TÌNH YÊU CƠ ĐỐC QUA THƯ IGIĂNG

TÌNH YÊU CƠ ĐỐC QUA THƯ I GIĂNG

Trần Đắc Điệp

Chương I

Dẫn Nhập

Tình yêu vốn là một đề tài muôn thuở được nói đến rất nhiều từ trước đến nay. Tình yêu thì có muôn màu muôn vẻ nhưng điều đáng buồn cho mỗi chúng ta là để hiêủ cho thật rõ về tình yêu thì quá ít. Một ai đó đã nói rằng: “Tình yêu thì xưa như trái đất nhưng lại mới trong mỗi người”. Điều ấy quả không sai, vì mỗi một người khi đề cập đến tình yêu thì đều có những ý niệm khác nhau. Tình yêu vốn là một nhu cầu vô vùng cần thiết cho toàn thể nhân loại sống trên hành tinh này, ai nấy cần được yêu và cần được quan tâm từ một người khác. Tuy nhiên, để tìm thấy tình yêu đích thực là một điều không đơn giản chút nào, không phải ai cũng làm được nếu chỉ yêu bằng thứ tình yêu vị kỷ của con người. Trong khi chúng ta đang sống trong một xã hội mà một số nền văn hóa vốn dạy con người chỉ biết sống trong ích kỷ thì tình yêu lại càng hiển thị cách mờ nhạt hơn bao giờ hết. Để thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề, thiết tưởng không gì khác hơn chúng ta hãy quay về với nguồn cội của tình yêu. Tình yêu được bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa, chính nơi ấy sẽ cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực nhất về tình yêu. Để thấu hiểu tình yêu trước hết chúng ta sẽ nhìn nó qua lăng kính của Đức Chúa Trời, như điều mà nhà giải kinh William Macdonald đã từng nhận định:

Ngay từ đầu định kỳ của tình yêu Cơ đốc, yêu thương anh em được được truyền dạy như một bổn phận thiên thượng, yêu ở đây không dùng theo nghĩa tình bạn hay chỉ là tình cảm suông của con người, nhưng là tình yêu thiên thượng, là yêu người khác như Đấng Christ đã yêu chúng ta. Thực ra không thể yêu như vậy nhờ sức riêng của cá nhân mình nhưng chỉ nhờ quyền năng do Thánh Linh ban cho.

Trên một cái nhìn tổng thể thì tình yêu có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, huyền nhiệm và tầm quan trọng của nó hết sức lớn lao cho mỗi con người. Đặc biệt hơn ý nghĩa nguyên thủy của tình yêu chính là tình yêu Cơ đốc. Vì cớ tình yêu phát nguyên từ Đức Chúa Trời nên cần được đề cao, thể hiện rõ ràng và thực tiễn nhất hầu đem nhiều người bước vào mối quan hệ yêu thương ấy một cách sống động khi họ đang bước đi giữa thế giới đầy những sự thù nghịch này. Đó là lý do vì sao mà trong bức thư thứ nhứt, sứ đồ Giăng đã trình bày khá chi tiết. Ông nói về tình yêu Cơ đốc, một tình yêu có từ lúc ban đầu. Tình yêu đem lại sự gây dựng lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau mà mỗi Cơ Đốc Nhân sở hữu tình yêu đó như là thứ tình yêu “độc quyền” của Cơ Đốc Giáo mà người thế gian không bao giờ có được. Những ai đã kinh nghiệm tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho chính mình thì người đó có thể tự do yêu người khác bằng chính tình yêu ấy. Để luận về tình yêu thì nhiều người đi trước đã có những công trình ngiên cứu hết sức sâu rộng, thế nhưng riêng về phần người viết chỉ giới hạn trong phạm vi tình yêu Cơ đốc qua thư thứ nhứt của sứ đồ Giăng mà thôi. Trong bài khảo cứu này, người viết sẽ đề cập đến ít nhất ba phần trong đó có những vấn đề liên quan đến tình yêu Cơ đốc từ bức thư thứ nhứt của sứ đồ Giăng. Tại đây ngay từ phần đầu chúng ta sẽ nhận diện được nguồn cội của tình yêu Cơ đốc, sang phần tiếp theo người đọc sẽ khám phá ra phương cách để nhận lấy tình yêu Cơ đốc và cuối cùng người viết đề cập đến dấu hiệu để nhận biết những người ở trong mối quan hệ yêu thương này được biểu lộ như thế nào qua bức thư mà sứ đồ Giăng đã mô tả. Để rồi từ đó có thể rút ra một số bài học cách thực tiễn cho mỗi Cơ đốc nhân ngày nay bước vào mối thông công đặc biệt của tình yêu Cơ đốc và hấp dẫn nhiều người khác đến với tình yêu này. Điều trước tiên người viết sẽ nói về nguồn cội của tình yêu Cơ đốc .

Chương II

 Nguồn Cội Của Tình Yêu Cơ Đốc

A. Tình yêu đến từ Đức Chúa Trời

Nếu có một ai đó hỏi rằng: Tình yêu bắt nguồn từ đâu? Ai đã tạo nên thứ tình cảm diệu kỳ đó? Có lẽ sẽ có không ít người lúng túng không biết tình yêu đến từ đâu? Tuy nhiên, đối với một Cơ đốc nhân thì câu trả lời thật quá dễ dàng, vì chúng ta có một luận chứng rõ ràng và chính xác rằng tình yêu bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Ngài là nguồn cội của tình yêu. Thánh kinh chép:“Ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương”. Tại điểm này sứ đồ Giăng không viết: “Đức Chúa Trời có tình yêu” nhưng ông đã viết “Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” Tình yêu thương chính là bản chất của Ngài, để lý giải cho điều này các nhà giải kinh đã cho biết:

Đây không phải là một trong những công bố vĩ đại nhất mà còn là một tuyên bố khó tin nhất đối với một số người. Họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời dứt khoát không chuốc lấy rắc rối với những cá thể con người vốn chỉ là những đốm bụi trong vũ trụ, họ không nghĩ được tính bao la của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của tình yêu thương….Nói Đức Chúa Trời yêu thương không có nghĩa tình yêu thương là Đức Chúa Trời. Tình yêu thương không định nghĩa Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Trời định nghĩa tình yêu thương. Mọi điều Đức Chúa Trời làm, Ngài đang làm trong trong tình yêu thương. Khi Ngài tạo dựng vũ trụ, Ngài đã dựng nên trong tình yêu thương. Khi cai trị vũ trụ, Ngài cai trị trong tình yêu thương. Ngay cả khi đoán xét, Ngài cũng đoán xét bằng tình yêu thương. Ngài tiếp tục yêu thương ngay cả khi đối tượng không xứng đáng được Ngài yêu. Ngài là suối nguồn yêu thương tối cao, và dòng suối tình yêu này không bao giờ dứt .

Thật vậy, đây chính là nguồn gốc của tình yêu Cơ đốc mà chỉ có những ai trong Chúa mới cảm nhận được điều này. Ngoài ra có một vấn đề mà hầu như con người chúng ta hay suy nghĩ rằng tình yêu mang tính chất trừu tượng nên rất khó định nghĩa được nó ra thể nào? Khi nói về yêu thương thì nó bao hàm nội dung của một tình cảm cao độ, được diễn tả như sự bùng dậy, là đỉnh cao mà con tim đạt đến mức cảm thông khi nghĩ đến một người gần gũi thân thiết với chúng ta. Thế nhưng khi đề cập đến việc yêu thương người lân cận và thậm chí là yêu kẻ thù nghịch mình thì hầu như nhiều người sẽ thối lui ngay, dường như mọi nổ lực của chúng ta đều không đạt đến mức độ ở đỉnh cao bởi cớ chúng ta chưa hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu và nền tảng của tình yêu thương đặt trọng tâm ở đâu? Hay nói khác đi, tình yêu ấy bắt nguồn từ đâu? Con người của mọi thời đại sẽ luôn đặt câu hỏi cho đến khi nhận biết tình yêu từ nơi thiên thượng. Rõ ràng trong mức độ tối đa của con người tình yêu dường như chỉ đạt đến chỗ phải lòng nhau, cảm thông nhau chứ không thể nào đạt đến mức độ thiện mỹ. Đức Khổng Tử cho rằng: “Duy quân tử năng ái nhân, năng ố nhân”. Điều đó có nghĩa là chỉ có người quân tử mới biết yêu người và biết ghét người. Riêng đối với người Hy-lạp thì họ phân biệt điều này ở từng mức độ khác nhau. Họ biết rõ tình yêu vốn là sự đam mê và nổi khát vọng có cường độ lấn át tất cả, cho nên họ gọi nó là Eros. Họ biết rõ loại tình yêu thương bền vững của tình cảm xuất phát từ kinh nghiệm cùng nhau đối mặt với cuộc sống, loại tình yêu bền vững buộc chặt hai người lại với nhau ngay cả khi đam mê không còn nữa thì họ gọi nó là Philia. Họ biết rõ tình yêu của một đứa con đối với cha mẹ nó, một đứa con trai dành cho mẹ, một đứa con gái dành cho cha, một anh em trai cho một chị em gái, một loại tình yêu mà tình dục không dự phần vào họ gọi nó là Stogẽ. Thế nhưng, tình yêu mà Chúa Giê-xu đòi hỏi không phải là loại nào trong số tất cả những điều đó. Tình yêu Cơ đốc chính là Agape. Tình yêu đó đến từ Đức Chúa Trời và Ngài không loại trừ cả người gian ác chống nghịch với Ngài, tình yêu ấy được tìm thấy rất nhiều qua lời dạy của Chúa Giê-xu và ở đây sứ đồ Giăng một lần nữa nhấn mạnh rằng: “Đức Chúa Trời là tình yêu.”Từ điểm này nhà giải kinh William MacDonald đã nhận thấy: “Yêu thương là bản chất của Ngài, không hề có tình yêu nào theo đúng ý nghĩa thực sự mà không xuất nguồn từ trong Ngài. Những chữ Đức Chúa Trời là sự yêu thương xứng đáng với ngôn ngữ trên đất và thiên đàng.”Cũng giống như nhiều nhà thần học khác đã nhận định, Bill Bright tác giả cuốn sách có nhan đề: “Khám Phá Những Đặc tánh của Đức Chúa Trời”có một chỗ trong sách ông viết:

Tình yêu là sự bày tỏ tuyệt điểm thân vị của Đức Chúa Trời và lưu xuất từ sự nhân từ của Ngài, tình yêu có ảnh hưởng đến tất cả các thuộc tính khác của Ngài. Kinh Thánh không nói: Đức Chúa Trời là sự thánh khiết hoặc Đức Chúa Trời là quyền năng nhưng nói Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Tấm lòng Đức Chúa Trời tuôn đổ tình yêu siêu nhiên và vô điều kiện của Ngài dành cho chúng ta.

Trên đây chúng ta đã biết rõ tình yêu Cơ đốc lưu xuất từ nơi Đức Chúa Trời, nó không còn là vấn đề khó hiểu vì chúng ta đã tìm được câu trả lời thỏa đáng cho nguồn gốc của tình yêu. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn về vấn đề này chúng ta cần phải hiểu tình yêu cơ đốc trên một góc độ khác ấy là qua Chúa cứu thế Giê-xu.

B. Tình yêu được bày tỏ qua Chúa Giê-xu

Ngay từ đầu của bức thư sứ đồ Giăng cho biết: “Điều có từ trước là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ về lời sự sống.”Trong một khía cạnh nào đó sứ đồ Giăng cho chúng ta biết ông đã cảm nhận bằng trực giác của mình về tình yêu Thiên thượng, nó mang ý nghĩa của sự tiếp xúc vật lý mà ông đã chứng thực đối với “Ngôi lời”. Chúa Giê-xu chính là tình yêu của Đức Chúa Trời được bày tỏ cách rõ ràng và là nền tảng vững chắc của tình yêu Cơ đốc. Nếu muốn biết tình yêu đó ra sao, sâu nhiệm đến mức độ nào chúng ta chỉ cần nhìn xem hành động thiết thực nhất của Đức Chúa Trời, ấy chính Ngài đã sai Con một của Ngài đến thế gian để phô bày tình yêu của Ngài cho con người thấy được. Cho nên một chỗ khác trong bức thư sứ đồ Giăng cho biết: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này, Đức Chúa Trời đã sai Con một của ngài đến thế gian đặng chúng ta nhờ Con được sống.”Thật vậy, tình yêu là một điều huyền nhiệm nhưng chỉ nói suông thôi thì chưa đủ, chưa có tính thuyết phục, tình yêu phải được thể hiện bằng hành động thiết thực mới là điều quan trọng. Do đó tình yêu của Chúa được Giăng viết là một minh chứng mạnh mẽ cho hành động yêu thương của Con Đức Chúa Trời. Ngài đến với một thế giới đầy thù nghịch và có không ít người quay lưng chống đối lại thậm chí đã giết chết Ngài. Thế nhưng trong một xã hội đầy những hổn loạn này Ngài đã đến lặng lẽ như ngày nào, sống giữa vòng nhân loại Ngài hạ mình xuống như một tên nô lệ và dâng tặng mạng sống của mình làm giá chuộc nhiều người trên thập giá tại Gô-gô-tha. Nhà Thần học William MacDonald đã nhận thấy: “Xét trên một phương diện tình yêu là vô hình, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy biểu hiện của tình yêu trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha. Chúng ta thấy tình yêu ấy mới thực sự là tình yêu.”Có một sự thật hiển nhiên ngay từ buổi đầu sáng thế, chính Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều lần nhiều cách qua vũ trụ, qua thiên nhiên và qua mỗi con người đang đi lại trên khắp hành tinh này. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa hề thỏa mãn bản chất tình yêu của Đức Chúa Trời cho đến khi Ngài đưa Con Một của Ngài vào thế gian này để con người có thể rờ đụng được thứ tình yêu tuyệt diễm ấy. Đây chính là đỉnh cao của tình yêu mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Rick Warren tác giả của cuốn sách khá nổi tiếng với nhan đề “Sống Theo Đúng Mục Đích”. Trong sách có một đoạn tác giả đã viết: “Biểu hiện lớn nhất của tình yêu này chính là sự hy sinh Con Một của Đức Chúa Trời vì bạn. Nếu bạn muốn biết bạn quan trọng thế nào với Đức Chúa Trời, hãy nhìn vào Chúa Cứu Thế với hai cánh tay dang rộng trên thập tự và nói rằng: Ta yêu con đến thế này đây! Ta thà chết hơn là sống mà không có con.”Sự bày tỏ tình yêu rõ ràng nhất ở đây chính là sự hy sinh mạng sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho những kẻ chống nghịch Ngài. Tình yêu mang ý nghĩa của sự phó mình làm của lễ hy sinh. Tình yêu của Đức Chúa Trời không phải để đáp lại lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài. Nhưng Ngài đã chủ động đi một bước dài từ thiên đàng đến thế gian đầy ô trược này để yêu kẻ không đáng yêu và làm của lễ chuộc tội cho những kẻ ấy nữa. Thánh Kinh ghi lại: “Nầy sự yêu thương ở tại đây, ấy chẳng phải chúng ta yêu Đức Chúa Trời, Nhưng ngài đã yêu chúng ta và sai con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.”Thật sự không thể tìm ra thứ tình yêu này ở đâu từ phía con người. Sở dĩ chúng ta biết tình yêu này là khi Đức Chúa Trời bày tỏ nó ra khi Ngài sai Con Một của Ngài nhập thế làm người để cảm thông chia sẽ niềm đau, nỗi khổ của con loài người. Với tình yêu cao cả đó Ngài đổ đầy vào tấm lòng của những kẻ tin đến Con Ngài. Tình yêu đó được thể hiện bằng sự chuộc tội trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha, Ngài đã chết để Chúng ta được sống. Đúng như điều mà Thần học gia Jame Denney đã nói: “Không tìm được loại tương phản nào giữa tình yêu và sự chuộc tội, vị sứ đồ này không thể dùng cách nào khác hơn để truyền đạt ý niệm tình yêu ngoại trừ cách trình bày thẳng vào sự cứu chuộc.”Con người thường hay đi tìm bằng cớ để tin chắc một điều gì đó được nói ra, cũng như họ muốn tận mắt thấy được tình yêu qua việc làm thực tế, để thỏa mãn điều này không bằng cách nào khác hơn qua những trang Kinh thánh và tâm điểm của nó ở tại thư tín của sứ đồ Giăng. Tại đây chúng ta đừng hỏi tại sao nhưng hãy tin tình yêu của Ngài được bày tỏ là sự thật, khiến chúng ta yêu mến Ngài càng hơn. Một khi đã nhận thấy cách rõ ràng về tình yêu đó, chúng ta sẽ biết được phương cách để nhận lãnh tình yêu Cơ đốc mà phần sau đây người viết sẽ tiếp tục trình bày.

Chương III.

Phương Cách Để Nhận Lãnh Tình Yêu Cơ Đốc

A.    Giao thông với Đức Chúa Trời

Một trong những vấn nạn mà nhiều người ngày nay thường hay suy tư là làm sao tôi có thể sở hữu được thứ tình yêu Cơ đốc mà Thánh Kinh đã mô tả? Tôi sẽ phải làm gì để nhận được thứ tình yêu ấy? Thật ra không thể có một phương pháp khôn ngoan nào của lý trí con người có thể giúp cho ai đó nhận được tình yêu này. Tình yêu của Chúa không ở đâu xa xôi để chúng ta không thể với tới được. Tình yêu ấy không chỉ giới hạn ở trên thiên đàng, trên các từng trời cao kia mà chính Đức Chúa Trời đã đem nó xuống thế giới này cho chúng ta qua Con yêu dấu của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Như điều đã nói ở trên, tình yêu của Chúa được bày tỏ nơi thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha. Đây chính là con đường tình yêu mà Ngài đã bắt từ thiên đàng xuống thế gian để thiết lập lại mối tương giao mà tội lỗi của con người đã từng làm gãy đổ. Cho nên điều quan trọng tiên quyết để nhận lấy tình yêu Cơ đốc ấy là chúng ta phải có mối giao thông với Đức Chúa Trời. Khi nói đến mối giao thông là nói đến mối quan hệ hỗ tương, là sự hiểu biết và đồng thời sở hữu lẫn nhau. Điều này được nói đến rất nhiều trong các thư tín qua cụm từ “ở trong Đấng Christ.” Tại đây sứ đồ Giăng cũng đề cập đến mối giao thông này bằng cụm từ “ở Trong Ngài.” Có một chỗ trong thư ông viết: “Chúng ta biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương là ở trong Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.”Một người đã ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong người thì điều tất yếu sẽ xảy ra: Tình yêu của Đức Chúa Trời ngự trong tâm hồn của người đó. Sứ đồ Giăng lặp lại “Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương” cho nên nếu ai ở trong Đức Chúa Trời thì cũng có được thứ tình yêu ấy, hay nói khác đi ai được tương giao với Chúa thì kết quả nhiên hậu sẽ sản sinh tình yêu thương. Đó cũng là lý do mà trong sách phúc âm thứ tư vị sứ đồ của tình yêu đã viết: “Ta là gốc nho các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái, vì ngoài ta các ngươi chẳng làm chi được.”Điều lạ lùng xảy ra cho những người ở trong mối giao thông với Đức Chúa Trời thì được sinh ra nhiều bông trái, mà bông trái của Đức Thánh Linh thì trong đó tình yêu thương được liệt vào hàng thứ nhứt. “Nhưng trái của Thánh Linh ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.”Thật không có mối quan hệ nào tốt đẹp để sản sinh tình yêu thương hơn là một người cứ ở trong Đức Chúa Trời và được Ngài ở trong người. Điều đó cũng ví sánh một như que củi ở trong lò lửa. khi chúng ta ở trong Đức Chúa Trời thì tình yêu của Ngài sẽ đốt cháy tâm hồn chúng ta và mỗi Cơ đốc nhân sẽ cháy trong Ngài. Một  vấn đề cần thiết nữa tiếp theo là sau khi một người đã ở trong mối tương giao với Chúa và để giữ mãi tình yêu Cơ đốc thì người đó cần phải giữ điều răn của Ngài.

B. Giữ điều răn của Đức Chúa Trời    

Trong chương hai của bức thư này, sứ đồ Giăng cho biết: “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.”Một chỗ khác ông viết: “Chúng ta biết mình yêu con cái Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ điều răn Ngài, vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài.”Quả thật, khi nói đến điều răn thì chúng ta liên hệ đến những lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu, những giới mạng trong kinh luật và tất cả những giới mạng được Ngài tóm tắt từ lòng yêu thương. Yêu Chúa và yêu người lân cận như mình là hai điều răn lớn nhất và cơ bản mà Chúa Giê-xu đã từng tóm tắt trong luật pháp của Ngài. Chắc hẳn trong khi Chúa giê xu còn tại thế, qua lời dạy của Ngài sứ đồ Giăng đã lãnh hội một cách trực tiếp khi Ngài dạy rằng: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau, như Ta đã yêu các ngươi thể nào thì các ngươi cũng phải yêu nhau thể ấy.”Thật thế một khi nói đến mối giao thông đặc biệt trong tình yêu Cơ đốc trước giả đã chuyển tải nó cho độc giả như một mạng lịnh trực tiếp của Đức Chúa Trời. Yêu mến Chúa và sống trong sự yêu thương là dấu hiệu của người giữ điều răn của Đức Chúa Trời, đó cũng là một người thật sự ở trong mối thông công Cơ đốc. Thánh kinh chép: “Vì ai nói rằng Ta yêu Đức Chúa Trời mà ghét anh em mình thì là kẻ nói dối. Vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.”Một người thực sự đươc cứu sẽ có đặc trưng của lòng khát khao muốn giữ điều răn của Chúa và thực hành điều răn ấy trong nếp sống hằng ngày. Các điều răn Chúa là chuẩn mực, là điều tốt nhứt để chúng ta có thể đo được mức độ tình yêu và đức tin của con cái Chúa trong đại gia đình của Ngài. Vậy phương cách nhận lãnh tình yêu và muốn đổ đầy tình yêu Cơ đốc mỗi ngày không gì khác hơn là giữ mối giao thông với Chúa và gìn giữ điều răn của Ngài. Sứ đồ Giăng cho biết điều răn của Đức Chúa Trời chẳng phải là nặng nề đâu và nó cũng không quá khó đến nỗi chúng ta không thực hiện được. Điều răn ấy là động cơ của lòng khát khao được sống giống như Ngài nghĩa là yêu mến Chúa và yêu mến anh em hết lòng. Có thể hiểu tình yêu mà Giăng viết ở đây không phải là loại tình yêu ích kỷ, tình yêu có điều kiện cho cái gọi là “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”, loại tình yêu mà chỉ biết yêu khi người khác tốt với mình. Thực tế trên đời cho thấy không ít người đã có tình yêu như thế, tình yêu thương duy nhất mà người thế gian có chăng cũng chỉ là thứ tình yêu ích kỷ của sự trao đổi hai chiều mà thôi. Vấn đề Giăng muốn nói ở đây không phải là yêu cái tốt đẹp nhất nhưng hãy yêu cái không đáng để yêu được mới là một người biết Đức Chúa Trời. Giăng cho rằng nếu ai yêu theo cách Đức Chúa Trời yêu thì chứng tỏ rằng người ấy vừa là Cơ đốc nhân vừa có mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời. Tình yêu thương không chỉ khiến người ta gần gũi Chúa mà tình yêu thương còn là bằng chứng cho thấy họ biết Đức Chúa Trời và giống như bản thể của Ngài. Đó cũng chính là dấu hiệu để người thế gian có thể nhận biết một Cơ đốc nhân thật, là một người ở trong mối quan hệ yêu thương Cơ đốc mà người viết sẽ đề cập đến.

Chương IV

Dấu Hiệu Nhận Biết Những Người Ở Trong Tình Yêu Cơ Đốc

A. Phản chiếu hình ảnh Chúa Giê-xu

Ngay từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại, kế hoạch của Đức Chúa Trời là tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người theo hình ta và theo tượng ta…”Đây chính là ý muốn tốt lành và cũng là lý do Đức Chúa Trời đặt để con người sống trên hành tinh này. Thật là một vinh dự khi con người là tạo vật duy nhất được chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Đây là đặc ân và chân giá trị của chúng ta mà các loài thọ tạo khác không bao giờ có được. Ngài dựng con người có hữu thể thuộc linh, có tri thức và ý thức đạo đức nghĩa là có tình yêu thương, có lương tri nhận biết điều sai điều đúng. Thế nhưng hình ảnh của Đức Chúa Trời đã bị đánh mất trong mỗi con người khi tội lỗi cai trị. Chính vì lý do đó mà Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến để phục hồi hình ảnh của Ngài ở trong mỗi chúng ta. Trong thư Rôma sứ đồ Phao-lô viết: “Vì những kẻ Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con này được làm con cả ở giữa nhiều anh em.”Ở đây Kinh Thánh không nói Chúng ta trở nên Đức Chúa Trời nhưng chúng ta mặc lấy hình ảnh và bổn thể cao quý của Ngài, vì cớ chúng ta được ở trong Dức Chúa Trời và Ngài ở trong chúng ta. Một khi chúng ta ở trong mối giao thông với Chúa thì bước đi theo Ngài, làm những việc Ngài đã làm và bày tỏ nó ra cho những người xung quanh. Tại đây sứ đồ Giăng cho biết “Bởi đó, người ta nhận biết con cái Đức Chúa Trời và con cái Ma Quỉ: Ai chẳng làm điều công bình thì không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy.”Người thế gian sẽ nhận biết tình yêu Cơ đốc trong một con người khi người ấy phản chiếu hình ảnh của Đấng Christ qua hành vi cử chỉ của mình. Giống như Chúa Giê-xu không hình thành do bắt chước bèn là do Chúa ngự trị trong lòng. Chúng ta hãy để Ngài sống trong cuộc đời mình rồi chúng ta làm theo như chính Ngài đã làm. Kinh thánh chép: “Ai nói mình ở trong Ngài thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”Chúa Giê-xu đã thể hiện tình yêu của Ngài bằng cách phó mình, hy sinh vì người khác, do vậy chúng ta phải học theo gương Ngài hy sinh lợi ích cá nhân để đáp ứng nhu cầu của người khác. Một con người càng giống Chúa bao nhiêu người ấy càng có tình yêu và hy sinh cho nhiều người bấy nhiêu. William MacDonald cho rằng việc từ bỏ sự sống mình vì anh em được sứ đồ Giăng nhắc đến có ý nghĩa rằng chúng ta là sự ban phát không ngừng vì cớ anh em khác trong Chúa Cứu Thế Giê-xu và chúng ta sẵn sàn chết vì họ nếu cần. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ bị buộc phải chết thay cho người khác nhưng hết thảy mỗi chúng ta đều có thể bày tỏ tình yêu thương bằng cách chia sẽ những gì mình có cho anh em mình.Người đời thường bảo “Cha nào con nấy”, thật tốt đẹp thay khi chúng ta được làm con cái Đức Chúa Trời. Sự phản chiếu vinh quang của Ngài và những mỹ đức của Ngài ảnh hưởng sâu sắc trên mỗi đời sống của chúng ta. Chúa Giê-xu đã từng khuyên bảo: “Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy tại điều đó thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”Thật vậy, vì Đức Chúa Trời là tình yêu nên điều quan trọng nhất Ngài muốn con cái Ngài học biết khi bước đi giữa thế gian này là sống yêu thương. Chính trong yêu thương mà chúng ta được giống như Ngài nhất. Bill Bright thuật lại câu chuyện một phụ nữ Ấn độ Navajo là một người được chữa lành nhờ một vị bác sĩ truyền giáo. Cô ta có một ấn tượng rất lớn do lòng tận tụy và yêu thương của bác sĩ này khi chữa bệnh cho mình. Đã có lần cô nói: “Nếu Chúa Giê-xu có gì đó giống như vị bác sĩ này thì tôi có thể tin cậy Ngài mãi mãi.”Rõ ràng một khi chúng ta bước đi trong tình yêu thương Cơ đốc thì nhiều người sẽ thấy Chúa Giê-xu Cơ đốc trong mỗi đời sống của chúng ta. Bên cạnh đó mọi người có thể nhận biết một  dấu hiệu khác mà ngươì có tình yêu Cơ đốc đối với anh em mình.

B.    Thể hiện tình yêu bằng việc làm thực tiễn và lẽ thật

Chúng ta thường nghe đề cập đến tình yêu qua lời nói suông thì nhiều vô kể, tình yêu thương thường được nói đến qua mọi nguồn tài liệu sách vở, báo chí và trên cả những phương tiện nghe nhìn. Song về thực tế để bày tỏ nó ra bằng việc làm thì chẳng có là bao. Sống yêu thương là vô cùng cần thiết nhưng nói thì dễ mà làm thì khó. Vậy nên vấn đề mà sứ đồ Giăng đang nói ở đây rằng yêu thương bằng lời nói thì chưa đủ, nó phải thể hiện ra việc làm cụ thể đối với anh em mình. Giăng viết: “Nếu ai có của cải đời này thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy, hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi nhưng bằng việc làm và lẽ thật.”Điều quan trọng mà sứ đồ Giăng đề cập là tình yêu đích thực nó không bày tỏ trên lý thuyết suông mà chính là hành động. Khi chúng ta nói Đức Chúa Trời là sự yêu thương hoặc Cơ đốc nhân là sống yêu thương chắc hẵn sẽ có người đề nghị: Hãy cho tôi thâý tình yêu thương ấy! Tất nhiên chúng ta sẽ chứng thực rằng Đức Chúa Trời yêu thương thể hiện bằng sự ban cho Con duy nhất của Ngài là Cứu Chúa Giê-xu làm của lễ chuộc tội chúng ta. Còn Cơ đốc nhân chúng ta sẽ cho gì? Chúng ta không cần thiết phải hy sinh tính mạng vì cớ anh em mình nhưng điều chúng ta có là thời gian, sức lực và của cải vật chất của đời này. Người viết hoàn toàn đồng ý với điều mà Rick Warren đã nói: “Bạn có thể ban cho mà  không có tình yêu nhưng ban không thể nào yêu mà không ban cho.”Thực tế có không ít Cơ đốc nhân ngày hôm nay ở những quốc gia thuộc thế giới thứ ba nói chung và ở tại Việt Nam nói riêng, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn trong mọi phương diện, họ có được tình yêu của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi là món quà vô giá. Thế nhưng còn những nhu cầu hết sức thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của họ thì sao? Nhu cầu của họ không phải là một người tuận đạo chết thay cho họ mà là cơm ăn, áo mặc hằng ngày bằng chính hành động yêu thương giúp đỡ từ phía những Cơ đốc nhân có khả năng và điều kiện thuận lợi hơn mình. Quả thật, “tình yêu không đơn giản ở những gì chúng ta nói, việc làm và lẽ thật có giá trị hơn lời nói và lưỡi nhiều.”Để bày tỏ tình yêu đích thực chúng ta không thể yêu bằng tình yêu vị kỷ của con người, Cơ đốc nhân cần phải thể hịên nó bằng tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời truyền rằng cần phải san sẽ những gì mình có cho những người khác thậm chí là những người quay lưng lại chống nghịch mình. Thế nhưng làm sao để có được thứ tình yêu ấy? Bí quyết là ở chỗ mỗi ngày chúng ta cần ngụp lặn trong suối yêu thương của Đức Chúa Trời và sau khi được tươi mới trong suối ấy chúng ta hãy tuôn đỗ cho những người đang khao khát đang ở xung quanh mình. Thật ra chỉ nói tình yêu thì chưa đủ, Đức Chúa Trời muốn qua tình yêu mỗi Cơ đốc nhân cần phải hành động cách thực tiễn tình yêu ấy giữa thế gian này. Trong khi nói yêu bằng việc làm có nghĩa là chúng ta cần phải hành động. Thế nhưng, yêu trong lẽ thật thì hàm ý gì? điều đó còn có nghĩa rằng tình yêu thương của Cơ đốc nhân là chân thật, tình yêu ấy phải đặt nền tảng trên chân lý của Đức Chúa Trời. Người thế gian không thể hiểu lẽ thật là gì? họ rất muốn khám phá ra lẽ thật nhưng họ không dành ưu tiên cho lẽ thật, thành ra vô hình chung họ đánh đồng chân lý của Đức Chúa Trời với luân lý của con người thế gian. Tuy nhiên, riêng trong cộng đồng Cơ đốc yêu trong lẽ thật sẽ sãn sinh ra mọi việc lành, Tình yêu Cơ đốc giúp cho Cơ đốc nhân nhìn thấy nan đề của người khác và thể hiện nó bằng chính tình yêu chân thật mà họ đã nhận được từ nơi Đức Chúa Trời.

Chương V

Kết Luận

Nhìn chung trong các thư tín của Giăng và đặc biệt thư IGiăng là một trong những bức thư chứa đựng tình yêu Cơ đốc vô cùng sâu sắc. Tình yêu như một điệp khúc được sứ đồ Giăng nhắc đi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bức thư này. Tình yêu như một loại thuốc kháng sinh đã được ông“tiêm phòng”khi Hội thánh đang đối diện với nguy cơ lây nhiểm bởi một lọai tà giáo thời bấy giờ là Trí Huệ phái họ cho rằng chỉ cần tri thức để nhận biết là đủ. Thế nhưng họ đã quên mất một điều hết sức hệ trọng nếu không có tình yêu thì tất cả những sự khôn ngoan, thông sáng của con người cũng chỉ là vô ích trước mặt Đức Chúa Trời. Sứ đồ phao lô cho biết điều này trong thư tín Cô-rinh-tô chương mười ba rằng tình yêu là yếu tố quan trọng nhứt trong đời sống Cơ đốc nhân. Xuyên suốt bức thư sứ đồ Giăng đưa ra nhiều lập luận khá sắc bén khi nói đến tình yêu thương của những con cái Chúa trong đại gia đình Cơ đốc. Điều đặc biệt ông đã đề cập nhiều khía cạnh của tình yêu. Trong đó ông nhấn mạnh đến nguồn cội của tình yêu Cơ đốc lưu xuất từ Đức Chúa Trời và được bày tỏ qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi một ai đó ở trong mối thông công gia đình Cơ đốc thì họ cũng nhận được tình yêu ấy cách có năng quyền khi họ giữ điều răn của Chúa. Một vấn đề không kém phần quan trọng trong bức thư này khi Giăng cho thấy dấu hiệu nhận biết con cái thật của Đức Chúa Trời và con cái Ma Quỷ khi lấy tình yêu để thử nghiệm. Tình yêu của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ rất nhiều trong toàn bộ Thánh Kinh, nó như là khuôn mẫu, như chiếc la bàn hướng dẫn chúng ta bước đi trong thế giới đầy tăm tối. Tình yêu của Đức Chúa Trời là lý do để chúng ta được tồn tại, khi sống và bước đi trong một cộng đồng con cái Chúa thì điều tìm thấy trước hết là tình yêu thương. Sứ đồ Phao-lô cho biết có ba yếu tố quan trong trong đời sống người theo Chúa ấy là: “Đức tin, hy vọng và tình yêu thương nhưng đều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương”Thật vậy, tình yêu thương là yếu tố then chốt tạo nên một mối thông công tốt đẹp và giữ gìn sự hiệp nhất trong thân thể Đấng Christ. Thật ra không cần phải bàn luận nhiều về tình yêu mới có tình yêu nhưng tự Đức Chúa Trời đã minh chứng tình yêu rồi. Ngài bày tỏ qua Con của Ngài cho thế giới thấy được tình yêu đó cách thực tiễn nhất. Tình yêu thì có nhiều cung bậc khác nhau, nhưng tại đây sứ đồ Giăng đang mô tả cho chúng ta thấy một tình yêu hết sức đặc biệt nó đạt đến mức độ tột cùng, tình yêu vô điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ chẳng xứng đáng và Ngài muốn những ai trong đại gia đình của Ngài cũng nhận được thứ tình yêu này. Không những thế thôi, để có được tình yêu đó cách dẫy đầy điều trước hết người ấy cần phải gieo mình trong dòng sông yêu thương của Chúa để chúng ta luôn ở với Ngài, và Ngài ở trong chúng ta. Tình yêu đòi hỏi phải có đối tượng để yêu. Mỗi Cơ đốc nhân được tạo dựng với tư cách là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu được lưu xuất từ trong Ngài và đổ vào trong mỗi đời sống của chúng ta cách dẫy đầy. Tình yêu Của Ngài đã biến đổi mỗi cuộc đời của Cơ đốc nhân sống trong sự yêu thương mỗi ngày. Để thấy rõ điều này không gì hơn chúng ta hãy nhìn xem cuộc đời của vị sứ đồ khả kính với biệt danh “Con trai của sấm sét” đã trở nên một sứ đồ của tình yêu thương. Điều gì đã xảy ra cho cuộc đời của Giăng vậy? Tình yêu! Chính tình yêu Đức Chúa Trời đã thay đổi cá tính của một con người. Chúng ta thường nghe giai thoại về những ngày cuối cùng của cuộc đời khi sứ đồ Giăng đã già yếu, nhiều con cái Chúa thời bấy giờ muốn ông giảng dạy. Mỗi khi giảng mọi người khiêng ông lên bục giảng đặt ông ngồi vào chiếc ghế thì ông chỉ nói vỏn vẹn một điều duy nhất rằng: “Hỡi các con cái bé mọn của ta ơi! các con hãy yêu nhau.” Trong thực tế chỉ có tình yêu mới sản sinh ra tình yêu nên có lẽ hơn ai hết chính sứ đồ Giăng đã từng đắm mình trong tình yêu của Đấng Christ nên ông đã sống yêu thương và bày tỏ tình yêu vô cùng sâu sắc qua các thư tín và sách phúc âm thứ tư mang tên của mình. Qủa thật tình yêu Cơ đốc một thứ tình yêu tuyệt diễm mà người thế gian không bao giờ có được. Tình yêu cơ đốc là nền tảng vững chắc để Cơ đốc nhân ở mọi thời đại sống đắc thắng trước những làn sóng tà giáo và những tư tưởng mang tính chất ngoại lai.

Thư mục tham khảo

Biblical Education by Extension. Thư Tín IGiăng “ Sách Bài Tập”. N.p. : n.p., n.d.
Bill, Bright. Khám Phá Những Đặc Tính của Đức Chúa Trời. Newlife: n.p., n.d.
Jame, Denney. The Death of Christ. Holder and Stoughton: n.p., 1905.
Rick, Warren. Sống Theo Đúng Mục Đích 2nd  ed. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004.
Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam. Đạo Đức Cơ Đốc. VTHTLVN: Califonia, 2004.
Viện Thần Học Tin Lành Việt Nam. Giải Nghĩa Các Thư Tín (2) và Khải Huyền. Hà Nội:       NXB Tôn Giáo, 2004.
William, MacDonald. Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước. Thomas Nelson publisher: Translated in to Vietnamese, 2004.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *