðấng Christ vậy.”

 Con Trẻ Được Cứu

Ma-thi-ơ 18:6: “Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn.”

Con trẻ tin nơi Chúa, t ừ Hi văn “Paidion”  nói đến trẻ em rất bé nhỏ

Trong  Ma-thi-ơ 21:16, Chúa trích dẫn trong Thi-Thiên 8:2: “Nhưng các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo thấy sự lạ Ngài đã làm, và nghe con trẻ reo lên trong đền thờ rằng: Hô-sa-na con vua Ða-vít! thì họ tức giận, và nói với Ngài rằng “Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không? Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Có. Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy: Chúa đã được ngợi khen bởi miệng con trẻ và con đương bú, hay sao?”

Các em bé này có thể tin Chúa và ngợi khen Chúa

Các trẻ thơ chịu báp-têm có thể tin, dù các em này không thể đọc các bài kinh nguyện nhưng chính Chúa Jêsus Christ đã dạy cho các em bé này có thể tin và ngợi khen Chúa.

Chúng ta cần mang con trẻ đến cùng Chúa .

Mác 10:13-16 “Người ta đem những con trẻ đến cùng Ngài, đặng Ngài rờ chúng nó; nhưng môn đồ trách những kẻ đem đến. Ðức Chúa Jêsus thấy vậy, bèn giận mà phán cùng môn đồ rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Ðức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai chẳng nhận lấy nước Ðức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ.  Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho.”

Đấy là lời Chúa dạy cho các môn đệ hai nghìn năm qua cũng là cho chúng ta ngày hôm nay.  Những tín hữu Do-thái, người Âu châu đã vâng giữ mạng lệnh Chúa phán truyền thì chúng ta cũng phải vâng giữ điều Chúa dạy.  Dĩ nhiên, ngày nay Chúa đã không có mặt với thân thể hữu hình, nhưng qua hai thánh lễ tiệc thánh và báp-têm, Chúa hiện diện, và Chúa Thánh linh tái tạo các em bé thơ bởi đức tin trong Đấng Christ và Ngài tiếp nhận các em và ban phước lành.  Những ai ngăn trở các trẻ em báp-têm là người đã không vâng giữ mệnh lệnh Chúa.  Chúng ta hành lễ báp-têm cho trẻ em qua lời Thánh dạy bảo, do chính Chúa phán truyền./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *