CUỘC CHIẾN VỚI VĂN HÓA TRONG KHI DỊCH THUẬT THÁNH KINH

Lê Anh Huy và Huỳnh Christian Timothy

Trong những năm gần đây, trên kệ sách của Cơ Đốc nhân Việt Nam, có thêm một số bản dịch Thánh Kinh mới, ngoài bản dịch “Phan Khôi.” Đó là các cuốn “Kinh Thánh Bản Dịch Mới” và “Niềm Hi Vọng (Tân Ước) – Bản Phổ Thông.” Đây là các công trình tốn nhiều công sức và của cải, đã đem lại một số tác dụng lợi ích nhất định như thuật ngữ hiện đại nên dễ hiểu cho người chưa tin Chúa. Tuy nhiên cả hai cuốn đều vi phạm một lỗi lẽ đạo khá quan trọng cần phải được trình bày trên giấy trắng mực đen. Lỗi đó là việc dịch chữ Hy Lạp “Gune” (/goo-nay/) hay tiếng Anh “Woman” thành chữ Việt “Thưa mẹ” (Giăng 2:4 & 19:26). Một trong các dịch giả của một trong hai bản dịch đó đứng trước một Hội Thánh địa phương giải thích rằng nhóm ông cố gắng “Việt hoá” Thánh Kinh để cho người Việt chưa tin Chúa “dễ hiểu hơn.” Ông đơn cử việc dịch chữ “Woman” thành “Thưa mẹ” làm một thí dụ điển hình.
Trong bài này chúng tôi cầu xin Chúa Thánh Linh ở cùng với tất cả chúng ta để giải thích cho chúng ta tại sao Chúa Jesus lại dùng chữ “Bà” để xưng hô với bà Ma-ri là mẹ phần xác của mình.

Thuộc tính Chúa – Người của Chúa Jesus

Đức tin của Cơ Đốc nhân được đặt trên một người duy nhất. Đó là Chúa Jesus Christ. Ngài chính là Thượng Đế Ngôi Hai, giáng thế làm người, qua sự hoài thai bởi Chúa Thánh Linh trên bà Ma-ri. Trong ba mươi năm sống trên đất, Ngài mang hai thuộc tính Chúa – Người cùng một lúc. Chúa hoàn toàn là người vì Ngài đi vào thế gian qua một người nữ, mang lấy thân xác của loài người: biết đau đớn, đói khát, biết khóc, biết giận, biết buồn, chịu lão hóa, v.v. như một người trong thế gian. Vì là người 100%, nên chắc hẵn khi còn là một con trẻ, có nhiều lần Ngài đã khóc với mẹ đòi ăn, đòi bú, khóc với mẹ khi chạy bị té trầy da, v.v. Vì là người 100%, Ngài chịu ràng buộc bởi quan hệ phần xác: bổn phận con cái đối với cha mẹ (Ông Giô-sép và Bà Ma-ri). Nhưng cùng một lúc, Ngài cũng là Thiên Chúa 100%; Ngài không hề phạm tội. Ngài là Chiên không tì vết của Thiên Chúa, mà mục đích duy nhất khi giáng thế là mang lấy tì vết của cả thế gian. Vì mang thuộc tính Chúa 100%, Ngài là Một với Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh, có quyền bính trên vũ trụ và loài người, có quyền tha tội để giải phóng tội nhân. Trong khi thân xác con người của Ngài chịu dưới quyền của sự chết vì tội lỗi của loài người, thì thuộc tính Thiên Chúa phục sinh Jesus đã chết, để Ngài mang lấy một hình hài mới, có dấu tích của con người cũ, nhưng đã biến hóa thành một thân thể không còn hư mất nữa. Vì Ngài là Thiên Chúa, là tác giả của sự sống, Chúa Jesus đã nuốt trọn sự chết, để cho những ai tin nhận Ngài sẽ được phục sinh giống như Con Người Jesus vậy.

Trong những năm sống trên đất, Chúa Jesus đã biểu hiện thuộc tính Chúa cho chúng ta thấy một cách rất rõ rệt, đặc biệt trong khi thi hành chức vụ. Lúc Ngài 12 tuổi, lần đầu tiên Chúa Jesus bày tỏ cho cha mẹ phần xác của Ngài địa vị thánh của Ngài đối với họ. Khi Ngài bận giảng trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, thì cha mẹ phần xác của Ngài đi tìm; gặp được Ngài, họ buông lời quở trách, Ngài đáp:”Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu-ca 2:49). Đây là lần đầu tiên Thánh Kinh cho chúng ta thấy Ngài tách bạch quan hệ xác thịt và sứ mệnh thánh mà Ngài đang thi hành. Lần dự tiệc cưới tại Ca-na, khi thấy chủ tiệc hết rượu, Bà Ma-ri đến với Chúa qua quan hệ phần xác (tức là quan hệ mẹ con) để cầu cạnh Ngài ra tay giúp đỡ. Sau khi nghe bà nói xong, Ngài đáp: “Hỡi đờn bà kia, Ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ Ta chưa đến.” (Giăng 2:4 – Bản dịch “Phan Khôi.” Bản dịch này dùng chữ “bà” như trong nguyên ngữ Hy Lạp.) Chúng ta biết rằng sau khi đáp lời bà Ma-ri như vậy, Ngài đã hoá nước thành rượu, tuy nhiên Ngài làm vậy để “tỏ bày sự vinh hiển của mình…môn đồ bèn tin Ngài.” (Giăng 2:11) Từ đây chúng ta thấy rằng Chúa Jesus chỉ thực thi quyền phép của mình vì mục đích của nước trời. Do đó, khi Chúa đã vào trong chức vụ, bà Ma-ri không thể dùng quan hệ mẹ con phần xác của bà đối với Chúa để ảnh hưởng Ngài bất kể vì mục đích gì. Khi Chúa gọi “Hỡi bà,” Chúa không ở trong vai vế của một người con phần xác thưa chuyện với mẹ mình, nhưng trong tư cách và địa vị của Đấng Tạo Hóa phán với tạo vật của mình. Có một lần khác, khi các môn đồ báo với Ngài là có mẹ và các em đi kiếm, Ngài phán: “hễ ai làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em ta, cùng là mẹ ta vậy.” (Mat 12:48-50) Và lần cuối cùng, trong khi sắp trút linh hồn trên thập tự giá, Chúa Jesus đã phán với bà Ma-ri: “Hỡi đờn bà kia, đó [môn đồ Giăng] là con của ngươi.” (Giăng 19:26) Chúng ta thấy rằng kể từ khi Chúa Jesus bắt đầu đi vào chức vụ của Đấng Christ, nghĩa là: (1) Tiên Tri của Đức Chúa Trời: Giải bày Cha cho nhân loại, công bố Tin Lành Cứu Rỗi cho nhân loại, (2) Thầy Tế Lễ Tối Cao của Đức Chúa Trời: Cầu thay cho loài người và dâng sinh tế – chính mạng sống mình – chuộc tội cho loài người, (3) Vua của Nước Trời đang đến trên đất, thì mối quan hệ của Ngài đối với bất kỳ một người nào trên đất cũng đều là mối quan hệ giữa Cứu Chúa và tội nhân, giữa Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo, giữa Đức Chúa Trời và loài người.

Giao chiến giữa văn hóa và chân lý Thánh Kinh

Khi tách bạch quan hệ phần xác ra khỏi chức vụ, Chúa Jesus biết trước là sẽ có sự giao chiến về chân lý Ngài là ai với văn hoá loài người. Có thể chúng ta không nhận biết sự giao chiến này, nhưng nó có thật. Trước hết, văn hóa là gì? Văn hóa là nếp suy nghĩ của một dân tộc. Vì nó là sản phẩm của tư duy, nên nó nằm trên mặt phẳng hồn. Cơ bản hơn mặt phẳng hồn là mặt phẳng linh, là mặt phẳng điều động cả phần xác và phần hồn. Trên mặt phẳng linh này tồn tại một câu hỏi duy nhất: Có Đức Chúa Trời của Thánh Kinh hay không? Điều đáng buồn, câu trả lời là không đối với rất nhiều người Việt Nam. Vì quan niệm rằng Đức Chúa Trời không tồn tại, hoặc vai trò của Ngài rất lu mờ trong lịch sử nhân loại, nên nhiều người Việt Nam cho rằng cha mẹ chính là Thượng Đế, vì cha mẹ đã “sáng tạo ra mình.” Đó là sự lầm lẫn lớn của nhiều đồng bào Việt Nam khi không phân biệt được hai khái niệm “sáng tạo” và “tham dự vào quá trình tạo sinh.”

Sáng tạo là làm ra cái có từ cái không có. Chủ thể sáng tạo là Đấng Tạo Hoá, là Đấng mà qua lời phán của Ngài, sự sống nẩy mầm từ chổ không. Khi sự sống đã nẩy sinh qua tiếng phán của Đức Chúa Trời rồi, cha mẹ của chúng ta là những người cũng đã được sinh ra, tham dự vào quá trình tạo sinh đó, sinh nở ra chúng ta. Nói một cách thể chất hơn, con tinh trùng của người đàn ông kết hợp với cái trứng của người đàn bà để tạo nên một bào thai. Đúng năm đúng tháng, bào thai đó lớn lên và trở nên chúng ta. Cả cha và mẹ chúng ta đã dự phần vào quá trình tạo sinh này, nhưng chính Thiên Chúa là tác giả của sự sống, chứ không phải cha mẹ. Vì ảnh tượng của Đức Chúa Trời trong tâm linh người Việt Nam rất mờ nhạt hoặc ngay cả không có, nên đồng bào chúng ta thường không phân biệt khái niệm “sáng tạo” và “tham dự vào quá trình tạo sinh.” Tâm linh con người như một thùng chứa: nếu không chứa Đức Chúa Trời thì chứa một hình tượng nào đó. Vì không chứa Đức Chúa Trời, nên người Việt Nam chứa cha mẹ như một hình tượng trong số rất nhiều hình tượng khác.

Cơ Đốc nhân chúng ta trước đây, cũng như nhiều người Việt Nam khác, từng đứng trước ảnh tượng cha mẹ quá cố, lạy lục khấn xin phù hộ, mặc dù chúng ta biết được rằng khi ông bà còn sống có nhiều vấn nạn của con cháu ông bà đành bó tay; huống chi khi đã nằm xuống rồi, hai tay buông xuôi, thân thể cứng đờ không nhúc nhích. Khi còn sống các cụ cũng có những khôn ngoan nhất định, nhưng không phải những gì các cụ suy nghĩ, quyết định, dạy dỗ con cháu đều là chân lý. Các cụ cũng là người bất toàn như con cháu các cụ. Nếu các cụ hoàn mỹ thì tại sao đất nước Việt Nam lại đứng hàng chót trên thế giới? Lịch sử Việt Nam trong mấy trăm năm gần đây cho thấy đất nước chúng ta đi từ vấn nạn này sang vấn nạn khác, đi vòng vòng trong cái vòng lẫn quẫn hết nghèo lại khổ vì những quyết định sai lầm của tiền nhân chúng ta. Điều mâu thuẫn trong triết học của người Việt là, trong khi chúng ta thờ cúng ông bà, cầu cạnh vong linh tổ tiên vì tin rằng tiền nhân khôn ngoan hơn hậu sinh, thì chúng ta lại tin thêm thuyết tiến hoá, nói rằng hậu sinh tốt đẹp hơn tiền nhân. Như vậy, người Việt Nam không có gì để tin cả, hay nói khác đi, bạ gì tin đó. Vì không nắm chân lý, nên người Việt Nam rất nhẹ dạ. Kết quả là nền văn hoá của đất nước chúng ta mang một sắc thái hổn tạp: từ Tam giáo, đạo Dừa, đạo Bà Thanh Hải, đạo Thời Đại Mới (New Age), đạo “Tổ Quốc” (đạo này được khỏi xướng bởi một tổ chức chống cộng), cho đến đạo lên đồng lên bóng và còn có đạo cộng sản nữa. Đó là hậu quả tất yếu khi ảnh tượng của Đức Chúa Trời không có trong tâm linh người Việt Nam.

Trong khi người Việt Nam thờ lạy cha mẹ quá cố, Chúa Jesus lại dạy các môn đệ rằng nếu ai không “ghét” cha mẹ anh em mình, thì không xứng đáng theo Chúa. Trong phạm vi bài này chúng tôi chưa bàn đến ý nghĩa thực dụng của chữ “ghét” Chúa dạy, mà chỉ nhấn mạnh một điều là quan hệ phần xác không phải là quan hệ thuộc linh, và cũng không thể khống chế hay điều động công việc thuộc linh. Điều đáng buồn là nhiều Cơ Đốc nhân Việt Nam khi đứng trước văn hoá Việt Nam và lời dạy của Chúa, rất lúng túng, như đang đứng trước một thành Giê-ri-cô cao không thể chinh phục. Trấn giữ thành này là những người lính Ca-na-an cao lớn, trang bị đến tận răng, mặt mày đằng đằng sát khí. Thật vậy, văn hóa thờ lạy cha mẹ là một đồn lũy của tội lỗi tồn tại trong văn hoá Việt Nam, được trấn giữ bởi cha mẹ, anh em, bà con, gia đình, giòng họ chưa tin Chúa mà Cơ Đốc nhân Việt Nam đang đối diện. Khi chúng ta đứng nhìn thành Giê-ri-cô này, mà không tin rằng chúng ta có thẩm quyền thuộc linh – trong danh Chúa Cứu Thế – để bứng nó đi, thì tất nhiên chúng ta đâm ra sợ hãi. Kết quả là, chúng ta cố gắng đi vòng qua thành, để hy vọng đồng bào chưa tin Chúa “mua” lấy Tin Lành với giá hời.

Lời Chúa thuộc về Ngài và văn hoá thuộc về thế gian

Mặc dù động cơ của các dịch giả Thánh Kinh khi dịch chữ “đờn bà” thành “Thưa Mẹ” là thiện trên mặt phẳng văn hoá (muốn đồng bào thấy Chúa Jesus cũng “hiếu kính” như người Việt Nam mà đến gần), trên mặt phẳng thuộc linh, quí vị ấy đã giảm bớt thuộc tính Đức Chúa Trời của Chúa Jesus một chút để hy vọng đánh đổi được một vài linh hồn cho Chúa. Chúng tôi không nghĩ rằng Đức Chúa Trời cảm tạ họ về điều này. Chúa Jesus biết Ngài đang nói gì khi Ngài gọi bà Ma-ri bằng đờn bà chứ không bằng Mẹ. Chúa cũng biết trước hậu quả của lối xưng hô này. Vì vậy loài người chúng ta không nên và không thể làm dùm việc cứu rỗi cho Chúa. Nước trời có đủ chỗ cho mọi người vì Chúa muốn cứu mọi người, nhưng nước trời không cần phải vay mượn một chút màu sắc nào của bất kỳ văn hóa nào của loài người. Nếu chúng ta tin rằng toàn bộ Thánh Kinh được Chúa Thánh Linh thần cảm, chúng ta phải tin rằng Thánh Kinh là vật thánh từ trời. Nếu là vật thánh rồi thì không thể nào trộn lẫn với bất kỳ chất liệu nào của thế gian. Loài người muốn làm Đức Chúa Trời vui lòng thì phải dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh để từ đó, được Ngài cải đổi tâm trí để sự suy nghĩ mỗi ngày trở nên giống Đấng Christ (Rô-ma 12:1-2). Từ sự suy nghĩ đã được đổi biến của một cá nhân, của một tập thể Hội Thánh địa phương, ra tới tập thể của Hội Thánh toàn quốc, ảnh hưởng lên sự suy nghĩ của một dân tộc. Từ đó một nền văn hóa của sự chết mới có da thịt từ trời mà sống lại thành người biết đi. Còn nếu chúng ta còn nghĩ rằng với một chút “xoa bóp” bằng một lối dịch mới, thế gian sẽ vừa lòng với Thánh Kinh hơn và có nhiều người đến với Chúa hơn, thì chẳng những chúng ta không giúp được thế gian đến với Chúa mà văn hoá của sự chết còn thấm nhập vô trong Hội Thánh. (Một thí dụ của sự xâm nhập văn hoá thế gian vào Hội Thánh: một Cơ Đốc nhân trong một Hội Thánh địa phương kỷ niệm Tết ta bằng cách đứng lên đọc sớ táo quân.)

Kết luận

Công cuộc rao truyền Tin Lành phải đi đôi với sự đánh bứt các đồn lũy tội lỗi trong danh Chúa Cứu Thế – đánh bứt chứ không “đi vòng.” Trong phạm vi một dân tộc, các đồn lũy này nằm trong nền văn hoá của dân tộc đó. Chúng như những thành lũy kiên cố mà sức riêng của chúng ta không thể thắng được. Nhưng Chúa cho chúng ta biết rằng kết quả chiến thắng của cuộc chiến này đã định. Cơ Đốc nhân chỉ cần vâng lời, đi công bố sự vinh hiển đó trong danh thánh Chúa Jesus Christ. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *