Liệu những thất bại của tôi có thể dạy tôi những bài học quý báu không?
LỜI CHÚA
Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn;
Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót.
(Châm ngôn 28:13)
Nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy. (Hê-bơ-rơ 12:10-11)
Chúng ta giống nhau ở điểm nguy cơ thất bại đang rình rập mọi người. Nhưng chúng ta lại khác nhau sau khi thất bại. Ai cũng có thể vấp ngã phạm tội, nhưng sau đó có người vẫn là tội nhân, có người trở thành thánh nhân. Ai cũng bị sửa phạt, nhưng có người trở nên tệ hơn, có người trở nên tốt hơn.
Cùng thất bại trong tội lỗi, có người cứ sống trong thất bại, cứ đắm chìm trong tội lỗi, nhưng có người không muốn làm nô lệ cho tội lỗi. Người thì giữ tội, giấu tội, sống chung với tội lỗi, nhưng người thì xưng tội và từ bỏ tội lỗi.
Cùng bị Đức Chúa Trời sửa phạt, có người từ đầu đến cuối buồn bã và bất an, có người lúc đầu là buồn bã, tuyệt vọng nhưng cuối cùng lại vui mừng và bình an. Khi bị sửa phạt, có người luôn luôn bướng bỉnh, cứng cỏi, không chịu rút ra bài học cho bản thân, nhưng có người tra xét bản thân và tự rút ra bài học cho bản thân.
Từ những thất bại của mình, có người trở nên trưởng thành trong đời sống thuộc linh, nhận biết ý muốn của Chúa đối với cuộc đời mình và kính yêu Chúa nhiều hơn thay vì cứ sống trong tình trạng ấu thơ về tâm linh.
Đức Chúa Trời có thể dùng những thời điểm vấp ngã của bạn, hoặc dùng sự sửa dạy của Ngài đối với bạn để thay đổi đời sống của bạn. Vấn đề là khi thất bại, khi chịu sự sửa phạt, bạn có:
-Tra xét chính mình. Đây là cơ hội để bạn xác nhận mối liên hệ giữa mình với Chúa, cơ hội giải quyết những tội lỗi trong đời sống, cơ hội nhận được sự thương xót của Chúa, cơ hội tái lập sự tương giao với Ngài.
-Tìm thấy ý Chúa. Đức Chúa Trời có thể dùng thất bại của bạn để dẫn dắt bạn vào một hướng đi, một cách sống đúng theo ý muốn của Ngài. Thay vì oán Chúa, hận người, bạn hãy tập trung khám phá điều Chúa muốn dạy dỗ bạn qua thất bại. Trưởng thành về mặt tâm linh là một trong những mục đích quan trọng nhất trong cuộc đời của Cơ Đốc nhân.
MỤC ĐÍCH QUAN TRỌNG
Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài. (Rô-ma 8:28 – Bản Truyền Thống Hiệu Đính)
Oaktreevu