CUỘC CẢI CHÁNH TÔN GIÁO VĨ ĐẠI và ẢNH HƯỞNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ KI-TÔ GIÁO

Ngày 31.10.1517, tại nhà thờ Wittenberg, xứ Bavaria (Đức), vị Linh mục trẻ Martin Luther (1483-1546) đã cho treo phía ngoài cửa bản “Luận tội Giáo hội Roma” vì đã cho phép rao bán Phép Giải Tội (Indulgence) là một việc làm vô cùng sai trái.
Linh mục Martin Luther cũng kêu gọi một cuộc cải cách mạnh mẽ, giải thể toàn bộ hệ thống Công giáo đã tồn tại suốt 1.500 năm qua!
Những trang “báo chữ lớn” gây nên chấn động khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử loài người – nay được lịch sử gọi tên là 95 Luận Đề.
Hành động lý trí dũng cảm của Martin Luther là sự kiện vô tiền khoáng hậu, vì chế độ phong kiến Tây Âu thời đó được cai trị bởi “quyền lực kép” ghê gớm của các lãnh chúa và giáo hội. Sự cai trị nặng nề và tàn bạo đến mức ngay cả việc Tòa án Giáo hội xử thiêu sống hàng vạn người trên giàn lửa vì tội “phù thủy” mơ hồ – hay kết tội “dị giáo” càng mơ hồ hơn… vẫn cứ được coi là chuyện bình thường!!!
Theo M. Luther, việc Giáo hoàng Leo X cho phép Tổng Giám mục Công giáo nước Đức – Albert von Hohenzollern rao bán Indulgence là sự phỉ báng Thiên Chúa, rằng cách vơ vét tiền bạc cho đầy túi như thế là sự vô sỉ của nhân cách, rằng xét về pháp lý, là tội ác đáng ghê tởm bởi nó khuyến khích sự phạm tội: Một khi có thể dùng tiền để mua mọi sự thứ tha (xóa tội) thì chẳng còn ai phải trăn trở, day dứt khi phạm tội; xã hội sẽ tha hóa, đạo đức sẽ suy đồi và sự sụp đổ của Đức Tin là điều tất yếu phải xảy ra.
Giáo Hoàng Leo X, bằng sự độc tài thường có ở những kẻ quá tham lam, đã rất khinh thường 95 Luận đề, cho rằng đó chỉ là những điều được viết trong cơn say, sẽ khác “khi hắn ta tỉnh lại”(!) Đó là sự sai lầm chết người mà lịch sử nhân loại chỉ có thể chứng kiến một lần, sau cả một ngàn năm!
Mọi cuộc cách mạng chỉ có thể thành công nếu đi kèm theo một “phép lạ” nào đó. “Phép lạ” của cuộc tranh luận ròng rã suốt mấy năm trời giữa M. Luther cùng với những người ủng hộ ông chống lại phía giáo hội bảo thủ được hỗ trợ bởi sự hoàn thiện của máy in do J. Gutenberg (1389-1468) phát minh ra từ những năm 1450.
Không có máy in nhân lên gấp bội sức mạnh, tư tưởng của M. Luther không thể làm bùng nổ Cách mạng Tôn giáo vĩ đại.
Cuộc tranh luận nảy lửa đã được hàng triệu người trên khắp châu Âu đón nhận thông qua hàng chục triệu bản in đã tác động cộng hưởng thành một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, nhanh và sâu rộng đến mức có thể nói, nó chỉ có thể xếp thứ hai, sau tốc độ lan tỏa của Internet. Tất nhiên, phép so sánh này nên được hiểu theo nghĩa phải có sự “bao dung” trong cách nhìn về hai chữ “tốc độ”.
Cách mạng Tôn giáo do M. Luther khởi xướng đã được hàng triệu người hưởng ứng, trong đó, nổi bật nhất là Huldrych Zwingly (1484-1531) và Jean Calvin (1509-1564). Chính nhờ những nhà tư tưởng lỗi lạc của Thời đại Phục hưng (Renaissance) mà các nguyên tắc (giáo lý) của Đạo Tin Lành đã được hoàn thiện – sau cùng, được Hòa ước Westphalia ghi nhận vào năm 1648.
Cách mạng Tin Lành, hay còn gọi là Phong trào Thệ phản (Protestantism) đã thành công sau 130 năm cùng với sự hy sinh của hàng triệu người…
Ngày nay, Đạo Tin Lành đã có đến gần 500 triệu tín đồ – đông nhất là ở Hoa Kỳ, với 86% dân số theo Tin Lành (trong tổng số 320 triệu dân).
Ngày nay, Đạo Tin Lành đã có đến gần 500 triệu tín đồ – đông nhất là ở Hoa Kỳ, với 86% dân số theo Tin Lành (trong tổng số 320 triệu dân).
Tin Lành (Evangelical = Phúc Âm hay Tin Mừng, thường được gọi theo tên tiếng Anh là Protestantism – từ đây viết tắt là TL) có nhiều điểm khác với Công giáo (Katholikos = Catholic).
Nhà thờ TL không thờ tranh, ảnh, tượng – thường chỉ quét vôi trắng, nhỏ, ít phô trương và rất giản dị. Mục Sư TL có vợ con – và không có quyền thay mặt Chúa như Công giáo. Điều này đồng nghĩa rằng mọi tín đồ TL đều được hưởng Phước lộc tư tế trực tiếp với Chúa – tự mình xưng tội trước Cây Thánh Giá mà không cần phải đến nhà thờ, xưng tội với linh mục trong phòng kín.
Các tín đồ Công giáo xưa kia tin rằng: “người giàu muốn vào Nước Chúa cũng khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”; trong khi đó, Đạo TL khuyến khích mọi người làm giàu để có thể tạo nên “thiên đường tạm” ở trần gian trước khi đến với thiên đường vĩnh cửu…
Đạo TL đề cao tính tự lập, tự chủ – mỗi giáo phận tự quản lý lấy mà không cần bất kỳ sự can thiệp của một chức sắc tôn giáo tối cao nào, và nhất là Đạo TL thực sự đã “tuyên chiến” với quan niệm cũ khi khẳng định rằng Đức Mẹ Maria không còn đồng trinh nữa, bởi bà không chỉ sinh ra Jésuse mà còn có thêm các em của Ngài…
Tư tưởng Cách mạng của Martin Luther đã làm thay đổi thời đại khi dám chống lại cả một thế lực thao túng xã hội Tây Âu suốt cả ngàn năm! Hơn thế nữa, đó là cuộc cách mạng nhận thức chưa từng có khi minh định rằng, ngay cả những điều xưa cũ tưởng chừng như là chân lý vĩnh cửu vẫn còn nhiều khiếm khuyết phải được đổi thay.
Trong quan điểm của nhiều người, Thời đại Phục Hưng không có mốc thời gian cụ thể về sự bắt đầu; nhưng theo người viết, nó chính thức khởi nguyên vào ngày 31.10.1517 bất tử.
Người viết bài này cũng cho rằng thời điểm kết thúc của Phục Hưng là ngày 23.4.1616 – ngày mà cả hai nhà văn vĩ đại là William Shakespeare và Miguel de Cervantes cùng tạ thế.
Tất nhiên, như đã nói ở trên, xác định dấu mốc khởi điểm cụ thể cho cả một trào lưu văn hóa là rất khó khăn, nếu không muốn nói là khiên cưỡng…
Có một điều không thể không suy ngẫm khi với một chừng mực nhất định, nếu ta nói rằng M. Luther là một trong những “người cha” đã “sinh ra” Nước Mỹ!
Quả thật, cuộc cách mạng tôn giáo do ông khởi xướng đã thúc đẩy hàng vạn người dân ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Scotland… tìm đường đến Tân Thế Giới (Bắc Mỹ) để có được tự do “tôn thờ Chúa theo cách riêng của mỗi người”.
Và, rất có thể, từ vô thức, người Mỹ luôn thầm cảm ơn M. Luther khi mỗi mặt sau của tờ Dollar đều có dòng chữ “IN GOD WE TRUST” – Chúng con đặt Niềm Tin vào Thượng Đế…
Cho dù thế nào đi nữa, xác tín từ M. Luther luôn được xem là chân lý: rằng mọi thành trì bảo thủ có ngoan cố và tàn bạo đến mấy vẫn có thể bị đổi thay bằng sức mạnh của hàng triệu người được thức tỉnh đúng lúc, rằng các thiên tài luôn có cách nghĩ “điên rồ” mà người thường, hàng trăm năm sau vẫn chưa hiểu hết, rằng sự vô đạo quả là điều khủng khiếp nhưng Đức Tin lệch lạc còn nguy hiểm hơn gấp bội phần, rằng cho dù mọi thời đại có đổi thay, mọi nền văn minh cứ hình thành, phát triển rồi tàn lụi; mọi phương thức sản xuất cứ thay nhau chứng minh sự ưu việt và sau đó, trình diễn sự thê thảm của chúng… thì tất cả đều phải ghi nhận một sự thật rằng: các tôn giáo trên trái đất này đã và đang tồn tại lâu hơn bất cứ một sắc thái chính trị nào và, sẽ tiếp tục thách thức thời gian để luôn đi cùng với sự vĩnh cửu của mọi kiếp người.
Cũng trong thời kỳ cải chánh, vào tháng 9 năm 1527 trận đại hạch dịch Đen bùng phát tại Đức đã lần nữa khiến Mục sư Martin Luther dẫn đầu nhóm cải chánh ở lại chiến đấu với ôn dịch bằng sự khôn ngoan của Chúa trao ban thật tài tình, mời xem https://lutheranvietnam.org/loi-khuyen-cua-muc-su-martin…/
Bài viết của cố nhà văn Hà Văn Thịnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *