PHÉP BÁP-TÊM

Chú giải:

Ma-thi-ơ đã dựa vào Mác để viết bài tường thuật này. Cách diễn tả thẳng và thiếu khéo léo của Mác đã làm cho Giáo Hội sơ khai phải lúng túng, vì Đức Giê-xu là Đấng vô tội thì không thể nào lại phải nhận phép rửa tha tội của Giăng. Nên Ma-thi-ơ đã bỏ đoạn của Mác nó về sự tha tội và thêm cuộc đối thoại giữa Đức Giê-xu và Giăng.

“Công chính” : câu này làm ta liên tưởng đến đoạn Êsai 42, 6 trong bài đọc thứ nhất : “Ta đã gọi ngươi trong công lý”, nghĩa là để chu toàn ý định của Ta về lịch sử cứu rỗi nhân loại. Vì thế, việc Đức Giê-xu nhận phép rửa của Giăng Báp-tít đã được Thiên Chúa dự định trước trong kế hoạch của Ngài, và để Đức Giê-xu được giới thiệu như là người tôi tớ của Gia vê Thiên Chúa.

Thần Linh Thiên Chúa ngự xuống trên Đức Giê-xu là dấu chỉ Ngài được xức dầu tấn phong là Đấng Mêsia (Cv 10, 37-38)

“Tiếng từ trời” : theo Mác, tiếng đó nói rằng “Con là”, còn Ma-thi-ơ thì nói “Đây là”. Tất cả có ý muốn giới thiệu cho những người khác đang hiện diện ở đó rằng Đức Giê-xu là Con Thiên Chúa. Một lần nữa Đức Giê-xu được tỏ ra cho nhân loại, như một lễ Hiển Linh thứ Hai.

Chúa Giê-xu và phép Báp-têm (Rửa tội)

Hôm nay là ngày lễ lớn, Chúa chúng ta được Giăng Báp-tít thanh tẩy nơi sông Giodan. Vì khi Chúa nhận phép rửa, thì Thánh Thần ngự xuống trên ngài bằng hình chim Bồ Câu, và người ta nghe được tiếng Chúa Cha phán ‘Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Trên Trời có Lời Chúa phán, dưới đất có Ngôi Con xuất hiện và Chúa Thánh Thần ngự xuống với hình chim bồ câu. Vì vậy, nơi nào không có Ba Ngôi, thì nơi đó không có thanh tẩy và tha tội thật sự, vì chẳng thể nào ban phép tha tội mà lại không tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa là một và là duy nhất, nên chỉ ban một lần mà thôi. Khi Chúa nhận phép rửa, Nước Trời đã mở ra cho người tin. Nên “ai tin và sinh lại bởi ơn trên thì được vào Nước Trời” (Giăng 3, 5). Chúa chúng ta đến thánh hoá nước rửa tội, vì Ngài không có tội. Nhờ nước này, ta được xoá tội.

Ngày xưa, khi dân Chúa chọn đã băng ngang sông Giócđan mà vào đất hứa, thì ngày nay, nhờ dòng nước của cùng một sông Giócđan đó, con đường đầu tiên đã hé mở để đưa đến Đất Hạnh Phúc là Nước Trời đã được hứa ban cho chúng ta. Xưa kia, Ađam đã đóng cửa trời lại thì nay Ađam mới là Đức Giê-xu từ dưới nước lên, Người nâng thế gian lên cao với Người. “Các tầng Trời mở ra” (Mt 3, 16).

Thiên Chúa khiêm hạ vô cùng : là Thiên Chúa nay trở thành người, xếp ngang hàng với các tội nhân và dìm mình dưới dòng sông. Đó là hình ảnh tột cùng của phép rửa bằng Máu Thập giá sau này. Đây là dấu chứng của sự từ bỏ tuyệt đối, vô biên.

Giăng Báp-tít và phép Báp-têm

Đây là hình ảnh Cựu Ước. Hầu như dân tộc nào trên thế giới cũng ý thức sâu xa về thân phận tội lỗi của mình và muốn được Thánh Thần tha thứ bằng một nghi thức nào đó. Như ở Ấn Độ, người ta đến trầm mình trong nước sông Ganges (Hằng Hà). Người Ai Cập vẫn đến tắm gội trong giòng sông Nil để mong được Thần Minh tha thứ. Ở Việt Nam chúng ta có thứ nước “Giọt Nước Cành Dương, Giọt Cam Lồ” mà dân gian tin rằng có tác dụng thanh tẩy bên trong. Dân Do Thái ngày xưa cũng đã có những nghi thức Thanh Tẩy : Tẩy rửa những ai đụng phải vật nhơ (Ds 19,11-22) ; Những ai có bổn phận lễ bái (2Sm 12,20) ; Những người ngoại giáo trở về với Dothái Giáo; Những người theo Phái Damasci, Essêni tại Qumran vẫn thanh tẩy hằng ngày.

Phép Báp-tem  của Giăng Báp-tít thì cao hơn hẳn, tuy không tha tội, nhưng dọn lòng thống hối để lãnh ơn tha tội. “Chuẩn bị đón nhận phép rửa bằng Lửa và Thánh Thần” (Mt 3,11).

Giăng giúp người chúng ta nhận ra mình là tội nhân và đặt niềm hy vọng Thiên Chúa cứu rỗi. Dân chúng, lính tráng khắp nơi tuôn đến với Giăng Báp-tít, chứng tỏ việc làm của Giăng Báp-tít rất tốt lành.

Sự khác biệt giữa phép Báp-tem  của Giăng Báp-tít và phép rửa của Chúa Giê-xu

“Tôi làm Phép Báp-tem cho các anh trong nước, để dục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi, thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm Phép Báp-tem  cho các anh trong Thánh Thần và Lửa”(Mt 3,11).(NGKPV)

Phép Báp-tem của Giăng Báp-tít chỉ là dấu chỉ của của lòng sám hối còn phép Báp-tem  của Chúa Giê-xu là Mầu Nhiệm ban ơn Tái Sinh.

Phép Báp-tem  của Giăng Báp-títtập cho chúng ta biết khước từ đời sống tội lỗi còn phép Báp-tem của Chúa Giêsu ban sự sống mới, đời sống ân sủng, sự sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh.

Mẩu truyện suy tư

Bà già 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16 : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời”. Bà đáp : “Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không học biết Ngài”. Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu : “Sinh 1825. Sinh lại 1925.”

Hiệu quả

Nhờ Mầu nhiệm Báp-tem (Rửa tội), mọi tội lỗi đều được tha: Nguyên Tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội. Ai được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu qủa của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa. Tuy nhiên, người đã được Rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời như đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối, sự hướng chiều về tội.

Mầu nhiệm Báp-tem không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tín hữu trở nên Một thụ tạo mới(2C 5,17), thành con Thiên Chúa (Gal 4,5), được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), thành chi thể của Đức Kitô và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần (1C 6,19). Tha tội, sạch tội và nhận lãnh Chúa Thánh Linh (CV 2:37-41)

Chúa Ba Ngôi ban cho tất cả những ai được Báp-tem (Rửa tội) ơn Thánh Hóa, ơn Công Chính Hóa để người đó :

. có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Chúa nhờ các nhân đức Tin – Hy Vọng và Tình yêu.
. có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các Hồng Ân.
. có thể hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.

Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người kitô hữu đều bắt nguồn từ Mầu nhiệm Báp-tem (Rửa tội).

Kết luận

Thanh tẩy nhờ xối nước, trầm mình, vảy nước lên trán (không phụ thuộc vào hình thức, miễn là có nước, có Lời Chúa và đức tin khi chịu phép Báp-têm . Một lần nhưng lại không phải một lần. Đời ta là một chuỗi ngày của thanh tẩy. Thanh tẩy mọi chuyện xảy ra trong đời.
Thanh tẩy bởi những gian truân thử thách, vì dòng nước xoáy này rửa sạch chúng ta khỏi giả dối và vô dụng.
Thanh tẩy bởi những đau khổ, vì dòng nước âm u này giúp chúng ta khiêm tốn và biết cảm thông.
Thanh tẩy bởi niềm vui, vì dòng nước róc rách này cho ta cảm nghiệm sự tốt lành của cuộc sống.
Thanh tẩy bởi tình yêu, vì nhờ dòng nước líu lo này chúng ta sẽ tươi nở như cánh hoa dưới ánh mặt trời.
Mầu nhiệm Thanh Tẩy giống như trồng một cây non, nó sẽ tiếp tục lớn lên suốt trọn đời ta. (Flor McCarthy).

THANH THANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *