HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA L. TOSTOI – GIÁ CÓ MỘT CÁI GÌ, NGOÀI MỘT NGƯỜI TÌNH YÊU CUỒNG NHIỆT…

Không thể biết được, nếu mà Tolstoi không vấp phải những khó khăn rắc rối trong hoạt động nhà giáo của mình, chúng đã khiến ông phải nản chí và trở về với sáng tác văn chương, thì loài người sẽ không có hay sẽ vẫn có “Chiến tranh và hòa bình” và “Anna Karenina” để thưởng thức, suy ngẫm, học tập, kiến giải.

Dưới góc độ hành trình tư tưởng của Tolstoi, xin chỉ đụng đến hai kỳ đài văn học này, được sáng tác trong khoảng thời gian giữa trưa của cuộc đời Tolstoi (1863-1878), trong liên hệ với lời phát biểu nổi tiếng của ông: “Trong “Chiến tranh và hòa bình” tôi yêu thích tư tưởng nhân dân, trong “Anna Karenina” – tư tưởng gia đình”.

Trước hết cần phải nói rằng từ “nhân dân” trong tổ từ “tư tưởng nhân dân” là cách dịch chữ, chứ không phải dịch nghĩa. Tổ từ “mysl’ narodnaja” của Tolstoi có hàm nghĩa sâu rộng hơn rất nhiều. Trong tiếng Nga những từ thuần Nga “narod (nhân dân; dân chúng; dân tộc) “rod” (dòng giống, loài giống, chủng tộc); “rodit’ / rodit’sja” (sinh đẻ / sinh ra), “narodit’ / narodit’sja” (sinh đẻ nhiều / sinh sôi nảy nở), “priroda” (thiên nhiên; cái tự nhiên; bản chất; bản thể) là những từ đồng căn, và cái căn chung ấy được tất cả các chủ nhân của ngôn ngữ này cảm thụ sống động trong sử dụng hàng ngày. Như vậy “mysl’ narodnaja” của Tolstoi có thể diễn đạt ra tiếng Việt đại để như sau: “tư tưởng / ý tưởng – về / của – nhân dân / dân tộc – (như là một bộ phận của) – loài (người) sinh sôi nảy nở – (như là một bộ phận / trong quan hệ với) – cái tự nhiên / cái bản thể”. .

Trong cái liên hợp bao la, với những quan hệ qua lại chằng chịt của những ngữ nghĩa, ý tứ sâu thẳm ấy, ta tách ra chỉ một chuỗi nghĩa nhỏ để thử xem xét, phân tích: “tư tưởng – về – nhân dân – (như là một bộ phận của) loài người – (như là một bộ phận / trong quan hệ với) – cái tự nhiên / cái bản thể.” “Nhân dân” được nhà văn và nhà tư tưởng Tolstoi yêu thích và yêu quý không theo nghĩa xã hội học mà theo nghĩa tự nhiên học, bản thể học. Cái nhân dân / dân chúng như là những giai tầng xã hội hạ lưu đố kỵ và đấu tranh với những giai tầng thượng lưu để giành giật lợi ích và địa vị thì luôn luôn bị Tolstoi khinh ghét, và ở đây ông luôn luôn giữ thái độ của một đại quý tộc có dòng giõi hiển vinh lâu đời.(1)

Khinh ghét cái “dân đen” hạ lưu, nhà quý tộc tinh thần Tolstoi khinh ghét cả “dân đen” thượng lưu – giới quý tộc quan lại ôm chân núp bóng vương quyền để được hưởng giàu sang phú quý, đặc quyền đặc lợi, và tìm kiếm những giá trị chân chính ở nguồn cội của nhân sinh – ở đời sống tự nhiên trên đất, đời sống nhà nông. Nhân dân đối với Tolstoi trước hết và chủ yếu là những nông phu lao động trên đất, kiếm sống từ đất; đời sống của họ, phù hợp với luật tự nhiên, theo Tolstoi (và ở đây ông là học trò của Rousseau mà ông ái mộ từ thời niên thiếu) là đời sống lành mạnh nhất, thiện lương nhất.

Loài người, cũng như mọi loài vật trên mặt đất này, phải lao động để sống và để duy trì cuộc sống của nòi giống mình – đó là luận điểm xuất phát của triết học đạo đức và cả mỹ học Tolstoi. Chất thơ của lao động và sinh hoạt nhà nông, vắng mặt trong “Chiến tranh và hòa bình”, đã xuất hiện rực rỡ trước đó trong tiểu thuyết “Những người Kazăc” (1862) và sẽ tái hiện trong “Anna Karenina”, không để cho một độc giả nào có thể dửng dưng, truyền cho nó cảm giác là nó đang tiếp xúc với đời sống thực.

“Tư tưởng nhân dân” trong “Chiến tranh và hòa bình” được thể hiện tập trung ở sự cho thấy, cái nhân dân cần lao, sống một đời sống lành mạnh, tự nhiên ấy ứng xử thế nào, khi có giặc đến nhà. Là lẽ tự nhiên đối với họ cầm súng đánh đuổi giặc. Đuổi nhiều hơn đánh. Đuổi ra khỏi đất nước mình để trở lại với đời sống và lao động trên đất, tuyệt không nghĩ gì đến vinh quang của chiến thắng, đến danh dự được bảo vệ và nâng cao của dân tộc, vị trí và uy tín được củng cố của quốc gia, v.v…, không cần đến tất cả những thứ ấy. Cái triết lý chiến tranh nhân dân ấy, đặt chiến đấu bảo vệ tổ quốc lên một mặt bằng với mọi công việc thường nhật và thiết yếu của con người để duy trì cuộc sống và tước đi của nó mọi hào quang của chủ nghĩa anh hùng lên gân, của những kỳ tích ngoại biệt, ấn định toàn bộ thi pháp của tiểu thuyết – sử thi.

Người thể hiện bằng việc làm và lời nói cái triết lý ấy là tổng tư lệnh, nguyên soái công tước Kutuzov – một nhân vật văn học khác xa với nguyên mẫu của nó trong lịch sử. Kutuzov của Tolstoi đúng là một hiện thân sống động, được cá thể hóa cao độ của quan điểm nhân dân về chiến tranh. Khi giặc ngoại xâm mạnh, ông lùi bước, nộp cho giặc cả cố đô Moskva, để bảo toàn quân lực. Khi giặc bắt đầu yếu đi và rút lui, ông đuổi theo sát gót nó, không cho nó quay gót trở lại. Đuổi giặc đến biên giới thì không chịu đuổi tiếp nữa, và cho là nhiệm vụ của mình đã hoàn thành, và chết. (Trong thực tế lịch sử thì Kutuzov đã chết trên đường tiếp tục truy kích quân Pháp theo lệnh của Alexandre đệ Nhất).

Kutuzov dưới ngòi bút của Tolstoi không phải là một anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự mà là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng nhân-dân – dân-tộc Nga và cộng đồng loài người, là một phần nhỏ tí ti được nạp trí lực tập trung của vũ trụ tự nhiên, sống và hoạt động theo lẽ muôn đời của cái tự nhiên ấy, vì sự trường tồn của nó. “Ông ta không có cái gì của mình cả, – Andrei Bolkonski suy nghĩ về Kutuzov – ông sẽ không tự nghĩ ra một cái gì, tiến hành một cái gì, nhưng sẽ lắng nghe tất cả, nhớ tất cả, đặt tất cả vào vị trí của nó, sẽ không cản trở một cái gì hữu ích và sẽ không cho phép một cái gì có hại.

Ông hiểu rằng có một cái gì đó mạnh hơn và to lớn hơn ý chí của ông – đó là vận trình tất yếu của các sự kiện, và ông biết nhìn thấy chúng và hiểu ý nghĩa của chúng và do hiểu ý nghĩa ấy, ông biết chối từ can thiệp vào những sự kiện ấy, chối từ ý chí cá nhân của mình hướng vào một cái gì đó khác.” Trong thời kỳ viết “Chiến tranh và Hòa bình”, Tolstoi còn chưa biết gì về Lão Tử, chưa đọc “Đạo đức Kinh”, nhưng ông đã ban cho nhân vật của mình sự anh minh của người thấu hiểu chữ Đạo (“vận trình tất yếu của các sự kiện”, nếu dịch sát hơn thì là “bước đi tất yếu”) và hành xử theo sự hiểu biết ấy, hay là “vô vi” theo nghĩa của Lão Tử.

Những tương cận, những trùng hợp với Lão Tử và tư tưởng phương Đông nói chúng ở Tolstoi, từ lâu đã được để ý đến, cần được xem xét trong một văn cảnh rộng nhất – văn cảnh của những mẫu gốc chung của văn hóa loài người.(1) Cái mô hình lý tưởng của sự sống hoàn vũ, mà trong đó con người và các hợp quần người là những bộ phận hữu cơ ăn khớp với nhau và với chỉnh thể, được phô diễn với sức mạnh tư tưởng – nghệ thuật vô song trong “Đạo đức Kinh”, dưới nhiều biến tướng, đôi khi phân tán, từng làm cơ sở cho nhiều tác phẩm sử thi lớn của thế giới – từ “Iliade” đến “Chiến tranh và hòa bình”. Trong “Chiến tranh và hòa bình” khả năng “hóa thật” của mô hình ấy được khảo xét trên chất liệu lịch sử dân tộc, ở thời điểm ngoại biệt của cuộc chiến tranh vệ quốc 1812. Nhiều mâu thuẫn nội tại gay gắt, nhiều ung nhọt nguy hiểm của xã hội Nga thời ấy (nổi trội là chế độ nông nô) trong tiểu thuyết của Tolstoi đã được xoa dịu hữu thức nhằm thực hiện nhiệm vụ nghệ thuật tạo ra một bức tranh về “trạng thái sử thi của nhân thế” (Hegel).

d

Tostoi làm việc trong thư phòng.

Và Tolstoi – nghệ sĩ đã làm tròn nhiệm vụ ấy, vì thế mà “Chiến tranh và hòa bình” được cả thế giới văn minh, sầu nhớ sử thi cổ điển, tiếp nhận như là sử thi của thời đại mới. Nhưng Tolstoi đã để lại và khuyếch trương một tọa độ quan trọng, phá vỡ từ bên trong thế giới sử thi – tọa độ nhân cách học – cá nhân học. Hai nhân cách cao đẹp và phức tạp, hai người “anh hùng” của tiểu thuyết – sử thi, Andrei Bolkonski và Pier Bezukhov, trong thời bình đã không hòa hợp với môi trường xã hội – dân tộc của mình, trong chiến tranh giữ nước cũng không hội nhập đến cùng với nó. Công tước Andrei chỉ tham chiến bằng lý trí và ý thức đạo nghĩa, chứ không phải bằng cả tâm hồn. Ngay đêm trước trận quyết chiến giữa quân Nga và quân Pháp chàng vẫn sống với vết thương lòng cá nhân sâu kín, không để cho ai biết của mình và sau khi bị tử thương chỉ suy nghĩ về tình yêu, về cái chết, về Thượng Đế, chứ không phải về nước Nga, về kết cục của cuộc chiến với Napoléon.

Và Tolstoi đã cho nhân vật này chết, bởi vì cuộc sống tiếp tục sẽ chỉ là sự kéo dài không cần thiết bi kịch tất yếu của một nhân cách tiểu thuyết luôn luôn to lớn hơn số phận, quá khổ với mọi y phục xã hội – lịch sử. Còn Pier Bezukhov, một nhân cách đương trong quá trình trưởng thành, thì chỉ quan sát và trải nghiệm cái thực tại chiến tranh, để rồi về cuối tiểu thuyết, trong bối cảnh hòa bình đã được lập lại, với những mâu thuẫn xã hội tái hiện sắc nét hơn xưa, đi đến nhận thức rằng “nếu những kẻ ác hợp thành sức mạnh, thì những người tốt cũng phải hợp thành sức mạnh” để đấu tranh với chúng – một kết luận mà Andrei Bolkonski vị tất sẽ tán thành và trái ngược rõ ràng với cái mô hình nhân thế lý tưởng cuốn hút đến thế tác giả “Chiến tranh và hòa bình” và suốt đời sẽ cuốn hút Tolstoi – nhà tư tưởng.

Chúng ta chuyển sang “tư tưởng gia đình” được Tolstoi yêu thích trong tiểu thuyết “Anna Karenina”. “Tư tưởng gia đình” ở đây được khảo xét trên chất liệu xã hội đương thời (với tác giả) trên ba bình diện trọng yếu: 1) gia đình như là nhân tố bảo đảm sự trường tồn của loài giống con người; 2) gia đình như là thành quả và sự hiện thực hóa nối tiếp của tình yêu; 3) gia đình như là hậu thuẫn, bệ đỡ cho sự phát triển của con người. Cả ba bình diện này đã được vạch ra bằng những nét chấm phá trong “Chiến tranh và hòa bình”(1), hội tụ trong hạnh phúc vợ chồng của Pier Bezukhov và Natasha Rostova. Konstantin Levin và Kiti Sherbatskaja trong “Anna Karenina” có thể được xem là những hóa thể của hai nhân vật trên, và nếu ở Levin có thể tìm hấy những chiều kích mới so với Bezukhov, thì Kiti dường như là một bản sao (đáng tiếc mờ nhạt hơn) của Natasha.

Song rõ ràng cả hai cặp nhân vật này đều khẳng định một tư tưởng tâm huyết của tác giả: gia đình là cái đích, là bến bờ của tình yêu; tình yêu cập cái bến bờ ấy để bắt rễ vào đất và đơm hoa kết trái, thực hiện thiên chức muôn đời của mình: sinh dưỡng hậu thế, bảo đảm sự tái sản xuất của giống nòi. Với Tolstoi, sự thực hiện thiên chức ấy là quan trọng đến mức ông không ngại gây sốc cho độc giả dám biến Natasha Rostova từ một thiếu nữ sinh ra trong nhung lụa, có sức hấp dẫn mê ly của một tâm hồn trẻ, mở toang ra thế giới bên ngoài để hấp thụ mọi hương sắc và hương vị của nó, thành chỉ một người vợ và một người mẹ (“một con cái sung sức, đẹp và mắn con”) nuôi con bằng sữa của mình và hồn nhiên khoe những chiếc tã lốm đốm vết xanh vàng của chúng. Bằng những hình ảnh đập vào mắt ấy, Tolstoi khẳng định quan niệm của mình về sứ mệnh đích thực của người phụ nữ, gạt bỏ những tư tưởng theo ông là thời thượng, nông nổi và sai lầm về giải phóng phụ nữ.

Người phụ nữ như là một người vợ tốt và người mẹ tốt và linh hồn của tổ ấm gia đình mãi mãi sẽ cần thiết và hữu ích cho loài người hơn là một người hoạt động xã hội, nhà nước, khoa học, nghệ thuật, v.v… – tư tưởng này sẽ được Tolstoi suốt đời bảo lưu. Kiti Cherbatskaja, cũng như Natasha Rostova thấu triệt cái thiên chức ấy, sung sướng thực hiện nó, thỏa mãn với nó và vì nó mà hi sinh những năng lực và sở thích khác của mình, tự hạn chế môi trường hoạt động của mình, tự đặt ranh giới cho sự phát triển con người của mình. Không vội lên án Tolstoi cổ hủ, ta thử xem Konstantin Levin, chồng của Kiti, có gì sống và có gì khác Pier Bezukhov, chồng của Natasha.

Levin, cũng như Pier, là một nhà quý tộc tự hào về dòng dõi lâu đời của mình và đối lập mình với những quý tộc mới nảy nòi mà cha ông do ôm chân núp bóng vương quyền mà được hưởng phú quý. Nhưng nếu Pier suốt đời chỉ là nhà trí thức hoạt động xã hội thì Levin trước hết là một điền chủ trực tiếp canh tác đất, sống bằng đời sống của nhà nông. Vụng về và xa lạ trong những phòng khách quý tộc, Levin cảm thấy mình như cá trong nước giữa ruộng đồng, bên cạnh những người mugic cày bừa, cắt cỏ, gặt lúa. Đời sống tinh thần, đời sống nội tâm của chàng dĩ nhiên phong phú, phức tạp và tinh tế hơn nhiều so với những người nông dân bao quanh chàng, nhưng nó ăn nhập với cuộc sống của chàng, và cái hạnh phúc gia đình của chàng, sự sinh con và nuôi con được khắc vẽ với những chi tiết rất tỉ mỉ, thấm đượm chất thơ chính trong khung cảnh cuộc sống lao động trên đất, gần gũi với cội nguồn của nhân sinh ấy. Trước cũng như sau Tolstoi, không ai truyền đạt được cái đẹp, chất thơ của cuộc sống lao động chân tay với sức mạnh chinh phục như ông.

Nhưng tiểu thuyết của Tolstoi không ngẫu nhiên mang tên “Anna Karenina” – đây mới là nhân vật trọng tâm, là trọng điểm tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm. Một người phụ nữ vì theo đuổi hạnh phúc cá nhân đã phá vỡ tổ gia đình, chối bỏ nghĩa vụ người vợ và người mẹ của mình để khi thất vọng thì tự kết liễu cuộc đời mình – là như thế cốt cách của hình tượng trung tâm này trong quan hệ với “tư tưởng gia đình” của tác giả.

Tội lỗi của Anna (mà nhân vật này luôn luôn cảm thấy nhưng người đọc bị nàng mê hoặc thì nhiều khi sao nhãng) sẽ trở nên sáng rõ hơn, nếu ta so sánh người chồng bị nàng ruồng bỏ với người tình đã quyến rũ nàng. Tác giả công bằng với hai nhân vật này và tuyệt không nhìn họ chỉ bằng con mắt của nữ nhân vật. Cả Aleksei Karenin lẫn Aleksei Vronski (sự trùng tên ở đây cũng không ngẫu nhiên) đều là những sản phẩm bằng máu thịt của xã hội quý tộc thượng lưu Nga, họ sống, cảm nghĩ và hành xử theo những chuẩn mực và định kiến của xã hội ấy và không bao giờ có nhu cầu bước ra khỏi cái khung chật hẹp, ước lệ và giả tạo ấy.

Tất nhiên, ở cả hai nhân vật đều có cái phần nhân tính dư thừa (định thức của Bakhtin) biến họ thành những nhân vật tiểu thuyết, song nếu xét kỹ thì ở Karenin cái phần nhân tính dư thừa ấy còn nổi trội hơn ở Vronski. Karenin đã có thể tha thứ cho vợ mình, đã quyết định nhận hết lỗi về mình để giải phóng cho nàng, đã thật lòng yêu quý đứa con riêng của nàng – những điều tương tự như thế không thể chờ đợi ở Vronski. Thế thì cái gì ở Vronski đã cuốn hút Anna đến thế? Ngoài sự phú quý mà cả Karenin cũng có thì đó là tuổi trẻ, sức trai tráng kiện không có ở Karenin. Tình yêu của Anna đối với Vronski là tình yêu nhục cảm, không mang một dấu hiệu tinh thần nào. Tolstoi khắc họa với một tài nghệ vô song không chỉ sắc đẹp và cái duyên ngời ngời của nữ nhân vật này mà cả những năng lực dồi dào của tâm hồn và trí tuệ nàng, để bằng toàn bộ diễn biến của mối tình với Vronski cuối cùng dẫn dắt nàng đến kết luận khắc nghiệt nhưng công bằng về bản thân: “Giá mà mình có thể là một cái gì, ngoài một người tình yêu cuồng nhiệt chỉ những ái ân của chàng; nhưng mình không thể và không muốn là bất cứ một cái gì khác.”

Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đã bị biến thành phương tiện chuyên biệt để giữ lấy tình yêu vị kỷ của người tình: để trẻ đẹp lâu, Anna quyết định không đẻ con nữa, bất chấp mong ước có nhiều con của Vronski. Một tình yêu như thế, được khơi gợi và nuôi dưỡng chỉ bằng sắc đẹp và sự thỏa mãn được sở hữu nó mau chóng bộc lộ mình như một sức mạnh hủy hoại và tự hủy hoại. Nó là biểu hiện của cái mà sau này Freud sẽ gọi là “bản năng chết”.

Tolstoi không biết cái định thức khoa học ấy và giả sử có biết thì chắc cũng sẽ không chấp nhận. Như một nhà tư tưởng lo lắng cho tiền đồ trong chân lý và đức hạnh của loài người, ông sẽ kêu gọi con người hết sức cảnh giác và biết tự vệ trước sức mạnh ấy. Kêu gọi không mệt mỏi vì ông quá biết khả năng tác động của nó.

Trong tiểu thuyết của ông, một hiện thân của đức hạnh và lương tâm như Levin chỉ cần gặp gỡ chốc lát là đã xiêu lòng trước sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của tuyệt thế giai nhân Anna, và để bảo toàn đức hạnh sẽ bằng mọi cách tránh gặp lại nàng, điều mà nhân vật này sẽ không khó làm vì được vợ canh giữ, vả lại chẳng bao lâu nữa giai nhân ấy sẽ gieo mình xuống dưới bánh xe tầu hỏa. Cái đó có nghĩa là cái đẹp thân xác, cái đẹp nhục cảm sẽ không có chỗ trong nhân loại được “lập trình” của Tolstoi. “Chúng ta càng đắm say cái đẹp, thì càng lìa xa cái thiện.” – Tolstoi sau này sẽ viết. Và cho đến chết ông sẽ không tìm kiếm những con đường dung hợp cái thiện với cái đẹp, điều không khó hiểu ở nhiều nhà tư tưởng, nhưng không phải ở tác giả “Anna Karenina”. Ngay trong lãnh địa của cái đẹp – nghệ thuật, Tolstoi cũng sẽ kêu gọi những người sáng tạo và thưởng thức tìm kiếm chỉ cái đẹp tinh thần, đồng nhất nó đơn thuần với cái thiện.

Nhưng ông quá biết rằng bản thân cái thiện, như nó hiện diện trong đời sống của xã hội loài người, còn xa mới có được sức cuốn hút của cái đẹp. Và ông sẽ phải tìm đến một sức mạnh bao hàm cả cái thiện lẫn cái đẹp, đứng lên trên mâu thuẫn thực chứng giữa chúng, nhưng phải nói thật, sức mạnh ấy – Thượng Đế – dưới ngòi bút ngay của Tolstoi vẫn chưa đủ sức hấp dẫn mà lẽ ra nó phải có, thành thử, trở về với tiểu thuyết của ông, còn xa mới mọi bạn đọc đều đồng tình với cách tiếp cận dẫu sai vẫn duy đạo đức của Tolstoi với cái đẹp sắc nước hương trời hiện thân nơi Anna. Homère trong quan hệ với Hélène, Bạch Cư Dị trong quan hệ với Dương Quý Phi và cả loài người trong thái độ đối với Maryllin Monroe và công nương Diana thấu tình đạt lý hơn.

Trở lại với “tư tưởng gia đình” như nó được khảo xét trong “Anna Karenina”, ta không thể không thấy rằng nó được khẳng định dè dặt và có điều kiện hơn nhiều so với “tư tưởng nhân dân” trong “Chiến tranh và hòa bình”. Nơi ấy đằng sau nguyên soái Kutuzov là hàng triệu người Nga cảm nghĩ và hành động như ông, đằng này cái gia đình hợp chuẩn của Levin và Kiti chỉ có một, tất cả các gia đình khác được mô tả hay nói đến đều lệch chuẩn một cách tệ hại. Những người con sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình như thế (con trai của Anna, con cái của Dolli và Stiva Ollonski, bản thân Vronski trong quan hệ với mẹ) là những sinh linh tinh thần bất hạnh, què quặt. Một nhân quần như thế phải được chữa lành, chứ không chỉ sinh sôi nảy nở và càng về sau thì với Tolstoi, sự cần thiết chữa lành loài người càng trở nên hệ trọng hơn, làm thay đổi hẳn thái độ của ông đối với tình yêu nam nữ, hôn nhân và gia đình, như ta có thể thấy qua truyện “Bản xônat Kreutzer” và Lời bạt cho truyện ấy (được đưa vào sách này).

Trở lại với cái hạnh phúc ngoại biệt của Levin và Kiti, bản thân nó có trọn vẹn và bền vững hay không? Ngoài những hi sinh của Kiti (cũng như của Natasha trong “Chiến tranh và hòa bình”) biến hạnh phúc ấy thành cái không viên mãn, hạnh phúc ấy còn mong manh nữa. Levin của Tolstoi, tựa như chính Tolstoi trong đời thực, luôn luôn ở trong quá trình chuyển biến tư tưởng, với những biến đổi khó lường trước. Trong tiểu thuyết, như Dostoievski đã tinh ý nhận thấy ngay khi nó còn được đăng tải trên tạp chí, nhà điền chủ Levin còn khăng khăng bảo vệ những quyền lợi điền chủ của mình, cố dung hòa chúng với công lý và chân lý mà tâm hồn chàng hướng tới. Đau khổ vì thiếu đức tin tôn giáo, Levin ở cuối tiểu thuyết bừng ngộ về sự tồn tại của Thượng Đế và về chân lý thần thánh, vượt lên bên trên trí tuệ của con người: “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình”. Tiểu thuyết đến đây thì kết thúc, nhưng người đọc dễ hình dung ra con đường mà nhân vật này sẽ phải đi tiếp.

Đã thấm nhuần chân lý thần thánh ấy thì Levin sẽ không thể tiếp tục bảo vệ những lợi ích điền chủ của mình, mâu thuẫn với lợi ích của những người nông dân nghèo khổ vì không có đất để canh tác, sẽ không thể không muốn chia sẻ ruộng đất của mình với họ. Nhưng lúc ấy thì liệu Kiti có đồng tình với chàng hay không? Nếu nàng sẽ không đồng tình, nếu sẽ một mực phản đối, vì lợi ích của mình và của con cái, thì còn đâu hạnh phúc gia đình mà nền tảng độc nhất là sự vợ chồng tâm đầu ý hợp? Chính sự bất đồng không thể khắc phục về vấn đề sở hữu trong đời thực sẽ trở thành bi kịch của gia đình Tolstoi, kéo dài ba thập niên và chỉ kết thúc với cái chết của ông.

“Tư tưởng nhân dân” và ‘tư tưởng gia đình” làm cốt lõi cho hai kiệt tác lớn nhất của nhà văn Tolstoi, đồng thời là hai giai đoạn quan trọng trong vận trình hình thành Tolstoi – nhà tư tưởng. Tâm đắc với hai tư tưởng ấy, Tolstoi bằng logic nội tại của sự khảo xét nghệ thuật đã đi đến xác tín về tính hữu hạn, tính tương đối của những giá trị phổ biến của nhân sinh như gia đình hay nhân dân – dân tộc. Với những giá trị tương đối, cần phải quý trọng, nhưng không thỏa mãn. Khao khát cái tuyệt đối, Andrei Bolkonski đã không thỏa mãn với chúng, và cả Konstantin Levin cũng sẽ không thỏa mãn. Còn Tolstoi, tác giả của những hình tượng văn học ấy, thì trong tương lai gần sẽ trải nghiệm sự khủng hoảng của những giá trị tương đối ấy và sẽ tìm cách thoát khỏi khủng hoảng.

(Còn tiếp)

PGS Phạm Vĩnh Cư (Theo Vietnamnet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *