LÝ TƯỞNG SỐNG

Câu truyện đời thường

 

Trong tập thơ có tựa đề “Muôn nghìn lý do để sống”, Đức cha Helder Camara, người Brasil, nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại chuyện ngụ ngôn như sau:

Bên cạnh nhà tôi có con chim sáo. Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó.
Tôi hỏi: ngươi có nơi ngủ nghỉ không?
Chú sáo ngạc nhiên trả lời: Có chứ! Màn là trời, chiếu là đất, có khi nào thiếu đâu.
Tôi hỏi nó: Vậy những lúc mưa gió trú ngụ ở đâu?
Nó nhanh nhẩu trả lời: Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần phải tắm gội hay sao?
Tôi hỏi nó có đói không?
Nó mỉm cười đáp: Điều tôi muốn là được hót, tôi sinh ra là để hót mà. Thế rồi nó cất tiếng hót: Hỡi loài người kiêu ngạo, mi hãy nói cho ta biết, liệu mi không phải chết sao?
Tôi nài nỉ chú sáo nhận cho món quà của tôi, là ít bánh mì có thịt.
Chú sáo cười cợt sự ngây thơ của tôi. Và bảo: bộ ông không biết rằng loài sáo chúng tôi không ăn bánh mì và thịt, giống như các ông sao?
Tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không? Nó không hiểu được câu hỏi của tôi, nó chỉ cười trả lời: có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi, nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót.
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào trong bệnh viện để nhà bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Thế nhưng, tôi chợt nhớ ra rằng nó chỉ là một con chim.

 

Câu truyện Lời Chúa

 

Đức Giêsu nói: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Ngài kể tiếp dụ ngôn, là có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì kho lẫm đã chất đầy. Rồi ông ta quyết định phá hết các kho cũ đi, xây lại những kho mới, lớn hơn để chứa thật nhiều hoa màu. Và tự nhủ rằng: hồn ta hỡi, bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!
Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? (Lc 12,13-21).

 

Câu truyện của chúng ta
Truyện ngụ ngôn trên thật ý nghĩa. Nhận định một cách khéo léo, tinh tế và rất thực tế về con người, không những thời xưa mà cả thời nay nữa.
Chim sáo biết rõ nó là ai và là gì. Nó không quá bận tâm về cuộc sống cơm ăn, áo mặc, chỗ ở,  khi đau yếu, hay đầu tư tích trữ. Nó sống rất tự do, tự do đúng như chim. Nó sinh ra là để hót. Vì thế, dù vui hay buồn, bình an hay đang hoảng sợ, nó vẫn hót. Hót là sở thích và là nhu cầu để phục vụ của nó. Và biết rõ những thứ gì ảnh hưởng đến sinh mạng, như thực phẩm… thì nó sẵn sàng từ chối.
Đang khi ấy, con người vốn là loại thụ tạo cao cấp, nhưng dường như nhiều người, nhiều nơi, đã không bằng loài chim. Khi chỉ biết lo cho cơm áo, mà coi nhẹ các giá trị tinh thần. Lo cho tiền bạc mà không chú trọng đến giá trị đạo đức làm người. Lo cho đời này mà không lưu tâm đến đời sau. Lo làm đẹp những giá trị tầm thường và sao lãng những giá trị cao thượng. Lo đầu tư cho đời này mà không đầu tư cho đời sau. Lo tìm kiếm những của cải mau hư nát, còn của cải muôn đời tồn tại là tình yêu, bao dung, tha thứ, thiên đàng, thì coi nhẹ hay bỏ quên.
Con người, dù có kiến thức và trí khôn, vậy mà, quá nhiều người, nhiều nơi, biết rõ lắm thứ nhiều điều ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tương lai, đến gia đình, Giáo hội và xã hội, đến tình bạn, tình yêu và cuộc sống, vậy mà vẫn làm, vẫn theo, vẫn học đòi. Đôi khi còn coi đó là hợp thời, rồi hãnh diện. Từ thực phẩm đến trang sức, từ báo chí đến phim ảnh. Rồi đến các thói xấu do xác thịt gây ra như: chè chén say sưa, bài bạc số đề, ngoại tình gian dâm, bất trung bất hiếu, tự kiêu tự đại, kiêu căng hống hách, ghen tuông ghen tỵ, lười biếng khô khan, tục tằn cố chấp, ngồi lê mách lẻo, thêm điều đặt chuyện…
Tin Mừng Luca cho thấy rõ người phú hộ đã chọn lý tưởng đời mình là kho lẫm, là của cải vật chất và an phận với những bảo đảm chóng qua ấy. Hình ảnh này đáng để con người suy gẫm, để soi rọi đời mình, xem thứ gì đang chế ngự lý trí, tâm hồn và cuộc sống của ta. Và giá trị ấy là gì? Thiên Chúa, thiên đàng, tình yêu, đạo đức, siêu nhiên hay chỉ những thứ có giá trị ngắn hạn, tạm thời mà thôi.

 

Hãy nhớ lời thánh Phaolô nói rất hay: Mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại là Tình yêu.

 

Hãy nhớ lời Đức Giêsu nói: Đồ ngốc, nội đêm nay, ta đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?
Hãy nhớ rằng ta từ Thiên Chúa mà ra thì sẽ phải trở về với Ngài. Chẳng có gì ngoài Ngài có thể bảo đảm tuyệt đối cho ta.
Hãy nhớ rằng mọi thứ ta có được ở đời này là khập khiễng, bất toàn, phải cẩn thận khi tìm kiếm, đầu tư, cậy dựa và sử dụng.
Sống có lý tưởng sẽ tạo cho con người sức mạnh để phấn đấu, cố gắng, và đầu tư để đạt được mục đích. Còn thiếu lý tưởng sống, con người sẽ trở nên yếu nhược, vô hồn, thiếu can đảm và nghị lực, thiếu nhẫn nại và vượt khó, cuộc đời trở nên thụ động, trôi nổi dật dờ.
Sống có lý tưởng không những chỉ giúp ích cho bản thân, mà còn phải phải giúp ích cho đời, cho người.
Sống có lý tưởng không chỉ có giá trị trước mắt, mà còn phải có giá trị lâu dài, đời đời.
Lý tưởng sống của người tín hữu là dù sống hay chết, lúc nào cũng được sống trong nhà của Đức Chúa Trời, trong tình yêu hiến thân của Chúa Giêsu và trong hơi ấm của Chúa Thánh Thần.
Lý tưởng sống của người con Chúa là từng bước theo Ngài. Nắm chặt tay Ngài. Tư tưởng, ý chí, tâm hồn luôn hướng về Ngài, giống như Phiero đi trên mặt biển được là nhờ mắt luôn nhìn Đức Giêsu và can đảm bước tới.
Lý tưởng sống của người con Chúa là trung thành với Ngài, dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, đau khổ, hiểu lầm. Hãy luôn an tâm, dù người đời có bỏ ta, thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ta. Vì ta là trung tâm, là mục tiêu chính để Ngài yêu mến, phục vụ và chăm sóc.
Nếu đặt giá trị cuộc sống ở vật chất và lý tưởng cuộc đời ở đời này thì thật nguy hiểm. Vì khi mọi sự kết thúc, ta không còn gì cả.
Trần gian sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho mọi vấn đề của con người, từ bất công hay công bằng, lương thiện hay tội ác, trung tín hay bất trung, ích kỷ hay vị tha, tha thứ hay cố chấp, yêu mến hay ác độc…
Lý tưởng sống là sống cho ra sống. Sống có ích, sống có giá trị trong hiểu biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Linh, nhờ vậy, con người mới thể hiện rõ nét tư cách làm con hiếu thảo của Chúa, khi hoàn toàn cậy dựa và phó thác cuộc đời cho Ngài.
(Thánh kinh trích từ BD NGKPV)
THANH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *