BỨC TRANH BÀN TAY CẦU NGUYỆN

Vào thế kỷ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đìng rất đông con. 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố – một người thợ kim hoàn – đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ bất kỳ công việc gì người trong làng thuê ông.

Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn vì người cha sẽ chẳng bao giờ có thể kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg. Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đòng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau 4 năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ.

Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt 4 năm đều đặn gởi cho khoản tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một buổi tiệc lớn mừng sự thành công của chàng hoạ sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn tỏ lòng biết ơn những năm tháng hi sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật.
“Và bây giờ, Albert, em trai yêu quí của anh – Albrecht trìu mến nói – đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: “Không…không…không…”.

Cuối cùng, Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói:
– Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm ở hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể nâng ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…

Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 450 năm, cho tới bây giờ, hàng trăm bức chân dung, tranh màu nước, tranh than chì, tranh khắc gỗ và khắc đồng… của Albrecht Durer đã được treo ở những Viện bảo tàng lớn nhất thế giới. Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “The praying hands”. Nếu có dịp bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người.

Tiểu sử Albrecht Dürer

Albrecht Dürer hay Albrecht Duerer, còn được viết là Albrecht Durer, sinh ngày 21 tháng 5 năm 1471 tại Nürnberg (Đức), mất ngày 6 tháng 4 năm 1528 tại Nürnberg (Đức), là một họa sĩ, một nhà điêu khắc, một lý thuyết gia về nghệ thuật nổi tiếng ở châu Âu. Dürer là một nhà nghệ thuật lớn trong thời kỳ của Chủ nghĩa nhân đạo (tiếng Anh: humanism) và Phong trào cải cách.

Ngay từ thời còn trẻ ông đã phải theo cha vào xưởng để học nghề thợ kim hoàn. Bức tự họa bán thân mà ông vẽ trên giấy da (parchment) vào năm 1484 và tranh Đức mẹ Maria với hai thiên thần vào năm 1485 là xuất phát từ thời gian này.

Từ cuối năm 1486 cho đến năm 1490 ông học và làm việc cho họa sĩ Michael Wolgemut tại Nürberg. Theo nhiều dấu hiệu thì Dürer đã tham gia vào công việc phát thảo quyển “Sử biên niên thế giới Schedel” (phát hành năm 1493). Ngoài ra Dürer cũng đã học hỏi ở các nhà khắc kim loại thời bấy giờ (như Martin Schongauer).

Từ năm 1490 đến năm 1494 Dürer đi chu du qua vùng lưu vực sông Rhein. Hành trình của chuyến đi chu du đầu tiên trong 3 chuyến đi xa của ông không được biết chính xác. Có thể ông đã đến Hà Lan hay trung lưu sông Rhein trước khi ông về đến vùng Elsaß (tiếng Pháp: Alsace) vào năm 1492, ở nơi mà ông không kịp gặp gỡ Martin Schongauer đã qua đời vào ngày 2 tháng 2 năm 1491 tại Colmar. Sau đấy ông đi về Basel (Thụy Sĩ).

Năm 1494 ông cưới Agnes Frey, con gái của một gia đình khá giả ở Nürnberg. Trong thời gian sau đó cho đến 1500 ông đã sáng tác một loạt tranh phong cảnh vẽ màu nước nhỏ với các đề tài ở Nürnberg hay hình ảnh từ những chặn đường trong chuyến đi Venezia (Ý) bắt đầu vào tháng 10 năm 1494. Tháng 5 năm 1495 ông trở về lại Nürnberg.

Trong số các tác phẩm đầu tiên của Dürer sau khi ông trở về từ Ý phải kể đến “Chân dung một người đàn ông trẻ” (1507) hiện lưu trữ trong Viện bảo tàng Lịch sử nghệ thuật (Kunsthistorische Museum) ở Wien (Áo). Cũng cùng trong năm này ông vẽ bức tranh khỏa thân “Adam và Eva”. Trong hai năm 1507 và 1508 ông vẽ bức tranh do Tuyển hầu tước Friedrich Khôn ngoan đặt vẽ cho nhà thờ ở Wittenberg (Đức), hiện nay cũng trong Viện bảo tàng Lịch sử nghệ thuật tại Wien.

Sau đó Dürer bắt đầu tác phẩm nổi tiếng “Thăng thiên và Đăng quang Maria” mà nhà quý tộc Jakob Heller ở Frankfurt am Main (Đức) đã đặt ông vẽ cho Nhà thờ dòng Dominican (tiếng La tinh: Ordo Praedicatorum) tại Frankfurt am Main. Tác phẩm này đã mang lại cho nhà thờ một nguồn thu nhập lớn khi các người xem tranh phải chi tiền vào cửa. Sau khi Hoàng đế Rudolf II không mua lại được mặc dầu đã ngỏ ý muốn trả số tiền là 100.000 Gulden, bức tranh này được Công tước Maximilian I của Bayern mua lại với giá 1.000 Thaler vào năm 1613. Trong vụ cháy lớn ở lâu đài München vào năm 1673 bức tranh này đã bị hư hại một phần. Một bản sao của Paul Juvenel hiện đang ở trong lâu đài Saalhof thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử tại Frankfurt am Main bên cạnh hai bức tranh cánh vẫn còn giữ được.

Trong khoảng thời gian 1509 đến 1516 (có thể là 1511) ông sáng tác bức họa nổi tiếng trên gỗ “Tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi của các thánh”, xuất phát là cho nhà nguyện ở Landau (Đức) nhưng sau đó (khoảng 1600) được Hội đồng Nürnberg tặng cho Hoàng đế Rudolf II. Ở phía dưới của bức tranh Dürer đã tự vẽ mình là một nhân vật nhỏ cầm một tấm bảng mang dòng chữ tiếng La tinh. Hiện nay bức tranh này được trưng bày trong Viện bảo tàng Lịch sử nghệ thuật ở Wien.

Cũng trong khoảng thời gian này, ngoài nhiều tác phẩm khắc gỗ và khắc kim loại nhỏ, Dürer đã sáng tác ba loạt tranh khắc gỗ thuộc vào trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông:

“Nỗi khổ hình của Giê-xu nhỏ” (1509 và 1510), nguyên thủy gồm 37 bản khắc gỗ
“Nỗi khổ hình của Giê-xu lớn” (1510) bao gồm 11 bản vẽ về cuộc đời của Chúa cứu thế và một tranh bìa, diễn đạt và khổ của bản khác với loại nhỏ.
“Cuộc đời của Maria” (1510 và 1511) bao gồm 20 bản.
Bắt đầu từ thời gian này các tác phẩm của Dürer chủ yếu là khắc gỗ và khắc kim loại, rất ít tranh vẽ. Các bản khắc kim loại nổi tiếng của ông cũng đều là từ khoảng thời gian này: “Hiệp sĩ, Thần chết và Quỷ dữ”, “Thánh Jerome” (1514) và “Melencolia I” (1514).

Hai trong số những tác phẩm quan trọng nhất của ông được sáng tác vào năm 1526: Hai sứ đồ Gioan và Phê-rô và Hai sứ đồ Mác-cô và Phao-lô. Cũng trong năm này ông vẽ bức tranh sơn dầu chân dung “Hieronymus Holzschuher” được coi là tác phẩm vẽ chân dung đẹp nhất của ông.

Chịu đựng hậu quả của bệnh sốt rét từ chuyến đi Hà Lan, Dürer mất đột ngột vào ngày 6 tháng 4 năm 1528, ngay trước khi ông tròn 57 tuổi. Mộ phần của ông hiện nay nằm trong nghĩa trang Johannis tại Nürnberg, không xa mộ phần của người bạn ông là Willibald Pirchheimer.

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *