TỪ AI CẬP ĐẾN TUNISIE, MỌI NGƯỜI ĐỀU MONG ĐỢI SỰ THỪA NHẬN PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Bài xã luận của LM Federico Lombardi

Điều đang diễn ra tại Bắc Phi là một cuộc cách mạng thực sự về xã hội và chính trị, một khả thể tăng triển cho những quốc gia mà chủ yếu là người Hồi giáo. Đó là lời tuyên bố của Cha Federico Lombardi, trong bài xã luận của ngài được đăng trên tờ “Octava Dies”, là tờ tuần báo thông tin của Trung tâm Truyền hình Vatican (CTV), mà ngài là giám đốc.

Vị phát ngôn viên của Toà Thánh tuyên bố: “Trong lúc này, thế giới đang đưa mắt về Bắc Phi và Trung Đông. Trước tiên là hướng về Tunisie, đoạn hướng về Ai Cập và các quốc gia khác, nơi đang có những tiến trình thay đổi chính trị, mà hiện nay, ta chưa thể định nghĩa và đánh giá được, nhưng chắc chắn là có ý nghĩa để ta có thể nói đến những từ ngữ về ‘cách mạng’”.

Ngài nói tiếp: “Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng vũ lực và máu sẽ không còn đổ ra cho các dân tộc bị liên luỵ nữa, và rằng giai đoạn bất ổn này, giai đoạn mà những nguy cơ đối nghịch và xung đột vẫn còn trầm trọng, sẽ không còn kéo dài nữa. Dĩ nhiên, những khó khăn về mặt kinh tế, tình trạng đói nghèo, mà trong đó rất nhiều tầng lớp dân cư đang phải đương đầu, càng trở nên mãnh liệt hơn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, là nguyên nhân chính phát sinh những cuộc phản đối”.

Ngài phát biểu tiếp: “Nhưng như các Giám mục Bắc Phi đã đưa ra nhận xét, là người ta phải nhìn nhận rằng mọi người đang mong đợi có nhiều “tự do và phẩm giá” hơn, đặc biệt là từ phía các ‘thế hệ trẻ trong vùng’, một sự mong đợi được diễn tả bằng ý muốn cho tất cả mọi người được nhìn nhận như những công dân, và là những công dân có trách nhiệm’”.

“Người trẻ chiếm một tỉ lệ rất cao trong tầng lớp dân chúng trong vùng, nhưng họ không hề thấy được trước mắt mình một viễn tượng nào cho tương lai”, Cha Lombardi nhấn mạnh như thế khi người nhắc lại lời kêu gọi cách đây vài tháng của Thượng hội đồng Giám mục cho vùng Trung Đông, yêu cầu mọi người cần bảo vệ hơn nữa quyền công dân của các Kitô hữu đang sinh sống trong những quốc gia mà đa số là người Hồi giáo, và ngày hôm nay, sự bảo vệ ấy đã lan đến toàn thể dân chúng.

Cha Lombardi nói tiếp: “Giờ đây, tất cả các dân tộc, để củng cố phẩm giá của mình, đã yêu cầu mọi người nhìn nhận các quyền công dân của họ, những quyền cố hữu của mỗi một con người, thuộc bất cứ tôn giáo nào. Các Kitô hữu cấu thành một thiểu số, nhưng họ liên đới với tất cả mọi người trong những mong đợi và hy vọng này”.

Ngài kết luận: “Nếu các quốc gia mà chủ yếu là người Hồi giáo, trong công cuộc có tính quyết định này, có thể lớn lên trong đối thoại, trong sự tôn trọng quyền lợi của mọi người, trong sự tham gia, trong tự do, thì hoà bình của thế giới sẽ được bảo đảm hơn. Đó là điều mà chúng ta cầu mong trước tiên cho các dân tộc này, nhưng cũng cho cả toàn thể gia đình các dân tộc”.

Theo zenit.org – ttcg

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *