ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA DÂN VIỆT

Trong phần Đàm Đạo, Chia Sẻ này, sẽ thảo luận về đời sống TÂM LINH, THẦN BÍ (Mysticism) rất phong phú của Dân Việt . Trước tiên, cần thanh luyện , gạt bỏ các hình thức mê tín, dị đoan, phiếm thần, đa thần, để chỉ tìm hiểu những Mối TƯƠNG QUAN thần thiêng, sâu nhiệm giữa Một Đấng Tạo Hóa Siêu Việt và loài thụ sinh, hữu hạn là Nhân Loại. Trong kho tàng Đạo Đức, Linh Đạo, Tu Đức (Spirituality)của Dân Việt, ta nhận thấy những quan niệm Thần Bí như : Phối Thiên , Thần-Nhân Tương dữ của Nho sĩ, Đạo của Đạo sĩ, Niết Bàn, Phật Tính, Giác Ngộ của Phật Giáo, và Cầu Nguyện Suy Niệm, Kết Hiệp với Chúa của Thiên Chúa Giáo. Sau đây sẽ bàn luận: A/  “Tương Quan” giữa Tuyệt Đối và loài tương đối nên hiểu như thế nào? B/ Vai trò Môi Giới (Mediator) trong đời Sống Tâm Linh. C/ Nền Tu Đức, Linh Đạo cho người thời nay: Nhân Bản Hữu Thần và Nhân Bản Vô Thần là gì?

A/ Tương Quan Giữa Đấng Tuyệt Đối và loài tương đối.

Như đã trình bày trong Minh Triết  Tam Tài và trong Thần Học Thiên Chúa Giáo, tuy mọi sự mọi vật đều do Một Nguyên Lý, Một “Ông Trời” mà ra, nhưng không thể đồng hóa  Đấng Tuyệt Đối Siêu Việt với loàn thụ tạo hữu hạn làm Một Bản Thể duy nhất được. Chỉ có thể nói: giữa Ngôi Vị Tuyệt Đối đó và vũ trụ, đặt biệt   loài Người (Nhân Linh ư vạn vật)  có những Tương Quan ( Relations) rất mật thiết, về mọi phương diện: sự hiện hữu, tài năng, sống chết…

1./ “Ông Trời”, hay “Thiên Chủ” là Nguyên Lý Tuyệt Đối, là Đấng  Hóa Công tạo thành vạn vật. Ngài an bài và hướng dẫn lịch sử của mỗi dân tộc. Ngài điều khiển các định luật trong trời đất: luật tiến hóa, luật tuần hoàn của vũ trụ…Về phương diện Bản Thể, Ngài là Đấng Tự Hữu, Toàn Năng, Toàn Thiện..

2./ Trong vạn sự vạn vật ta thấy được, Nhân Loại là cao quí hơn cả, vì có trí khôn, ý chí tự do, óc sáng tạo, chính là “hình ảnh của Thiên Chúa”, vì  “Tâm”con người, tức Lương Tâm, Linh Hồn,  là nơi phản chiếu “Thiên Ý”, nơi “Phối Thiên”, tức nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người. Không có “Định Mệnh”, nghĩa là”có Trời mà cũng có ta”, Ông Trời ban cho ta quyền Tự Do quyết định về số phận của mỗi mình. Người có Thiện Tâm, tự do biết thuận theo Ý Trời trong nếp sống, trong cách đối đãi, cư xử tử tế với tha nhân, thì Trời sẽ thưởng công.

3./ Mối Tương Quan giữa Thiên Chủ và Nhân Loại như thế nào? Như đã đề cập ở trên, ước vọng “Phối Thiên”,”Hiệp Nhất với Thiên Chúa”là do  bản tính tự nhiên con người luôn qui hướng về Một Đấng là Nguồn Gốc và là Hóa Công tạo thành ra mình. Do đó, các nhà hiền nhân quân tử, các thánh nhân trong các tôn giáo đều cố công tìm những phương thức suy niệm, tu thân, luyện tánh, khắc khổ, để đạt được nguyện vọng tha thiết đó, thì đời sống con người mới an bình. Tuy nhiên, về cách thức “Kết Hiệp “như thế nào giữa Một Vị Chúa Tể càn khôn, Đấng Tuyệt Đối và loài thụ tạo, tương đối, thì có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, trong Phật Học (xin coi: Từ Điển Phật Học, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, Huế, 1999), những danh từ như : Chân Như, Phật Tính, Tính Không, Pháp, Giác Ngộ, Niết Bàn, Ngã, Vô Ngã..là những lý thuyết trừu tượng về cách siêu thoát khỏi sự đau khổ, và do nhiều trường phái giải thích khác nhau. Có một quan điểm chung giống nhau : Niết Bàn là mục đích tu hành của mọi trường phái Phật Giáo:” các phép tu học đạo Phật cũng tập trung tiến tới phương pháp đạt Niết Bàn bằng cách giải thoát hành giả ra khỏi ảo tưởng có một cái Ta. Sự ràng buộc vào một cái Ta là nguồn gốc mọi khổ đau, phải phá bỏ vô minh đó mới đạt giải thoát.. (Từ Điển  kể trên ,trang 501)

Quan niệm Giác Ngộ vô bản vị này khác với niềm Tin về Cứu Độ, An Huệ Hiệp Nhất với Thiên Chúa, về Thiên Đàng..trong Thiên Chúa Giáo. (coi: trong sách này, Chương V, Đoạn B. Thiên Đàng Vĩnh Phúc, Vĩnh Cửu là gì?). :” Thiên Đàng là các Vị Thánh Nhân được An Huệ Hiệp Thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự Sống Thần Linh, và một cách đặc biệt với từng Ngôi Vị Thiên Chúa” Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo , số 1025:” Sống ở Thiên Đàng là “sống với Chúa KyTô”. “ Thánh Nhân sống trong Chúa KyTô, nhưng vẫn giữ lại, đúng hơn , vẫn tìm thấy căn tính thật của mình, danh tính riêng của mình” . Ai đã làm việc Phức Đức nhiều, thì được hưởng Hạnh Phúc nhiều hơn tuỳ theo công nghiệp. Kẻ lành , người dữ phân biệt, số phận khác nhau, không thể “trà trộn”, không thể ”vô ngã”, ai cũng như ai được!

Bởi vậy, trong sự Hiệp Thông với Thiên Chúa là Ngôi Vị tuyệt Đối, mỗi Thánh Nhân vẫn còn giữ nhân vị của mình, vì nếu mất hết các bản ngã, thì không biết có còn “ai” nữa, để mà hưởng Hạnh Phước thật  không?

B/ Vai Trò Trung Gian Môi Giới Giữa Ong Trời và Vũ Trụ  

1/.Vì Đấng Tạo Hóa, hay Ông Trời, Thiên Chủ, Thượng Đế là Vị Chúa Tể Tuyệt Đối, còn nhân loại là loài thụ sinh, hữu hạn, nên việc giao tiếp với Trời cần qua một trung gian môi giới. Do đó, trong các tôn giáo hoàn cầu , vai trò môi giới với thế giới thần linh thuộc về giới tiên tri (prophet) tư tế . Trong truyền thống dân Việt, chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thì vị Quân Vương cũng đóng vai trò trung gian giữa Thiên và toàn dân . Lễ Tế Nam Giao chứng minh sự kiện đó, vì Vua như được quyền đại diện Trời để cai trị dân. Vua được mệnh danh là “Thiên Tử” (con Trời). Nhưng thử hỏi: suốt dòng lịch sử nhân loại, đặc biệt tại Việt Nam, đã có mấy vị quân vương xứng đáng với danh hiệu đó? Hầu hết là những ”ông trời con”, chuyên chế, hà hiếp dân chúng.

2/.Trong Thiên Chúa Giáo, vai trò Trung Gian, Môi Giới, rất quan trọng, và là cốt tủy của Đạo. Theo Giáo Lý, những công việc vượt quá khả năng tự nhiên con người không thể thực hiện được như : chuộc tội Tổ Tông Truyền, và tội phạm cá nhân, Hưởng Tôn Nhan Chúa, Trường Sinh Vĩnh Phúc…Muốn được hưởng những An Huệ đó, thì phải nhờ Trung Gian, nhờ Công nghiệp Chuộc tội của Chúa Cứu Thế GiêSu, chính Ngài là NGÔI LỜI NHẬP THỂ , là “Thiên Chúa làm Người”. Ngài vừa có Bản Tính Thiên Chúa vừa có Nhân Tính, nên mới xứng đáng làm Môi Giới giữa Thiên Chúa và Nhân Loại. Nhân Tính của Ngài, vẫn tồn tại vĩnh cửu để Đại Diện cho nhân tính của toàn thể nhân loại. Đây là niềm Tin và niềm Hy Vọng lớn lao nhất của con người, không còn sợ bị huỷ diệt nữa.

3/. Qua những lời thuyết giảng và câu thành ngữ như: “ được cá quên nơm”, “ ngón tay chỉ mặt trăng” hay “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ”..(Nghĩa Huyền thiền sư, 866), thì Phật Học không chú ý đến vai trò môi giới, trung gian giữa Tuyệt Đối và tương đối. Đức Thích Ca Mâu Ni đã khổ công tự mình tu luyện để tìm con đường Giải Thoát cho mình thành “Phật”, nghĩa là được “Giác Ngộ”. Tất cả chúng sinh, ai muốn vào Niết Bàn, thì theo lời Phật chỉ dạy, nhưng chính Phật không ban An Huệ, không  giúp đỡ ai thành Đạo được. Theo tôn chỉ “Tự Độ”, ‘Tự lực”nghĩa là tự mình đi thẳng tới và tìm kiếm Phật Tính, Niết Bàn, nhờ “Thiền”, mà không cần ai giúp đỡ, ban ơn gì. Cần nhằm đạt tới  mục đích là Giác Ngộ,  nên quên đi  những phương tiện là những lời Phật dạy, vì thế mới có kiểu nói mạnh: Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ.

C./ Nhân Bản Hữu Thần, Nhân Bản Vô Thần là gi?

a/ Chúa Cứu Thế đã công khai tuyên bố một giới luật mới, bổ túc cho giới răn cũ:

 “Hãy kính mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, và hãy yêu thương tha nhân như chính mình”; hoặc: “Hãy yêu thương tha nhân như Thày yêu mến anh em.., đã hy sinh mạng sống cho người mình thương; hơn nữa: Hãy thương yêu và tha thứ cho người thù nghịch, làm hại anh em..; và ngày Phán Xét, Chúa sẽ hỏi mỗi người: “khi xưa Ta đói, sao ngươi không cho Ta ăn, Ta khát , sao ngươi không cho Ta uống…Ý Chúa muốn dạy môn đệ một giới luật mới, từ xưa tới nay chưa thấy ai tuyên bố như vậy: Chúa muốn “đồng hóa” với con người, nghĩa là ai muốn Yêu Chúa thì việc phải thực hiện  là cũng yêu người vì người là con Chúa.

1/ Nhân Bản Hữu Thần, là nhìn nhận địa vị cao quí “trung gian” của con người trong vũ trụ, nhưng đồng thời tin rằng bản tính nhân loại luôn qui hướng về “Nguồn Gốc thần linh của mình”, do Thiên Chúa thông ban nhưng không. Bởi vậy, dầu con người được thỏa mãn đầy đủ về vật chất, giàu sang ấm no, nhưng tâm thần, đời sống con người vẫn âu lo xao xuyến như thiếu một cái gì lớn lao, tốt đẹp , một “Chân-Thiện-Mỹ” Tuyệt Đối, mà lòng người hằng mong ước. Đó cũng là ý nghĩa chính đáng của Tôn Giáo, mà theo những cuộc điều tra, thống kê gần đây, hầu hết nhân loại, bằng những danh xưng khác biệt, nhưng cũng đều tin vào Một Đấng Bề Trên cầm quyền Sinh-Tử trong vũ trụ này. Cố ý dập tắt  Niềm Tin này là “Bất Nhân”, vì trái với bản tính tự nhiên của nhân loại.

2/ Văn Hóa Việt Nam, đề cao lý tưởng sống hài hòa, quân bình:”Có Trời mà cũng có Ta”, nghĩa là con người được Tạo Hóa ban cho Tự Do, để chịu trách nhiệm và định đoạt về số phận đời mình. Nếu biết dùng Tự Do để hành động hợp với Ý Trời, ”Thuận Thiên”, nghĩa là luôn có “Thiện Tâm”, biết lánh dữ, làm lành, thì  Trời sẽ phù hộ, thưởng công như câu danh ngôn:” Hoàng Thiên bất phụ Hảo Tâm Nhân”.

3/ Nhân Bản Hữu Thần, vì qui hướng về Nguyên Lý Tuyệt Đối như Cứu Cánh cuộc đời, nhưng đồng thời cũng gắn bó với xã hội loài người, để chống lại mọi áp bức, bóc lột, “Tha Hóa” con người, nên luôn chủ trương “NHÂN HÒA”, nghĩa là về mặt xã hội, chính trị, kinh tế cần phải tôn trọng Nhân Quyền, Nhân Phẩm con người, không chủ trương giai cấp đấu tranh, dùng bạo lực để áp chế con người. Vì khả năng sáng tạo do Thượng Đế ban , nên con người luôn cộng tác với nhau để mở mang Khoa học, bảo vệ môi sinh, phát triển Kinh tế, Kỹ thuật, chống thiên tai, bệnh tật ..để phục vụ Nhân Phẩm con người.

b/ Nhân Bản Vô Thần là gì?

1/ Nói một cách tổng quát, trên lý thuyết và thực hành, người vô thần chối bỏ mối tương quan của Nhân Loại với Đấng Tạo Hóa là Nguyên Lý, và là Cứu Cánh  của muôn vật muôn loài. Vô Thần đi đôi với Duy Vật, vì chỉ tin những gì thuộc về Vật chất, và chối bỏ hay không cần xét tới Nguyên Lý Tinh Thần, không cần biết có Đấng Tạo Hóa, không tìm Hạnh Phúc Vĩnh Cửu, không tin có Hồn thiêng bất tử . Chết là Hết, như câu nói :” chó chết hết truyện”. Để diễn tả tâm địa của hạng người quá thiên về vật chất, vật dục đó, tục ngữ dân Việt có câu nói mỉa mai như: “An no ,ngủ kĩ chổng tĩ lên trời”. Trong tương quan Tam-Tài”Thiên-Nhân-Địa, thì “Nhân”, theo thuyết  duy vật, chỉ hoàn toàn chĩa mũi xuống “Đất”( ĐỊA). Họ đóng vai hề “ông địa”, trong  trong đoàn múa lân : bụng phệ, phe phẩy quạt mo, mồm cười nham nhở, làm  trò cho trẻ con vui đùa.

2/.Nhân Bản Vô Thần, chẳng những là trái với Bản tính, Ứơc vọng tự nhiên của nhân loại. Chẳng những nó chối bỏ phần Tâm Linh, hướng thượng nơi con người, nó còn định nghĩa con người là “con vật kinh tế”, nghĩa là  sống trên đời , con người chỉ có một mục đích duy nhất là mưu sinh, vật lộn để kiếm miếng ăn mà thôi! Mọi lý tưởng khác như Tôn giáo, Luân Lý, Đạo Đức, Lễ Giáo..phong tục tập quán..là  phản ánh của kinh tế mà ra, và đều là ảo tưởng. Điều cần nhấn mạnh ở đây là: những người theo thuyết duy vật vô thần này, không tôn trọng Tự Do , Nhân Quyền của những người khác, nhưng lại dùng “bạo lực” , và tạo ra “ giai cấp  đấu tranh”, để tiêu diệt đối lập.

Nói tóm lại, Niềm Tin ở Một Đấng  Hóa Công tạo dựng vũ trụ muôn vật muôn loài, là niềm Tin Chung của toàn thể nhân loại, và của Dân Tộc Việt Nam được kết tinh trong Minh Triết “Tam-Tài. Đây là Lý tưởng và Ước Vọng gắn liền với bản tính tự nhiên của con người. Chính nhờ ở Niềm Tin Chung này mới là sức mạnh, là động lực thúc đẩy sự đoàn kết, yêu thương  để đem lại Hạnh Phúc, Tiến Bộ cho toàn Dân Viêt.

Lm. Jos. Cao Phương Kỷ

Nguồn CNĐKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *