GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI THẾ GIỚI HÔM NAY

DẪN NHẬP

Trải qua suốt chiều dài lịch sử kitô giáo, Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập vẫn đồng hành với con người, cho dù Giáo Hội đã trải qua bao nhiều khó khăn và thử thách, trải qua bao nhiều sống gió cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng Giáo hội vẫn luôn đứng vững để chèo chống con thuyền của mình về tới bến cùng với sứ mệnh mà Đức Giêsu Kitô đã giao phó cho Giáo Hội.

Từ Công đồng Trentô (1545-1563), để chống lại các phong trào cải cách, Giáo Hội đã có một cuộc canh tân triệt để, đổi mới hàng ngủ lãnh đạo, định tín một số vấn đề liên quan đến Tín lý, Mục vụ và Kỷ luật. Đến Công đồng Vatican II (1962-1965), Giáo Hội như được thổi bởi một luồng gió mới, đem lại sức sống cho Giáo Hội. Giáo Hội như mở tung hết các cánh cửa đã bị khoá lâu ngày cho Thần Khí Thiên Chúa hoạt động, đồng thời Giáo Hội ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình là đồng hành với con người trong thế giới ngày ngay. Mặt khác, Giáo Hội được thúc đẩy bời Thần Khí dám nhìn lại mình để mà canh tân và đổi mới, nhưng Giáo Hội cũng đủ can đảm để nhìn vào thế giới, nhìn vào xã hội con người đang sống để rung lên những hồi chuông thức tĩnh trước sức biến đổi và phát triển của thế giới ngày nay.

Đức Gioan XXIII, muốn canh tân Giáo Hội theo tinh thần Phúc Âm, ngài đã đi con đường mở rộng trước thế giới, vì Giáo Hội có sứ mệnh cứu vớt con người, vì bổn phận chính yếu của Giáo hội mà Đức Kitô, Đấng sáng lập đã uỷ thác cho, là phải tìm cách đến với mọi người để đem Chúa Kitô vào và hoán cải tâm hồn họ.

Như vậy, để hiểu được Giáo Hội là ai chúng ta tìm về căn tính của Giáo Hội, và để hiểu được tại sao Giáo Hội phải đồng hành với con người, chúng ta phải tìm về sứ mệnh và đường lối hoạt động của Giáo Hội trong thế giới ngay nay.

 

  1. GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI CON NGƯỜI

Thật ra, Giáo Hội vẫn đồng hành với nhân loại như Đức Kitô vẫn đồng hành với các môn đệ trên đường Emmau cho đến tận cùng thời gian, thì Giáo Hội với sứ mạng của mình vẫn luôn đồng hành với con người qua mọi thời đại và luôn làm Ngôn sứ cho nhân loại này. Tuy nhiên, Giáo Hội cần phải nhìn lại chính mình để hiểu mình là ai và từ đó xác định sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.

  1. Giáo Hội nhìn lại để hiểu chính mình

Thời Công đồng Trentô, để chống lại các phong trào cải cách, Giáo Hội đặt vị trí ưu việt cho quyền lực của một bộ máy phẩm trật, bắt đầu từ vị trí của Giáo hoàng trên chóp đỉnh của kim tự tháp, rồi đến hàng giáo sĩ, đến tu sĩ và cuối cùng là giáo dân. Do đó, người ta nghĩ đến Giáo Hội “giáo sĩ trị” và độc nhất với một cơ chế hữu hình, một societas perfecta, nghĩa là một xã hội có nơi mình tất cả các phương thế cần thiết để đạt tới cùng đích của mình. Ý hướng này được nhấn mạnh trong câu định nghĩa của Robert Bellarminô về Giáo Hội: “Giáo Hội là một cộng đồng gồm những con người được hiệp nhất vì tuyên xưng cùng một đức tin và hiệp nhất trong cùng các bí tích dưới sự cai quản của những mục tử hợp pháp và nhất là của một vị đại điện của Chúa Kitô trên trần gian, Đức Giáo hoàng Rôma”. Tuy nhiên, định nghĩa này chỉ nhấn mạnh đến Thân Mình của Giáo Hội, nghĩa là đến bản chất bên ngoài của Giáo Hội mà quên đi đời sống nội tâm của các phần tử trong Giáo Hội. Vì thế, chúng ta sẽ nhìn thấy Giáo Hội trong Công đồng Vatican II đúng với bản chất của Giáo Hội hơn, mặc lấy tinh thần của Chúa Kitô nhiều hơn.

Với Công đồng Vatican II, hình ảnh Giáo Hội đã đổi khác, Giáo Hội không còn là thực tại của hàng giáo sĩ nữa mà của toàn thể Dân Chúa, hết thảy mọi người đã được Rửa Tội đều thuộc về Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội đã giữ lại và thay đổi cùng thích nghi bộ áo mới thay cho bộ áo củ (luật pháp), Giáo Hội cần một diện mạo mới (vẻ đẹp của chân lý). Hay nói cách khác Giáo Hội cần phải đổi mới bộ mặt của mình, làm tươi trẻ lại các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội, sao cho hợp với nhựa sống luôn mới mẽ của Phúc Âm. Vì thế, đã đến lúc Giáo Hội phải nhìn lại chính mình để nghiên cứu, đào sâu và diễn tả chân lý về chính mình cho mọi người và cho Thế giới.

Vậy Giáo hội là ai? Để trả lời câu hỏi này, Công đồng Vatican II đã đưa ra nhiều hình ảnh khác nhau về Giáo Hội, mỗi hình ảnh về Giáo Hội là phản ánh một thực tại mà Giáo Hội đang có và được lấy từ trong Thánh Kinh. Chúng ta có thể rảo qua một chút về những hình ảnh này, trước hết Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, định nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, vì Giáo Hội muốn làm nổi bật khía cạnh Kitô học, và huyền nhiệm của mình. Giáo Hội là Nước Thiên Chúa nhằm để diễn tả tính cách cánh chung, và một số hình ảnh khác được ám chỉ Giáo Hội như Đoàn chiên của Chúa Kitô, Cánh đồng, Công trình Kiến trúc, Gia đình của Thiên Chúa, Đền thờ của Chúa Thánh Thần… Sau hết, Giáo Hội được quan niệm như Hiền Thê của Chúa Kitô. Tất cả các hình ảnh trên nói lên các chiều kích của Giáo Hội với vị Hôn Phu là Chúa Giêsu Kitô.

Khi nói Giáo Hội nhìn lại để hiểu chính mình, có nghĩa là Giáo Hội muốn xác định căn tính của mình dựa trên các thực tại mà Giáo Hội đang có. Do đó, trong tất cả các hình ảnh trên, hình ảnh có tính chất phổ quát và bao trùm hết thảy mọi thành phần trong Giáo Hội, đó là hình ảnh Giáo Hội là Dân Thiên Chúa. Vì chúng ta nhận thấy trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, Người muốn cứu độ tất cả mọi người, điều này được diễn ta như sau: “Vị Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thánh một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”. Tuy nhiên, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành qua lịch sử thánh, bắt đầu từ lúc Israel được Thiên Chúa gọi đi tới Giáo hội Chúa Kitô với những chiều hướng phổ quát của cuộc hoàn tất trong sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Như vậy, chúng ta nhìn thấy hai chiều kích then chốt trong hình ảnh này. Một là sự liên tục lịch sử trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, thực hiện trong mầu nhiệm Giáo Hội như là dân mới của Tân Ước, với đặc tính đón nhận mọi người. Hai là Cộng đoàn sống trong đức tin của tất cả những nhóm và những hạng người tạo thành Dân Thiên Chúa.

Giáo hội tuy xuất phát từ ý định Chúa Cha và được thực hiện qua Chúa Con và được thánh hoá bởi Chúa Thánh Thần, nhưng Giáo Hội ấy vẫn mang trong mình yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh, hay nói cách khác Giáo hội vừa là thánh thiện nhưng cũng là vừa ôm ấp trong mình những con người tội lỗi. Vì thế Giáo hội thánh thiện thật nhưng một trật cũng luôn đòi được thanh tẩy, vì tội lỗi vẫn tồn tại trong Giáo hội, nhưng Giáo hội lại được Chúa Thánh Thần thánh hoá sâu xa. Chính điều này nói lên hình ảnh rất thực về Giáo Hội, “Đó là Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

Tóm lại, Giáo Hội là một cộng đoàn của đức tin, đức cậy và đức mến đồng thời là một cơ cấu khả giác, một xã hội phẩm trật và nhiệm thể Chúa Kitô, một nhóm người hữu hình và một cộng đoàn thiêng liêng, hiện hữu trên trần gian và được ban những ân huệ thiên quốc.

  1. Giáo Hội nhìn quanh để hiểu con người

Đối với Hiến chế Lument Gentium, Giáo Hội khởi đi từ trên xuống, vì Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân, ánh sáng đó đã chiếu vào thế gian và quy tụ hết thảy mọi người vào trong một dân, mà chính Người là Thủ Lãnh của Dân Thiên Chúa. Còn trong Hiến chế Gaudium et Spes, Giáo Hội khởi đi từ thực tại, khởi đi từ những bối cảnh con người đang sống trong đó, những ưu tư lo lắng của con người, một thế giới mà con người cảm thấy mất bình an khi phải đối diện với chính nó. Tất cả những ưu tư lo lắng của con người thì cũng chính là ưu tư lo lắng của Giáo Hội, vì họ là Dân Thiên Chúa, họ là cộng đoàn Chúa Kitô. Chúng ta nhận thấy điều này rất rõ trong Gaudium et Spes số 1 như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cùng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Vì thế, Giáo hội mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại, cho nên Giáo Hội cần phải hiểu rõ con người và nhu cầu của họ trong thế giới ngày nay.

Khi xác định được mối tương quan mật thiết giữa cộng đoàn Môn đệ với gia đình nhân loại, Giáo Hội thấy sự cần thiết phải tìm hiểu xã hội loài người chung quanh như hiên nay để tiến tới gần con người hơn, tôn trọng con người một cách chính đáng, nhập vào xã hội con người đang sống để phục vụ và trao cho con người sứ điệp Phúc Âm. Chính Giáo Hội được thiết lập để đến với con người chứ không phải để chỉ sống cho riêng mình mà thôi. Giáo Hội phải đối thoại với con người, đưa vào thế giới con người đang sống ánh sáng đức tin đã được trao phó cho Giáo Hội. Như thế, Giáo Hội góp phần vào công việc chung nhằm cứu độ con người và cải thiện xã hội.

Tại sao Giáo Hội phải tìm hiểu con người? Vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, có phẩm giá thiêng liêng, nhưng bị tội lỗi làm tổn thương, có cùng đích cao siêu nhưng phải vượt qua nhiều ngăn trở. Một thế giới mà con người đang sống có vẽ bất ổn, nhân loại vẫn thấy lo lắng và thắc mắc về sự tiến hoá hiện nay của thế giới, về chổ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài. Mặt khác, nhìn vào thận phận con người trong thế giới ngày nay Giáo Hội quả quyết: “Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đaọn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chống đang dần dần lan rộng tới toàn thế hoàn cầu”. Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm. Một mặt, Giáo Hội cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới con người đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất bi thẳm của nó. Mặt khác, Giáo Hội có sứ mệnh là phải cứu rồi con người và canh tân xã hội loài người. Giáo Hội một phần nào đó tự xưng mình là tôi tớ của loài người. Do đó Giáo hội quả quyết rằng: “phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa”.

  1. Giáo Hội nhìn tới để hướng dẫn con người trong Thần Khí và Sự Thật

Lập trường của Giáo Hội trong thế giới ngày nay hướng đến việc đem tinh thần Kitô giáo cho mọi người và mọi tổ chức. Giáo Hội cũng giới thiệu cho thế giới ý tưởng nền tảng của mình về mọi vấn đề lớn lao đang xảy ra trong thế giới ngày nay. Do đó, Đức Phaolô VI đã nói như sau: “Giáo Hội phải là dấu chỉ giữa các dân tộc để hướng dẫn mọi người tiến về chân lý và sự sống”.

Thật vậy, khi nói Giáo Hội nhìn tới để hướng dẫn con người, có nghĩa là Giáo Hội bằng những nỗ lực của mình để đồng hành với con người trong thân phận lữ hành, nhưng đồng thời Giáo Hội củng phải đọc ra các dấu chỉ thời đại để từ đó hướng dẫn nhân loại đi trong Ánh Sáng của Chúa Kitô. Điều này chúng ta nhận thấy rất rõ trong Gaudium et Spes, số 11 như sau: “Đáp ứng những thúc bách của Chúa Thánh Thần. Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực sự về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng của họ dự phần với những người đương thời”.

Mặt khác, chúng ta thấy Giáo Hội không chỉ đứng một mình, mà có sự hoạt động của cả Ba Ngôi trong đó. Do ý định ban đầu của Thiên Chúa. Giáo Hội được khai sinh từ ý định tự do của Chúa Cha hằng hữu, ý định đó được thực hiện qua sứ mệnh của Chúa Con và được thánh hoá bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Như vậy, chúng ta thấy rõ Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Thiên Chúa Ba Ngôi, và điều đó càng khẳng định bản chất của Giáo Hội, “vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Cho nên, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới”. Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giáo Hội trở thành bí tích để cứu rỗi nhân loại.

Như vậy, một đàng Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội quy tụ hết thảy những con người đã được Rửa Tội vào một Vương quốc có Thủ Lãnh là Chúa Kitô. Đàng khác, Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại, muốn chỉ cho nhân loại thấy con đường đích thực dẫn tới sự sống, đó chính là Chúa Kitô. Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho mọi người. Vì thế, qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Cho nên, một lần nữa Giáo Hội quả quyết: “Trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không thay đổi vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi”.

  1. SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI CON NGƯỜI

Giáo Hội với tư cách là Hiền Thê và Nhiệm Thể của Đức Kitô, chia sẻ sứ mạng của Người để thi ân giáng phúc cho toàn thể Dân Chúa. Giáo Hội vừa trưởng thành, đã thực thi trọn vẹn các sứ mạng cao cả ấy, nhất là sứ mạng vương đế, tư tế và giảng dạy, do đó người dân Chúa có cơ may được đưa dẫn đến mạch nước hằng sống là Đức Giêsu Kitô, chính Người là nguồn sống sung mãn và đầy tràn sức sống dồi dào của Thần Linh như trong Tin Mừng Gioan đã viết: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

  1. Giáo Hội trở thành chuyên viên về con người

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời gọi các giám mục phải nhìn thấy xã hội con người “đang đi vào một trật tự mới của các sự vật” và phải tín thác vào “những chương trình huyền nhiệm của Thiên Chúa quan phòng, qua bước tiến thời gian và những nỗ lực của con người, và thường vượt quá sự kỳ vọng của họ, chương trình này đang đạt đến mục tiêu của chúng và khôn ngoan sắp xếp mọi sự, vì phần ích của Giáo Hội, ngay cả những biến cố mâu thuẫn của nhân loại”. Như vậy, nhiệm vụ của Giáo Hội càng được xác định rõ hơn trong sứ mệnh của mình. Giáo Hội không thể bỏ mặc con người, không thể để con người đánh mất chính mình, ngược lại Giáo Hội phải hiểu con người rõ hơn ai hết, hiểu rõ bản tinh con người, đời sống tâm sinh lý, đời sống xã hội, để từ đó nhân loại được soi sáng bởi các chân lý mà Giáo Hội đưa ra.

Giáo Hội trở thành chuyên viên con người khi Giáo Hội hiểu rõ về con người, các nhu cầu cần thiết của con người và về thế giới mà con người đang sống. Hay nói cách khác, Giáo Hội đồng hành với con người trên mọi nẻo đường, chăm lo cho họ về tình thần và đời sống xã hội, hướng dẫn họ đi trong Chân Lý và Ánh Sáng của Chúa Kitô. Vì thế, Học thuyết Xã hội Công giáo dạy rằng: “Giáo Hội không thể giữ thái độ thờ ơ đối với các vấn đề xã hội”, mặt khác “Giáo Hội có quyền rao giảng những nguyên tắc luân lý mọi nơi mọi lúc, bao gồm cả những nguyên tắc có liên quan tới trật tự xã hội, và có quyền đưa ra các lời phê phán về bất cứ việc làm nào của con người chừng nào các quyền căn bản của con người hay việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi”.

Giáo Hội có sứ mệnh đưa con người trở về với mục đích ban đầu của Thiên Chúa, vì con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người, có lý trí, ý chí và tự do. Con người có lương tâm để nghe được tiếng nói sâu kín nhất của Thiên Chúa, luôn khao khát sự Thiện. Tuy nhiên, con người đã bị tội lỗi làm tổn thương, gây chia rẽ trong chính nội tại, làm giảm khả năng hướng thiện và bị dục vọng thống trị. Mặt khác, thế giới con người đang sống cũng bị đảo lộn, các giá trị tình thần được thay thế bởi yếu tố vật chất. Đứng trước thực trạng như vậy, Giáo Hội hơn bao giờ hết, phải đưa con người trở về ý định của Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi mọi thứ nô lệ, trả lại cho con người tự do đích thực.

Vì thế, Giáo Hội không ngần ngại giới thiệu cho tất cả mọi người trên thế giới một con người lý tưởng, một gương mẫu tuyệt với, phẩm giá và tư cách của con người được làm nổi bật, đó chính là Đức Giêsu Kitô, là Con Người Mới. Điều này càng được làm sáng tỏ khi Giáo Hội khẳng định: “Thật vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”. Vì chính Ngài đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức và phẩm giá rất cao cả của họ, và lại nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, và cả nơi chúng ta nữa bản tính ấy được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Mặt khác, Đức Giêsu là con người thật sự, vì “Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người”. Như vậy, chỉ trong Chúa Kitô chúng ta mới tìm thấy hình ảnh về con người đích thực của chúng ta, hình ảnh con người được trả lại đúng với hình ảnh ban đầu mà Thiên Chúa tạo dựng, được gọi Thiên Chúa là Cha và được sống trong tình yêu của Người.

  1. Giáo Hội ôm ấp con người như người Mẹ

Trong ánh sáng mặc khải, Giáo Hội trở thành Dân Thiên Chúa, Dân được Thiên Chúa tuyển chọn, dân đó được quy tụ vào trong một Vương Quốc, vương quốc đó đang hiện diện ngay trong trần thế này dưới một thủ lãnh là Chúa Kitô. Trong đường lối phục vụ cho Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là hình ảnh người tôi tớ phục vụ con người vì Đức Giêsu là mẫu gương đó. Mặt khác, Giáo Hội cũng là hình ảnh Người Mẹ, ôm ấp con cái mình vào trong lòng, chăm lo cho từng thành viên trong đại gia đình, canh chừng và trong coi chúng kẻo sợ chúng bị lạc đường, không còn đi đúng con đường mà Mẹ Giáo Hội đã chỉ cho chúng, đó là con đường mà Chúa Giêsu Kitô đã đi, con đường Thập giá để tiến tới vinh quang.

Giáo Hội như Người Mẹ nhìn vào thế giới con người đang sống, một thế giới phải được con cái Mẹ xây dựng và phát triển. Thế giới đó tức là thực tại thế tục có giá trị và những qui luật riêng biệt của nó. Vả lại mọi giá trị và qui luật ấy phải phục dịch con người toàn diện, dó đó thích hợp với luân lý và tôn giáo. Chính lịch sử do con người tạo nên, nhưng lịch sử hướng về Chúa Kitô là trung tâm điểm và là cùng đích. Dó đó Giáo Hội quả quyết: “Khi công bố thiên chức cao cả của con người và xác nhận con người mang trong mình một mầm mống thần linh. Giáo Hội muốn thiết lập một tình huynh đệ đại đồng phù hợp với thiên chức ấy. Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng nhân cho chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ”. Như vậy, Giáo Hội muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Giáo Hội mong muốn hết thảy mọi người trên thế giới đều được hưởng ơn cứu độ, và sứ mênh Mẹ Giáo Hội nhận lãnh từ Chúa Kitô là đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại.

  1. Giáo Hội mong muốn con người trở thành con cái Thiên Chúa

Như chúng ta đã phân tích ở trên, Giáo Hội nhìn lại để hiểu mình là ai, đồng thời Giáo Hội xác định căn tính của mình. Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập và trao cho sứ mệnh quy tụ Dân Chúa và cứu rồi con người. Một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội đó vừa có bản chất là thánh nhưng vẫn ôm trong mình những con người tội lỗi, Giáo Hội là Nước Thiên Chúa nhưng đồng thời Giáo Hội đang lữ hành, Giáo Hội vừa hiện thực lại vừa thiêng liêng. Tuy nhiên, Giáo Hội không đứng một mình mà có Thiên Chúa đồng hành cùng, vì Thiên Chúa là Đấng khởi xướng mọi sự. Theo như Thánh Irênê nói: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sống một cách dồi dào”. Vì thế, Thiên Chúa muốn cho con người sống và sống một cách viên mãn trước mặt Ngài, sống trong mối tình thâm sâu của tình yêu mà được Đức Giêsu mặc khải đó là tình Cha con.

Do đó, trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa là trung gian Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội có vai trò đặc biệt với sứ mệnh cao cả của mình là dẫn đưa con người về với Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho Giáo hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội, mục đích Người ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo. Như vậy, nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là phục vụ sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng các dân tộc, phải là một dấu chỉ mang tính phổ quát của ơn cứu chuộc Kitô giáo. Đó là hiệu quả của mầu nhiệm vượt qua, trong đó ơn cứu độ không chỉ dành cho các tín hữu mà còn dành cho hết thảy mọi người, và được Công đồng diễn tả như sau: “Điều đó không những áp dụng cho người tin vào Chúa Kitô nhưng còn cho mọi người thiện chí, ơn Thánh đang âm thầm hoạt động trong lòng họ. Chúa Kitô đã chết cho mọi người, vì thế chúng ta tin Chúa Thánh Thần ban cho mọi người phương thế để họ có thể thông phần trong Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, cách nào chỉ có Thiên Chúa biết thôi”.

Chúng ta có thể nhận ra ý định rất thiết thực của Thiên Chúa là Ngài muốn thiết lập một Vương Quốc ngay ở giữa thế gian này, ở đó vì mục tiêu của Vương Quốc mà vai trò của Giáo Hội trở thành Dân Thiên Chúa, Dân được tuyển chọn. Thật vây, “phát sinh từ tình yêu Chúa Cha vĩnh cửu, do Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc thiết lập trong thời gian, được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội có mục đích cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời kỳ sẽ đến”.

Mặt khác, Dân Thiên Chúa vốn là bí tích của sự hiện diện Chúa Kitô trong thế giới, là cùng một Giáo Hội mà là sự hiệp thông trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, và sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa những con người vốn cấu thành thực tại đặc biệt là Giáo Hội, và việc mà Giáo Hội cử hành nơi hành vi thờ phượng cốt yếu của mình là điều mà dân tộc lữ hành phải mang đến cho thế giới bằng cách công bố mầu nhiệm ấy qua lời và nhập thể nó trong đời sống và phục vụ. Vì thế, Giáo Hội mà thế giới cần là là Giáo Hội vốn phải rõ nét về chính mình, về điều phân biệt Giáo Hội là điều vốn làm cho Giáo Hội liên hệ với thế giới của lịch sử con người một cách rõ ràng và trực tiếp nhất. Mầu nhiệm của Giáo Hội được hiện thực trong lịch sử của thế giới.

KẾT LUẬN

Qua tìm hiểu đề tài “Giáo Hội đồng hành với con người trong thế giới ngay nay” qua một số tài liệu, đặc biệt trong hai Hiến chế Lument Gentium và Gaudium et Spes, chúng ta có thể rút ra một số kết luận như sau:

Trước hết, Giáo Hội đồng hành với con người trong thế giới ngày nay là một Giáo Hội phải hiểu rõ chính mình hơn ai hết, hiểu rõ căn tính và sứ mạng của mình để rồi từ đó Giáo Hội hiểu rõ con người và đồng hành với họ trên đường về quê hương đích thực. Giáo Hội đồng hành với con người cũng có nghĩa Giáo Hội được “Nhập Thể”, là một cộng đoàn bắt đầu từ Ngôi Lời đã trở nên Xác Phàm, bởi một Thiên Chúa đã chọn con đường nhập thể vào lịch sử nhân loại và dẫn đầu đoàn dân hành hương đi trên con đường xuyên qua lịch sử ấy.

Thứ đến, qua Công đồng Vatican II, chúng ta nhận thấy Giáo Hội đã mở những cánh cửa sổ của mình và đưa vào nguồn không khí trong lành làm dịu mát những tâm hồn trong Giáo Hội và cũng là niềm hy vọng cho những con người chưa thuộc Giáo Hội. Giáo Hội tiến tới việc nhận ra thế giới là bạn đồng hành của mình trên con đường cứu rỗi. Vì thế, góp phần vào việc xây dựng xã hội nhân loại tốt đẹp hơn, Giáo Hội được ví như “một loại men và linh hồn của xã hội loài người”. Như vậy, Giáo Hội một cách nào đó làm chứng cho thế giới về tính phổ quát của ơn cứu chuộc, một sự hiện diện đặc biệt của Kitô giáo trong thế giới.

Tóm lại, Dân Thiên Chúa là những phần tử của Giáo Hội, không thể không biết Giáo Hội nghĩ gì về con người và Giáo Hội làm gì cho con người. Phải chăng họ đã được Giáo Hội “sai đi” như những chứng nhân. Giáo Hội mời gọi tất cả các phần tử của mình chân thành dấn thân để cho mọi người được tăng trưởng và xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và huynh đệ. Giáo Hội không hề muốn thay thế các thể chế xã hội hoặc hoạt động của con người, cá nhân hay tập thể, Giáo Hội chỉ mong ước được thi hành sứ mạng đặc thù của mình. Nhưng qua các phần tử, trong tinh thần đối thoại và cộng tác huynh đệ, Giáo Hội muốn tham gia chính đáng vào đời sống con người, để phục vụ toàn thể các dân tộc trên thế giới và nâng cao tinh thần liên đới, bác ái và tình huynh đệ giữa các thành phần của của xã hội. Khi tham gia tích cực vào việc phát triển nhân bản và tinh thần của con người, theo chỗ đứng và ơn gọi riêng của mình, Giáo Hội “không phải chỉ thông truyền sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giải ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới, Giáo Hội tái lập và thăng hoa phẩm giá con người, củng cố sự đoàn kết của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và ý nghĩa sâu xa hơn”. Vì thế, xây dựng Giáo Hội và hoàn tất sứ mênh của Giáo Hội trong thế giới là công việc của toàn thể các tín hữu.

——————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Thánh Công đồng Chung Vatican II, Bản dịch của Giáo hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt, năm 1972.

2 Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG, NXB Tôn Giáo, năm 2007.

3 Maureen Sullivan, 101 Câu hỏi và Trả lời về Công đồng Vatican II, do Trương Văn Khoa dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2004.

4 Đức Hồng y Renard, Tinh thần Công đồng cởi mở với đời, Huy Hà dịch, Sài Gòn 1970.

5 Nguyễn Thế Thoại, Giáo Hội đi trong Nhân loại, Tài liệu lưu hành nội bộ, 1991.

6 Nhiều tác giả, Yves Congar, Con người và Tư tưởng, Trung tâm Học vấn Đaminh, năm 2005.

G.B. Trần Ngọc Long, SVD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *