CHUYỆN TÌNH CỦA HOA HẬU HIV

Tạ ơn Chúa đã cho họ cuộc sống mới trong tình yêu của Ngài. Bài viết dười đây tuy tòa báo không dám nói rõ tiểu sử của những người Chúa thương. Nhưng vẫn toát lên sự sáng từ nơi Cha Thiên Thượng!

Gương mặt hiền, xinh xắn với nụ cười thường trực trên môi, Trần Thị Huệ, người giành giải Nhất cuộc thi hoa hậu dành cho những người có H, dễ dành được thiện cảm của mọi người ngay từ lần đầu gặp mặt. Sau buổi làm, cô tất bật về đi chợ, nấu cơm cho cả gia đình và hướng dẫn các con học bài, luyện chữ.

Lớn lên ở vùng quê nghèo Lý Nhân (Hà Nam), cô gái tuổi Hợi ấy phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ. Học hết lớp 9, Huệ ra Hà Nội làm thuê ở lò bánh mì. Tại đây, cô gặp và đem lòng yêu thương người thợ làm bánh hơn mình 10 tuổi. Hai người đã sớm làm đám cưới trong niềm hạnh phúc của gia đình hai họ.

Đứa con đầu lòng kháu khỉnh ra đời, Huệ chưa kịp mừng thì phát hiện con không có khả năng nghe, nói. Hai năm sau, cô sinh con thứ hai với hy vọng đứa bé sẽ lành lặn, mạnh khỏe. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi cháu tròn 13 tháng, Huệ phát hiện mình đã bị lây HIV từ chồng, và đứa nhỏ cũng bị nhiễm từ mẹ.

“Thời điểm phát hiện là trước Tết Nguyên đán năm 2006 vài ngày. Suốt thời gian đó, mình đã đau khổ, vật vã và âm thầm chịu đựng, không dám mở lời với ai”, chị tâm sự.

Người mẹ trẻ cho hay, trước Tết năm đó khoảng 10 ngày, thấy chồng bị nấm khắp nơi cô đã ngờ ngợ. Mùng 4 Tết, một mình Huệ xuống Bệnh viện Phủ Lý để xét nghiệm máu. Bác sĩ nghi ngờ cô đã nhiễm HIV và dặn “về đưa chồng con xuống đây chị xét nghiệm cho”.

Huệ về nói lại với chồng và ngay mùng 6 Tết, hai người đèo nhau lên Hà Nội. “Lúc đó bệnh viện vẫn chưa làm việc nên mình lên Hàng Bài làm xét nghiệm và bác sĩ cũng chỉ thông báo có nghi ngờ rồi cho giấy giới thiệu trở lại bệnh viện. Hai ngày sau vợ chồng mình lại lên Hà Nội làm xét nghiệm”, cô buồn bã kể.

Bốn ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm với Huệ dài như cả thế kỷ. Gặng hỏi chồng xem có nguy cơ nào để lây nhiễm HIV, anh chắc chắn là không có và điều này khiến cô yên tâm phần nào. “Khi nhận kết quả, bác sĩ tư vấn rất nhiều để tránh cho mình bị sốc. Thế nhưng, lúc biết dương tính với HIV, mình chỉ biết khóc, những lời tư vấn chẳng lọt được vào tai”, Huệ kể tiếp.

Bước ra khỏi phòng, Huệ chạy một mạch ra cổng bệnh viện. Cô muốn đi thật xa để quên đi nỗi bất hạnh mà mình đang gánh chịu. Thế nhưng trong mớ hỗn độn của dòng suy nghĩ, Huệ chợt nhớ ra, mình còn hai con nhỏ, chúng sẽ thế nào nếu thiếu mẹ? Đứng khựng lại, lau vội dòng nước mắt, Huệ quay lại tìm chồng. Hai người lại đèo nhau về Hà Nam, suốt chặng đường không ai lên tiếng.

Huệ muốn giấu người thân trong gia đình để họ khỏi đau lòng, nhưng chồng cô đã chủ động kể với mọi người. “Sau đó anh đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng được đưa đi cấp cứu”, hoa hậu HIV ngậm ngùi kể.

Nghe bác sĩ nói HIV có thể điều trị bằng thuốc ARV, Huệ làm đơn xin cho chồng nhưng không được vì thời điểm này thuốc hiếm và đắt. Bác sĩ khuyên nên mua ngoài bởi chồng cô đã ở giai đoạn cuối. Huệ thắt ruột chạy khắp nơi làm lụng để nuôi chồng, nuôi con, từ bán bóng bay dạo, chạy chợ. Tiền kiếm được cô chỉ dám để một ít cho mình và con, số còn lại để mua thuốc cho chồng.

“Có tháng hết sạch tiền, mình phải xin bố mẹ, anh chị để có thể mua thuốc. Mình có thể không ăn, nhưng đang điều trị mà dừng thì vi rút HIV sẽ kháng thuốc hoặc chuyển sang một dạng khác, rất nguy hiểm”, Huệ tâm sự.

Nghe nói trong TP HCM có tổ chức từ thiện bán thuốc ARV với giá rẻ, Huệ đưa chồng và con trai nhỏ vào sinh sống để tiện mua thuốc và tìm cơ hội xin thuốc miễn phí. Vừa đi bán bóng bay dạo, cô vừa làm thêm các việc lặt vặt. Được vài tháng thì không trụ nổi, cả gia đình lại gói ghém đồ đạc về quê.

Ông trời như trêu ngươi, một thời gian ngắn sau trong Nam lại thông báo chồng Huệ chuẩn bị được nhận thuốc miễn phí. “Nhưng lúc này anh ấy đã quyết định không uống thuốc nữa và sau hai năm thì qua đời”, Huệ cho hay.

Gửi con cho bố mẹ, cô gái xinh đẹp truân chuyên ấy lại bôn ba ra Bắc, vào Nam làm đủ mọi nghề, từ phụ bếp, quản lý quán game đến đi chợ, bán bóng bay… Năm 2009, được biết có một khóa đào tạo thuyết trình viên cho người có H, Huệ đăng ký và may mắn được lựa chọn. Tại khóa học này, cô gặp Nguyễn Hồng Nghĩa – người là chỗ dựa tinh thần, là “một nửa không thể thiếu” của cô hiện nay.

Cô chia sẻ: “Lúc đầu mình gặp Nghĩa chẳng có ấn tượng gì. Mình còn xưng chị vì thấy Nghĩa rất trẻ. Nhưng nhờ lần keo kiệt của anh ấy mà bọn mình đã đến được với nhau”.

Số là sau một buổi học, Huệ biết Nghĩa đi về qua bến xe Giáp Bát nên xin đi nhờ để mang giấy tờ ra nhờ nhà xe gửi về quê, nhưng anh thẳng thừng từ chối. Hết khóa học, mọi người chia sẻ thông tin cho nhau, thấy áy náy nên Nghĩa đã chủ động nhắn tin cho Huệ hỏi “có cần xe ôm đưa ra bến xe không”, thế nhưng Huệ từ chối và tự đi xe buýt.

Những ngày sau, Nghĩa thường xuyên gọi điện cho Huệ hỏi thăm sức khỏe, công việc, hoặc đôi khi chỉ để nghe giọng cô, an ủi cô sau buổi làm. Huệ kết thúc công việc lúc 11 giờ thì Nghĩa gọi điện nói chuyện đến 2-3 giờ sáng. Bất ngờ hơn, vài tháng sau đó, Nghĩa xin phép gia đình vào TP HCM học giáo lý (Nghĩa theo đạo Tin lành), nhưng vào đến nơi anh lại xin ở ngoài để được giúp đỡ Huệ.

“Tôi dẫn anh ấy đi bán bóng. Nghĩa vốn được mẹ chăm sóc từ nhỏ nên một thời gian mới quen được với cuộc sống vất vả. Chính những tháng ngày ấy đã giúp tôi và anh hiểu nhau hơn. Sau đó chúng tôi về Hà Nội và quyết định dọn đến ở cùng nhau”, Huệ kể.

Cười tươi khi nghe vợ kể lại, anh Nghĩa cho biết: “Lần đầu tiên gặp Huệ, nghe cô ấy kể về hoàn cảnh, tôi đã rất thương. Tôi khâm phục một cô gái đã trải qua nhiều bước ngoặt cuộc đời, có khi là đau khổ đến tột cùng vẫn luôn nở nụ cười tươi. Tôi yêu Huệ và yêu hai đứa con của cô ấy như chính con ruột của mình vậy”.

Khi biết thông tin cuộc thi hoa hậu dành cho những người có H, Nghĩa động viên vợ tham dự để khẳng định rằng người nhiễm HIV cần được đối xử công bằng bởi họ vẫn có thể lao động, làm việc, cống hiến cho xã hội. Anh tâm sự: “Mình ủng hộ cô ấy đi thi nhưng cũng không nghĩ rằng Huệ sẽ giành vị trí cao nhất. Đó là món quà cho Huệ, cho gia đình mình, cũng như những người có H”.

Hiện tại, Huệ làm ở Trung tâm sức khỏe và phát triển cộng đồng Hà Nội, còn Nghĩa làm lái xe cho một công ty nước ngọt. Thu nhập cả hai chỉ đủ sống đạm bạc nhưng căn phòng nhỏ luôn rộn rã tiếng cười.

“Mình chỉ có một mong muốn là hai con được học hành thành đạt, tự lo được cho bản thân. Còn mình và Nghĩa, khi nào có tiền sẽ tổ chức đám cưới, còn không cũng thôi vì chúng mình chỉ cần thương yêu nhau là đủ”, “hoa hậu dấu cộng” duyên dáng cho hay.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *