ĐỔI MỚI TƯ DUY VỀ KHOA HỌC

Đổi Mới Tư Duy Về Khoa Học – Tác giả: Tín Trung

 

“Hãy lắng tai nghe lời kể khôn ngoan, khá chuyên lòng con về sự tri thức Ta. Vì nếu con gìn giữ nó trong lòng con, lập nó ở chung nhau trên môi miệng con, thì ấy thật sự là một sự tốt đẹp”. (Châm Ngôn 22:17-18) 

Dẫn nhập.

Khoa học hiện đại phát triển rực rỡ với tốc độ vũ bão từ sau nủa cuối thế kỷ XX mang lại sự biến đổi lớn lao trên mọi mặt hoạt động xã hội tư duy của loài người. Về phương diện nhận thức luận, con người đã dần nhận thức được phạm vi, tác động và vai trò của khoa học một cách khách quan và đầy đủ hơn. Điều này có ý nghĩa lớn lao trong tư duy, hành động của mỗi cá nhân chúng ta trong xoáy lốc cuộc sống hiện đại phức hợp, đa tầng muôn mầu muôn vẻ.  Bài viết này là sự tiếp nối các phân tích tư duy về khoa học trong những biện giải theo hướng  ”Đức tin tâm linh và niềm tin khoa học “( Thông công 7),”Bên ngoài khoa học” (Thông công 6 )…”Tương đối và tuyệt đối “ ( Thông công 2 ),””Ngẫu nhiên và tất yếu “ ( Thông công 9 ), “Cội nguồn “, (Thông công 10 ), ”Hữu hạn và vô hạn “ (Thông công 18 ), Đời sống tâm linh (Thông công 22   )…và một số bài khác trong chuyên mục Niềm Tin và Khoa Học. Mục đích của tác giả là muốn cùng quí vị độc giả lược qua lịch sử của khoa học trong bối cảnh phát triển xã hội loài người để có sự đổi mới tư duy về khoa học. Qua đó chúng ta có một nhãn quan hệ thống toàn diện đầy đủ về phạm vi và tác động của khoa học đối với thế giới tư nhiên và xã hội cũng như tư duy loài người, trong quan hệ đối sánh với các quan điểm thần học Cơ Đốc về thế giới tâm linh hiện hành .

 

Lược sử phát triển của khoa học

Khoa học hiện đại vốn được khơi nguồn từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại thời Áristôt và phát triển rực rỡ trong thời kỳ Khai sáng Phục hưng ở Châu Âu vài đầu thế kỷ 17 ( trùng hợp với thời kỳ kỳ phát triển đạo Tin Lành tạichính Châu âu do Martin Luther). Bắt đầu sự phát triển là các học thuyết về chuyển động cơ học của các vật thể do Galilê và Newton sáng lập. Đến đầu thế kỷ XX, khi lý thuyết tương đối của Anbert Einstein và lý thuyết lượng tử của Max Planck ra đời và được khẳng định tính đúng đắn, khoa học đã tiến được những bước dài, sâu sắc và rộng lớn trên các lĩnh vực nghiên cứu tự nhiên, xã hội và tư duy. Các nhà bác học, các nhà nghiên cứu bắt đầu suy nghĩ một cách hệ thống về thực chất của khoa học. Họ tìm cách trả lời những câu hỏi về “khoa học luận”: Khoa học là gì? Chủ thể và đối tượng của khoa học? Công cụ của khoa học? Mục đích của khoa học? Phạm vi và tác động của khoa học? Chúng tôi sẽ bàn luận đầy đủ hơn về các câu hỏi trên. Trong bài viết này, chỉ tập trung vào một vài điểm chính phục vụ cho mục đích đổi mới tư duy về khoa học.

Khoa học là hệ thống tri thức về thế giới khách quan. Một cách cụ thể hơn, khoa học là tập hợp liên kết toàn bộ các tri thức, dữ kiện về tự nhiên, xã hội và tư duy. Khoa học cũng bao gồm các lý thuyết và các phương pháp được tổng hợp và thu góp lại trong các thư phẩm hiện hành và các sản phẩm khoa học đã và đang sử dụng phục vụ cho lợi ích vật chất, tinh thần của con người.

Các nhà khoa học đã tổng kết, đến cuối thế kỷ XX, sự phất triển của xã hội loài người dựa trên ba cột trụ lớn, được đặt căn bản trên nền tảng khoa học toán học: Đó là khoa học vật lý lượng tử, khoa học sinh học phân tử và gien (D.N.A) và khoa học công nghệ thông tin (E.C và P.C). Thành tựu lớn lao này là kết quả của sự sáng tạo không ngừng rất đáng trân trọng của các nhà khoa học chân chính thuộc nhiều dân tộc, trong mọi thời đại trên trái đất này. Tuy nhiên, việc nhận thức vai trò, phạm vi tác động và ảnh hưởng của khoa học không phải lúc nào cũng khách quan và đúng đắn. Cuối thế kỷ thứ XX và đặc biệt vào đầu thế kỷ XXI, những người quá đề cao khoa học và chủ nghĩa duy lý đã cực đoan cho rằng: “Có những quy luật tự nhiên thống trị xã hội loài người tương tự như đã thống trị thế giới vật lý-cơ học”. Bởi vậy xu thế “khoa học hoá” được áp dụng tràn lan. Các tư tưởng và phương pháp khoa học luôn đặt ở vị trí cao nhất, chiếm lĩnh hầu hết việc nghiên cứu các đối tượng khoa học tự nhiên và ngay cả các ngành kinh tế, xã hội… trong khoa học xã hội. Điều này tạo nên nhiều ngành “khoa học ứng dụng” (Applied sciences). Dần dần hình thành mối quan hệ đặc thù giữa khoa học với xã hội được gọi là “khoa học phương thức 1” và “xã hội phương thức 1”. Trong mối quan hệ này, khoa học sản xuất ra các tri thức có tính phổ quát ( Universal), các chân lý “khách quan” rồi được ứng dụng vào các lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người để tạo ra các tri thức ứng dụng. Nói cách khác, đây là quan hệ một chiều theo hướng “khoa học nói với (chỉ dẫn) xã hội”. Xã hội có vai trò thụ động nghe “tin” và làm theo những gì khoa học nói (chỉ dẫn). Mối quan hệ này được duy trì một cách êm ả trong suốt thế kỷ thứ XIX và gần hết thế kỷ thứ XX. Dường như khoa học ở thế thượng phong, tự cho mình quyền quyết định tối hậu trong mọi hoạt động của con người. “Chủ nghĩa khoa học”, “chủ nghĩ duy lý” được cổ suý khắp mọi nơi. Nhiều người còn chủ quan quyết đoán rằng chỉ ưu tiên truyền tải một chiều từ khoa học đến xã hội, không cần lưu tâm đến những tác động của bất kỳ thong tin ngược nào từ phía xã hội. Đặc biệt đó là các thông tin đến từ thế giới bên trong của loài người (tinh thần, tình cảm, ý chí, lý trí, tâm linh…) thì chỉ được đề cập một cách hời hợt.

 

Trái đắng và gót chân Asin

Những người có tư tưởng nhân ái sâu sắc thực sự lo lắng trước sự phát triển mạnh mẽ một chiều của khoa học, nhưng thiếu hụt những giá trị của đạo đức và lương tâm thuần khiết. Francois Rabelais, nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp thế kỷ thứ XIX đã nói: “Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn”. Sự thật đã chỉ rõ, không phải mọi quả trên cây khoa học đều là trái ngọt. Đã có nhiều trái đắng, thậm chỉ trái độc này sinh trên cây đó. Một cách khái quát, không phải mọi bước tiến của khoa học đều mang lại tiến bộ xã hội, trái lại, một số đã mang lại bóng tối và thảm hoạ cho loài người, một khi chủ nghĩa duy lý, vị kỷ và sự kiêu ngạo được tôn cao.

Bà Indira Gandhi (nguyên thủ tướng Ấn độ những năm tám mươi của thế kỷ XX) đã nói: “Đôi khi khoa học thì tiến lên, nhưng văn hoá thì thụt lùi”. Chúng ta điểm qua một vài sự kiện như thế.

Alfred Nobel- người sáng chế ra chất nổ (TNT), rất ân hận và đau xót vì hậu quả của bom mìn do con người tạo ra đã giết hại bao người vô tội. Ông đã quyết định lập ra giải thưởng Nobel hang năm để tôn vinh các cá nhân của các ngành khoa học đã đóng góp vì nên hoà bình của loài người.

Pierre Curie- người nhận giải thưởng Nobel năm 1903 về việc phát minh ra chất phóng xạ, đã tha thiết nói lên tâm nguyện của mình: “Tôi thuộc lớp người theo gót Nobel với mong muốn những phát minh của mình sẽ không bao giờ bị sử dụng vào mục đích chống nhân loại”.

Nhưng trớ trêu thay, hai đám mây hình nấm khổng lồ của hai quả bom nguyên tử được thả xuống Nagasaki và Hirôsima (8/1945) đã trở thành biểu tượng chết chóc kinh khiếp do con người tạo ra từ sự tiến bộ khoa học. Sự việc trở nên càng bi đát hơn khi việc thả bom nguyên tử lại được chính Albert Einstein, bộ óc vĩ đại của thế kỷ XX, đóng vai trò tư vẫn chính trong dự án Manhatan. Hình ảnh thảm khốc của hàng trăm ngàn người Nhật bản bị chết thê thảm đã ám ảnh ôngđến cuối cuộc đời. Einstein đã cảnh báo loài người: “Hãy coi chừng, đừng để tri thức thành chúa tể chúng ta”.

Mỗi tấm huân chương đều có mặt trái, câu ngạn ngữ này đúng cho nhiều hoạt động của con người, đặc biệt là đối với khoa học. Hiểm hoạ do con người đã gây ra cho đến ngày hôm nay thật không kể xiết. Hàng trăm triệu người đã chết trong các cuộc chiến tranh dọc chiều dài lịch sử của loài người. Môi trường bị huỷ hoại do hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Hệ quả của hiệu ứng này làm nước biển dâng lên nhấn chìm nhiều đồng bằng, thành phố ven biển. Nguy cơ đói kém, dịch bệnh, thiên tai luôn rình rập. Liền kề là những kho vũ khí thong thường và hạt nhân do con người tích luỹ, đã đủ sức tàn phá gấp bốn lần trái đất này. Nhưng đó chưa phải là cuối cùng. Khi khoa học phát triển như vũ bão, trong đám men kiêu ngạo của con người thì đã xảy ra việc lặp lại một sự kiện lịch sử, như xưa kia người ta xây tháp Baben trong thói tự cao tự đại, xem thường sự tể trị của Đấng Tối Cao. Khi đó, những nền tảng căn bản của đạo đức bị băng hoại, chân lý thuộc về tay kẻ mạnh; tức là những người có sức mạnh vật chất, có khoa học tiên tiến, sở hữu các vũ khí tối tân, giỏi toan tính để áp đặt người khác trong kế hoạch cá nhân, trong lợi ích cục bộ của quốc gia dân tộc. Khi đó, không còn lẽ thật, công lý để mang lại sự tốt đẹp cho con người mà chỉ còn sự giả hình, nguỵ tạo của thói bất nhân vô lương ngự trị. Kinh Thánh đã chỉ rõ nhiều lời tiên tri về sự duy chí của con người, người ta sẽ chạy ngược, chạy xuôi để đi tìm kiến thức và giải pháp theo cách riêng, nhưng: “Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; nhưng đến cuối chúng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm Ngôn 14:12). Satan thường lợi dụng sự kiêu ngạo của loài người thậm chí xúi dục người ta bất tuân và phủ nhận Thượng Đế. Đây là đỉnh điểm của sự băng hoại đạo đức và đời sống tâm linh. Kinh Thánh đã cảnh báo: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau” (Châm Ngôn 16:18); Và Chúa cũng khuyên dạy: “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan “ (Châm Ngôn 9:10).

Khoa học còn có gót chân Asin, đó là những nghịch lý, nan đề gay cấn nằm ngay trong nền tảng triết học của khoa học. Xin nêu một số sự kiện tiêu biểu nhất.

Trong khoa sinh học, cùng với sự phát triển của sinh học phân tử và sinh học gien (A.D.N) cùng các ngành khoa học khác, đã chỉ ra những “lỗ hổng” không thể khắc phục được trong thuyết tiến hoá của Darwin. Đặc biệt nó không đưa ra một lý lẽ thoả đáng để giải thích những khía cạnh sâu sắc của đời sống con người- vật thọ tạo kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Đó là bề trong của con người như sự tìm tòi chân lý, sự sang tạo không ngừng, cảm xúc về đạo đức, về cái đẹp, sự trông cậy, niềm tin vào Đấng Tối Cao và đặc biệt là tình yêu thương trong mỗi con người.

Toán học, nền tảng duy lý của các ngành khoa học tự nhiên và nhiều ngành khoa học khác cũng tồn tại những nghịch lý. Chẳng hạn như nghịch lý của lý thuyết tập hợp do Bernad Russel phát hiện ra đầu thế kỷ thứ XX. Tiếp đến Kurt Godel- giáo sư toán học người Đức, vào năm 1930 đã nêu lên định đề nổi tiếng mang tên ông: “Có những mệnh đề nền tảng của toán học không thể chứng minh được, bởi vì trong bất cứ hệ thống logic sử dụng ký hiệu hình thức nào, luôn tồn tại ít nhất một mệnh đề không thể chứng minh được, cũng không thể bị bác bỏ trong phạm vi hệ thống đó”. Như vậy, một ngành khoa học chính xác như toán học cũng trở nên bất toàn bởi gót chân Asin của mình.

Đúng vào thời gian này, khoảng năm 1932, nhà vật lý học người Đức Werner Heisenberg đã công bố nguyên lý bất định. Trong nguyên lý này đã khẳng định khoa học vật lý không thể xác định được cái tất định, cái tuyệt đối. Những cái đó thuộc nền tảng của thế giới tự nhiên do Chúa tạo nên. Bức tường Planck cũng là một thí dụ tương tự.

Nhà toán học thiên văn học nổi tiếng người Pháp Pierrer Simon Laplace (1749-1827) đã đề cập đến những giới hạn của nhận thức con người: “Cái chúng ta biết thì ít ỏi vô cùng, như những giọt nước biển. Cái chúng ta không biết thì mênh mông như đại dương”. Cái bất khả đã rung động trong tâm trí của nhiều người, trước hết là các nhà khoa học chân chính. Sự bất khả không chỉ nằm trong khoa học mà còn nằm trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động tinh thần của con người như văn chương, nghệ thuật, thi ca, chính trị, kinh tế… Biết được điều mình không biết, ấy là hiểu biết thực sự. Việc nghiên cứu cái bất khả trở nên rất quan trọng. Emanuel Kant đã đề xướng thuyết bất khả tri vào cuối thế kỷ thứ XIX đánh dấu sự nhận biết giới hạn của tri thức con người. Godel đã phát biểu: “Ý nghĩa của đời sống chính là biết phân biệt giữa ước muốn và hiện thực, cái bất khả và cái hiện khả”. Điều này đáng để chúng ta phải suy nghĩ về sự khiêm nhường trước Đấng Toàn Năng; Phải nhận biết và tin Đức Chúa Giê-xu, Đấng nắm chìa khoá của sự sống, của tri thức và chân lý đời đời.

 

Đổi mới tư duy về khoa học

Kinh Thánh đã chỉ rõ: “ Lòng người toan định đường lối mình, song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm Ngôn 16:9).

Khoa học càng tiến sâu vào các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng trong xã hội thì càng bộc lộ sự hạn chế của mình. Xã hôi càng phát triển thì nhiều thuộc tính phức tạp, bất định và hỗn loạn xuất hiện càng nhiều. Khi đó khoa học phương thức 1 dựa trên các giả thuyết tất định và quy giản không còn đủ khả năng lý giải được xã hội phương thức 2 như đã nêu trên. Một đòi hỏi tự nhiên, đó là sự cần thiết phải có một khoa học khác được gọi tên là khoa học phương thức 2. Mối quan hệ giữa khoa học và xã hội, bởi đó cũng phải được thay đổi. Khoa học không chỉ nói với xã hội mà còn phải tiếp thu xã hội đối đáp lại với khoa học. Đó là lý do cần đổi mới tư duy về khoa học, hay là tư duy lại khoa học (Re-thinking Science) như nhiều nhà khoa học đã gọi như vậy. Khoa học trong cách tư duy mới không còn quyền uy tối thượng là sản xuất và ban phát chân lý “khách quan”; định đoạt tính đúng sai của các nhận thức theo cách lý giải của con người hữu hạn. Ngược lại, sự phát triển của khoa học

Gắn liền với tương tác thường xuyên với bối cảnh của tự nhiên và xã hội. Các bối cảnh này bị những xáo trộn ngẫu nhiên bất định và hiện tượng hỗn loạn chi phối, không thể dự đoán trước được. Mối quan hệ một chiều, tuyến tính được thay thế bằng mối quan hệ hai chiều, phi tuyến trong đó chứa đựng bối cảnh không tường minh bị chi phối bởi các lực lượng “bên ngoài khoa học”. Các nhà khoa học chân chính đã nhận thức được: “Có những điều huyền diệu không thể biết, nhưng lại gợi mở, soi sang và dẫn dắt một cách kỳ diệu cho những hiểu biết hiện tại của con người.

Triết gia người Anh Bacon (1561-1626)- người sang lập chủ nghĩa duy vật và khoa học thực nghiệm cận đại đã nói: “khoa học nửa vời đưa người ta xa Đức Chúa Trời. Khoa học thực sự khiến chúng ta đến gần Ngài”.

Max Planck (1858-1947), nhà bác học người Đức nhận giải thưởng Nobel (1918) từng phát biểu: “Bởi vì khoa học thực sự cũng đem ra ánh sáng những giá trị của đạo đức, nó dạy chúng ta trước nhất tính chân thật và sự tôn kính. Tính chân thật trong sự vươn tới không ngừng những nhận thức luôn chính xác hơn của thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta, sự tôn kính trong sự trầm tư về cái mãi mãi không thể hiểu được, cái huyền bí của Tạo Hoá trong lồng ngực của mình”.

Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước – NXB Tôn Giáo 2005

2. Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải đáp – NXB Tôn Giáo 2000

3. Max Planck – người khai sáng lý thuyết lượng tử – NXB Tri thức – 2009

4. Thông Công – Chuyên mục Niềm Tin và Khoa Học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *