CỤ ÔNG 76 TUỔI NHẶT RÁC NUÔI 5 MIỆNG ĂN

Đã bước sang tuổi 76 thế nhưng ngày ngày, cụ vẫn phải lang thang khắp nơi trong vùng để nhặt nhôm, nhựa, rác… đem bán lấy tiền đong gạo nuôi con.

Đó là hoàn cảnh của cụ Đặng Văn Thuận, ngụ xóm Đông Lộc (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An). Hằng ngày cụ ông cùng đứa cháu ngoại học lớp 8 phải đi nhặt nhạnh đủ thứ để bán kiếm tiền kiếm chút thức ăn cho vào miệng…

Nhặt rác kiếm ăn

Ngày nào cũng như ngày nào, để có được tiền đong gạo cụ Thuận lại phải lang thang khắp làng trên xóm dưới để bới rác. Nhặt cả ngày, hôm nhiều chỉ được 5.000 – 6.000 đồng, nhiều bữa chỉ được 2.000 đồng, cụ dành dụm mua gạo chăm lo cho cả gia đình.

Trong căn nhà lụp sụp, cụ nghẹn ngào khi kể về gia cảnh của mình. Trên khuôn mặt gầy guộc, trông lem nhem cụ gạt nhẹ cánh tay gầy giơ xương trên khóe mắt còn đỏ hoe bảo: “Trong gia đình tôi gồm 5 miệng ăn đấy các chú. Hai đứa con gái năm nay hơn 30 tuổi rồi nhưng bị bệnh tâm thần từ nhỏ nên không biết gì. Còn bà tôi ấy (vợ cụ Thuận bà Trần Thị Thìn), năm nay cũng bước sang tuổi 73, nhưng vẫn phải đi quét rác thuê ở cảng cá để kiếm tiền sinh sống”.

Cụ Thuận cùng cháu Côi và đứa con điên trên chiếc giường ọp oẹp

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình cụ Thuận không một tấc đất nông nghiệp, không có người lao động chính nên cụ phải đi nhặt rác kiếm ăn từng bữa. Những hôm trời mưa, giá rét cũng là những ngày cái đói bao trùm hơn bao giờ hết.

“Những lúc đó, cảng biển không có ai nên mình cũng không có việc làm. Ông Thuận thì bị đau thần kinh nên không đi nhặt rác được. Khi đó không biết lấy đâu ra tiền để mua gạo nên phải đi xin cơm, gạo về ăn cho qua ngày”, cụ Trần Thị Thìn rơi nước mắt chia sẻ về gia cảnh của ông bà.
\
Cụ Thuận ngồi bần thần trong ngôi bếp dựng tạm bằng bạt và cành cây khô.

Gia tài lớn nhất của hai ông bà là hai gian nhà ọp ẹp, dột nát. Đó là mái ấm duy nhất của năm số phận hẩm hiu, vậy mà cơn bão vào cuối năm 2010 cũng nỡ giật ngói, hất mái để lại là bốn bức tường vôi trống hoác.

Chị Nguyễn Thị Thưn (41 tuổi), một người trong xóm cho biết: “Sau bão, thấy vợ chồng cụ Thuận và các con đói rét, không nhà ở, không bếp núc nên mọi người đã góp tấm lợp, ngói, bạt để giúp gia đình cụ có nơi ẩn náu. Vậy mà nay mỗi khi trời mưa nước ở trên vẫn đổ vào nhà như thác. Gia đình cụ Thuận là khốn khổ nhất cái xã này đấy các chú”.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hi” thế nhưng gia đình cụ chưa biết đến một ngày được ăn no. Không có tiền mua đồ ăn nên những lúc hai vợ chồng cụ lúc quét cảng gặp con cá, tôm bị ngư dân vứt, rơi vãi trên nền cứ thế cụ Thìn nhặt nhạnh rồi cẩn thận cho vào túi mang về làm thức ăn cho cả gia đình. Cái nghèo đeo bám nên cảnh ăn cháo loãng cho qua bữa là chuyện thường đối với 5 người khốn khổ.

Trong căn bếp dựng tạm bằng những cành cây, bạt ni long đã hơn nửa năm nay, cụ Thuận không giấu được sự tủi phận: “Tất cả mọi thứ được hàng xóm và tôi đi xin đó chú à! Không có tiền nên đành cam chịu thôi. Đi vay đi mượn thì không biết lấy gì để trả nên không giám vay, mà người ngoài thấy gia đình tôi nghèo quá nên chẳng ai dám cho vay đâu…”.

Tuổi thơ dữ dội trong căn nhà tàn

Năm 2001, và cũng là người con duy nhất của cụ Thuận không bị bệnh tâm thần là chị Đặng Thị Liên cũng đã ra đi vì bão bệnh. Chị Liên ra đi để lại cho ông bà và các gì bị bệnh là đứa con trai tội nghiệp (trước đó chồng chị Liên cũng đã ra đi trong một lần đi làm ăn ở miền Nam).
Cụ bà Trần Thị Thìn với công việc đi quét thuê ở cảng biển. Hệ gặp cá của ngư dân vứt là cụ gói gém đem về làm thức ăn cho cả gia đình.

Kể từ đó cuộc sống gia đình cụ Thuận như rơi vào ngõ cụt của xã hội này khi phải nuôi thêm đứa cháu. Những năm tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nuôi thêm đứa cháu Nguyễn Văn Côi là một cơ cực. Côi lớn lên trong gia đình bão táp của cơ khổ và thiếu thiếu đủ điều… Dù có cơ cực, thiếu thốn nhưng cụ Thuận luôn luôn thúc giục cháu (Nguyễn Văn Côi) phải đến trường, đến lớp để sau này bằng bạn bằng bè và có thể gánh vác lấy gia đình khi cụ ông cụ bà lìa xa cõi thế.

“Năm nay thằng cu Côi (cháu ngoại duy nhất – PV) cũng đã 14 tuổi rồi đấy. Hiện cháu nó đang học lớp 8 trường THCS xã Diễn Ngọc đó. Những lúc tan trường hay được nghỉ học nó thường lang thang khắp nơi để tìm ve chai mang về bán kiếm thêm tiền đưa cho ông bà mua ăn. Nó lớn bằng chừng ấy tuổi thế nhưng tui chưa bao giờ may cho nó được chiếc áo mới. Quần áo, sách vở… đều là do bạn bè, hàng xóm cho cả đấy”, cụ Thìn sụt sùi chia sẻ.

Vốn đã đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình cụ Thuận năm này qua năm khác, việc cháu Côi sinh ra trong một mái ấm chẳng có lấy thứ gì là điều dễ hiểu. Thiếu thốn đủ thứ, may mà cháu Côi vẫn đi học. Tâm sự với chúng tôi Côi bảo: “Bó mẹ cháu ất lâu rồi, gia đình ông bà cháu khổ lắm, nhiều lúc nhìn ông bà đi nhặt rác mà cháu không thể cầm được nước mắt… Cháu mong muốn sau này được học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định để giúp đỡ ông bà và các dì. Hằng ngày sau mỗi buổi học cháu và ông, bà đều phải đi ra cảng cá quét dọn, nhặt rác… kiếm ăn các chú à”.

Cái đói bủa vây, cái nghèo níu giữ. Những tháng ngày cuối đời đầy khổ cực của hai ông bà cụ Thuận, cháu Côi cứ nối dài vô tận và dường như không có đường dừng. “Tuổi cao, sức yếu nên không còn thiết gì nữa. Chỉ mong sao hai đứa con mang trọng bệnh và đứa cu Côi nhà tui có bát cơm, bát cháo sống qua ngày là được rồi”, cụ Thuận mong mỏi trong nỗi đau xé lòng.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Cụ Đặng Văn Thuận, xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học và Dân trí – Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn

3. Tài khoản Hội Thánh Lutheran Hy Vọng

Theo dantri.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *