HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA L. TOSTOI – HOẶC LÀ TẤT CẢ HOẶC KHÔNG CÓ GÌ!

Hơn 20 năm sau khi hoàn thành tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, Tolstoi viết thiên khảo luận dài “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta”, trong đó ông xác định ba kiểu nhân sinh quan: cá nhân luận, xã hội luận và thượng đế luận. Thế nào là nhân sinh quan cá nhân luận và thượng đế luận, thiết tưởng không cần giải thích, nhưng khái niệm “nhân sinh quan xã hội luận” của Tolstoi có một nội hàm đặc thù rất xác định: đó là nhân sinh quan xuất phát chỉ từ lợi ích của từng kiểu và từng cấp hợp quần (cộng đồng) người, từ gia đình đến quốc gia và liên minh quốc gia, mà giới hạn là toàn nhân loại.

Theo Tolstoi, các kiểu liên kết ấy cùng với nhân sinh quan thích ứng với chúng là những thực tại lịch sử trong những điều kiện nhất định cần thiết cho con người, nhưng do bản chất vị kỷ của chúng mà luôn luôn có sức mạnh nô dịch con người, trói buộc nó, làm tha hóa nó, che khuất khỏi mắt nó cái chân và cái thiện đích thực, nếu con người không hấp thụ và lấy làm kim chỉ nam cho mình cái nhân sinh quan”thượng đế luận”, yêu thương tất cả mọi sinh linh con người như nhau và không dành cho bất kỳ một người nào hay một hợp quần người nào một ưu đãi, một đặc quyền đặc lợi nào. Và chỉ yêu kính Thượng Đế và đoàn kết triệt để trong Thượng Đế thì loài người mới có cơ dựng xây trên trái đất một cuộc sống thiện hảo, trong ngôn ngữ tôn giáo gọi là Vương quốc của Thiên Chúa (Nước Trời).

Trở lại với tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, ta thấy cái nhân sinh quan “thượng đế luận” ấy tuy chưa hoàn bị và chưa được ý thức rõ ràng, song đã hiện diện trong nhãn thức của tác giả và các nhân vật mà ông yêu quý nhất. Chính cái nhãn thức được quán triệt ấy bảo đảm cho tác phẩm của ông sức sống lâu bền, điều mà không thể nói về những “tiểu thuyết – sử thi” của nhiều tác giả ở nhiều nước khác nhau, bắt chước nghệ thuật của Tolstoi nhưng xa lạ hay không hấp thụ nhiều nhuần nhuyễn nhãn thức “thượng đế luận” của ông.

 

Xin chuyển sang thí dụ thứ hai – đó là bài viết “Gửi đại hội Slavơ ở Sofia”, hoàn thành vào thượng tuần tháng Bảy 1910 – chỉ bốn tháng trước khi Tolstoi qua đời. Lý do của bài viết này là thư mời tham dự Đại hội của các dân tộc Slavơ được tổ chức ở Sofia, thủ đô nước Bungari mới giành được độc lập chính trị sau năm thế kỷ bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ. Mặc dù trong thư mời được nhấn mạnh rằng đại hội này sẽ tuyệt không bàn đến những vấn đề chính trị mà chỉ nhằm mục đích đoàn kết và liên kết các nước và dân tộc Slavơ về mặt văn hóa – kinh tế, Tolstoi đã gửi đến đại hội một thông điệp có tính phê phán rõ rệt. Do thông điệp này ngắn gọn, xin dẫn ra dưới đây hầu như toàn văn:

“Đoàn kết con người, chính sự đoàn kết mà nhân danh nó các vị tập trung lại với nhau, không những là công việc quan trọng nhất của nhân loại, mà tôi còn thấy trong sự đoàn kết ấy có cả ý nghĩa, cả mục đích và hạnh phúc cuộc sống con người. Nhưng để cho hoạt động ấy mang lại ân phúc, cần làm sao để nó được thấu hiểu trong tất cả ý nghĩa của nó, không bị hạ thấp, hạn chế hoặc xuyên tạc. Cần phải là như vậy đối với tất cả mọi hoạt động quan trọng nhất của loài người, như tôn giáo, tình yêu, sự phục vụ nhân loại, khoa học và nghệ thuật. Tất cả cho đến cùng, đến tận những kết luận cuối cùng, cho dù chúng có xa lạ hoặc khó chịu đến thế nào đi chăng nữa cho ta. Hoặc là tất cả hoặc không có gì. Chẳng thà không có gì, chứ không phải là một vài thứ, bởi vì tất cả những hoạt động vĩ đại nhất của tâm hồn con người, nếu không thực hiện đến cùng thì không những không hữu ích, không mang lại lợi ích gì, cho dù nhỏ nhoi nhất, mà còn có sức phá hủy và hơn tất cả những điều khác ngăn cản đạt tới cái đích mà chúng tưởng chừng hướng tới.
f
Tostoi đi sau cái cày, sau con ngựa trắng trên cánh đồng buồi sáng còn ướt đẫm sương…

Không phải nghi ngờ gì nữa, những con người đoàn kết bao giờ cũng mạnh hơn những người chia rẽ. Gia đình mạnh hơn những cá thể. Một băng cướp bao giờ cũng mạnh hơn những tên cướp một mình. Cộng đồng mạnh hơn những cá thể riêng biệt. Một quốc gia được đoàn kết bằng lòng ái quốc mạnh hơn các sắc tộc sống tách biệt. Nhưng vấn đề là ở chỗ, ưu thế của những người đoàn kết so với những kẻ tách biệt và hậu quả không tránh khỏi của ưu thế đó, sự nô dịch hay ít nhất là sự bóc lột những người tách biệt lấy, tự nhiên gợi cho những người ấy nguyện vọng đoàn kết, thoạt đầu để chống lại bạo lực, rồi sau đó để thực hiện bạo lực.

Dĩ nhiên, khi đã gánh chịu cái ác do sự liên kết của các nhà nước Áo, Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, thì các dân tộc Slavơ có nguyện vọng đoàn kết nhằm chống lại cái ác đó, nhưng khối liên kết mới đó, giả dụ nó được thành lập, tất yếu sẽ bị lôi kéo vào kiểu hoạt động y như vậy, không những để đối phó với các liên minh khác, mà còn để đàn áp và bóc lột những liên minh yếu hơn, nghèo hơn, và chống lại những cá nhân riêng biệt.

Đúng, đoàn kết là ý nghĩa, mục đích và hạnh phúc của đời sống nhân loại, nhưng mục đích và hạnh phúc ấy chỉ đạt được khi đây là sự đoàn kết toàn thể nhân loại, vì một nền tảng chung cho toàn nhân loại, chứ không phải là sự liên kết mấy nhóm nhỏ hoặc lớn của nhân loại vì những mục đích hạn chế, cục bộ. Cho dù đó là những liên kết gia đình, hay đảng cướp, hay cộng đồng, hay quốc gia, của một dân tộc hay của “liên minh thần thánh” giữa các quốc gia, những liên kết như vậy không những không trợ giúp, mà còn cản trở sự tiến bộ chân chính của loài người.

Và vì vậy để phục vụ hữu thức cho sự tiến bộ chân chính, ít nhất tôi nghĩ như thế, cần không ủng hộ tất cả những liên kết cục bộ như thế, mà phải luôn luôn chống lại chúng. Đoàn kết là chìa khóa giải phóng con người khỏi cái ác. Nhưng để chìa khóa đó thực hiện được chức năng của mình, cần đẩy nó đến cùng, đến chỗ nó phải mở ra, chứ không được để nó bị gãy và làm hỏng ổ khóa. Đoàn kết cũng cần phải như vậy, để đạt được những kết quả đại phúc đại hạnh thích hợp với nó, nó phải nhằm mục đích liên kết tất cả mọi người, vì một khởi nguyên chung cho tất cả nhân loại, được tất cả mọi người thừa nhận như nhau. Mà sự liên kết đó chỉ có thể là liên kết dựa trên cơ sở tôn giáo của đời sống, – cái cơ sở mà chỉ có nó mới đoàn kết mọi người, nhưng tiếc thay lại bị đa số những người đang lãnh đạo các dân tộc trong thời đại chúng ta cho là đã lỗi thời, không cần thiết.

Người ta sẽ bảo tôi rằng: chúng tôi thừa nhận nền tảng tôn giáo đó, nhưng không chối bỏ cả nền tảng nối kết các bộ lạc, dân tộc, quốc gia. Nhưng vấn đề là ở chỗ cái này loại trừ cái kia. Nếu thừa nhận mục đích cuộc sống nhân loại là đoàn kết toàn thế giới, mang tính tôn giáo, thì bản thân sự thừa nhận ấy phủ định mọi cơ sở đoàn kết khác và ngược lại, sự thừa nhận là cơ sở của đoàn kết yếu tố bộ lạc, dân tộc, quốc gia – ái quốc tất yếu sẽ phủ định nguyên lý tôn giáo như là nền tảng thực sự của cuộc sống nhân loại.

Tôi nghĩ, tôi hầu như tin chắc rằng những ý nghĩ mà tôi đã trình bày sẽ bị coi là bất khả thi và không đúng đắn, nhưng tôi cho rằng mình có nghĩa vụ phải nói thẳng ra điều đó với những người mà, bất chấp sự phủ định chủ nghĩa ái quốc bộ lạc và dân tộc nơi tôi, dù sao đi nữa cũng gần gũi với tôi hơn những người thuộc dân tộc khác. Nói một điều to lớn hơn nữa, vứt bỏ những suy tính về việc, căn cứ vào những lời nói này của tôi người ta có thể cáo buộc tôi thiếu nhất quán và mâu thuẫn với chính mình, tôi xin nói rằng điều đặc biệt đã khiến tôi phải nói ra những gì mà tôi vừa trình bày, niềm tin của tôi vào việc cái nền tảng tôn giáo của sự đoàn kết đại đồng ấy, mà chỉ một mình nó có thể đoàn kết ngày một nhiều người hơn và dẫn họ đến với hạnh phúc phù hợp với bản tính của họ, rằng nền tảng ấy sẽ được tất cả các dân tộc trong thế giới Ki tô giáo tiếp nhận, trước hết là các dân tộc thuộc nòi giống Slavơ”.

Bài viết này cho thấy rất rõ những đặc điểm nổi bật của cái lối suy luận, cái nếp tư duy nơi nhà tư tưởng Tolstoi. Có thể gọi nó bằng một từ – cực đoan, thể hiện ở ngay phương châm mà ông đã không ngần ngại đưa ra: “Hoặc là tất cả hoặc không có gì”. Chủ trương đoàn kết toàn nhân loại và lấy đó làm đích, Tolstoi gạt bỏ mọi hình thức liên kết trung gian, nhìn thấy ở chúng những chướng ngại vật cho sự đạt tới đích cuối cùng ấy. Gia đình, tổ quốc bị đặt lên cùng một mặt bằng với đảng cướp – cơ sở của chúng là chủ nghĩa ích kỷ vụ lợi. Tất cả các liên minh ít nhiều mang tính cục bộ, không chỉ những liên minh quốc gia – chính phủ (Tolstoi là người theo chủ nghĩa vô chính phủ triệt để) mà cả những tổ chức nay gọi là phi chính phủ, cũng đều bị coi là đi ngược lại tôn chỉ đoàn kết toàn nhân loại và bị lên án.

Chỉ cần hỏi Tolstoi: thế nhưng để đấu tranh cho sự đoàn kết toàn nhân loại ấy từng con người riêng lẻ phải dựa vào, phải tham gia ít nhất một tổ chức nào chứ? Thì ông sẽ không trả lời (thực ra ông có câu trả lời, xin được nói đến sau). Thành thử bắt bẻ Tolstoi là việc rất dễ, và biết bao người đã bắt bẻ ông, nói thẳng với ông: sự cực đoan quá khích là phản chỉ định, là không thể chấp nhận ở nhà triết học, nhà tư tưởng xã hội. Thế nhưng Tolstoi không hề sửa đổi, vẫn tiếp tục cực đoan, như ta thấy, cho đến khi từ giã cõi đời này. Tại sao lại thế? Đơn giản: cực đoan (đẩy đến cực độ) là lợi thế và lợi khí của tư duy nghệ thuật, và Tolstoi, nghệ sĩ vĩ đại, không ngần ngại sử dụng nó trong những thể loại diễn ngôn phi nghệ thuật.

Và sự lạm dụng ấy, trong trường hợp Tolstoi, lại đem đến những hiệu quả bền vững tuy không ngay lập tức. Đọc văn nghị luận của Tolstoi, rất nhiều khi ta có cảm tưởng rằng ông viết về ngày hôm nay của đất nước chúng ta, thế giới chúng ta. Cái trực giác, cái linh giác nghệ sĩ đã giúp nhà tư tưởng Tolstoi nắm bắt không sai lầm những vấn đề mới chớm nở trong xã hội thời ấy nhưng sẽ trở thành những vấn nạn của xã hội ngày nay, những ung nhọt mới nảy sinh trên cơ thể nhân loại mai sau sẽ biến thành những ổ ung thư.

Đọc lại bài “Gửi đại hội Slavơ ở Sofia” và liên hệ với thực tại của thế giới trong thế kỷ qua và ngày nay, với những khẩu hiệu đoàn kết mị giai cấp, mị nhân dân, mị dân tộc và cả mị nhân loại siêu hiệu quả, với sự lộng hành của đủ mọi kiểu liên kết, liên minh hoạt động nhân danh nào giai cấp, nào nhân dân, nào dân tộc, nào nhân loại nhưng trong thực tế lấy những lợi ích vị kỷ cục bộ của mình thay cho lợi ích của cả giai cấp, cả nhân dân, cả dân tộc, cả nhân loại, và với những tai họa toàn cầu hiện nay mà chỉ có thể khắc phục bằng sự đoàn kết thực sự của mọi người trên hành tinh này, vượt mọi rào cản của các liên minh nói trên, lẽ nào không thừa nhận sự nhìn xa thấy trước phi thường của Tolstoi, chân lý anh minh trong cái tưởng là sự cực đoan mất trí của ông?

*

* *

Ngay với một trí tuệ hùng mạnh và một lương tri nhạy sắc như ở Tolstoi, con đường đến với những chân lý anh minh ấy không thể chóng vánh, thẳng tắp và phẳng phiu, những thu lượm không thể không đi kèm với những mất mát. Với nhiều năng lực dồi dào trời cho như thế, mà từng năng lực riêng lẻ đã là quá đủ cho một đời người, Tolstoi ngoài sáng tác văn học, từ trẻ đã thử sức mình trong hoạt động quân sự, hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục, mà trong từng hoạt động ấy ông đều thể hiện rõ nét bản sắc và bản lĩnh cá nhân của mình.

Ở đây không thể không nhắc đến một công trình thời trẻ bị bỏ dở của ông – “Đề án về cải tổ quân đội” (1855). Nó đã chứa đựng những hạt nhân của lập trường kiên định và không khoan nhượng chống chủ nghĩa quân phiệt, chống chiến tranh, chống bạo lực đặc trưng cho tư tưởng Tolstoi trong tương lai. Cái chủ nghĩa hòa bình không biết nhượng bộ của Tolstoi, cái thái độ bài bác triệt để quân đội và nghề binh nơi ông nảy sinh từ kinh nghiệm cá nhân, từ những quan sát thực tế trong mấy năm ông làm lính, rồi làm sĩ quan. Sự cưỡng bức thô bạo, sự chà đạp nhân phẩm của con người, sự biến con người thành công cụ vô hồn thực hiện mọi mệnh lệnh của cấp trên bất cứ chúng là thế nào – những tệ nạn muôn đời và phổ biến của nghề binh và giới binh sĩ mà Tolstoi đã chứng kiến tận mắt và một phần đã trải nghiệm bằng thân thể sẽ trở thành xuất phát điểm để Tolstoi quan trắc, phát lộ và kiến giải cũng những tệ nạn ấy trong xã hội loài người nói chung.

Từ nhận định bao quát về những điều kiện sống không xứng đáng với con người ấy, Tolstoi rút ra kết luận về một điều kiện không thể thiếu và tiên quyết cho cuộc sống xứng đáng – tự do. Tự do trong mọi bình diện và mối quan hệ của nó cần được xem như là một cảm hứng thường trực, tuy ẩn kín và một đối tượng tìm kiếm hàng đầu trong suốt đời hoạt động của Tolstoi. Tự do là yêu cầu và tiêu chí cơ bản trong lý thuyết về giáo dục và đào tạo của Tolstoi, được xác nhận bởi kinh nghiệm thực tiễn của ông với tư cách nhà sư phạm và người tham gia tổ chức nền giáo dục bình dân ở Nga vào những năm 60 – 70 thế kỷ XIX.

Những quan điểm về giáo dục của Tolstoi, được trình bày tập trung trong một loạt bài viết chuyên sâu vào những năm 1862-1863 và được ông kiên trì bảo lưu, đã là tiên tiến trong thời đại của ông, vẫn là tiên tiến trong thời đại ngày nay và đặc biệt cho Việt Nam ta nơi nền giáo dục, đi chệch quỹ đạo từ 1945, đang đòi hỏi những tâm lực và trí lực phi thường để cứu sống. Không phải ngẫu nhiên mà ngay khi nhà văn Nga còn sống, những công trình nghiên cứu về Tolstoi – nhà sư phạm đã xuất hiện ở phương Tây. Và sự không thành công trong hoạt động giáo dục, cũng như việc bỏ dở đề án về cải tổ quân đội vì biết trước nó sẽ không được chấp nhận chỉ chứng minh trong cả hai lĩnh vực ấy Tolstoi đã đi trước thời đại mình (và có khi mọi thời đại) đến đâu.

(Còn tiếp)

PGS Phạm Vĩnh Cư (Theo Vietnamnet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *